Sự tích thú vị về ý nghĩa của Di Hòa Viên
- Mộc Mai
- •
Di Hòa Viên được xây dựng vào thời Hoàng đế Càn Long triều nhà Thanh, trong lịch sử 260 năm từng bị liên quân Anh Pháp, liên quân tám nước (Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Ý, Nhật, Nga và Đế quốc Áo-Hung) và loạn lạc thời quân phiệt liên tục hủy hoại. Sau này Di Hòa Viên được trùng tu và trở thành một thắng cảnh nổi tiếng. Đằng sau quần thể kiến trúc này cũng có những câu chuyện thú vị.
Người ta nói rằng cách bố trí của Di Hòa Viên khéo léo ẩn chứa ba chữ “Phúc, Lộc, Thọ”. Nếu nhìn từ trên cao xuống hồ Côn Minh trong Di Hòa Viên sẽ nhận thấy ẩn ý trong bố cục sơn thủy của Hoàng đế Càn Long: Hồ Côn Minh trông giống như trái đào mừng thọ.
“Trái đào mừng thọ” này chính là dấu ấn của hoàng đế Càn Long để mừng đại thọ hoàng thái hậu, thể hiện lòng hiếu thảo với mẹ. Người đời nói về hồ Côn Minh và núi Vạn Thọ thì dùng câu thành ngữ “phúc sơn thọ hải”. Vào ngày lễ Phật đản năm thứ 25 Càn Long, sau khi làm lễ báo ân tại chùa Trường Thọ, ông còn đặc biệt làm thơ: “Từ thọ hy như sơn dạng sùng”, hàm ý kính chúc mẹ sống lâu như núi cao non thẳm.
Tương truyền, Hoàng đế Càn Long đã ra lệnh cho Lôi Đình Xương, tổng quản kiến trúc hoàng gia, phụ trách thi công Di Hòa Viên. Nhưng Càn Long yêu cầu trong vườn phải thể hiện được ba chữ “Phúc, Lộc, Thọ”.
Trong lúc Lôi Đình Xương đang lo lắng về hình dạng của thiết kế thì bất ngờ có một ông già đến thăm và ở lại một đêm. Ngày hôm sau ông già trước khi rời đi đã lấy ra từ trong túi một quả đào đặt trên bàn, ngay lúc đó lại bất ngờ có một con dơi xuất hiện. Điều này vô tình đã gợi ý cho Lôi Đình Xương. Lôi Đình Xương lập tức vào phòng mở bản vẽ hạ bút ghi tám chữ “Đào sơn thủy bạc, Tiên bức bổng thọ”, nghĩa là dơi tiên dâng đào mừng thọ.
Các nhà nghiên cứu cho rằng nhìn từ ảnh chụp trên cao của Di Hòa Viên có thể thấy các biểu tượng của ba chữ “Phúc, Lộc, Thọ”. Hồ Côn Minh có hình dáng là một quả đào lớn mà cuống của nó là con sông dẫn nước vào hồ qua cửa Tây Môn quan nằm ở góc phía bắc của Di Hoà viên. Con đê hẹp mà dài ở phía chếch mặt hồ tạo ra vết rãnh trên quả đào rất hoàn chỉnh.
Dãy hành lang dùng làm đường đi lại men theo hồ Côn Minh ngay sát chân núi Vạn Thọ thì giống như đôi xương cánh của một con dơi đang dang ra. Đường hành lang ở bờ bắc hồ Côn Minh thì rõ ràng là hình một cánh cung mà phần thâm nhập vào lòng hồ hình thành phần đầu của con dơi, phần nhô ra một cách đơn độc được dùng làm bến thuyền cho khách du ngoạn hồ Côn Minh chính là mõm của con dơi đó. Đường hành lang vươn dài sang hai phía tả hữu chính là đôi cánh dơi đang vươn ra. Đoạn hành lang ở phía đông và mái hiên nhà Ngư Tảo thâm nhập vào mặt nước và bởi đoạn hành lang ở phía tây tạo thành đôi móng chân trước của con dơi, còn núi Vạn Thọ và cái hồ phía sau núi tạo thành thân của con dơi.
Cây cầu Thập Thất Khổng ở phía đối diện núi Vạn Thọ thì tựa như chiếc cổ của một con rùa đang vươn dài, mà đầu của nó chính là hòn đảo nhỏ giữa hồ Côn Minh.
Các hoàng đế triều Thanh đều sùng bái Phật giáo, các đời vua Thuận Trị, Khang Hy, Ung Chính và Càn Long đều để công sức nghiên cứu Phật giá. Vào thời đó, các hoạt động của chùa trong Di Hòa Viên khá nhiều, núi Vạn Thọ luôn hương khói nghi ngút.
Vào năm Càn Long thứ 18, công trình lầu các Phật Hương vẫn chưa hoàn thành, đến lễ tắm tượng Phật, hoàng đế Càn Long làm lễ Phật tại chùa Trường Thọ để báo ân. Từ khi chùa Trường Thọ báo ân xây xong, ngay cả vào lễ mừng xuân mới náo nhiệt Càn Long cũng tranh thủ đến lễ Phật. Trong lễ hội Phật giáo, Càn Long không bao giờ quên đi báo ân tại chùa Trường Thọ.
Theo Vision Times tiếng Trung
Mộc Mai biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Di Hòa viên Cung điện mùa hè