Tại sao thanh niên “sợ” nông thôn?
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Cho dù đã rời xa bục giảng đại học một thời gian, nhiều bạn trẻ vẫn gọi tôi là “thầy” và tâm sự đủ thứ chuyện từ chuyện học đến chuyện đời. Đôi khi tôi giật mình trước nhưng câu hỏi của các bạn trẻ gửi cho tôi qua email hoặc Facebook, chẳng hạn như câu hỏi này “Thầy ơi, em có thể hỏi thầy một câu được không? Sự khác nhau về sự thị phi giữa môi trường thành thị và nông thôn. Vì sao đó là lý do khiến người trẻ chán ghét và xa rời nơi mình sinh ra. Mong nhận được phản hồi của thầy!”.
Vấn đề bạn trẻ trên đặt ra rất thú vị và đáng suy ngẫm. Cho dù không phải là một nhà xã hội học, tôi cũng ngồi xuống, trầm tư suy nghĩ và đưa ra một vài lý do theo cách hiểu của mình.
Là một người sinh ra, lớn lên ở nông thôn sau đó rời xa nông thôn khá lâu để sống ở nước ngoài và đô thị và giờ thì thì đi đi về về giữa nông thôn và thành thị, tôi thấy một thực tế ngày càng hiện hữu là có một khoảng cách rất lớn giữa lối sống giữa nông thôn và đô thị, giữa những người sống ở làng nhất là độ tuổi trung niên trở lên với những thanh niên đã thoát ly nông thôn lên sống ở thành phố.
Một trong những lý do lớn làm cho thanh niên vốn sinh ra ở nông thôn trở nên… chán nông thôn là gánh nặng “thị phi”, nghĩa là họ e ngại bản thân mình bị cuốn vào môi trường ở đó cá nhân luôn bị những người xung quanh chỉ trích và phán xét từ đời sống cá nhân tới giá trị quan.
Tại sao lại như vậy?
Thứ nhất sự “thị phi” sinh ra từ sự rảnh rỗi. Do đô thị hóa ngày càng có nhiều người ở nông thôn không làm ruộng mà đi làm ở nhà máy, công xưởng, tuy nhiên số người không có việc làm thường xuyên ở nông thôn vẫn rất đáng kể.
Khi nhàn rỗi, tất yếu người ta sẽ phải tìm trò gì đó giải trí. Người biết văn chương nghệ thuật sẽ đắm chìm vào văn chương nghệ thuật. Người biết chơi thể thao sẽ say mê chơi thể thao. Người không biết hình thức giải trí nào lành mạnh thì sẽ sa đà vào rượu chè, cờ bạc, hút xách…
Đây là những hình thức giải trí tốn kém tiền bạc. Cũng có trò giải trí khác, không tốn kém, dễ tham gia là… ngồi lê đôi mách. Chỉ cần vài người tụ lại là có thể nói chuyện trên giời dưới biển, chuyện từ làng đến chuyện quốc gia, quốc tế.
Khi đó, vui miệng, người ta có thể đưa ra bàn luận những chuyện riêng tư của nhà khác, người khác. Một thành hai, hai thành mười và cứ thế lời đồn đại lan xa vang đến tai đương sự. Kết quả là dẫn đến chuyện không vui.
Hơn nữa, trong nhiều trường hợp còn có những kẻ xấu “mượn gió bẻ măng” để tung tin thất thiệt hoặc cài cắm, thêm thắt các bình luận ác ý.
Chuyện người làng biết rõ chân tơ, kẽ tóc sinh hoạt của từng gia đình là đương nhiên. Lớp trẻ đương nhiên khó chịu với chuyện này. Những ai đã quen sống ở thành phố khi về nông thôn cũng sẽ rất choáng váng khi bị hỏi những câu đầy tính riêng tư hoặc nghe người khác nói về những chuyện riêng tư của mình một cách rất thản nhiên. Nếu bạn từ thành phố về nông thôn, bạn đừng ngạc nhiên khi người ta có thể kể vanh vách thu nhập và tài sản của từng người trong cộng đồng làng xã thậm chí kể cả… bạn.
Xưa nay trong văn chương và trong cuộc sống hàng ngày, như một thói quen, người ta thường mỹ hóa nông thôn và mỹ hóa những cuộc chuyện trò nơi bờ tre, góc ruộng như là diễn ngôn về cuộc sống trữ tình.
Tuy nhiên, hệ lụy của chuyện ngồi lê đôi mách và áp lực của tin đồn chuyển hóa thành dư luận là hiện hữu khó chối cãi.
Hai là không gian sinh hoạt và lề lối sinh hoạt ở nông thôn không tôn trọng cá nhân và sự riêng tư.
Lớp trẻ là những người nhận thức sâu sắc hơn các thế hệ trước về quyền riêng tư và giá trị cá nhân. Trong khi từ lứa tuổi trung niên về trước ở nông thôn không hề có ý niệm về riêng tư và giá trị cá nhân. Cứ nhìn các ngôi nhà ở nông thôn thì biết.
Nó thích hợp với sinh hoạt bình quân và cộng đồng, không thích hợp với sinh hoạt đảm bảo riêng tư. Các gia đình sống gần nhau, biết rõ mọi chuyện về nhau, các thành viên trong gia đình trò chuyện với người làng xã về chuyện của gia đình mình…
Hệ quả là các thông tin cá nhân được truyền đạt và khuếch đại theo đường truyền miệng đi rất xa.
“Trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã hay” là câu nói diễn tả rất chính xác chuyện này. Trong lối sống đó, không có gì là “riêng tư” nữa.
Ba là chủ nghĩa bình quân và tâm lý đố kị. Chủ nghĩa bình quân ai cũng như ai tồn tại rất lâu ở nông thôn và có sức sống rất mạnh mẽ. Ai cũng như ai là biểu hiện của cuộc sống bình yên.
Sáng đi cày, chiều cấy lúa. Tối về ăn cơm rau xong ra hiên xỉa răng nghe diều. Cuộc sống ở nông thôn trong rất lâu từng là như thế và nhà nào đại khái cũng thế. Những nhà khá giả hơn hay có nếp khác sống khác rất ít và nếu có thì thường rơi vào các trường hợp là lý dịch, phú hộ. Bình quân hay công bằng ở nông thôn được hiểu là “chia đều rủi ro và nghèo khó”.
Tuy nhiên từ khi “đổi mới” đến nay, nhiều gia đình ở nông thôn giàu lên và nông thôn đã thay hình đổi dạng. Tâm lý coi trọng “chủ nghĩa bình quân” khi va đập với hiện thực này đã làm nảy sinh lòng đố kị rất lớn.
“A! Nhà thằng X xây to quá. Không được. Nó làm thế nào có tiền mà xây nhà to thế! Bố nó chứ ba đời ăn cháo mà giờ tinh vi”.
“Ô! Nhà đứa Y sao con nó làm gì mà giờ lắm tiền thế? Chắc lại tham ô chứ gì? Ăn gì ăn lắm thế mà không chịu giúp đỡ lôi kéo người khác đi cùng chỉ biết cái thân mình”.
“Ôi dào! Con nhà A học giỏi nhưng mà cứ vênh vênh đến ghét. Học giỏi đi nữa thì ra trường cũng thất nghiệp thôi, tiền đâu mà chạy việc. Chưa gì đã tinh vi”.
“Cùng đồng niên 198X, thế mà thằng Y thì sướng thế mà sao thằng Z lại khổ thế. Một bên thì ăn trắng mặc trơn một bên thì cháo chả có ăn”.
Vì tôn thờ và hành xử trong vô thức theo “chủ nghĩa bình quân” cho nên sự thông cảm, thương yêu có xu hướng chỉ dành chủ yếu cho những người yếu thế hơn hay kém may mắn hơn. Ở nông thôn, người bất hạnh hay nghèo khó hơn hẳn những người trung bình ở trong cộng đồng sẽ dễ được thông cảm và chia sẻ hơn những người giàu hơn hẳn hay nổi bật hơn hẳn cộng đồng xung quanh.
Bốn là sự áp chế về giá trị quan và lẽ sống. Điều này rất nặng nề trong xã hội đương đại đặc biệt là ở nông thôn.
Trong hình dung của đại đa số, cuộc đời là một con đường thẳng tắp và rõ ràng. Nó có những nấc thang rất rõ được đo đạc bằng con số hay hình ảnh nhìn thấy, sờ thấy.
Chẳng hạn, sinh ra, lớn lên, đi học, thi đỗ, vào đại học, đi làm công chức, thăng quan, có tiền, vinh quy bái tổ, gia ân, gia uy với họ hàng, làm xóm, kiến thiến chùa chiền lấy tiếng, con cháu đầy đàn rồi chết làm ma to.
Hoặc một con đường khác là lớn lên, lấy vợ, lấy chồng, cố gắng làm ăn kiếm thật nhiều tiền, đẻ nhiều con, xây nhà to, sắm sửa vật dụng tiện nghi sang trọng, ăn uống linh đình, phô bày giàu sang…
Ngoài con đường đó ra, ai sống khác, có cuộc đời khác là kì dị hoặc thất bại.
“Anh không có con trai ư? Vứt nhé! Đi ăn cỗ thì ngồi mâm dưới đi! Chết thì lấy đâu ra thằng chống gậy!
“Anh không kết hôn à? Thế chắc là có vấn đề rồi. Hay là không có chim? Anh có gia đình tan vỡ à? Chắc là mả nhà anh không đặt đúng chỗ bị động rồi!”
“Anh học cao thế mà nghèo à? Chắc là bị phốt gì hay là chỉ là mọt sách chứ gì! Học thế vứt đi…”.
“A! Chị kia xinh thế mà không kết hôn à? Có tiền rồi chảnh chứ gì?”.
Tâm lý nói trên dẫn đến chuyện từ gia đình đến họ hàng, làng xóm đều thích can thiệp, chỉ đạo, định hướng giá trị quan, lối sống của người khác theo ý mình. Dân gian nói vui là “xắn quần đùi lội vào đời tư người khác”.
Ngày xưa đi học văn các cô ở trường chỉ thao thao giảng về cái dở của nhân vật Hoàng trong “Đôi mắt” rồi kết luận rằng loại văn sĩ đó không biết thông cảm với nỗi khổ của “quần chúng nhân dân” chứ không có mấy cô gợi cho học sinh suy nghĩ về cái dở của nông thôn và những điểm yếu của “quần chúng nhân dân” cả.
Giới trẻ có ý thức về bản thân và riêng tư sẽ rất bực bội và khổ sở về điều này. Tuy nhiên, khổ sở là một chuyện, tâm hồn có đủ lành mạnh và bản lĩnh để chống lại không lại là điều khác.
“Người ta thế nào thì mình thế ấy”, “phải thích nghi để sinh tồn” là những triết lý cửa miệng để nhiều bạn trẻ biện hộ cho sự tha hóa hoặc đầu hàng của bản thân khi bị những người xung quanh áp chế về tư tưởng, giá trị. Đến lượt mình, họ lại trở thành người đi áp chế người khác.
Bởi thế cho nên, nhiều bạn trẻ lớn lên ra thành phố học, đi làm không muốn về quê. Không chỉ là không muốn sống ở quê mà về chơi dần dần cũng sợ. Nhiều bạn trẻ cô độc hoặc khổ sở trong chính gia đình mình, ngôi nhà của mình mà không biết bày tỏ cùng ai.
Nông thôn Việt Nam hiện nay đang bị kẹt giữa ngã ba đường. Không gian truyền thống vốn có bị phá vỡ trong khi không gian mới hiện đại – văn minh chưa sinh thành.
Cùng với sự biến mất của cây đa, bến nước, sân đình là sự thoái hóa hoặc biến mất của những gì tốt đẹp trong tâm tính làng quê như sự hồn nhiên.
Thay vào đó, tivi, internet, xe máy, ô tô, nhà tầng, biệt thự xuất hiện rất nhiều và nhanh. Về cơ bản những gì mua được bằng tiền sẽ có rất nhanh nhưng lối sống hiện đại và không gian văn hóa cho một lớp người không còn sợi dây gắn bó với không gian truyền thống lại chưa có. Hậu quả của nó là đổ vỡ giá trị và sự liên kết giữa các thế hệ và các cá nhân trong cộng đồng.
Những người trẻ hướng về phía trước muốn tiến lên trong khi nhiều bậc “cha chú” lại chỉ nhìn về “ngày xưa” và níu kéo. Nhìn một cách lịch sử thì sự đổ vỡ trên của nông thôn Việt Nam cũng từng thấy ở nông thôn nhiều nước trên thế giới.
Ở Việt Nam, sự hoang mang trong buổi giao thời của thanh niên đầu thế kỉ 20 phản ánh rất rõ trong thơ Nguyễn Bính, và văn của Tự lực văn đoàn. Ta cũng có thể thấy tâm trạng ấy ở các thanh niên Nhật Bản trong các tác phẩm của Natsume Soseki và nhiều nhà văn khác thời Minh Trị (1868 – 1911).
Có thể thấy sự khủng hoảng của nông thôn, của thanh niên Việt Nam đầu thế kỉ XX trước làn song văn minh phương Tây và lối sống đô thị khi ấy là “sự khủng hoảng tuổi dậy thì” còn sự khủng hoảng của nông thôn nước ta bây giờ là gì thì thật khó gọi tên.
Nguyễn Quốc Vương
Đăng lại từ Blog Người Bán Sách Rong (nguoibansachrong.com)
Tham khảo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
Mời xem video:
Từ khóa Nguyễn Quốc Vương thành phố và nông thôn