Tâm sự của người họa sĩ đằng sau một bức tranh về đức tin kiên định
- Minh Nhật
- •
“Sứ mệnh của tôi là vẽ bức tranh này”, cô gái Đài Loan Chin-Chun Liu nói về tác phẩm của mình – bức tranh sơn dầu lớn mà cô vẽ dựa trên một câu chuyện có thật về đức tin. Bức tranh được trao huy chương bạc trong lễ trao giải cuộc thi Vẽ tranh Quốc tế NTD lần thứ 5 tại Câu lạc bộ Nghệ thuật Solomon Salmagundi ở thành phố New York 2 năm trước.
Một người phụ nữ trẻ trên đôi chân trần, đứng trong một vòng tròn nhỏ vẽ trên mặt đất, tay bị cùm, bên cạnh chân cô là dụng cụ tra tấn, phòng giam mờ tối, chiếc váy nâu sáng nhã nhặn, bàn tay nắm chặt thể hiện một quyết tâm không lay chuyển. Xung quanh cô là những kẻ đang dụ dỗ, chế nhạo, lên lớp, đe dọa, đánh đập và quấy rối, như hòa cùng với cái hắc ám của căn phòng. Tuy nhiên người thiếu nữ không để ý đến hoàn cảnh của bản thân, cô đang nhìn lên trên, kiên quyết và rạng rỡ, sức mạnh của lòng kiên định đến từ điều mà những kẻ xung quanh cô không thể nào cảm nhận được.
Bức tranh Liu vẽ dựa trên câu chuyện có thật của Zhang Yije, một cô gái từng bị giam trong trại lao động Bắc Kinh vì kiên trì giữ vững đức tin của mình. Liu đã nghe câu chuyện của Yije qua một chương trình radio và vô cùng cảm động khi được biết về sự tẩy não và tra tấn mà Yije đã trải qua trong một trại lao động Trung Quốc.
“Cô ấy bị cấm ngủ, bị tra tấn tinh thần, họ đọc cho cô nghe lời nhắn của người thân trách móc cô, và cô ấy phải lao động trong trại”, Liu kể. Đánh đập, tra tấn, nhục mạ, những gì chúng ta thấy trong tranh chính là điều mà Yije đã trực tiếp trải qua. “Nhưng với đức tin, cô ấy đã không oán hận – kể cả với những người đã đối xử tệ với mình. Không có đức tin như thế, người ta không thể vượt qua được khổ đau và tra tấn. Tôi đã rất cảm động. Tôi muốn vẽ câu chuyện của cô.”
Lúc đầu, Liu rất lo lắng. Cô chưa bao giờ vẽ một bức tranh lớn như vậy: 2 x 1,7 mét. Hơn nữa, làm thế nào để thể hiện hết câu chuyện trên một bức vẽ đây?
“Đó là một bước đột phá về mặt nghệ thuật đối với tôi”, Liu kể. Cô đã mất khoảng 2 tháng để lên ý tưởng và hoàn thành tác phẩm trong nửa năm. “Xung quanh cô ấy là sự hỗn loạn”, Liu giải thích. “Các sắc thái sáng tối, sự tương phản giữa lạnh và ấm, phản ánh các nhân vật chính diện và phản diện. Cô ấy đang cho thấy một thực tế rằng cho dù thế giới bên ngoài có hỗn loạn đến đâu thì một người có đức tin kiên định vẫn không bị lay chuyển. Không thứ gì có thể ảnh hưởng được đến cô ấy”.
Nguyên mẫu của người thiếu nữ trong tranh, Zhang Yije, là một tù nhân lương tâm, bị bắt giữ chỉ vì kiên trì tu luyện Pháp Luân Công. Dù bị tẩy não và tra tấn, Yije vẫn kiên định, bất chấp cuộc đàn áp Pháp Luân Công diễn ra từ năm 1999 tại Trung Quốc.
Chủ đề của bức tranh, mặc dù miêu tả cụ thể về một cá nhân bên trong tội ác chống lại loài người xảy ra dưới chế độ cộng sản Trung Quốc, nhưng kỳ thực vẫn mang tính phổ quát. Nó phổ quát không chỉ ở chỗ chế độ tàn bạo này đang đàn áp cả những tín đồ Phật giáo Tây Tạng, các Kitô hữu, hay người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ Tân Cương… Nó còn phổ quát ở chỗ ý tưởng về sự kiên định trước những giá trị cốt lõi của lương tri chính là câu hỏi cho mỗi từng người trong xã hội ngày nay. Ở một thế giới tôn sùng vật chất mà người ta không ngừng đấu tranh để giành giật sự chú ý, trong sự hỗn loạn mà ngay cả gia đình cũng không còn là bến bờ bình yên, thì mỗi cá nhân làm thế nào để bảo tồn sự thiện lương của mình? Điều gì sẽ xảy ra khi bóng tối cướp đi mọi ánh sáng xung quanh bạn?
Câu chuyện của Yije chính là câu trả lời cho những câu hỏi ấy.
“Thứ có thể tỏa sáng ắt phải nhẫn chịu sự thiêu đốt”, Victor Frankl, bác sĩ tâm lý học người Áo, từng nói như vậy. Ông đã nghiên cứu và đưa ra một hình thức trị liệu tâm lý sau khi sống sót khỏi các trại tập trung của Đức Quốc xã vào những năm 1940. Frankl quan sát được rằng những tù nhân có thể vượt qua, những người có thể nhẫn chịu, luôn có một mục đích cao cả hơn, và chính điều đó đã nâng đỡ họ bước trên khổ nạn.
“Tranh cổ điển”, Liu nói, “không phải chỉ là những kỹ thuật bề mặt; nói cách khác, việc mô tả các nhân vật như thật là chưa đủ. Đó chỉ đơn thuần là những tiêu chuẩn cơ bản nhất cho một tác phẩm nghệ thuật.”
“Nghệ thuật cổ điển có yêu cầu về ý nghĩa hàm chứa bên trong, như sự cân bằng, nhịp điệu và bố cục. Đó là sự sáng tạo và đòi hỏi một quá trình rèn luyện lâu dài về phong cách, về tầm nhìn nghệ thuật. Vẻ đẹp cổ điển phải được trau chuốt hơn thì mới có thể thể hiện sự Thần thánh.”
“Nghệ thuật đến từ cuộc sống, nhưng ở một khía cạnh nào đó, phải vượt lên trên cuộc sống.”
Liu bắt đầu học vẽ từ khi còn nhỏ. Từ trung học, cô bắt đầu theo đuổi nghệ thuật cổ điển. Trong 10 năm, thầy dạy của cô là họa sĩ Li Yuan Đài Loan. Liu cho rằng bước đột phá mới trong nghệ thuật của mình là nhờ sự thăng hoa về mặt tinh thần. “Chúng không thể tách rời”, Liu nói. “Phải có sự thăng hoa về mặt tinh thần, thì bức tranh mới có được cảm xúc đó.”
“Tôi hy vọng rằng nếu ai đó nhìn ngắm bức tranh, họ có thể đồng cảm, xúc động và cảm thấy điều gì đó có ý nghĩa.”
Minh Nhật tổng hợp
Dựa theo bài viết “An Artist’s Mission to Expose Crimes Against Humanity in China”
Tác giả Masha Savitz
Đăng trên tạp chí nghệ thuật CANVAS
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Cuộc đàn áp Pháp Luân Công cái đẹp mục đích của nghệ thuật cuộc sống sau bức hại Đức tin câu chuyện cuộc đời