Tản mạn chuyện ĐCSTQ “photoshop” những tranh ảnh lịch sử
- Trí Đạt
- •
Vì sao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại muốn chỉnh sửa ảnh hay tranh của các chính trị gia trong lịch sử? Tất nhiên, việc chính quyền cho phép chỉnh sửa tranh ảnh các chính khách diễn ra ở nhiều nơi.
Mục đích của việc chỉnh sửa ảnh chủ yếu gồm: Xử lý nghệ thuật và xử lý chính trị.
Xử lý nghệ thuật là để làm cho các bức ảnh trông đẹp hơn và làm nổi bật hình tượng chính trị. Có nhiều cách xử lý nghệ thuật, chẳng hạn xóa nếp nhăn, tăng độ bóng cho khuôn mặt, biến ảnh đen trắng thành ảnh màu… Việc xử lý nghệ thuật (cá biệt ở Trung Quốc có tăng chiều cao) dù sao có thể chấp nhận được, bởi suy cho cùng, ai cũng có niềm yêu thích cái đẹp.
Nhưng xử lý chính trị lại hoàn toàn khác. Quá trình xử lý chính trị sẽ thực hiện các thay đổi lớn đối với ảnh, chẳng hạn như xóa ai đó đi hoặc thêm ai đó vào. Những bức ảnh bị ĐCSTQ thay đổi thường hoàn toàn khác và vi phạm nghiêm trọng sự thật lịch sử.
Một bức tranh điển hình cho việc này là bức “Đại lễ quốc khánh” (nói đúng hơn là Đại lễ quốc khánh của ĐCSTQ).
Phiên bản đầu tiên của Đại lễ quốc khánh ĐCSTQ bao gồm một hàng nhân vật đứng sau Mao Trạch Đông lần lượt là: Chu Đức, Lưu Thiếu Kỳ, Tống Khánh Linh, Lý Thế Thâm, Trương Lan, Cao Cương. Vì sao lại là 6 người này? Bởi vì các phó chủ tịch của “nhà nước ĐCSTQ” vào thời điểm đó chính là 6 người này.
Trong phiên bản thứ 2 đã được chỉnh sửa vào năm 1955, có một thay đổi quan trọng: Cao Cương ở ngoài cùng bên phải, đã bị biến thành một chậu hoa. Ấn tượng của bức tranh này là lúc đó chỉ có 5 vị phó chủ tịch. Tại sao Cao Cương lại trở thành một chậu hoa? Bởi trong vài năm đầu tiên, Cao Cương và Nhiêu Thấu Thạch liên minh với nhau chống lại ĐCSTQ. Người ta gọi đây là “Sự kiện Cao Nhiêu”.
Phiên bản thứ 3 của bức tranh này được chỉnh sửa lại trong thời kỳ Đại Cách mạng Văn hóa. Lúc này, Lưu Thiếu Kỳ cũng đã biến mất, phó chủ tịch nước lại thiếu thêm một người. Lý do rất đơn giản: Lưu Thiếu Kỳ đã bị đấu tố trong những ngày đầu của Cách mạng Văn hóa.
Lưu Thiếu Kỳ không chỉ biến mất trong “Đại lễ quốc khánh ĐCSTQ” mà còn biến mất trong nhiều dịp khác. Chẳng hạn đây là bức ảnh sau khi Lưu Thiếu Kỳ được bầu làm chủ tịch nước năm 1959. Mao Trạch Đông và Lưu Thiếu Kỳ đã cùng nhau xuất hiện trước công chúng. Kết quả là sau vài năm, trong ảnh chỉ còn lại một mình Mao Trạch Đông.
Tương tự như vậy, đây là chuyến bay trở về của Lão Chu sau khi đến thăm Tô Châu năm 1964. Mao Trạch Đông và Lưu Thiếu Kỳ đón ông ta tại sân bay. Sau khi chỉnh sửa, bức ảnh đã được lưu truyền rộng rãi.
Một nhân vật khác bị “bốc hơi” là Bành Đức Hoài. Kể từ khi bị chỉ trích tại Hội nghị Lư Sơn, Bành Đức Hoài cũng bắt đầu biến mất. Chẳng hạn trong bức ảnh chụp tại sân bay Diên An năm 1938:
Một trường hợp khác là Bành Chân. Bành Chân được coi là thân tín của Lưu Thiếu Kỳ. Trước Cách mạng Văn hóa, Bành Chân làm tới chức bí thư Thành ủy Bắc Kinh kiêm thị trưởng. Vào thời kỳ đầu của Cách mạng Văn hóa, ông là trưởng nhóm 5 thành viên Cách mạng Văn hóa Trung ương.
Bức ảnh dưới đây cho thấy Mao Trạch Đông và Bành Chân tham gia lao động tại công trường xây dựng hồ chứa Thập Tam Lăng. Sau khi Bành Chân mất quyền lực trong Cách mạng Văn hóa, ông ta cũng biến mất khỏi các bức ảnh.
Một trường hợp khác là nhóm “Tứ nhân bang“ gồm Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Giang Thanh, bốn nhân vật chủ chốt phía sau Mao Trạch Đông. Chưa đầy một tháng sau khi Mao chết, nhóm này đã bị Hoa Quốc Phong và Diệp Kiếm Anh lật đổ. Sau đó, những bức ảnh lễ tưởng niệm chính thức của Mao Trạch Đông đã được chỉnh sửa ngay lập tức và hình ảnh của cả bốn đều bị xóa.
Trong quá trình nắm quyền lực đất nước, ĐCSTQ đã làm thay đổi lịch sử bằng nhiều phương thức khác nhau. Có những sự việc kỳ thực không cần phải dối trá, nhưng ĐCSTQ vẫn cứ muốn dối trá, bởi đó là bản chất của nó. Trăm họ đều biết nó dối trá, chỉ là mang tâm lý mong chờ xem khi nào nó rớt đài mà thôi.
Theo Vision Times tiếng Trung
Trí Đạt biên dịch
Xem thêm:
- Tuyên truyền kiểu Trung Quốc: Chuyện ăn uống của Mao Trạch Đông
- Chủ nghĩa cộng sản và những bộ mặt biến hóa khôn lường (P1)
Mời xem video:
Từ khóa Mao Trạch Đông Lịch sử Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ