Quảng cáo đã thâm nhập rộng rãi vào các hoạt động kinh tế khác nhau trong xã hội hiện đại và có sức lan tỏa rất lớn. Thời cổ xưa, hoạt động quảng cáo cũng được vận dụng và được ghi chép lại.

Trí tuệ cổ nhân: Kinh doanh bằng tín nghĩa
(Tranh minh họa: Wikipedia, Public Domain)

Để thúc đẩy việc kinh doanh buôn bán, một hình thức quảng cáo nguyên thủy và đơn giản nhất là trưng bày sản phẩm. Các mặt hàng được trưng bày để trực tiếp kích thích nhu cầu mua hàng của người tiêu dùng.

Dùng miệng rao hàng cũng là một hình thức quảng cáo trực tiếp nhất. Trong tác phẩm “Nguyên nhân tiểu lệnh tập” của tác giả Vương Nguyên Đỉnh có viết câu: “Giác lai hồng nhật thượng song sa, thính nhai đầu mại hạnh hoa”, thức dậy dưới ánh nắng hồng bên cửa sổ, nghe thấy tiếng rao bán hạnh hoa ngoài đường.

Hình thức quảng cáo bằng biển cũng khá phổ biến. Trong tác phẩm Thủy Hử, trước khi Võ Tòng đánh hổ, ông đã nhìn thấy một lá cờ nhỏ trước tiệm rượu Cảnh Dương Cảng có viết năm chữ: “Tam oản bất quá cương”, uống ba chén rượu thì đừng qua đồi, ý nói rượu của quán rất nặng, bình thường uống ba chén là say, không đủ sức để đi qua đồi Cảnh Dương. Lá cờ nhỏ này thường được gọi là “chiêu hoảng”, là cách để quảng cáo và thu hút khách hàng.

Câu đối cũng được cổ nhân vận dụng để quảng cáo trong kinh doanh. Câu đối giàu tính triết lý, không chỉ phản ánh được nét đặc trưng của cửa hiệu mà còn đưa con người vào bầu không khí thơ từ với những lời lẽ hóm hỉnh.

Ngành nghề y dược thời cổ đại cũng rất chú trọng đến việc vận dụng quảng cáo. Trong bức tranh “Thanh Minh Thượng Hà Đồ”, có thể thấy gia đình Triệu Thái Thừa chữa bệnh và bán thuốc. Họ đã dựng một tấm biển quảng cáo bằng vải nhô cao hơn hiên nhà để quảng bá.

Vương Kế Tiên, ngự y của triều Nam Tống đã được tổ tiên truyền lại cho một phương thuốc dân gian rất hiệu nghiệm tên là “Hắc Lự”. Vợ của ông đã sử dụng tên “Hắc Lự Vương gia” làm biển quảng cáo.

Các mô hình mang tính biểu tượng cũng được vận dụng trong quảng cáo. Ví dụ, “huyền hồ” (cái bầu hình hồ lô để đựng thuốc vào thời cổ đại) là biểu tượng của các hiệu thuốc và phòng khám bệnh. Một số thầy lang cũng mang theo hồ lô đi khắp nơi, nhìn là biết họ làm nghề y. Có hiệu thuốc còn treo “ngư phù” (hình con cá được khắc bằng đá hoặc gỗ) để làm biểu tượng. Bởi vì cá không phân biệt ngày đêm, luôn mở to hai mắt, treo bùa cá có nghĩa là nhà thuốc phục vụ bệnh nhân cả ngày lẫn đêm.

Trong “Tống đại thoại bổn cố sự”, Trương Thắng là người kiếm sống bằng nghề bán son phấn và len. Lúc đầu, những sản phẩm này được ông đặt trong “Hoa khảo lão nhi” (những chiếc giỏ đầy màu sắc đan từ tre hoặc liễu) và được rao bán dọc đường phố. Việc làm ăn tốt hơn, ông đã thành lập một cửa hàng và lấy “Hoa khảo lão nhi” làm tên biển quảng cáo. Với sự quản lý cẩn thận, công việc kinh doanh của Trương Thắng ngày càng phát đạt và “Hoa khảo lão nhi” đã trở thành một cái tên quen thuộc.

Trong bức tranh “Thanh Minh Thượng Hà Đồ” còn có một phòng khám nhi mà ở trước cửa có treo một quả đào được tết với dòng chữ “Chuyên trị tiểu nhi khoa”. Hùng Mộng Tích thời nhà Nguyên đã miêu tả trong “Tích tân chí”: “Những người chữa bệnh cho trẻ nhỏ, trước cửa đặt tấm gỗ khắc hình trẻ nhỏ”, “Có gia đình bà đỡ, ở trước cửa được đánh dấu bằng một đôi giày lớn đựng trong chiếc giỏ giấy màu đỏ.”

Thời nhà Tống, Trần Nghi là một bác sĩ phụ khoa rất giỏi. Ông đã chữa khỏi bệnh cho vương phi của Khang Vương Triệu Cấu nên đã được Khang Vương Triệu Cấu ban thưởng cho một chiếc quạt “Ngự tiền la phiến”. Về sau này con cháu họ Trần sống rải rác khắp nơi ở Chiết Giang và chiếc quạt là vật gia truyền không thể phân chia ra được, thế là mỗi nhà đều dựng một chiếc quạt gỗ lớn trước cửa ra vào để làm biển quảng cáo. “Thiên Phiến Trần” đã trở thành thương hiệu phổ biến ở Chiết Giang hàng trăm năm.

Vào triều nhà Minh, thầy thuốc nổi tiếng Lý Tín bởi vì chữa khỏi bệnh cho Hoàng tử Hĩnh Dương nên được Hoàng đế ban thưởng cho một chiếc chuông vàng. Lý Tín đã treo chiếc chuông vàng trước cửa như một cách quảng cáo. Từ đó về sau, tên hiệu “Chuông vàng Lý Thị” trở nên nổi tiếng suốt mấy trăm năm.

Phương thức quảng cáo được cổ nhân vận dụng là có nhiều loại, trong đó chủ yếu gồm có: âm thanh, cờ hiệu, thơ ca, câu đối, bảng hiệu và ấn phẩm. Mỗi loại sẽ được vận dụng một cách linh hoạt dựa theo đặc điểm ngành nghề, khiến cho việc kinh doanh buôn bán trở nên phát triển.

Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Hòa Tử
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: