Câu “Vô tình cắm liễu, liễu lên xanh” xuất phát từ câu “Vô tâm sáp liễu liễu thành ấm”, câu nói này là để ẩn dụ rằng những việc làm trong lúc vô ý không ngờ lại sinh ra kết quả tốt đẹp, trong khi những việc làm có kế hoạch, thậm chí làm hao tổn rất nhiều công sức thì lại không thành công, không đạt được kết quả như mong muốn. 

Vo tinh cam lieu 02
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Danh y Lý Thời Trân nói rằng: “Cây liễu thân nhỏ, cành yếu mềm, trồng dễ sống, vỏ đỏ, lá mảnh như tơ, thướt tha yêu kiều”. Bởi vì cây liễu rất dễ trồng nên chỉ cần cắm cành của nó xuống đất thì cây sẽ mọc rễ, lớn lên, tỏa bóng râm che mát. Vì vậy, câu “Vô tình cắm liễu, liễu lên xanh” mượn sức sống của cây liễu để dự báo những điều tốt đẹp sẽ xảy ra.

Cây liễu dễ trồng và có nhiều công dụng. Cây có thể che bóng mát, rễ có thể dùng để che chắn bờ kè và cành có thể dùng làm hàng rào. Ngoài ra, chữ “liễu” đồng âm với chữ “lưu”, người xưa bẻ cành liễu tặng nhau khi chia tay để bày tỏ nỗi nhớ nhung và ước muốn sau này được gặp lại.

Cây liễu đã đi vào những vần thơ của các thi nhân xưa. Thi nhân Lý Bạch đã dùng liễu để làm dấu hiệu mùa xuân về: “Hàn tuyết mai trung tẫn, xuân phong liễu thượng quy”. Nghênh đón mùa xuân là liễu.

Nói đến câu “Vô tình cắm liễu, liễu lên xanh”, cần phải kể đến câu chuyện của thi nhân Hàn Hoành của triều Đường, người gốc Nam Dương. Năm Thiên Hảo thứ 13, ông đỗ tiến sĩ và là một trong mười tài tử của thời kỳ này. Ông đã viết rất nhiều bài thơ, phong cách thơ phú lệ, kỹ xảo lão luyện, được tầng lớp trí thức đương thời quý trọng yêu mến.

Trong số các bài thơ của Hàn Hoành, “Hàn thực” là một kiệt tác nổi danh thời nhà Đường:

Xuân thành vô xứ bất phi hoa
Hàn thực đông phong ngự liễu tà
Nhật mộ hán cung truyện chá trục
Khinh yên tán nhập ngũ hầu gia. 

Tạm dịch nghĩa:

Trong thành mùa xuân, nơi nào cũng có hoa bay
Tiết hàn thực, liễu ở vườn ngự uyển nghiêng theo gió đông
Buổi chiều trong cung Hán truyền nến ra thắp
Khói nhẹ tản mạn bay qua năm nhà tước hầu.

Bài thơ này đã lưu danh vào lịch sử thơ ca và có một câu chuyện hậu cảnh rất thú vị. Bài thơ này đã “Vô tình cắm liễu, liễu lên xanh”, thay đổi vận mệnh lúc cuối đời của Hàn Hoành.

Trong cuốn “Bổn sự thi” “Đường thi kỷ sự” ghi chép lại rằng vào đêm khuya một ngày năm Kiến Trung thứ nhất thời Đường Đức Tông (năm 780), đột nhiên có một vị quan nhỏ đến cổng nhà Hàn Hoành ở Biện Châu và gõ cửa rất gấp gáp. Hàn Hoành mở cửa ra thì thấy đó là Vi tuần quan, một tiểu lại mà ông quen biết. Vi tuần quan liền báo tin mừng: “Chúc mừng viên ngoại được bổ nhiệm làm Giá bộ lang trung, Tri chế cáo.”

Hàn Hoành vô cùng kinh ngạc. Ông chỉ là một viên quan trong mộ phủ Tiết độ sứ. Đối với ông mà nói thì Hoàng đế ở “xa tận chân trời”, sao có thể biết để bổ nhiệm ông làm người thân tín ở bên cạnh được. Huống nữa là bản thân Hàn Hoành lúc ấy cũng đang ở vào tuổi xế chiều rồi. Cho dù lúc trẻ, Hàn Hoành từng là một trong 10 đại tài tử nổi danh khắp kinh thành nhưng chuyện này cũng đã qua rất lâu rồi, ngay cả người trong Mộ phủ cũng không còn ai biết.

Vi tuần quan được mời vào nhà, đã kể lại cho Hàn Hoành nghe: “Chế cáo hiện thiếu người, Trung thư tỉnh chọn người và hai lần tiến cử lên nhưng không được Hoàng thượng chọn. Trung thư tỉnh thỉnh cầu Hoàng thượng đích thân hạ chỉ chọn người tài. Lần này Hoàng thượng phê chỉ: Hàn Hoành.”

Vi tuần tra nói tiếp: “Có hai người cùng tên là Hàn Hoành, ngoài viên ngoại ngài ra thì còn một người khác là Giang Hoài Lạt sử. Thế là Trung thư tỉnh đã ghi hai vị Hàn Hoành rồi trình lên Hoàng thượng khâm điểm”.

Lần này, Hoàng thượng đã đích thân viết một bài thơ: “Xuân thành vô xử bất phi hoa. Hàn thực đông phong ngự liễu tà. Nhật mộ hán cung truyện chá chúc. Khinh yên tán nhập ngũ hầu gia”, đồng thời phê chỉ sau bài thơ là: “Là Hàn Hoành này.”

Sau sự tình này, Thứ sử và các quan cấp dưới đều đến nhà Hàn Hoành chúc mừng ông được bổ nhiệm.

Thơ của Hàn Hoàng có ý tượng tráng lệ mà hàm ý sâu sắc, lại gắn bó với lịch sử, như hoa sen mọc lên từ nước khiến cho ngay cả Hoàng đế đương triều Đường Đức Tông cũng có ấn tượng khắc sâu. Bài thơ “Hàn thực” biểu đạt sự trăn trở, lo lắng sâu sắc của nhà thơ đối với việc triều chính. Câu thơ “Khinh yên tán nhập ngũ hầu gia” đã mượn tích xưa để miêu tả hiện tại, “khói nhẹ” là chỉ quyền thế giàu có, “ngũ hầu” là chỉ năm hoạn quan được phong hầu cùng lúc dưới thời trị vì của Hoàng đế thời Đông Hán. Cuối cùng họ lạm dụng quyền lực, đặt nền móng cho sự sụp đổ của hoàng triều. “Hàn thực” với những hình ảnh đẹp đẽ của kinh thành mùa xuân, hàng liễu nghiêng trước gió… cho thấy tình cảm chân thành, không hề trách móc, nhưng ẩn chứa lại là nỗi lo cho đất nước.

Khi Hàn Hoành viết bài “Hàn thực” không hề có ý nghĩ mượn bài thơ này để mưu cầu quan vị, nhưng chính là trong vô cầu mà đạt được. Đây chẳng phải là “Vô tình cắm liễu, liễu lên xanh” hay sao?

Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Dung Nãi Gia
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: