Cưỡi ngựa, xe ngựa là phương tiện đi lại quan trọng của người thời xưa, đồng thời đó cũng là nhân tố quan trọng để giành được chiến thắng trong các cuộc chiến tranh. Chiến xa, kỵ binh cũng là một phương tiện không thể thiếu trong chiến trận thời xưa, khi đánh trận thì cần đi nhanh tiến xa, tấn công kẻ địch, nhanh chóng giành thời cơ. Do đó trong một thời kỳ lịch sử nhất định, điều khiển ngựa đã trở thành một môn học quan trọng, được liệt vào “Lục nghệ” (sáu bộ môn) mà học sinh cần phải học tập.

Thuat dieu khien xe ngua 01
Bích họa vẽ cảnh điều khiển xe ngựa thời xưa. (Ảnh: John Hill, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Sách cổ có ghi lại câu chuyện Triệu Tương Tử học đánh xe ngựa với Vương Vu Kỳ vào thời Xuân Thu.

Triệu Tương Tử tìm đến Vương Vu Kỳ học thuật đánh xe ngựa. Đến khi học xong cơ bản, ông bèn muốn tỉ thí với Vương Vu Kỳ.

Lần tỉ thí thứ nhất Triệu Tương Tử thua, bèn nói: “Không đúng không đúng, là do ngựa của ta không tốt.” Thấy thế Vương Vu Kỳ đổi ngựa cho Triệu Tương Tử rồi tiếp tục tỉ thí.

Lần tỉ thí thứ hai Triệu Tương Tử lại thua, bèn nói: “Không đúng không đúng, là do xe của ta cũng không tốt.” Vương Vu Kỳ thấy thế bèn đổi xe ngựa của mình cho Triệu Tương Tử.

Lần tỉ thí thứ ba Triệu Tương Tử đánh xe ngựa của Vương Vu Kỳ, Vương Vu Kỳ đánh xe của Triệu Tương Tử, kết quả Vương Vu Kỳ lại giành thắng lợi.

Lần này Triệu Tương Tử nói: “Là do huynh không dạy hết kỹ thuật cho ta, nếu không sao lần này xe của ta tốt hơn nhưng ta vẫn thua huynh?”.

Vương Vu Kỳ bèn giải thích: “Kỹ thuật thì ta đã chỉ dạy hết cho huynh rồi. Nhưng khi đánh xe thì ngựa phải liền với xe, dùng tâm điều khiển ngựa. Còn huynh, khi bị tụt lại phía sau ta thì cứ muốn vượt qua ta, khi hơn ta rồi lại e ta sẽ thắng huynh. Huynh đánh xe ngựa nhưng tâm huynh chỉ đặt ở nơi ta, thì làm sao có thể đạt được tiến tốc trí viễn?”

Có thể thấy điều khiển ngựa được liệt vào “Lục nghệ” cũng không phải chỉ vì nó quan trọng trong chiến trận. Các bộ môn trong “Lục nghệ” vừa là để phục vụ cuộc sống thường nhật, vừa là để luyện thân, mà cũng là để luyện tâm nữa. Câu chuyện này đã nói rõ cho chúng ta một đạo lý thâm sâu: làm việc không chỉ cần có kỹ pháp, mà quan trọng hơn là cần có tâm pháp.

Tâm pháp liên quan trực tiếp đến vấn đề cảnh giới tâm của con người. Kỹ pháp thì thông qua miệng nói, tai nghe thì thầy có thể truyền lại cho trò, rồi qua quá trình luyện tập là có thể nắm vững được, còn tâm pháp thì người học phải tự mình ngộ, tu tâm, đề cao cảnh giới tâm tính thì mới có thể đạt được. Tâm pháp là thứ phải được trui rèn lâu dài, không phải là việc ngày một ngày hai mà có được. Tâm pháp đánh xe của Vương Vu Kỳ chính là khi người đánh xe đã bỏ được tâm cầu danh cầu lợi, chuyên tâm toàn chí vào việc điều khiển xe ngựa, thì người và xe, ngựa đạt được sự hài hoà cao độ, phối hợp nhất trí, đồng tâm đồng đức, tề tâm hiệp lực, sau đó mới có thể tiến tốc trí viễn.

Khi một người đánh xe đạt được hoà hợp cao độ với cả ngựa và xe, thì người đó cũng có thể được dẫn dắt tới cảnh giới hòa hợp với những người xung quanh, với môi trường xã hội, dần dần tâm thái ấy sẽ thành tự nhiên, sẽ đạt được hài hoà hợp nhất với trời đất, cũng là cảnh giới cao thượng của đạo tu thân của người xưa. Người đạt đến cảnh giới như thế trị gia thì gia đạo hoà thuận, trị quốc thì quốc sẽ an ổn, bình thiên hạ thì thiên hạ sẽ thái bình.

Thời cổ đại trăm nghề đều tự xưng mình là đạo, bách gia tranh minh, đây cũng đều là có lý do của nó. Có thể làm được đến tận cùng, có thể thăng hoa đạo đức bên trong hoàn cảnh của bản thân, bên trong nghề nghiệp của bản thân, chẳng phải cũng đều là một loại “tu luyện” hay sao? Chẳng qua bách gia bách nghệ trong quá khứ phần lớn cũng chỉ thấy “kỹ pháp” mà không có “tâm pháp”, số ít có “tâm pháp” thì cũng ở dạng cổ ngữ uyên thâm khó hiểu, không cách nào đạt được sự hoàn mỹ cần nên có được.

Theo “Khám phá lục nghệ: Ngũ ngự
Đăng trên ChanhKien.org

Xem thêm:

Mời xem video: