Trí tuệ Phật gia: Thứ không phải của ta sẽ không thuộc về ta
- An Hòa
- •
Rất nhiều người cho rằng được và mất của một người được quyết định bởi sự phấn đấu và cố gắng của cá nhân người ấy. Vì thế họ một đời tranh đấu ngược xuôi để đạt được cho nhiều. Nhưng vì sao có người cả đời cố gắng, tranh đấu ngược xuôi như vậy mà vẫn không đạt được thứ mình mong muốn? Cổ ngữ có câu: “Mệnh lý nhất xích, nan cầu nhất trượng”, tức là trong vận mệnh chỉ có một thước thì khó cầu được một trượng. Cổ nhân tin rằng mỗi người đều có vận mệnh của mình, là thứ đã được định ra từ trước. Hay nói cách khác, sở hữu được điều gì là còn phải xem duyên phận, thứ không phải của ta sẽ không thuộc về ta.
Phật gia cho rằng cảnh ngộ của một người như thế nào là do nghiệp và đức của người ấy định ra. Trong đời một người nên có thứ gì thì sẽ có thứ ấy, nên như thế nào thì sẽ là như thế ấy. Cho nên một người dẫu có cố gắng đến đâu để đoạt được thứ vốn thuộc về người khác thì thường là sẽ không đoạt được. Nếu như rắp tâm làm điều xấu để chiếm đoạt thì rồi cũng sẽ bị mất đi, hơn nữa lại còn mắc nợ nghiệp, chính là tự tước đi phúc đức của bản thân, cái được chẳng bù nổi cái mất.
Dưới đây là một câu chuyện nhỏ về Tế Công, một hòa thượng nổi tiếng thời Nam Tống, được ghi chép trong “Tế Công toàn truyện”, giảng về đạo lý: “Điều gì không phải của ta thì sẽ không thuộc về ta”.
Chuyện kể rằng một ngày nọ, hòa thượng Tế Công đổi y phục của mình lấy 150 xâu tiền cho tiệm cầm đồ, rồi kêu lớn trước tiệm rằng: “Ai đến lấy tiền giúp tôi?”
Một người đàn ông cao lớn vạm vỡ từ phía bên kia đi tới, nói: “Hòa thượng, để tôi lấy giúp ông”.
Hòa thượng Tế Công đáp: “Tâm của ông xấu lắm, không cho ông lấy!”.
Nói rồi, hòa thượng Tế Công bèn quay sang những người nghèo khó bên cạnh, chia cho họ người thì ba xâu, người thì hai xâu. Sau khi hòa thượng phân phát một lúc, cuối cùng chỉ còn lại năm xâu tiền.
Người đàn ông vạm vỡ lúc nãy vội lao đến và cướp toàn bộ số tiền còn lại, nhưng hòa thượng Tế Công không đuổi theo. Những người đã cầm tiền hỏi: “Hòa thượng, mang tiền đi đâu đây?” Hòa thượng Tế Công đáp: “Tùy các ông các bà thôi”. Mọi người nghe vậy liền tản đi, mỗi người một nơi.
Sau đó, hòa thượng Tế Công tìm một ngõ hẻm và ngồi ở đó. Người đàn ông khi nãy vác năm xâu tiền trên lưng, chạy qua 17 ngõ, cuối cùng bắt gặp Tế Công trong ngõ hẻm này.
Hòa thượng Tế Công nắm lấy một tay của người đàn ông rồi nói: “Được lắm! Ngươi không may rồi, ngươi phải đứng đó một khắc thì ta mới cho ngươi năm xâu tiền này, còn nếu ngươi muốn đoạt tiền mà chạy thì không được đâu. Trong mệnh của ngươi chỉ có 500 đồng thôi, nếu ngươi muốn đoạt năm xâu tiền chạy, ta sẽ bắt ngươi tới kiện ở quan huyện Tiền Đường”.
Người đàn ông kia vừa nghe xong thì vô cùng sợ hãi. Ông ta cố sức dứt tay khỏi hòa thượng rồi ba chân bốn cẳng chạy mất. Hòa thượng Tế Công hét: “Đuổi theo!”
Người đàn ông hoảng quá, vội vàng rẽ gấp vào ngõ thì đụng phải một người đang gánh đồ gốm sứ bán dạo, làm vỡ 17 cái bát và 2 chiếc đĩa. Ông ta không còn cách nào khác, đành phải đền cho người chủ 4 xâu rưỡi tiền, trong tay ông ta chỉ còn lại đúng 500 đồng.
Hết thảy những gì trong vận mệnh nên có thì cuối cùng cũng sẽ có. Người khác dẫu có cưỡng đoạt đi thì rồi cũng phải hoàn trả lại. Những thứ tranh đoạt được rồi mà không phải của mình thì cuối cùng cũng sẽ mất đi. Đạo lý ấy không chỉ là thứ thuộc về luật pháp hay lẽ công bằng mà người ta rao giảng, mà thật sự là một quy luật vũ trụ, là lẽ nhân quả mà Phật gia đề cập đến.
Nói là nói vậy, nhưng mấy ai có thể thuận theo tự nhiên, thuận theo mệnh mà sống? Dục vọng của con người là vô biên, nên con người luôn mong muốn có được cho nhiều những thứ mình chưa có. Nhưng để đạt được những thứ ấy, người ta ra sức tranh giành, cùng người tính toán, cuối cùng chỉ là công dã tràng, làm tổn hại người khác, lại tự cắt giảm phúc đức của bản thân.
Người xưa có câu rằng: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh”, nhà nào tích luỹ điều lành thì mới có phúc đức đủ đầy. Nếu một người có thể bắt tay vào làm việc thiện nhiều hơn thì có thể tích được đức và có được phúc báo, cải biến được con đường sinh mệnh trong những kiếp người tiếp sau, cũng mang lại sự bình an cho con cháu. Đây mới là cách mà một người thấu hiểu đạo lý nên làm.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video: