Tết Trung Thu và một vài tập tục xuất hiện từ thời Đường
- An Hòa
- •
Tết Trung thu là một trong ba lễ hội lớn nhất của người xưa. Có rất nhiều hoạt động truyền thống trong dịp tết Trung Thu không chỉ hàm chứa sự mong mỏi đoàn tụ với người thân mà còn thể hiện lòng kính ngưỡng của người xưa đối với Thần linh Trời đất.
Theo hoàng lịch cổ đại, một năm được chia thành bốn mùa (bốn quý), mỗi mùa lại chia làm ba phần là mạnh (đầu quý), trọng (giữa quý) và quý (cuối quý). Trung Thu (trọng thu) là giữa mùa thu.
Nói về nguồn gốc của Trung Thu, chúng ta phải bắt đầu với cái tên khác là “Nguyệt tịch”. Trong “Lễ ký” chép rằng: “Thiên tử xuân phân triêu nhật, thu phân tịch nguyệt”, triêu và tịch ở đây mang hàm nghĩa hiến tế. Nói cách khác, Thiên tử cúng tế mặt Trời vào tiết xuân phân, cúng tế mặt Trăng vào tiết thu phân.
Vì sao Thiên tử phải cúng tế mặt Trời, mặt Trăng? Các vị Hoàng đế thời xưa tự gọi mình là Thiên tử, là con của Trời. Hàng ngày Hoàng đế làm việc phải xem đức hạnh, khi gặp chuyện quan trọng thì phải tế Trời đất, vào những ngày cố định hàng năm phải tổ chức cúng tế Trời với quy mô lớn, tiết xuân phân và tiết thu phân phải cúng tế mặt Trời mặt Trăng. Làm như vậy là để kính ngưỡng và cầu xin ý chỉ của Thượng Thiên.
Tết Trung thu chính thức trở thành một lễ hội hàng năm bắt đầu từ thời nhà Đường. Hoàng đế nhà Đường, Đường Huyên Tông chỉ định ngày 15 tháng 8 hoàng lịch là tiết Trung Thu. Dịp lễ hội này trở nên phổ biến hơn vào thời nhà Tống và rất nhiều hoạt động vui vẻ được tổ chức vào ngày này. Đến thời nhà Minh và nhà Thanh, Trung Thu đã trở thành một trong những lễ hội truyền thống quan trọng được tổ chức long trọng.
Tết Trung Thu gắn liền với những câu chuyện như “Hằng Nga bôn nguyệt”, “Thỏ Ngọc đảo dược”. Nhưng câu chuyện được nhắc đến nhiều nhất là câu chuyện Đường Huyền Tông du ngoạn cung trăng.
Căn cứ vào ghi chép của thời Đường, vào một đêm Trung Thu trong năm Khai Nguyên có một vị Đạo nhân đã mời Đường Huyền Tông du ngoạn cung trăng. Vị Đạo nhân đã sử dụng thần thông của mình ném chiếc gậy lên không trung, biến nó thành một cây cầu lớn bằng bạc, nối thẳng lên trời. Ông mời Đường Huyền Tông cùng nhau lên cầu. Hai người đi thật lâu, đi đến cửa một tòa thành thì nhìn thấy trên có tấm bảng ghi: “Quảng Hàn Thanh Hư chi phủ”.
Trong cung trăng, Đường Huyền Tông nhìn thấy hàng trăm tiên nữ mặc áo lụa trắng đang nhảy múa thướt tha uyển chuyển, thanh âm của tiên nhạc vô cùng thanh lệ, ông liền hỏi: “Đây là ca khúc gì vậy?”
Tiên nữ trả lời: “Là khúc Nghê thường vũ y”.
Sau khi Đường Huyền Tông trở lại nhân gian, thấy sự việc như mơ mà không phải mơ, dựa vào trí nhớ của mình đã ghi chép lại vũ khúc này đồng thời cũng đích thân ra lệnh cho người soạn một bản nhạc, gọi tên là “Nghê thường vũ y”.
Đêm Trung Thu là đêm mà trăng tròn đẹp nhất trong năm. Sở thích ngắm trăng của người thời Đường đã khiến việc ngắm trăng Trung Thu trở nên phổ biến và dần phát triển thành một phong tục. Ngắm trăng rất tao nhã và nên thơ. Người ngắm trăng đắm mình vào đó sẽ cảm thấy tinh thần được thả lỏng, thư giãn, làm sâu sắc thêm tình cảm bạn bè thân hữu. Ngoài ngắm trăng, cổ nhân còn có nhiều hoạt động ẩm thực.
Khi nói đến ẩm thực tết Trung thu, điều đầu tiên mọi người nghĩ đến chính là ăn bánh Trung Thu. Trong “Hi triêu nhạc sự” viết: “Ngày 15 tháng 8 là tết Trung Thu, dân chúng thường tặng bánh cho nhau, có ý nghĩa đoàn viên”.
Ngay từ thời Xuân Thu, các Hoàng đế đã bắt đầu thờ cúng mặt Trăng. Về sau này, vào dịp Trung Thu, các quan chức cao quý và văn nhân cũng làm theo, dần dần truyền bá phong tục cúng bái này đến cả dân thường. Vì vậy, cúng tế và thưởng Trăng có thể nói là phong tục quan trọng thời xa xưa, sau này người hiện đại chỉ còn biết thưởng Trăng. Đêm Trung Thu cả nhà ngắm Trăng, được gọi là “khánh đoàn viên”, ngồi uống rượu cùng nhau gọi là “viên nguyệt”, đi chơi cùng nhau gọi là “tẩu nguyệt”, đều mang ý nghĩa đoàn viên, sum vầy.
Trước tết Trung Thu, các cửa hàng sẽ bắt đầu bán rượu mới và sắp xếp lại mặt tiền, mọi người sẽ đổ xô đi mua, đến trưa cửa hàng nào cũng bán hết. Tháng 8 là mùa hoa quế nở rộ nên rượu hoa quế được bán nhiều.
Trong dịp tết Trung Thu người xưa còn có một phong tục rất thú vị nữa đó là ngắm thủy triều. Thời điểm ngắm thủy triều đẹp nhất là trước và sau tết Trung Thu. Các nhà thơ của các triều đại như Lý Bạch, Mạnh Hạo Nhiên, Lưu Vũ Tích, Bạch Cư Dị, Phạm Trọng Yêm, Lục Du, Tân Khí Tật, Tô Thức… đều có các bài thơ viết về thủy triều ở sông Tiền Đường.
Ngày nay, dù tục lệ vui chơi dưới trăng không còn phổ biến như xưa nhưng ước muốn ngắm trăng, sum họp cùng gia đình ăn bánh Trung Thu vẫn có cùng ý nghĩa như vậy. Chỉ là nhiều nét văn hóa thâm thúy hơn đã không còn.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Đường Huyền Tông tết trung thu ngắm trăng