Thi nhân Bạch Cư Dị: Nơi thế gian nhỏ bé có gì để tranh giành?
- An Hòa
- •
Trong cuộc sống ngắn ngủi này, nhiều người trong chúng ta dường như quên mất những điều quan trọng và lãng phí thời gian vào những thứ không quan trọng. Thi nhân thời Đường, Bạch Cư Dị, sau khi đã trải qua những thăng trầm của cuộc đời đã sáng tác bài thơ “Đối tửu”, vừa để biểu đạt nội tâm của mình và cũng là để gửi gắm thông điệp cho con người thế gian. Trong bài thơ, ông viết: “Oa ngưu giác thượng tranh hà sự”, con người sống nơi thế gian giống như sống trên xúc tu nhỏ bé của con ốc sên, tranh giành làm gì đây?
Nguyên văn bài thơ “Đối tửu” như sau:
Oa ngưu giác thượng tranh hà sự
Hạch hỏa quang trung ký thử sinh
Tùy phú tùy bần thả hoan lạc
Bất khai khẩu tiếu thị si nhân.
Tạm dịch nghĩa:
Trên râu ốc sên có gì mà tranh?
Cuộc đời ngắn ngủi như đá lửa vụt lóe
Dù giàu hay nghèo cũng đều vui vẻ
Không mở miệng cười là người si mê.
Bài thơ “Đối tửu” là một thể ngộ sâu sắc của Bạch Cư Dị vào lúc tuổi già, sau khi đã chứng kiến đủ mọi cảnh đời, nhìn thấu được muôn vẻ nhân sinh. “Oa ngưu giác” thực chất là một điển cố xuất xứ từ câu chuyện ngụ ngôn trong “Trang Tử. Tắc Dương thiên”. Chuyện kể rằng trên đầu một con ốc sên có hai cái xúc tu (râu). Trên xúc tu bên trái có một quốc gia tên là ‘Xúc thị’, và trên xúc tu bên phải có một quốc gia tên là ‘Man thị’. Hai nước này thường xuyên xảy ra chiến tranh quy mô lớn. Mỗi cuộc chiến tranh đều gây ra vô số thương vong và đổ máu ở cả hai bên. Bên thắng sẽ truy đuổi những người lính bại trận trong 15 ngày mới có thể hồi binh. Nhưng cuộc chiến tranh bi thảm này diễn ra giữa hai quốc gia trên xúc tu của một con ốc sên và từ ngoài nhìn vào, thứ mà hai nước đang tranh giành chỉ là một mẩu vụn nhỏ trên xúc tu của một con ốc sên mà thôi.
Bạch Cư Dị dùng câu chuyện ngụ ngôn của Trang Tử để nói với con người thế gian rằng cuộc đời cũng chính là như vậy. Con người sống trên đời giống như bị nhốt trên xúc tu của một con ốc sên. Không gian nhỏ hẹp như vậy, có gì phải so đo tính toán đâu, có gì để tranh để đấu đâu? Cuộc sống lại quá ngắn ngủi giống như khoảnh khắc tia lửa phát ra từ sự va chạm của những viên đá, vụt lóe lên rồi biến mất trong chốc lát. Tại sao con người phải tốn rất nhiều thời gian vào việc tranh danh đoạt lợi? “Oa ngưu giác thượng tranh hà sự”, câu này nhắc nhở chúng ta rằng những tranh chấp trên thế gian này dù có lớn đến đâu đi nữa thì chúng cũng chỉ nhỏ như việc tranh giành xúc tu của một con ốc sên, vì vậy tốt hơn hết là cứ sống thuận theo tự nhiên và đối mặt với mọi sự bằng tâm thái thản nhiên vui vẻ, xem nhẹ danh lợi, tiêu dao tự tại.
Bạch Cư Dị, tên tự là Lạc Thiên. Ông cùng với Lý Bạch và Đỗ Phủ được xưng là “Tam đại cự tinh”, ba nhà thơ vĩ đại của nền thi ca cổ. Bạch Cư Dị chịu ảnh hưởng từ hoàn cảnh gia đình từ nhỏ, bắt đầu học làm thơ khi mới năm hoặc sáu tuổi. Khi mười sáu tuổi, danh tiếng của ông lan truyền khắp trong ngoài kinh thành.
Thơ của Bạch Cư Dị chủ yếu phản ánh thời cuộc và tình cảnh, tâm tình nguyện vọng của dân gian. Ông cho rằng thơ ca phải bình dị dễ hiểu và dễ tiếp cận. Thơ của ông được viết bằng ngôn ngữ giản dị, rõ ràng và trôi chảy, ngay cả những phụ nữ già và trẻ em chưa biết chữ cũng có thể nghe hiểu được. Chính vì lẽ đó mà thơ của ông được quảng đại dân chúng yêu thích. Bạch Cư Dị không chỉ là một nhà thơ kiệt xuất mà còn là một vị quan chính trực, thẳng thắn, trung thực và có kỷ luật, được thế hệ sau vô cùng ngưỡng mộ.
Bạch Cư Dị cũng là nhà thơ viết nhiều bài thơ trào phúng, quan tâm đến những khó khăn của người dân, đồng cảm thương xót những nỗi khổ của dân nghèo. Trong đó nổi tiếng nhất là các bài “Mại thán ông”, “Quan ngải mạch” và “Liễu lăng”.
Lúc tuổi già, Bạch Cư Dị tự xưng là “Hương Sơn cư sĩ” và trở thành một người tu luyện nhưng không vào chùa. Việc tu Phật đã giúp ông hiểu rằng mọi thứ trên thế giới đều có mối quan hệ nhân quả. Vì vậy, khi bị giáng chức đến Giang Châu và gặp phải nhiều đau khổ trong cuộc sống, ông vẫn có thể bình tĩnh trong tâm cảnh “Oa ngưu giác thượng tranh hà sự”, khoáng đạt đại lượng, thản nhiên đối mặt.
Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Lâm Uyển Như
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Bạch Cư Dị thi nhân
