Thi nhân Đào Uyên Minh vui với cuộc sống đạm bạc
- Lâm Mai Anh
- •
Đào Uyên Minh là thi nhân đầu tiên viết rất nhiều về việc giữ vững bản thân trong cảnh nghèo khó, gọi là “cố cùng”. Ông nguyện chịu sống trong đói khổ là vì không để bản thân lạc vào danh lợi tình hay những phù hoa nơi thế tục, tu dưỡng bản thân, từ đó mà đạt được cảnh giới chất phác.
“Cố cùng” (chịu đựng khốn khó) là điển cố lúc Khổng Tử ở nước Trần nước Thái đã chịu cảnh cạn kiệt lương thực. Năm đó, Khổng Tử dẫn theo các đệ tử đi chu du các nước để có cơ hội được trọng dụng và thi triển đạo của mình. Lúc ở nước Trần, không may đoàn người bị bao vây, rơi vào hoàn cảnh khốn khó, cạn kiệt lương thực. Đối mặt với sự than phiền của học trò, Khổng Tử đã nói: “Quân tử cố cùng, tiểu nhân cùng tư lạm hĩ”, ý tứ là người quân tử gặp khốn khó thì vẫn kiên trì giữ vững nguyên tắc, còn kẻ tiểu nhân thì sẽ làm điều xằng bậy, làm ẩu làm càn. Cuộc đời đạm bạc của Đào Uyên Minh chính là một điển hình về giữ vững bản thân, chịu đựng khốn khó.
Sau khi Đào Uyên Minh từ quan ở tuổi 40 thì gặp cảnh thiên tai, hỏa hoạn, lũ lụt và sâu bệnh xảy ra liên miên khiến ông trường kỳ sống trong đói khổ. Ông viết:
Hạ nhật trường bão cơ,
Hàn dạ vô bị miên
Tạo tịch tư kê minh,
Cập thần nguyện ô thiên
Tạm dịch:
Ngày mùa hè thường nhịn đói
Đêm lạnh không có chăn ngủ
Mới đến chiều đã mong trời sáng
Sáng ra lại mong trời tối
Đào Uyên Minh đã có một khoảng thời gian vô cùng gian nan, luôn bị vây khốn bởi đói khát, thiếu thốn. Lúc tuổi già ông lại càng chịu cảnh đói khổ hơn. Giai đoạn này, ông đã viết câu thơ rằng: “Nhược niên phùng gia phạp, lão chí canh trường cơ”, lúc nhỏ gặp cảnh nhà túng thiếu, về già sống trong đói khát. Nhưng ông vẫn luôn động viên mình rằng: “Tư lạm khởi du chí, cố cùng túc sở quy. Nỗi dã dĩ hĩ phu, tại tích dư đa sư”, làm xằng bậy, vượt quá phép tắc không phải là chí hướng, “cố cùng” mới là tâm nguyện, đói khát có vấn đề gì đâu? Có biết bao bậc hiền triết nguyện ý sống trong cảnh nghèo khó, đủ để mọi người noi theo.
Khổng Tử từng khen ngợi hành vi chịu đựng khốn khó của đệ tử Nhan Uyên. Trong “Luận Ngữ. Ung dã” viết về Nhan Uyên: “Một giỏ cơm, một bầu nước, ở nơi ngõ hẹp. Người ta không kham nỗi cảnh nghèo hèn mà lo buồn còn Nhan Hồi thì không thay đổi niềm vui học đạo của mình.”
Trong các bài thơ của mình, Đào Uyên Minh cũng nhiều lần bày tỏ niềm hạnh phúc trong tâm sau khi về sống quy ẩn. Ông viết: “Hành môn chi hạ, hữu cầm hữu thư. Tái đạn tái vịnh, viên đắc ngã ngu. Khởi vô tha hảo, nhạc thị u cư”, nghĩa là sống trong ngôi nhà đơn sơ, bày biện đàn cầm và bộ sách, gảy đàn cầm và đọc sách là việc vui vẻ biết bao nhiêu.
Đào Uyên Minh thích đọc các bộ sách Thần thoại như “Mục thiên tử truyện” và “Sơn hải kinh”. Trong những bài thơ về việc đọc sách, ông viết rằng, tháng đầu mua hạ, cỏ mọc dài, cây cối quanh nhà tươi tốt sum suê, chim chóc vui mừng khi được trú ẩn trên cây, ông rất yêu quý ngôi nhà của mình. Ông sống vui vẻ với cuộc sống ẩn cư, thời điểm cày cấy thì cày cấy, khi nghỉ ngơi thì đọc sách, cũng không có bạn bè lui tới, vô cùng thanh tĩnh. Trong vườn rau trồng hoa màu, thực phẩm đủ để tự cung tự cấp, lúc nào cũng có thể uống rượu. Có lúc thì hà hơi theo gió, có lúc lại ngắm nhìn mưa phùn rơi. Ông đọc sách để hiểu về sự ảo diệu của vũ trụ, điều này đem lại cho ông cảm giác vui vẻ vô cùng.
Từ những bài thơ của Đào Uyên Minh, người ta thấy được rằng ông là người sống khốn khó nhưng tinh thần lại không hề có chút nào khổ sở, chán chường.
Đào Uyên Minh vui vì được làm láng giềng của những người hàng xóm mộc mạc. Trong bài “Di cư”, ông viết: “Trước muốn ở Nam thôn. Không chọn vì xem bói, mà biết có nhiều người lương thiện, nên muốn sớm tối chơi cùng”.
Đào Uyên Minh đơn giản, thuần phác, thiện lương nên vui mừng được cùng những nhân sĩ chất phác, giản dị sớm chiều bầu bạn. Ông chuyển đến Nam thôn sinh sống chính vì ở nơi đó có nhiều người cao thượng, chất phác. Ở đó, ông có thể gặp gỡ, đàm đạo.
Trong bài “Quy viên điền cư”, Đào Uyên Minh miêu tả cuộc sống ở nông thôn tuy rằng không có những vật dụng xa hoa mà chỉ có khung cảnh thiên nhiên như đất đai, ruộng vườn, cây cối và khói bếp nhưng ông cảm thấy vô cùng thoải mái và hòa nhập với thiên nhiên. Từ ý cảnh của câu: “Tuy thị thảo ốc, đảo dã khoan sưởng” (Tuy là ngôi nhà tranh, nhưng thật rộng rãi) có thể thấy trong lòng ông vui sướng và mãn nguyện.
Bài “Ngũ Liễu tiên sinh truyện” được coi là bức chân dung của Đào Uyên Minh. Trong đó viết rằng phòng ở chỉ là bốn bức tường trống không, ngay cả gió và mặt trời cũng vào được. Quần áo ông mặc đều là loại vải thô ráp nhất, lại còn đầy miếng vá, dụng cụ đựng cơm và múc nước thường thường trống rỗng. Dù vậy, Đào Uyên Minh lại có thể điềm tĩnh, ung dung tự tại, tâm tình bình thản: “Vong hoài đắc thất, dĩ thử tự chung”, quên đi những được mất, thiệt hơn trong cuộc đời.
Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Lâm Mai Anh
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa tu dưỡng Đào Uyên Minh Thi nhân tu luyện