Trên mộ của nhà chí sĩ Nguyễn Trường Tộ của nước ta có đôi câu thơ:

Nhất thất túc thành thiên cổ hận
Cố đầu hồi thị bách niên cơ.

Hai câu này có nghĩa là: một bước sa chân hận thành muôn thuở, ngoái đầu nhìn lại thân đã trăm năm. Nguyễn Trường Tộ sông trong thời điểm nước Việt nhiều biến động, bản thân muốn giúp đời giúp người, canh tân đất nước, nhưng ông lại đột tử đầy tiếc nuối. Vậy nên mới có đôi câu thơ ấy trên mộ ông.

Hai câu thơ của Nguyễn Trường Tộ kỳ thật lấy ý của hai câu thơ nổi tiếng khác của một thi họa gia nổi tiếng thời nhà Minh, Đường Bá Hổ:

Nhất thất túc thành thiên cổ tiếu,
Tái hồi đầu thị bách niên nhân.

Đằng sau hai câu thơ than thở đó là một câu chuyện dài.

Vào thời nhà Minh, có một vị tài tử sống ở Đào Hoa am, tự xưng là Đào Hoa tiên nhân. Mặc dù mọi người cười nhạo hành vi điên rồ của ông, nhưng ông lại mỉm cười khi thấy thế nhân không thể nhìn thấu cõi hồng trần. Sau khi trải qua những thăng trầm của cuộc sống, vị tài tử này cuối cùng đã chọn trở về với thiên nhiên, coi hoa và rượu là bạn, sống một cuộc sống quy ẩn bình lặng và thanh nhàn. Vị tài tử này chính là Đường Bá Hổ.

Mot buoc sa chan nhin thau 02
Một bức họa của Đường Bá Hổ. (Tranh: Đường Bá Hổ, Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Đường  Bá Hổ cùng với Chúc Doãn Minh, Văn Trưng Minh và Từ Trinh Khanh được xưng là “Ngô Trung tứ tài tử”. Đường Bá Hổ ngay từ khi còn nhỏ đã học hành rất chăm chỉ và hầu như không bao giờ ra khỏi nhà. Năm Hoằng Trị thứ 11, Đường Bá Hổ tham gia thi hương và đỗ đầu trong kỳ thi này nên nổi danh khắp vùng Giang Nam.

Lúc ấy ở Giang Âm có một thanh niên con nhà giàu có tên là Từ Kinh, cũng là người có chút tài năng. Từ Kinh vốn không có quan hệ gì với Đường Bá Hổ, nhưng vì hâm mộ tài năng của Đường Bá Hổ nên đã tự nguyện trả tiền cho Đường Bá Hổ đến kinh thành dự thi. Từ Kinh còn mang theo một số nghệ sĩ ca múa, mỗi ngày đều theo Bá Hổ đi khắp thành phố.

Các quan lại trong kinh thành đều ngưỡng mộ tài năng của Bá Hổ và đến thăm ông. Hai người nhỏ tuổi lại hành động phô trương ở kinh thành, điều này không tránh khỏi việc khiến cho nhiều người ghen ghét.

Tháng 2, năm Hoằng Trị thứ 12 (năm 1499) diễn ra kỳ thi hội. Triều đình đã bổ nhiệm đại học sĩ Trình Mẫn Chính và Lý Đông Dương làm giám khảo chính. Sau hai đợt thi, Đường Bá Hổ và Từ Kinh đều đỗ đạt. Việc Đường Bá Hổ đỗ là chuyện bình thường nhưng Từ Kinh vốn là người không nổi trội về tài năng nên nhiều người không phục.

“Minh Hiếu Tông thực lục” ghi lại rằng lúc ấy có triều thần muốn đoạt chức vị của Trình Mẫn Chính nên đã xúi giục người tố cáo ông. Vậy là sau khi thi hội xong, triều thần Hoa Sưởng tố cáo Trình Mẫn Chính tiết lộ đề thi cho Từ Kinh và Đường Bá Hổ. Triều đình đã yêu Lý Đông Dương xem xét lại bài thi thì phát hiện ra rằng trong các bài thi do Trình Mẫn Chính xét duyệt thì không có bài của Từ Kinh và Đường Bá Hổ. Triều đình ra lệnh đưa Hoa Sưởng, Từ Kinh và Đường Bá Hổ đến cẩm y vệ để thẩm vấn.

Sau nhiều diễn biến phức tạp, cuối cùng vụ án nhận được phán quyết hồ đồ đối với tất cả các bên: Trình Mẫn Chính bị cách chức cho trở về quê hương, Hoa Sưởng bị chuyển đến Nam Kinh vì cáo buộc không đúng sự thật, Từ Kinh và Đường Bá Hổ bị tước công danh.

Trình Mẫn Chính bị hại, phẫn hận đến chết sau khi trở về quê hương. Đường Bá Hổ sau khi ngồi tù được thả, nhưng thanh danh hoen ố.

Sau sự tình này, Đường Bá Hổ đã viết trong một bức thư hồi tưởng lại những cực hình mà mình phải chịu đựng trong tù: “Thân quý tam mộc, tốt lại như hổ, cử đầu thưởng đích, di tứ hoành tập”, thân thể bị tra tấn bằng khóa tay, gông cổ, cùm chân;, sai nha như hỗ dữ, đập đầu xuống đất, máu đầm đìa. Trên thực tế, Đường Bá Hổ không phải ngồi tù lâu. Triều đình không phát hiện ra có vấn đề nghiêm trọng nào nên đã thả ông ra. Tuy nhiên, ông bị giáng chức quan, thanh danh bị hoen ố, nên ông không đến nhận chức ở nơi mới.

Với Đường Bá Hổ, nỗi đau khổ về tinh thần sau đó thậm chí còn tồi tệ hơn. Khi ông trở về quê nhà, mọi người xung quanh đều coi ông là kẻ đê tiện. Bất kể là ai, chỉ cần nhắc đến Đường Bá Hổ, họ sẽ chỉ trích, chửi bới, sỉ nhục ông. Từ đó về sau, Đường Bá Hổ không làm quan nữa.

Đây chính là hoàn cảnh mà Đường Bá Hổ viết hai câu thơ:

Nhất thất túc thành thiên cổ tiếu,
Tái hồi đầu thị bách niên nhân.

Một bước sa chân hận thành trờ cười của người đời, ngoái đầu nhìn lại đã thành người trăm năm.

Đường Bá Hổ bị vướng vào một vụ kiện không đáng có, từ một học giả tài năng được mọi người ngưỡng mộ trở thành một “kẻ đê tiện” bị người đời cười chê. Hoàn cảnh của ông trước và sau sự việc ấy thực sự khác biệt đến đáng thương, là ai thì cũng khó mà có thể chịu đựng nổi. Cũng chính bởi vậy mà Đường Bá Hổ lại nhìn thấu được “trò đùa” danh lợi nơi cõi người. Sau này có người muốn lợi dụng ông để tạo phản, Đường Bá Hổ lại giả điên giả dại mà thoát đi, trọn đời không màng quan vị.

Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Tống Bảo Lam
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: