Thiển đàm về võ thuật truyền thống và võ thuật hiện đại
- Thiên Cầm
- •
Khi nhắc tới võ thuật hiện đại, một số võ sư thường tỏ ý lưu luyến võ thuật truyền thống. Vậy, võ thuật hiện đại và võ thuật truyền thống có gì khác biệt?
Võ thuật truyền thống là một di sản được kế thừa qua nhiều thế hệ, thường là truyền thừa hàng trăm năm. Sư phụ của môn đó dạy thế nào thì là như thế, hễ thay đổi thì không còn là bộ võ đó nữa. Võ truyền thống không đẹp mắt, nhưng thực dụng, lại có mang theo nhiều yếu tố nội hàm, bao gồm cả nội công, nội khí, và văn hóa. Ở khía cạnh văn hóa, rất nhiều môn võ thuật truyền thống là bắt nguồn từ Phật gia và Đạo gia, có bao hàm cả yếu tố tu luyện, hàm dưỡng, tu đức.
- Mời quý vị nghe radio: Thiển đàm về võ thuật truyền thống và võ thuật hiện đại
Người xưa cho rằng, các ngành các nghề đều có “chính tông”. Võ cũng là như vậy, tự ý thay đổi loạn lung tung cả lên, thì sẽ biến môn phái ấy chẳng còn ra thứ gì. Làm như vậy người xưa cho rằng là có lỗi với sư phụ của mình, cũng là thiếu khuyết võ đức.
Nói về võ hiện đại, một vị võ sư bàn rằng:
“Võ thuật hiện nay đa phần chỉ là một bộ võ cạnh tranh. Họ tổ hợp những động tác lại rồi cải biến đi, làm như vậy cho dễ chấm điểm, động tác cũng phải được tiêu chuẩn hóa. Đồng thời họ thêm vào một vài động tác lộn nhào trên không, lật người, lộn ngược, xoay người 360 độ, 720 độ, thêm vào một vài trình độ thưởng thức, miễn sao trông đẹp mắt là được rồi. Họ cộng điểm cho những động tác khó, làm được những động tác có độ khó cao thì được điểm cao, không làm được thì không được điểm.”
Nhưng điều quan trọng nhất ở võ mà đôi khi võ hiện đại bỏ qua chính là võ đức, chính là dạy con người ta hành thiện. Người luyện võ không được bắt nạt người khác, chỉ dùng để rèn luyện sức khỏe và phòng thân. Khi quốc gia bị xâm chiếm, thì những người luyện võ có thể bước ra đầu quân để bảo vệ đất nước.
Tại Việt Nam, những vị vua và võ tướng nhà Trần như vua Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật đều là những cao thủ hàng đầu, võ đức kiêm toàn.
Ngày nay, nhiều người, bao gồm cả một số người trong giới tập võ, xem võ chỉ đơn thuần là một kỹ năng đối kháng trực diện, nhưng tinh hoa của bộ phận văn hóa truyền thống này lại nằm ở giá trị đạo đức. Võ cũng có những tầng thứ khác nhau, là “Võ thuật”, “Võ công”, “Võ đức” và “Võ đạo”.
Võ Thuật
Từ “Võ” (武) tiếng Hán gồm bộ “Qua” (戈 – cây thương, giáo, mác) và chữ “Chỉ” (止 – kết thúc, ngăn lại), ý nói rằng võ không phải là dùng để đánh nhau kịch liệt, phân định thắng thua, tranh tài cao thấp, mà dùng để chấm dứt việc đánh nhau, ngăn chặn bạo lực. “Thuật” chỉ phương pháp, nghệ thuật. Vậy nên, võ thuật nghĩa là nghệ thuật ngăn chặn bạo lực, ẩu đả.
Võ công
Võ công hay còn gọi là công phu là khái niệm cao hơn võ thuật, là khởi đầu của người luyện võ chân chính. “Võ công” là phương pháp rèn luyện chính thống căn bản nhất giúp người luyện võ có thể đạt đến trình độ thượng thừa sau này. Trong đó có thể gồm các bài võ bí truyền và phương pháp hô hấp nội ngoại công, đòi hỏi sự rèn luyện kiên nhẫn cao độ trong một thời gian lâu.
Võ đức
Cổ nhân nói: “Võ dĩ đức chương, đức dĩ vũ hiển”, chính là nói rằng đức là cái gốc của võ, võ là cái lá của đức. “Võ đức” chính là đạo đức của võ thuật. Tôn đạo trọng đức, tin tưởng vào nhân quả, thông tỏ thiện ác, ngăn ác tuyên dương thiện, kính Trời khiêm mình, thuận Trời thuận người, hướng đạo tu đức chính là võ đức.
Cái đức của võ còn thể hiện ở việc gặp thiện mà không ức hiếp, gặp ác mà không sợ. Thời cổ đại, Hoàng Đế lấy chính để ngăn chặn tà. Chu Vũ Vương lấy có đạo để phạt vô đạo, đều là ở ý này.
Trương Tam Phong sáng lập ra Thái Cực quyền, “chí nhu nhược thủy”, lấy nhu thắng cương để bình thiên hạ. Thái Cực quyền không chỉ lấy sự nhu hòa, thong dong để làm lợi cho sức khỏe của con người, dưỡng sinh kéo dài tuổi thọ mà càng là “lấy nhu khắc cương”, ngăn chặn bạo lực, không đả thương người. Đây được coi là điển hình của võ đức.
Võ đức còn thể hiện ở tu tâm dưỡng tính,không màng danh lợi, thiện tâm, ý chí kiên định, có nếm trải qua trăm khổ ải cũng cam lòng, trải qua muôn vàn khó khăn cũng không nhụt chí, đối mặt với cường quyền và kẻ ác mà tâm không sợ, kỹ thuật không hời hợt. Một khi tâm không sợ thì “thần ngưng khí định”, kỹ thuật không hời hợt thì có thể ngăn chặn được bạo lực.
Lại lấy một ví dụ về dòng võ Taekkyeon của Hàn Quốc được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể. Người ta thấy Taekkyeon chịu ảnh hưởng sâu sắc về đạo đức bắt nguồn từ giáo lý Nho giáo. Điều này thể hiện trong các câu sau:
- 사군이충 / Trung với bậc vua
- 사친이효 / Hiếu với người thân
- 교우이신 / Tín với bè bạn
- 임전무퇴 / Lâm trận không lùi
- 살생유택 / Sát sinh đúng kẻ
Tập Taekkyeon, người võ sinh sẽ phải học cách kiềm chế “cái tôi” trong mình, xem thường chuyện riêng tư, biết tôn trọng đối thủ và bảo vệ sự an nguy của mọi người. Người học môn võ này phải biết nghĩ cho đối phương: dẫu có thể trấn áp đối thủ trong tích tắc, nhưng một cao thủ thực thụ sẽ biết cách khiến đối phương rút lui mà không cần tấn công. Vậy nên tinh thần của Taekkyeon chính là tu đức.
Võ đạo
Cảnh giới cao nhất của người học võ lại chính là “Võ đạo”. Lão Tử nói: “Thất đức nhi hậu nhân, thất nhân nhi hậu nghĩa, thất nghĩa nhi hậu lễ, phu lễ giả, trung tín chi bạc nhi loạn chi thủ.” (Mất đạo thì đến đức. Mất đức thì đến nhân. Mất nhân thì đến nghĩa. Mất nghĩa thì đến lễ. Mà lễ là trung tín đã đi đến chỗ mỏng manh, và là đầu mối loạn lạc). Cho nên trong võ thuật truyền thống, đạo ở trên cùng, sau rồi mới đến đức.
Võ đạo là trình độ tối cao của người luyện võ, là niềm mơ ước của tất cả võ nhân hay võ sĩ. Khi ấy võ học trở thành một phương tiện khiến đạo đức thăng hoa, giúp con người vượt thoát khỏi giới hạn của thể xác vật chất. Tập võ cũng chính là hành đạo, võ đạo chân chính không dùng để phân định hơn thua và tài năng cao thấp. Nếu như Thái Cực Quyền biểu hiện ra võ đức, thì Trương Tam Phong là điển hình của vị chân nhân đạt tới võ đạo.
Thiên Cầm tổng hợp
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa võ thuật võ đạo võ thuật truyền thống võ thuật hiện đại võ đức