Thiện niệm là cửa của vạn thiện, ác niệm là gốc của vạn ác
- An Hòa
- •
Cổ ngữ nói: “Nhất niệm chi hỉ, cảnh tinh khánh vân; nhất niệm chi nộ, chấn lôi bạo vũ”, ý nói một niệm vui vẻ sẽ mang đến dấu hiệu tốt lành như sao sáng mây lành, một niệm phẫn nộ sẽ mang đến khí hung tàn như mưa giông sấm sét. Con người sống nơi thế gian không có lúc nào là không đang ở trong sự lựa chọn, có thể chỉ bởi vì một niệm thiện ác mà cuộc đời đã rẽ sang một con đường khác. Bởi vậy, một người thời thời khắc khắc đều phải chú ý đến nhất tâm nhất niệm của bản thân mình.
Cổ nhân giảng: “Tâm thể chi niệm, thiên thể sở hiện”, tâm thể của con người cũng chính là thiên thể. Sự biến hóa của đại tự nhiên và sự biến hóa trong nội bộ thân thể con người là có sự đối ứng với nhau. Đó chính là điều cổ nhân giảng “Thiên nhân hợp nhất”, “Thiên nhân cảm ứng”, “thiện ác có báo”. Cho nên, con người chỉ có tuân theo Thiên đạo thì mới có thể cùng với trời đất hợp thành nhất thể, mới có thể được trường thọ.
Thiện niệm là một loại ý thức đạo đức, là nguyên nhân nội tại của hành vi đạo đức, nó phát ra từ sự theo đuổi chân lý, chính nghĩa và tín niệm cao thượng. Sách “Sơ khắc phách án kinh kỳ” viết: “Không ai lừa gạt được Trời xanh, trước khi con người muốn làm điều xấu thì Trời xanh đã biết rồi“. Trời đất Thần linh không có lúc nào là không giám sát thiện ác. Có người bời vì một ý niệm chân thành và lương thiện mà trong âm thầm được Thần ban phúc. Có người bởi vì một ý niệm tà ác liền rõ ràng bị Trời trừng phạt. Thiện ác chỉ cần ở trong tâm niệm, không nhất định cần phải thể hiện ra ở hành động thực tế mà phúc họa tự đã cảm ứng rồi. Điều mà cổ nhân gọi là phúc điền chính là ở trong tâm điền gieo trồng nhân gì thì sẽ gặt được quả đó. Thiên lý rõ ràng, không một chút sai lệch.
Văn hóa truyền thống trước sau đều biểu hiện ra sự chú trọng và sự theo đuổi cực lớn đối với “Thiện”. Thiện ác chính tà là các mệnh đề quan trọng trong văn hóa truyền thống. Thánh hiền thời cổ và các tác phẩm kinh điển của các triều đại đều tuyên dương đạo lý thuận theo Thiên đạo, nhân quả báo ứng, tu thiện tích đức, thăng hoa cảnh giới đạt đến tiêu chuẩn triệt ngộ, thành Đạo thành Phật.
Tiên nhân Xích Tùng Tử thời viễn cổ trong lúc trả lời câu hỏi của Hoàng Đế đã nói: “Thần Tam Thai, Bắc Đẩu, Thần Quân thường ở trên đầu người, chiếu xét tội lỗi người, mạng theo đó mà giảm đi”. Ông còn nói rằng:“Người làm thiện, thiện khí bao phủ, phúc đức đi theo, tà ma tránh xa,Thần linh bảo vệ, mọi người đều kính trọng, rời xa tai họa. Người làm ác, hung khí bao phủ, tai họa đi theo, cát tường tránh đi, tai họa giáng xuống”.
Trong “Bão phác tử” của Cát Hồng thời Tấn viết: “Trời đất có thần Tư Quá, tùy theo tội nặng hay nhẹ của người mà bớt tuổi của họ. Tuổi giảm ắt người bị nghèo, hao tốn, và gặp nhiều lo rầu, người đời ghét bỏ, tai họa đi theo, không được vui mừng may mắn, ác tinh gieo họa, tuổi hết thì chết”. Cho nên, “Lưới trời lồng lồng, thưa mà không lọt”, báo ứng chỉ là sớm hay muộn mà thôi.
Trong sách “Dịch thư” viết: “Dịch vi quân tử mưu, xu cát tị hung” (Dịch là giúp cho con người biết tìm phước tránh hoạ), sách “Tả truyện” cũng viết: “Họa phúc vô môn, duy nhân tự chiêu” (Họa phúc đều không có cửa vào mà là do bản thân mình tự gây ra). Những câu này giảng ra đều là để khuyên răn con người hướng thiện, kính tín Thần Phật, hành thiện tích đức thì mới có thể tạo ra phúc báo lâu dài.
Theo “Thái Thượng cảm ứng thiên lệ chứng” ghi lại, Nguyên Tự Thật triều nhà Nguyên rất căm ghét một người vong ân phụ nghĩa tên là Mâu Tài. Một hôm, vào lúc canh 5, Nguyên Tự Thật muốn đi giết anh ta. Trên đường đi, Nguyên Tự Thật đi qua một am đường. Chủ nhân của am đường là Hiên Viên Ông dậy sớm tụng kinh thì nhìn thấy có hơn chục con quỷ hình thù kỳ dị đi theo Nguyên Tự Thật tiến về phía trước, bộ dạng vô cùng hung ác. Nhưng một lát sau, khi Nguyên Tự Thật quay trở về, Hiên Viên Ông lại nhìn thấy những người đi theo anh ta lại là những người đeo kim quan ngọc bội, có cả trăm người, có hoa thơm vây quanh Tự Thật, vô cùng trang nghiêm, trên mặt đều lộ ra vẻ tường hòa vui vẻ.
Hiên Viên Ông liền gọi Nguyên Tự Thật vào và hỏi nguyên nhân. Nguyên Tự Thật đáp: “Tôi hận Mâu Tài quá phụ lòng nên muốn đến giết chết anh ta. Nhưng lúc đến cửa nhà anh ta thì tôi lại nghĩ thầm rằng anh ta tuy rằng rất có lỗi với tôi nhưng anh ta còn có vợ con và mẹ già. Tôi giết anh ta rồi thì vợ con và mẹ anh ta dựa vào ai mà sống. Cho nên trong tâm tôi không đành, thế là tôi đã thay đổi quyết định của mình và quay trở về!”
Hiên Viên Ông đã kể lại những gì mình vừa nhìn thấy cho Nguyên Tự Thật nghe. Hơn nữa ông còn nói lời chúc mừng: “Một niệm ác của anh đã bị hung quỷ theo sau, một niệm thiện của anh đã được phúc thần đi theo. Chuyện của anh, Thần linh đều biết hết, anh chắc chắn có được hậu phúc”.
Nguyên Tự Thật từ đó không ngừng kiên trì làm việc thiện, chỉ có gia tăng, không có dừng lại. Về sau, Nguyên Tự Thật thi đỗ làm quan, làm đến chức Khanh tướng, còn Mâu Tài bị giết chết trong loạn quân.
Một niệm thiện có thể hóa giải được tai họa. Thượng Thiên giáng xuống hiện tượng ẩn chứa cát hung họa phúc, kỳ thực chính là đạo lý cảm ứng. Cổ nhân giỏi quan sát thiên tượng, nhìn thấy những dấu hiệu báo điềm xấu thì cũng biết được nguyên nhân của sự việc. Như chuyện “Huỳnh hoặc thủ Tâm” trong được ghi chép trong chính sử là một ví dụ. Huỳnh hoặc là hỏa tinh, là hung tinh chủ về đao binh, xâm nhập vào phạm vi của Tâm túc tinh thì dự báo điềm hung hiểm cực xấu, là có liên quan đến mệnh của quân vương một nước.
Vào thời Xuân Thu, khi Tống Cảnh Công gặp loại tinh tượng này. Tử Vi kiến nghị rằng có thể đem tai họa này dời xuống Tể tướng, dân chúng hoặc thu hoạch mùa màng. Nhưng Tống Cảnh Công đều nói không thể. Ông nói: “Tể tướng là cánh tay đắc lực của quốc quân, người dân là trụ cột của đất nước, còn mùa màng không tốt thì dân chúng đói khát”. Vì thế, Tống Cảnh Công thà tự nhân hung tai chứ không chịu giá họa. Kết quả là thiện ngôn thiện niệm này của Cảnh Công đã khiến tinh tượng này thay đổi vị trí, chuyển họa thành phúc, nước Tống cũng tránh được đại nạn.
Tề Cảnh Công cũng gặp loại tinh tượng này và đã nghe theo lời gián ngôn của Tể tướng Yến Tử: “Kính thiên địa, sửa án oan, thi hành công đạo khắp thiên hạ, làm việc thiện chính, quét sạch gian thần, lấy nhân từ trị dân”. Sau ba tháng thi hành như vậy, quả thực tai tinh đã thay đổi vị trí, hóa giải điềm xấu.
Thời Hán Thành Đế khi gặp loại tinh tượng này, lang quan Bí Lệ nói: “Hãy để cho đại thần gánh vác”. Thế là Tể tướng Địch Phương Tiến bị Hán Thành Đế ban rượu độc tự sát. Sau khi Địch Phương Tiến chết mấy ngày, Hán Thành Đế cũng đột nhiên chết bất đắc kỳ tử, thọ 45 tuổi.
Cùng là một loại tinh tượng nhưng ba người có ba cách xử lý bất đồng và quả báo cũng khác nhau. Cho nên khi Thiên Thượng giáng hiện tượng cảnh báo, khi hiện tượng dị thường xuất hiện thì trước tiên nên kiểm tra lại những sai sót của bản thân và quy chính lại những điều bất chính, uy lực của thiện niệm có thể chuyển biến vận mệnh. Đây là vì cầu phúc trong tâm mà tiêu trừ tai họa, nên được trời bảo hộ.
Mỗi một khởi tâm động niệm của con người đều là nhân của quả báo trong tương lai. Tâm khởi thiện niệm sẽ được chính Thần phù hộ, mọi việc được như ý, khi tâm khởi ác niệm thì sẽ cảm thấy mọi việc không được suôn sẻ, thuận lợi. Đạo làm người chính là phải có thể tự suy xét, kiểm điểm lại nội tâm của mình, quan sát khởi tâm động niệm của bản thân, luôn luôn khởi thiện niệm, bài trừ ác niệm.
Thiện niệm là cửa của vạn thiện, từ đây có thể đi tới tương lai tốt đẹp. Ác niệm là ngọn nguồn của vạn ác, từ đây có thể rơi vào vực sâu tội ác. Người có thiện niệm chân thành có thể làm cảm động Trời đất, cho dù là ở vào lúc nguy nan cũng vẫn có thể xu cát tị hung, hóa nguy thành an. Bởi vì Thiên đạo luôn đồng hành cùng người thiện, không cần nói mà có thể khéo léo hồi đáp, không cần kêu gọi mà sẽ tự nhiên đến. Một người chỉ cần dùng thiện tâm thiện niệm cảm ứng Thượng Thiên thì cho dù ở nơi nào cũng sẽ được Thượng Thiên bảo hộ.
Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Thần Phật Thiện niệm Ác niệm