Thiên tai nhân họa: Cố Cung nhiều lần bị cháy
- An Hòa
- •
Trong lịch sử, Tử Cấm Thành (Cố Cung) nhiều lần bị cháy. Vì sao một công trình vĩ đại và quan trọng như vậy lại bị cháy nhiều lần như vậy? Là thiên tai hay là do con người gây ra. Khoảng bốn trăm năm qua, những mất mát trong các vụ đại hỏa hoạn này lớn đến mức nào? Chủ nhân của Tử Cấm Thành đã có những cố gắng ra sao?
Cố Cung bị cháy, tổn thất là thiên giá
Cố Cung trải qua 24 triều đời Minh và Thanh. Trong khoảng 400 năm, theo lịch sử ghi chép lại, Cố Cung đã xảy ra tổng cộng hơn 80 lần bị cháy, tổn thất là vô cùng lớn. Trong Cố Cung cất giữ rất nhiều văn vật, trân bảo, ngọc khí, thi họa, vô số kim phật lớn nhỏ, cây cối xung quanh điện… Cho nên, mỗi lần xảy ra đại hỏa hoạn thì tổn thất là không gì đo được.
Trong hồi ức “Ngã đích tiền bán sinh”, Hoàng đế Phổ Nghi có nhắc tới một vụ đại hỏa hoạn xảy ra tại cung Kiến Phúc như sau: “Đại hỏa qua đi, nội vụ phủ tìm người đến xử lý hậu sự, thương gia trúng thầu kiểm tra trong phế tích, phát hiện có hơn 17000 lượng vàng thỏi và vàng miếng.” Bởi vậy có thể thấy, những tổn thất về văn vật trong đại hỏa là “thiên giá” (giá trên trời, vô giá).
Mỗi lần có hỏa hoạn xảy ra ở Cố Cung đều được ghi chép một cách tường tận. Theo tư liệu lịch sử ghi chép lại về số lần xảy ra hỏa hoạn trong Cố Cung, bình quân cứ 7 năm thì có một lần cháy lớn. Điều này khiến cho mọi người không khỏi khắc sâu ấn tượng. Như vậy, lý do gì khiến Cô Cung bị cháy nhiều lần như vậy? Là thiên tai hay do con người gây nên?
Vật liệu và kết cấu của Cố Cung
Vật liệu gỗ: Thời cổ đại, khí hậu ẩm ướt, rừng nguyên thủy rậm rạp, tài nguyên gỗ vô cùng phong phú. So với đá thì việc vận chuyển khuân vác, cắt xén, sửa chữa là không khó khăn bằng. Gỗ cũng dễ dàng được lấy từ địa phương, cũng kinh tế hơn. Hơn nữa, trước khi gỗ được dùng để xây dựng thì phải được xử lý khô cho nên khi gặp hỏa hoạn càng khó tránh khỏi.
Kết cấu: Ngoài vật liệu gỗ, kết cấu của Cố Cung cũng là một nguyên nhân gây ra tổn thất lớn khi xảy ra đại hỏa hoạn. Trong kiến trúc của người Trung Quốc xưa được chia làm ba phần chủ yếu là nền, cột, xà ngang và nóc nhà. Nền được dùng bằng gạch hoặc đá, nóc nhà được lợp bằng ngói hoặc cỏ tranh, cột trụ gánh vác sức nặng của toàn bộ ngôi nhà.
Tường chủ yếu có chức năng để ngăn cách trong ngoài và ngăn cách các phòng. Cho nên, Cố Cung một khi cháy thì bởi vì vách tường thưa thớt khuyết thiếu vật ngăn cản lửa lan tỏa, thứ hai là cột trụ bằng gỗ trở thành “tử huyệt”. Khi cột trụ, bị thiêu cháy, bị gãy thì cả tòa cung điện sẽ sụp đổ trong nháy mắt, không gì có thể cứu vãn được.
Tỷ lệ sét đánh cao
Theo số liệu thống kê cho thấy, sét là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến Cố Cung bị cháy. Năm thứ hai sau khi khánh thành, điện Thái Hòa – một trong ba điện đứng đầu của Cố Cung đã bị sét đánh cháy.
Ngọn lửa sau đó đã lan sang cả điện Trung Hòa và điện Bảo Hòa, khiến cả khu vực trở thành một đám đất trơ trọi. Lúc ấy, Minh Thành Tổ Chu Lệ phải mất hơn 3 năm mới phục hồi được toàn bộ Cố Cung về trạng thái như trước.
Trong tư tưởng của người Trung Hoa cổ, sấm sét là lực lượng siêu tự nhiên. Mỗi khi sét đánh gây ra cháy, các Hoàng đế trong Tử Cấm Thành đều tự xét lại bản thân mình, khẩn cầu Thần miễn trừ tai ương và ban phúc lành cho dân chúng.
Người cổ đại căn cứ vào tri thức bản thân hiện có, cũng bố trí các cách tránh sét. Nhưng phương pháp bấy giờ, xét cho cùng cũng chỉ có tác dụng dẫn sét chứ không phải tránh sét.
Khoảng thời gian thường xuyên xảy ra sấm sét ở Bắc Kinh kéo dài, lại không có phương pháp tránh sét, Cố Cung so với nhà dân lại cao lớn hơn nhiều cho nên càng dễ dàng bị sét đánh hơn.
Bị phóng hỏa cháy để xóa dấu tích
Việc Tử Cấm Thành bị cháy, ngoài các nhân tố tự nhiên còn có nhân tố con người. Số người sống trong Tử Cấm Thành là rất đông, những việc như đốt nến, đốt đèn hoa đăng, nhóm lửa sưởi ấm… chỉ hơi một chút không để ý là có thể dẫn đến hỏa hoạn.
Vào đầu tháng chạp năm Khang Hy thứ 18, nhà bếp trong lúc làm cơm đã gây ra hỏa hoạn. Lúc ấy, ngọn lửa thuận theo gió đã nhanh chóng lan đến điện Thái Hòa. Sau khi hỏa hoạn được dập tắt, Hoàng đế Khang Hy đã cho xử trảm 6 người gây ra họa này.
Ngoài việc do sơ ý mà xảy ra hỏa thoạn thì việc cố tình phóng hỏa thiêu cháy Cố Cung cũng không phải chuyện hiếm. Vào thời Minh Thanh, bổng lộc của Thái giám rất ít ỏi nên rất nhiều người đã lén lút trộm cắp. Lấy triều Minh làm ví dụ, Thái giám thời ấy chỉ được một chút bạc và gạo ít ỏi. Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương quy định bất luận chức vị cao thấp ra sao, lương tháng của hoạn quan đều là một thạch gạo như nhau, được ít hơn nhiều so với quan lại.
Dưới tình huống đó, Thái giám từ trên xuống dưới đều tham ô hủ bại, ăn cắp trân bảo là chuyện thường thấy. Vào triều Thanh, việc trộm cắp đã xảy ra rất nhiều, đến mức “nhìn mãi quen mắt”. Trong hồi ức của mình, Hoàng đế Phổ Nghi viết: “Những người tham gia trộm cắp, có thể nói là từ trên xuống dưới. Nói cách khác, phàm là hết thảy những người có cơ hội trộm thì không một ai là không trộm, hơn nữa còn tận khả năng để trộm.”
Để tránh việc bởi vì trộm cắp bị phát hiện mà phải chịu tội chết, những người Thái giám này sẽ “bí quá hóa liều” mà ác ý phóng hỏa. Năm Càn Long thứ 29, Thái giám Triệu Tiến Lộc vì để che giấu vết tích trộm cắp của mình đã phóng hỏa ở nhà bếp. Sự việc này đã bị phát hiện, cuối cùng Hoàng đế Càn Long đã phán xét xử tử thái giám này.
Nguyên nhân đại hỏa hoạn xảy ra ở cung Kiến Phúc mà Hoàng đế Phổ Nghi ghi chép lại thực ra cũng là do Thái giám phóng hỏa, nhằm xóa bỏ dấu vết phạm tội. Trước khi xảy ra đại hỏa, Hoàng đế Phổ Nghi chuẩn bị cho kiểm kê tài vật trong Cố Cung để niêm phong cất vào kho thì cung Kiến Phúc liền gặp phải hỏa hoạn. Toàn bộ tài vật, bảo vật quý giá trong cung đều hóa thành tro tàn. Sự trùng hợp ấy khiến thế nhân không thể không hoài nghi về nguyên nhân gây ra vụ đại hỏa này.
Phương pháp cứu hỏa thô sơ
Cố Cung đương nhiên cũng có áp dụng các biện pháp cứu hỏa, nhưng còn thô sơ, không cứu vãn được những vụ đại hỏa xảy ra. Bên ngoài mỗi cung điện trong Cố Cung, người ta đều có đặt lu lớn đựng nước để chữa cháy. Đến mùa đông, trong Cố Cung còn đun nước nóng để tránh trường hợp nước bị kết băng, nhằm dự trữ nước chữa cháy.
Ngoài ra, Cố Cung cũng trang bị “máy bơm nước cứu hỏa”. Mô hình và nguyên lý hoạt động của máy này giống như súng bắn nước cỡ lớn.
Ngoài hai biện pháp thô sơ này, trong Cố Cung cũng bố trí nhà ăn ở những nơi khuất gió, hạn chế việc lửa bị lan sang những cung khác. Tuy nhiên, những phương pháp chữa cháy thô sơ này khi đứng trước đại hỏa hoạn thì “lực bất tòng tâm”.
Thêm nữa, Cố Cung là nơi đặc biệt quan trọng, có những nơi Thái giám và quan lại không được phép tùy tiện ra vào cho nên khi xảy ra hỏa hoạn có thể vì do dự hoặc trực tiếp không được cho phép mà gây khó khăn cho việc cứu hỏa.
An Hòa (dịch và t/h)
Xem thêm:
Từ khóa Thiên tai Tử Cấm Thành Cố Cung