Đất Kinh Bắc xưa là nơi giang sơn tụ khí, là vùng đất khoa bảng sản sinh ra nhiều nhân tài của nước Việt. Làng Tam Sơn là một làng tiêu biểu ở đây, với 22 người đỗ đại khoa, trong đó có 2 Trạng Nguyên, 1 Bảng nhãn, 1 Thám hoa, tự hào là làng duy nhất cỏ đủ Tam khôi: Trạng nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa. Vậy nên có câu thơ rằng:

Tam Sơn là đất ba gò,
Của trời vô tận một kho nhân tài.

Giải thích về tên gọi “Tam Sơn”, sách Đại Nam nhất thống chí có ghi chép rằng: “Núi Tam Sơn ở cách huyện Đông Ngàn 10 dặm về phía tây bắc, giữa đồng nổi lên ba ngọn núi hình như chuỗi hạt châu. Xã Tam Sơn nhân tên núi mà đặt.”

Trong 22 người đỗ đại khoa ở làng, đặc biệt có Nguyễn Tự Cường được gọi là “Tiết Nghĩa đại vương” bởi tấm lòng trung thành với là Lê, chết cùng với nhà Lê chứ nhất định không theo nhà Mạc.

Chu Thần Cao Bá Quát, Ngô Thì Sĩ, Người dùng Kinh Dịch tiên đoán về cuộc chiến chống quân Nguyên, Thủy tổ dòng họ Phùng Văn dạy dỗ 12 người con thành danh
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Trung thành với nhà Lê

Nguyễn Tự Cường sinh ra trong gia đình danh gia vọng tộc họ Nguyễn ở Tam Sơn, từ nhỏ đã chăm chỉ đèn sách, dùi mài kinh sử.

Khoa thi năm 1514 đời vua Lê Tương Dực, ông dự thi và đỗ Đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân, làm quan đến Hiến sát sứ.

Dù làm quan, mỗi khi về làng Nguyễn Tự Cường đều rất gần gũi với bà con lối xóm, thăm hỏi và giúp đỡ khi cần.

Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, ông tập hợp các danh sĩ ở Đông Ngàn cùng xây dựng lực lượng chống Mạc Đăng Dung. Tuy nhiên đội quân mới xây dựng còn rất yếu nên không chống nổi.

Mạc Đăng Dung lên ngôi xây dựng Triều dình mới, tận dụng những vị quan cũ của nhà Lê, cho gọi Nguyễn Tự Cường ra làm quan cho mình. Ông cáo bệnh quyết không đi, nhà Mạc cho người đến bắt ông phải đến chầu. Bắt buộc phải đi, ông đến nơi không chịu quỳ lạy, vào thẳng đến trước mặt Mạc Đăng Dung nói rõ là phò Lê chứ không phò Mạc, rồi cắn lưỡi tuẫn tiết ngay tại sân rồng.

Tưởng nhớ

Nhận được tin, người dân làng Tam Sơn vô cùng thương tiếc lập đền thờ, tôn ông là Thành Hoàng của làng, gọi là Tiết Nghĩa đại vương. Đến thời Lê Trung Hưng, nhà Lê ban sắc chỉ phong cho ông làm Thượng Đẳng Thần.

Ngày nay đền thờ Tiết Nghĩa đại vương Nguyễn Tự Cường nằm ở sườn núi gần chùa Cảm Ứng. Trải qua thời gian dài chiến tranh, đền thờ hư hỏng rồi lại được sửa chữa tôn tạo. Ngày nay đền thờ vẫn lưu giữ các tài liệu cùng hiện vật quý giá như bia đá, sắc phong, hoành phi câu đối như:

Quyết tâm giữ nghĩa vững tâm khắc đá vì đất nước
Nhớ lúc nắm quyền sóng gió chí cao giúp đỡ dân

Và câu:

Nghĩa sáng kiên trung chiếu ngàn thu còn mãi
Anh hùng ngay thẳng sử ghi muôn họ lưu danh

Hàng năm vào ngày mất của Nguyễn Tự Cường 16 tháng 8 âm lịch, người làng lại tổ chức tễ lễ tưởng nhớ. Năm 2010, con cháu dòng họ và người làng cùng góp sức trùng tu mở rộng đền thờ khang trang, bề thế hơn. Đền thờ được  công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh vào năm 2014.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: