Tiêu chuẩn làm một “người bình thường”
- Nguyễn Thị Bích Ngà
- •
Tôi nhớ, lúc nhỏ, nhà tôi nghèo lắm, mẹ bận rộn làm rất nhiều việc, vừa nhà cửa, chăm sóc ba ốm, vừa làm bánh, buôn bán kiếm tiền nuôi bầy con 6 đứa… mẹ không có thời gian cho riêng mình. Thế nhưng, tôi vẫn được mẹ dạy dỗ rất cẩn thận từ cách đi đứng cho đến ăn mặc, nói chuyện, cư xử.
Mẹ bảo, khi đi phải nhấc chân lên khỏi mặt đất, không kéo dép lẹt xẹt mới là người thanh tao.
Khi nhai phải từ tốn, môi khép vào, không được chóp chép, không được húp sùm sụp mới là người lịch sự.
Khi gắp thức ăn, không được xới tung lên chọn miếng mình thích, không được gắp miếng này lên bỏ xuống lại chọn miếng khác, mới là người biết điều và nhường nhịn.
Khi quét nhà phải quét sạch cả trên, dưới, trong ngoài mới là người cẩn thận, biết nhìn toàn cảnh chứ không cắm mặt biết mỗi lối đi.
Khi quét sân, phải quét luôn đường đi trước cửa nhà mình và tiện tay quét luôn cho nhà hàng xóm để tất cả cùng sạch mới là người có trách nhiệm với cộng đồng.
Khi làm lỗi phải biết dũng cảm nhận lỗi, xin lỗi, sửa chữa mới là người biết hướng thiện.
Khi chưa biết phải hỏi, khi dốt phải học, không được dấu dốt, và lắng nghe khi người khác chỉ dạy, mới là người khôn và hiểu biết.
Khi thấy người ta không biết thì phải chỉ dạy mới là người đàng hoàng.
Khi thấy người ăn xin, cơ nhỡ phải biết chia sẻ, giúp đỡ mới là người biết yêu thương.
Khi thấy người sa cơ phải nhận sự giúp đỡ của mình, không được hỏi về quê quán và giúp người mà không để người ta có cảm giác hàm ơn mới là người tinh tế.
Khi thấy chuyện bất bình, bất công phải lên tiếng bênh vực người yếu, chống lại cái xấu mới là người công chính.
Tôi hỏi mẹ, “Nếu con làm được tất cả những điều mẹ dạy thì con thành người như thế nào?” Mẹ cười, “Là người bình thường.”
Vâng. Là người bình thường.
Nhìn lại xã hội hiện nay, nền giáo dục này và xã hội này có đào tạo ra những người bình thường không?
Tôi thấy, những hành động bất thường của người bất thường thì nhan nhản, trở thành điều bình thường, trong khi những hành động bình thường của những người bình thường còn sót lại thì một là bị tung hô thành “anh hùng”, hai là bị chửi rằng “hâm dở”.
Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả
- Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
- Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
- Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Những tổn thương vô tình gây cho con” tại đây
Xem thêm cùng tác giả:
Mời xem video:
Từ khóa Làm cha mẹ Nuôi dạy con Nguyễn Thị Bích Ngà nền tảng giáo dục gia đình