Trận Verdun của Thế chiến I: “Chiến tranh của những chiến tranh” (P3)
- Trần Hưng
- •
Phải chi viện cho liên quân Áo – Hung chống lại quân Nga, lực lượng quân Đức ở Verdun có giảm đi, tuy nhiên họ vẫn tiếp tục tấn công.
Pháp bảo vệ Verdun bằng mọi giá
Sau một loạt các chiến thắng, ngày 22/6, ba quân đoàn của Đức tấn công dọc phòng tuyến Fleury và pháo đài Souville. Sau màn pháo kích, quân Đức tấn công, nhưng dường như pháo kích đã không gây thiệt hại nhiều cho quân Pháp, họ kháng cự rất mãnh liệt. Cuộc chiến diễn ra ác liệt nhất tại làng Fleury.
Sau 2 ngày giao chiến, quân Đức chiếm được cứ điểm Thiaumont, trong khi pháo đài Souville vẫn đứng vững.
Lúc này quân Pháp ở Verdun đã có phần hoảng loạn, các chỉ huy cao nhất ở đây là Nivelle và Pétain đã tính đến phương án rút toàn bộ khỏi bờ tây sông Meuse. Tuy nhiên Pétain lo ngại việc rút quân sẽ gây tâm lý hoảng loạn cho quân Pháp. Bộ tổng chỉ huy Pháp chấp nhận bảo vệ Verdun bằng mọi giá.
Để trấn an tinh thần binh sĩ, Bộ chỉ huy Pháp nói sẽ tăng cường cho Verdun thêm 4 sư đoàn.
Tuy nhiên vào ngày 1/7 diễn ra trận Somme, khiến cả Pháp và Đức dồn rất nhiều binh lực: Pháp điều tới 13 sư đoàn, trong khi Đức điều 9 sư đoàn. Chính vì thế mà 4 sư đoàn Pháp dự định đến Verdun thực tế đã không đến, mà được điều đến Somme.
Lúc này tại Verdun, phía quân Đức đã bị thiệt hại nhiều nên rất cần thêm quân tăng viện. Tuy nhiên quân Đức cũng chỉ có thể điều tân binh đến Verdun, những tân binh này thực tế chưa hề qua trận mạc nên không đáp ứng được cuộc chiến khốc liệt ở Verdun.
Vì binh lực kiệt quệ, quân Đức quyết định thay đổi chiến thuật, thay vì đồng loạt tấn công thì họ tập trung hỏa lực lại.
Quân Đức kiệt quệ
Lần tiến quân mới này quân Đức tập trung vào giữa Bois de Chapitre và Fleury, một cánh khác tấn công vào Tavannes. Tuy nhiên quân Pháp có pháo binh và súng máy đã chống trả rất mạnh mẽ.
Hỏa lực của Pháp khiến quân Đức bị thiệt hại nhiều, một chỉ huy cấp trung đoàn đã từ chối mệnh lệnh tấn công vì không muốn các tân binh bị chết vô ích. Tuy vậy quân Đức vẫn kiên trì tấn công, chiếm được cứ điểm Fleury và chỉ còn cách pháo đài Souville khoảng 500 mét.
Sáng ngày 12/7, quân Đức huy động 27.000 quân tấn công pháo đài Souville, nhưng thực chất chỉ có 2 đại đội có quân số vài trăm người có đủ sức tấn công, còn lại đều là binh lính đã cạn sức hoặc tân binh không có kinh nghiệm chiến trường. Dù thế sự nỗ lực của quân Đức đã được đền đáp khi họ chiếm được nóc của pháo đài.
Tuy nhiên do không có quân tăng viện nên quân Đức bị quân Pháp phản công đẩy lùi.
Lúc này ở phía quân Đức, Erich von Falkenhayn đã quyết định chuyển một phần pháo, đạn dược và quân lính sang mặt trận Somme, khiến sức mạnh quân Đức tại Verdun giảm đi. Giao tranh giữa hai biên vẫn tiếp diễn nhưng ở quy mô nhỏ.
Ngày 15/7, quân Pháp tổ chức tấn công lấy lại cứ điểm Fleury, nhưng do không có sự yểm trợ của pháo binh, quân Pháp bị thiệt hại lớn. Cuộc chiến tại cứ điểm cứ điểm Fleury kéo dài, hai bên giành giật nhau.
Đến ngày 17/8, quân Pháp điều quân phản kích, cuộc chiến nổ ra dữ dội, quân Đức buộc phải rút lui khỏi cứ điểm Fleury.
Lúc này quân sĩ hai bên đã cạn sức, lại thiếu cả vũ khí đạn dược và nước uống, nên chỉ lo củng cố hầm hào công sự.
Bước ngoặt
Đến cuối tháng 8, quân Đức có nhiều thay đổi, Tổng tham mưu trưởng là tướng Von Falkenhayn bị cách chức và thuyên chuyển. Dưới áp lực của Hoàng thái tử Wilhelm, quân Đức buộc phải ngừng tấn công trên mọi mặt trận.
Đúng lúc này, quân Pháp điều thêm 40 sư đoàn tăng viện với số quân là 50 vạn. Họ sử dụng siêu pháo lúc đó là Creusot-Schneider, đồng thời xây dựng hẳn một hệ thống đường sắt để đưa pháo ra chiến trường.
Ngày 21/8, quân Pháp bắn pháo suốt 1 ngày vào vị trí được cho là của quân Đức rồi im lặng. Quân Đức chờ bộ binh Pháp tấn công nhưng không thấy một ai.
Pháo binh của Đức liền bắn trả và để lộ ví trí. Lập tức quân Pháp hướng tầm bắn đến đúng vị trí pháo binh quân Đức và nhả đạn, 70% pháo binh quân Đức bị tiêu diệt.
Quân Đức liên tục rút lui
Ngày 23/8, pháo hạng nặng của Pháp là Creusot-Schneider xuất trận, bắn vào pháo đài Douaumont. Loại pháo có sức công phá cực mạnh này khiến quân Đức bị thiệt hại nặng nề và phải rút khỏi đây, chỉ để lại một phần nhỏ giữ pháo đài. Sáng 24/8, quân Pháp tấn công và chiếm lại được pháo đài Douaumont.
Tại khu vực giữa pháo đài Vaux và Bois de Fumin, quân Pháp tấn công mãnh liệt vào nhưng bị thiệt hại lớn. Dù thế quân Pháp vẫn kiên trì tấn công, khiến quân Đức nơi đây phải đầu hàng.
Sáng ngày 24/8, dù không có sự yểm trợ của pháo binh, quân Pháp vẫn tấn công vào pháo đài Vaux. Quân Đức dùng súng máy phòng thủ khiến 1.000 quân Pháp tử trận. Tuy nhiên lúc này lực lượng quân Đức ở pháo đài Vaux bị chia cắt với cánh quân chính, vì thế quân Đức quyết định rút quân khỏi pháo đài này.
Trước những thắng lợi này, Nivelle được cử làm tổng chỉ huy quân đội Pháp, thay thế vị trí của Joseph Joffre, tướng Mangin làm tổng chỉ huy mặt trận Verdun.
Ngày 11/12, quân Pháp tấn công nhưng quân Đức kiên cường kháng cự khiến quân Pháp bị thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên cuối cùng quân Pháp cũng chiếm lại được Bezonvaux, Bois de Hassoule, Bois de Chauffour và Louvemont, đẩy quân Đức ra ngoài rìa khu vực Verdun.
Lúc này binh lính Đức không muốn tham chiến nữa, Bộ Tổng tham mưu Đức quyết định rút toàn quân về vị trí ban đầu. Chiến dịch Verdun kết thúc khi quân Pháp vẫn giữ được nơi này.
Tổng kết
Trận đánh kéo dài kỷ lục suốt 10 tháng khiến 700.000 binh sĩ hai bên tử trận, trong đó 362.000 quân Pháp và 336.000 quân Đức.
Tuy nhiên ai là người chiến thắng trong cuộc chiến này? Người Pháp cho rằng họ đã chiến thắng khi đẩy lui được quân Đức ra khỏi Verdun. Người Đức lại cho rằng cuộc chiến ở Verdun đã giúp Đức thực hiện được mục tiêu ban đầu là “hút sạch máu” quân Pháp, khiến sau trận này quân Pháp không sao gượng dậy được để tham gia mặt trận phía tây mà phải dựa dẫm hoàn toàn vào quân Anh. Thế nhưng bản thân quân Đức cũng bị thiệt hại khiến họ phải chấm dứt mặt trận phía tây.
Các phân tích lịch sử cũng cho rằng, sự kiệt quệ của quân Pháp sau trận Verdun khiến cho họ phải đầu hàng trước quân Đức trong thế chiến thứ hai.
Tuy người Pháp xem đây là chiến thắng, thể hiện tinh thần kiên cường không gục ngã của họ, nhưng nhiều người xem đây là chiến thắng mang tính hủy diệt cho chính người Pháp.
(Hết)
Trần Hưng
Xem thêm:
- Thủy chiến Salamis: Trận đánh quan trọng bậc nhất trong lịch sử nhân loại
- Điều giúp nhà Trần ba lần đánh bại đội quân hùng mạnh nhất thế giới
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử thế giới Thế chiến I quân Đức quân Pháp đại chiến Verdun