Trận Verdun của Thế chiến I: “Chiến tranh của những chiến tranh” (P1)
- Trần Hưng
- •
Chiến tranh thế giới lần thứ nhất diễn ra từ năm 1914 đến 1918 bao trùm khắp châu Âu và ảnh hưởng toàn thế giới, với 70 triệu quân nhân được huy động ra chiến trường, trong đó có 60 triệu người châu Âu, quy mô chỉ đứng sau cuộc chiến thế giới lần thứ 2.
Trong thế chiến 1, trận đánh lớn nhất là đại chiến Verdun giữa quân Đức và quân Pháp. Đây cũng là trận đánh lớn thứ 2 trong lịch sử thế chiến (chỉ sau trận Berlin năm 1945) với sự tham gia của 2,4 triệu quân của đôi bên; và là trận đánh kéo dài nhất lịch sử thế chiến khi diễn ra suốt 10 tháng.
Bấy giờ, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Đức, tướng Erich von Falkenhayn, quyết định nhắm mũi tấn công chính vào Pháp chứ không phải Nga, vì ông cho rằng người Nga có thể bị chi phối bởi những cuộc nổi dậy trong nước nên có thể rút khỏi cuộc chiến, nếu đánh bại quân Pháp thì quân Anh cũng sẽ nản chí.
Verdun là mũi nhọn trong hệ thống phòng thủ của Pháp, là tấm lá chắn ngăn quân Đức tiến sâu vào lãnh thổ. Quân Pháp cho xây dựng nhiều hệ thống phòng thủ nơi đây, trong đó có pháo đài Douaumont và pháo đài Vaux.
Ngày 20/2/1916, Đức huy động 4 tập đoàn quân gồm những đơn vị tinh nhuệ và ưu tú nhất tập trung gần Verdun. Quân số lên đến hơn 1,2 triệu, với hơn 1.200 khẩu pháo và súng cối, đặt dưới sự chỉ huy của Erich von Falkenhayn và Hoàng Thái tử Wilhelm.
Tiên phong tấn công là tập đoàn quân số 5 với 350.000 binh sĩ, chiếm gần 1/4 binh lực quân Đức, sẽ đồng loạt tấn công pháo đài Douaumont mà trọng tâm là làng Bois des Caurers.
Phía Pháp do nắm ít thông tin về quân Đức, nên ngay trước cuộc chiến chỉ có 2 sư đoàn với 200 khẩu pháo ở Verdun. Pháo binh của Pháp được đánh giá là không mạnh, lỏng lẻo để rải rác các nơi, nhưng nhờ đặt ở các điểm cao như núi đồi nên có khả năng bắn xa và độ chính xác cao. Pháo đài Douaumont là trọng yếu nhất trong tuyến phòng thủ thứ nhất, ngoài ra còn nhiều cụm cứ điểm phòng ngự mạnh như pháo đài Vaux, cao điểm 304, cứ điểm Fleury…
Sáng ngày 21/2/1916, quân Đức mở đầu trận đánh bằng đợt pháo kích dữ dội suốt 9 giờ rưỡi. 16 giờ cùng ngày, 2 sư đoàn Đức với 60.000 quân triển khai tấn công với pháo binh đi theo sau tấn công vào Bois des Caures. Quân Pháp nơi đây có 2 trung đoàn kỵ binh nhẹ trang bị súng trường và lựu đạn đã chống cự quyết liệt. Tuy nhiên quân Pháp đã bị nghiền nát bởi sức mạnh của pháo binh Đức.
Đến ngày 23/2, quân Đức chiếm được Bois des Caures, 1.200 quân Pháp bị tiêu diệt. Tuy nhiên trong 2 ngày đó, quân Pháp đã chuẩn bị các tuyến phòng thủ, điều thêm quân và vũ khí đến Verdun, khiến sau đó quân Đức tiến rất chậm bởi địa hình không thuận lợi và sự kháng cự của quân Pháp.
Ngày 24/2, lớp phòng thủ thứ 2 thất thủ, quân Pháp thành lập tuyến phòng thủ mới với 270 khẩu pháo. Tuy nhiên ngày 25/2, quân Đức đã chiếm được pháo đài Douaumont. Đây được xem là trung tâm của Verdun, pháo đặt ở đây có thể khống chế được khắp Verdun. Chính vì vị trí quan trọng của pháo đài này, quân Pháp đã quyết liệt phản công nhằm lấy lại nó.
Vị trí chiến lược của pháo đài Douaumont đã khiến nơi đây thành chiến trường đẫm máu. Quân Pháp phải phản công đến lần thứ 13 mới lấy lại được pháo đài này từ tay quân Đức.
Người Pháp cử đại tá Phillipe Pétain làm chỉ huy mặt trận Verdun. Là người thực dụng, ông tăng cường pháo binh, tạo thành một tuyến phòng thủ nối hai bờ sông Meuse (bờ phía tây và bờ phía đông). Quân Đức tiếp tục tấn công nhưng không sao tiến được trước tuyến phòng thủ của quân Pháp.
Ngày 27/2, quân Đức tấn công vào làng Douaumont nhưng bị đầy lùi. Dù quân Đức cố giao chiến suốt 1 tuần cũng chỉ đến được phía trái của ngôi làng này.
Lúc này quân Đức không sao tiến được. Pháo kích hai bên giao chiến khiến địa hình toàn bùn, lại kèm theo mưa, khiến đường khó đi, pháo không di chuyển được. Mặt khác các đợt tấn công của quân Đức nằm trong tầm bắn pháo binh Pháp từ phía tây sông Meuse.
Quân Đức tập trung đông quân tấn công ở hướng nam của bờ đông sông Meuse nhưng gặp phải tổn thất nặng, bị pháo binh quân Pháp ở bờ tây sông Meuse bắn vào bên sườn.
Nhận thấy bờ tây của sông Meuse có nhiều cao điểm được quân Pháp tập trung pháo binh, quân Đức quyết định đổi hướng tấn công vào nơi đây nhằm chiếm các điểm này của quân Pháp.
Ngày 6/3, các đơn vị quân tinh nhuệ của Đức vượt sông Meuse ở Brabant và Champneuville, tấn công các cứ điểm trên đồi 304 và đồi Le Mort Homme là nơi tập trung các khẩu trọng pháo của Pháp. Cùng ngày, quân Đức chiếm được cứ điểm Bois des Corbeaux. Quân Đức tiến sâu thêm và bắt được nhiều tù binh, một số đơn vị quân Pháp cũng bị bao vây.
Nhưng ngay sau đó, quân Pháp lên tinh thần, bố trí lại đội hình quyết đánh đến người cuối cùng, đến viên đạn cuối cùng, giữ gìn từng tấc đất một khiến quân Đức không sao tiến thêm được.
Đến sáng ngày 8/3, quân Pháp tổ chức phản công và chiếm lại được cứ điểm Bois des Corbeaux, khiến quân Đức phải hủy bỏ kế hoạch sử dụng nơi đây làm bàn đạp tấn công đồi Le Mort Homme.
Không chiếm được cao điểm Bois des Corbeaux, ngày 9/3, quân Đức vẫn tấn công Le Mort Homme. Đạn pháo từ cao điểm Bois des Corbeaux tấn công dữ dội khiến quân Đức bị thiệt hại lớn. Đến ngày 10/3, quân Đức lại tấn công cao điểm Bois des Corbeaux, nhưng quân Pháp nơi đây đã anh dũng sống chết cùng cao điểm này, chiến đấu đến cùng. Sau 5 ngày tấn công, quân Đức không sao chiếm được, thiệt hại nặng nề, 70% lực lượng tấn công bị tiêu diệt. Quân Đức phải chờ thêm quân tới bổ sung.
Sáng 14/3, quân Đức được bổ sung thêm đã dội mưa đạn pháo xuống đồi Le Mort Homme, tiếp đó là vũ khí hóa học. Sau đó quân Đức ào ạt tấn công. Quân Pháp dù quyết chiến đến người cuối cùng nhưng vẫn không giữ được quả đồi này.
Bị đánh lui, quân Pháp vẫn cố giữ lấy sườn phía nam của quả đồi. Đồng thời pháo binh Pháp từ cao điểm 304 cũng bắn sang hỗ trợ cho quân ở đồi Le Mort Homme, khiến quân Đức bị thiệt hại không ít.
Ngày 20/3, cao điểm 304 bị sư đoàn 11 Bavaria của Đức bao vây, quân Pháp chống trả quyết liệt. Quân Đức chiếm được nhiều nơi, quân Pháp rút lên phía đỉnh cao điểm nơi đặt các khẩu pháo và chống trả đến cùng, khiến quân Đức không sao chiếm được đình của cao điểm này.
Đến đây quân Đức dù đạt được một số kết quả nhưng không như mong đợi. Họ cũng không tạo được bước ngoặt quan trọng nào khi bị chặn trên toàn bộ các chiến tuyến.
Chỉ sau 1 tháng giao chiến (21/2 đến 20/3), số binh sĩ bị tử trận là rất lớn. Phía quân Đức là 54.000 người, phía quân Pháp là 65.000 người, tức tổng số binh sĩ thiệt mang cả hai bên là 12 vạn người, mỗi ngày có 4.000 người thiệt mạng.
Tuy vậy cuộc chiến tại Verdun đến đây mới đi hết 1/10 quảng thời gian, vẫn còn những trận đánh khốc liệt nữa mà lịch sử vẫn gọi những trận đánh này là “chiến tranh của những chiến tranh”.
- (Còn nữa)
Trần Hưng
Xem thêm:
- Thủy chiến Salamis: Trận đánh quan trọng bậc nhất trong lịch sử nhân loại
- Trận đánh nổi tiếng khai sinh môn chạy Marathon
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử thế giới Thế chiến I quân Đức quân Pháp đại chiến Verdun