Trí thông minh đa dạng của trẻ – Điều cha mẹ, giáo viên nên lưu ý
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Trong khoảng vài năm trở lại đây, học thuyết “trí thông minh đa dạng” được nhắc đến nhiều ở Việt Nam. Nhiều cuốn sách về chủ đề này đã được xuất bản. Trong dịp đưa các giáo sư Nhật về Việt Nam khảo sát về giáo dục, tôi cũng có dịp được nghe nhiều trường tư thục và “quốc tế” giới thiệu việc họ theo đuổi học thuyết này trong giáo dục học sinh.
Tại sao lại như vậy? Bối cảnh nào đằng sau chuyện người Việt say mê học thuyết này?
Sẽ có nhiều cách giải thích khác nhau nhưng theo tôi điều này có liên quan đến một cuộc chuyển đổi dần trong quan điểm giáo dục và quan điểm về sự phát triển của trẻ em.
Trước kia, đối với đa phần người Việt đã đi học là phải học giỏi (đứng đầu lớp thì càng tốt) và phải giỏi toán, giỏi văn. Chuyện giỏi thể dục, văn nghệ, mĩ thuật… là chuyện phù phiếm. Cách thức tính điểm học kì, cả năm theo kiểu tăng hệ số cho các “môn chính” như toán, văn đã phản ánh trung thực điều đó.
Ở một thái cực khác, người Việt theo đuổi “triết lý hoàn mĩ bề ngoài” – nghĩa là đã giỏi phải là “học sinh giỏi toàn diện”. Danh hiệu “học sinh giỏi” hay “học sinh giỏi toàn diện” với quy định ngặt nghèo về điểm trung bình chung tất cả các môn và giới hạn điểm thấp nhất của từng môn nói lên điều đó. Hai cái này tưởng mâu thuẫn nhưng kì thực cực kì thống nhất. Cả hai đều hồi quay về một điểm: người Việt hoặc là thiếu hiểu biết hoặc là hiểu biết lệch lạc về bản chất giáo dục, bản chất của trẻ em và quá trình phát triển của trẻ em. Đằng sau nó là trách nhiệm của giới giáo dục, giới tâm lý giáo dục học và giới cầm bút nói chung. Giáo dục một thời gian rất dài đóng kín cửa từ chối thành tựu văn minh giáo dục của thế giới và sau đó khi tiếp cận thì choáng váng và rất nhiều người không thích nghi được, một số khác thì tự mình đóng cửa không học hỏi.
Quay trở lại câu chuyện trên. Chính trong lúc người Việt bế tắc với giáo dục trường học với vô vàn vấn đề nhức nhối và tình trạng thất nghiệp của học sinh – sinh viên trong đường đời, học thuyết “đa trí tuệ” có sức hút lớn. Học thuyết giải thích rất thuyết phục về nhiều kiểu trí thông minh (trí tuệ) của con người và mỗi loại đều có giá trị riêng trong đời sống.
Nhiều giáo viên, phụ huynh, học sinh đã nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm” khi tiếp cận học thuyết này và tìm thấy giá trị của bản thân mình.
Hóa ra không phải cứ giỏi toán, giỏi văn, giỏi toàn diện con người mới có giá trị. Một học sinh học dốt toán không hẳn là một học sinh “đáng vứt đi”. Có nhiều điểm mạnh khác ở học sinh mà giáo viên có thể phát huy tối đa biến nó thành tài năng, thậm chí là tài năng xuất chúng.
Ở Việt Nam, cho dù lý thuyết này du nhập đã lâu nhưng chưa có cuốn sách nào của người Việt viết diễn giải cho đại chúng về học thuyết và có các ví dụ thực chứng đi kèm.
Trong cuốn “Trí thông minh đa dạng của trẻ”, Yoon Okin, một giáo viên người Hàn Quốc đã làm được việc trên. Học thuyết đã được bà vận dụng, triển khai trong bối cảnh Hàn Quốc và tạo kết quả kì diệu.
Người Việt hoàn toàn có thể tham khảo và áp dụng những kinh nghiệm của bà cho học sinh Việt Nam.
Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo và mua sách qua Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
- “Gà bốn chân” Nhật và “Gà công nghiệp” Việt
- Học lịch sử để trở thành người tử tế
- Đọc sách – Một cách thức để hòa nhập với thế giới văn minh
- Có nên vọng ngoại khi cải cách giáo dục?
- Làm thế nào để phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam?
Mời xem video:
Từ khóa Làm cha mẹ Nguyễn Quốc Vương đa trí tuệ