Cổ nhân cho rằng dáng vẻ và trang phục bất chính thể hiện rằng nội tâm của một người đã đánh mất quy phạm đạo đức, đánh mất lễ tiết rồi. Cho nên, dung mạo hỗn loạn, phục sức kỳ quái là một loại thể hiện của số phận, cũng là điềm báo việc xấu sắp diễn ra.

Trí tuệ cổ nhân: Dáng vẻ và trang phục nói lên tương lai của một người
(Tranh: Giuseppe Castiglione, Wikipedia, Public Domain)

Khổng Tử giảng: “Làm người cung kính phù hợp với lễ nghi thì sẽ tránh được xấu hổ, sỉ nhục”. Sách Thượng Thư, thiên Hồng Phạm viết rằng: “Có năm sự tình rất quan trọng, đứng đầu chính là dáng vẻ”. Yêu cầu về dáng vẻ đối với nam nhân là phải cung kính, đối với nữ nhân là phải phúc hậu, có tôn ti trật tự, hành vi phù hợp với phép tắc lễ nghĩa. Người xưa ngay cả ở phương diện phục sức cũng quy định rõ: bậc Thiên tử mặc trang phục có hoa văn núi và rồng, chư hầu mặc trang phục có hình lửa, đại phu mặc trang phục có hoa văn hình búa, kẻ sĩ mặc trang phục có hình chữ “己” (kỷ). Những người coi trọng đạo đức, có đạo đức cao thượng thì trong nội tâm càng phải nghiêm khắc, quy củ. Thậm chí khi xuất hành, xe ngựa và tốc độ đi cũng khác nhau.

Thời cổ đại, cổ nhân xem những người ăn mặc kỳ quái, nam mặc trang phục của nữ, nữ mặc trang phục của nam, hoặc mang phục sức không phù hợp với thân phận, dáng vẻ lạ lùng quái dị thì đều bị gọi là “phục yêu” (trang phục yêu ma quỷ quái).

Trong “Tả thị truyện” có chép lại một câu chuyện. Năm Mẫn Công thứ hai, vào mùa đông, Tấn Hiến Công phái Thái tử Thân Sinh dẫn quân xuất chinh. Tấn Hiến Công yêu cầu Thái tử mặc trang phục có màu sắc hỗn tạp trái phải khác nhau, đeo trang sức vàng trên thân.

Tấn đại phu Hồ Đột thở dài nói: “Đại Vương muốn xa lánh Thái tử rồi. Nếu Đại vương tín nhiệm Thái tử thì sẽ cho Thái tử mặc quan phục có màu sắc thuần chính, đeo ngọc và xuất chinh vào đầu năm. Đại vương cho Thái tử ăn mặc và mang trang sức như vậy là có ý xa lánh, lại xuất chinh vào mùa đông là điềm báo trước không thành. Mùa đông khí lạnh xơ xác tiêu điều, vàng kim mang ý lạnh lẽo, quần áo có màu sắc hỗn tạp biểu thị cho sự lạnh nhạt.”

Đại phu Lương Dư Tử Dưỡng nói: “Người dẫn binh phải ở thái miếu tiếp nhận mệnh lệnh, nhận thịt hiến tế ở điện thờ còn có quy định về phục sức. Hiện giờ Thái tử không thể có được một bộ lễ phục mà mặc vào một bộ trang phục tạp sắc.”

Đại phu Hãn Di cũng nói: “Trang phục kỳ quái, màu sắc hỗn tạp là thể hiện sự bất thường, trang sức vàng là mang nghĩa đi không trở về.”

Quả nhiên bốn năm sau, Thái tử Thân Sinh bị hãm hại mà tự sát.

Trong năm Nguyên Gia, thời Hán Hoàn Đế, phụ nữ trong kinh thành phổ biến cách vẽ lông mày mảnh và uốn lượn, ở dưới hai mắt còn xoa một lớp phấn mỏng trông giống như nước mắt, búi tóc lệch sang một bên, khi đi thì lắc phần lưng eo. Loại trang điểm này ban đầu là do thê tử của đại tướng quân Lương Ký nghĩ ra, sau được thịnh hành trong kinh thành. Loại trang điểm này vừa kỳ quái, vừa xa rời truyền thống.

Gia đình Lương Ký hai đời liền đều đảm nhận chức đại tướng quân, có quan hệ thông gia với Hoàng thất, quyền thế một thời. Nhưng đến năm Diên Hy thứ hai, gia tộc họ Lương hết thảy đều bị xử tử. Đây cũng là câu chuyện lịch sử nổi tiếng về điềm báo từ cách ăn mặc, trang điểm kỳ quái.

Vào những năm cuối thời Tây Hán, thiên hạ đại loạn, Hán Canh Thủy Đế đến Lạc Dương. Các quan sĩ trong thành đều đến đón tiếp Canh Thủy Đế. Họ nhìn thấy các tướng lĩnh của Canh Thủy Đế đều đội khăn trùm đầu của dân thường, còn mặc trang phục ngắn tay thêu hoa của nữ nhân. 

Các quan sĩ nhìn thấy cảnh tượng ấy, không ít người đã tỏ ý coi thường. Có người thở dài: “Đây là yêu phục, chẳng bao lâu nữa sẽ có tai họa giáng xuống”.

Về sau, Canh Thủy Đế chủ quan phóng túng hưởng lạc, phong tước bừa bãi, cuối cùng bại trận, trốn đi lưu vong, bị quân Xích Mi bắt được, chém chết.

Cũng trong thời kỳ này, Quang Vũ Đế Lưu Tú dẫn quan viên vào Lạc Dương xử lý công vụ đã mặc quan phục giống với quan viên nhà Hán trước đây đã mặc. Những người nhìn thấy vậy đều rất vui mừng như được nhìn thấy sự uy nghiêm của Hán thất. Về sau, Quang Vũ Đế Lưu Tú đã chấm dứt được sự hỗn loạn vào cuối thời Tây Hán, thành lập nhà Đông Hán, đem cơ nghiệp nhà Hán kéo dài thêm hai trăm năm.

Thượng Thiên dùng đạo nghĩa để điều chỉnh hành vi của con người. Con người kính Trời, trọng đức thì có thể xu cát tị hung. Dáng vẻ và trang phục của một người phù hợp với đạo đức lễ nghĩa là thể hiện trong tâm có sự tôn kính, đồng thời cũng khiến người ấy khống chế được dục vọng của bản thân, không phóng túng ma tính, không dễ dàng đánh mất đức hạnh, bởi vậy có được thành tựu.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: