Trí tuệ cổ nhân: “Đức giáo vi tiên”
- Đồng Hân
- •
Quan niệm về giáo dục và học tập ngày nay có sự khác biệt rất lớn với thời cổ đại. Ví như trong tác phẩm Đệ Tử Quy (Phép tắc người làm con) của Lý Dục Tú thời Thanh có viết:
“Đệ tử quy, Thánh nhân huấn: Thủ hiếu đễ, thứ cẩn tín, phiếm ái chúng, nhi thân nhân, hữu dư lực, tắc học văn”.
Dịch nghĩa là:
“Phép người con, Thánh nhân dạy: Hiếu đễ trước, kế cẩn tín, yêu bình đẳng, gần người nhân, có dư sức, thì học văn”.
Có thể thấy trong 7 phương diện của người làm con, thì 6 phương diện đầu tiên, cũng là 6 phương diện quan trọng nhất chính là hiếu, đễ, cẩn, tín, nhân ái, gần người hiền. Trong 6 phương diện này không hề có phương diện nào là học tập tri thức cả. Hiếu và đễ là học tập đạo đức. Cẩn và tín cũng là học tập đạo đức… Cuối cùng còn dư thời gian mới học tri thức, là học văn. Cho nên quá khứ Thánh nhân dạy dỗ người, không chú trọng vào kiến thức như ngày nay.
Trong “Sư thuyết” của Hàn Dũ có câu rằng: “Người làm thầy là người truyền đạo, truyền nghề và hoá giải những điều còn mê hoặc”, tức là người làm thầy phải thông qua giảng dạy để thực hiện được mục đích căn bản là truyền đạo. Đạo này, có một phần chủ yếu là Đạo làm người, tức đạo đức; còn có một phần cao thâm hơn chính là Thiên Đạo, tức là Đạo của tự nhiên vạn vật, cũng là đạo của người tu Phật, tu Đạo.
Đạo trong văn hóa Nho gia được nhắc tới ở đây là Đạo làm người, chính là hiếu, đễ, cẩn, tín, yêu tất cả mọi người, gần gũi với người nhân đức. Nhưng hiện nay khi đào tạo học sinh thì đều là dạy tri thức, khi đào tạo các thầy cô giáo đều là dạy các loại kỹ thuật giảng dạy, v.v.. Ví dụ môn ngữ văn, toán học, ngoại ngữ, địa lý, mỹ thuật, v.v.. những môn học này đều thuộc về tri thức. Nhưng trong giáo dục của chúng ta ngày nay thì không hề có 6 phương diện hiếu, đễ, cẩn, tín, phiếm ái chúng, thân nhân. Giờ học Đạo đức cũng chỉ là một giờ học phụ, giảng qua loa, thậm chí là bị bỏ qua, xem thường.
“Có dư sức, thì học văn”, một hàm nghĩa của nó là chưa hiểu được 6 phương diện đạo đức thì đừng nên học tri thức. Tại sao không nên học? Ví dụ một người luyện võ thuật, người này luyện được rất giỏi, võ thuật này là một loại kỹ năng, kỹ năng này có rất nhiều thứ thông qua làm đi làm lại là có thể nắm vững. Ở tình huống thông thường, cảnh sát mà nắm vững nó thì có thể bắt được kẻ trộm, nhưng nếu kẻ trộm cũng nắm vững thì sao? Cảnh sát thông thường cũng phải chịu thua. Thế thì kẻ trộm có thể làm nhiều việc ác hơn nữa. Đương nhiên cảnh sát có võ thuật cũng có thể trở nên ác, lại càng không có ai làm gì được anh ta. Thứ kỹ thuật này nếu không có đạo đức sẽ xuất hiện tình huống gì? Có thể làm càng nhiều chuyện xấu, sẽ nguy hại rất lớn cho xã hội.
Cho nên cổ nhân giảng “đức giáo vi tiên” (giáo dục đạo đức là ưu tiên hàng đầu), đầu tiên cần giảng đức, như vậy thầy cô là những người giáo dục con người, thì càng nên coi trọng đạo đức.
Ý nghĩa của việc giáo dục và học tập thời cổ đại và ngày nay là không giống nhau, thời cổ đại chủ yếu bắt đầu từ phương diện đạo đức, mà không phải bắt đầu từ việc học tập tri thức. Hiện nay khi chúng ta dạy học sinh, nói rằng tại sao học sinh không nghe lời, chúng không nghe lời cha mẹ và thầy cô, trên thực tế là chúng ta chỉ dạy kỹ năng cho trẻ mà không chú trọng dạy trẻ về lòng biết ơn và cách làm người, không dạy trẻ biết trọng đức. Điều tất yếu là trẻ khuyết thiếu phương diện quan trọng nhất này.
Theo loạt bài “Giáo dục hạnh phúc“
Đăng trên ChanhKien.org
Tác giả: Đồng Hân
Xem thêm:
- Sự đối nghịch giữa văn hóa truyền thống và ý thức hiện đại
- Giáo dục tín Thần là nền tảng tốt nhất giúp trẻ thành công
Mời xem video:
Từ khóa Phương pháp dạy con của bậc hiền nhân xưa giáo dục thời xưa