Trí tuệ cổ nhân: Một nhà không thể có hai cửa chính
- An Hòa
- •
Cổ ngữ có câu: “Nhất hộ khai lưỡng môn, nhân tài đô nan tồn”, ý nghĩa là một nhà mà có hai cửa thì người nhà hay tài sản đều khó giữ được. Câu cổ ngữ này ngoài việc bàn đến phong thủy kiến trúc, thì còn bàn đến sự hòa thuận giữa các thành viên trong gia đình.
“Nhất hộ khai lưỡng môn”, chữ cửa (môn) là chữ tượng hình, đề cập đến loại cửa lớn hai cánh, cũng là cửa chính, không bao gồm cửa nhỏ, cửa của các phòng và cửa sau. Một nhà thì không thể có hai cửa chính, điều này trước tiên liên quan đến vấn đề an toàn của gia đình. Nhiều cửa chính sẽ khó khăn cho việc canh giữ, từ đó khó bảo vệ tài sản và đảm bảo sự an toàn cho mỗi cá nhân trong nhà.
Trong phong thủy học còn nói rằng “Khí thừa phong tắc tán” (khí thuận theo gió thì tản mạn) cho nên nếu nhà có nhiều cửa thì gió thông và khí tiêu tán nhanh. Như vậy thì khí của cả gia đình sẽ khó tụ lại, nói cách khác nhân khí và tài khí đều khó tụ. Bởi vậy một nhà không nên có nhiều cửa chính, và nếu có cửa phụ thì cửa phụ cũng phải thường xuyên đóng lại. Do đó có câu: “Môn yếu thường khai, hộ yếu thường bế”, tức là cửa chính phải thường xuyên mở rộng, còn cửa sau hay cửa các phòng thì phải thường xuyên đóng.
Trong cuộc sống thường ngày, cửa chính cũng nên thường xuyên mở để đón và tiễn khách đến thăm hỏi, giao lưu với mọi người, điều này càng quan trọng hơn đối với những cửa hàng buôn bán.
“Một nhà không nên có hai cửa chính” còn có một hàm ý khác, đó là về phương diện mối quan hệ giữa mọi người trong gia đình. Thời xưa, câu ví von “một nhà có hai cửa chính” còn mang ý nghĩa là gia đình không hòa thuận. Anh em thân thích sống không hòa thuận với nhau, mâu thuẫn gia đình thường xuyên xảy ra.
Sở dĩ có cách nói như vậy là vì thời cổ đại các gia đình thường sinh sống cùng nhau ở trong một ngôi nhà lớn. Con cháu sau khi lớn lên, lập gia đình thì có thể lựa chọn sinh sống cùng với cha mẹ anh em, không dọn ra ngoài sống riêng. Việc chung sống “tứ đại đồng đường” như thế này ở nhiều nơi vẫn còn tồn tại cho đến thời cận đại. Khi nhiều người sinh sống cùng nhau thì sẽ khó tránh khỏi việc xảy ra xung đột, mâu thuẫn. Một khi mâu thuẫn quá mức, khó giải quyết được, sẽ khiến gia đình trở nên tan rã. Từ đây, gia đình anh em sẽ ăn ở bàn riêng, sống ở phòng riêng, thậm chí là muốn tách ra. Từ đó mà có chuyện “Nhất hộ khai lưỡng môn”.
Theo lẽ thường, khi trong gia đình xảy ra bất hòa thì thông thường gia đình đó khó mà hưng vượng được, tình cảm tổn thương, tài sản cũng bị đem ra phân chia. Bởi vậy xuất hiện tình cảnh người trong nhà thì bỏ đi, tài sản trong nhà thì hao tổn.
Do đó, “Nhất hộ khai lưỡng môn, nhân tài đô nan tồn” còn có ý khuyên răn anh em thân thích trong nhà phải chung sống hòa thuận, bao dung lẫn nhau, tránh để xảy ra những rạn nứt không thể hòa giải. “Gia hòa vạn sự hưng”, cha mẹ anh em trong gia đình thuận hòa thì mọi việc mới thuận buồm xuôi gió được.
Khi có xảy ra mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình, trước tiên mọi người phải cố gắng trao đổi chia sẻ với nhau và hóa giải chúng, nhất định không nên trốn tránh để mâu thuẫn trở nên căng thẳng hơn, đi đến chỗ không thể giải quyết được. Không nên dùng thái độ “mỗi người một ngả, đương ai nấy đi” để làm cho mâu thuẫn trầm trọng hơn hay làm mất đi mối quan hệ thân tình. Chỉ khi cả gia đình đoàn kết, hòa thuận thì gia đình mới thịnh vượng.
Ngày nay kiến trúc và lối sống đã có nhiều thay đổi so với thời xưa, không còn phổ biến “tam tứ đại đồng đường” nữa nhưng dù chúng ta đang thiết kế một ngôi nhà mới hay cải tạo một ngôi nhà cũ thì vẫn nên tìm sự cân bằng giữa truyền thống và hiện đại, tôn trọng văn hóa truyền thống, học hỏi trí tuệ của cổ nhân và đáp ứng nhu cầu thực tế của bản thân. Bất luận là nhà có bao nhiêu cửa thì sự hòa thuận giữa các thành viên trong gia đình mới là quan trọng nhất, mới thực sự là tài phú của gia đình.
Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Ngưu Lan Khắc
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Gia hòa vạn sự hưng trí tuệ cổ nhân