Trí tuệ cổ nhân: So với trên không đủ, so với dưới có dư
- An Hòa
- •
Nói về đạo xử thế, cổ ngữ có câu: “Bỉ thượng bất túc, bỉ hạ hữu dư”, so với trên thì không đủ nhưng so với dưới thì có dư. Những lời này vừa là để khuyên răn con người trong việc tu tâm dưỡng tính, đồng thời cũng là cách để một người đối mặt với những nghịch cảnh và thuận cảnh trong cuộc đời.
“Bỉ thượng bất túc”
Trong cuộc sống, có những phương diện cần phải biết đủ nhưng cũng có những phương diện nên thấy không đủ. Sách “Vi lô dạ thoại” viết: “Thường nghĩ đến phẩm đức của một người nào đó cao thượng hơn mình, học vấn của một người nào đó uyên bác hơn mình, thì mình có thể tự biết mình chưa đủ, tự biết hổ thẹn mà tu dưỡng nhiều hơn nữa tâm tính của bản thân”.
Đối với đạo đức và học vấn, con người cần phải có thái độ “không biết đủ”. Phẩm đức và học vấn không giống như tài phú của cải vật chất, những thứ chỉ có thể thỏa mãn dục vọng của con người trong nhất thời. Đạo đức cao, học vấn sâu rộng có thể thoả mãn sự vui thích của tâm linh con người, có thể mở rộng cảnh giới của sinh mệnh, đồng thời cũng đại biểu cho tri thức và nhân cách của mỗi người. Cho nên, đối với đạo đức và học vấn, nếu có thể có tâm thái “so với trên không đủ” thì mới có thể nghiêm khắc tu dưỡng và học tập.
Khi cuộc sống ở vào thuận cảnh, mọi sự đều thuận lợi, như ý hớn hở, trong lòng tràn đầy sự thoải mái, chúng ta cần phải biết tự nhắc nhở mình không thể không coi ai ra gì, không thể tự cho mình là rất cao rồi. Trái lại, chúng ta cần phải khiêm tốn đối đãi với mọi người, nhiệt tình giúp đỡ mọi người và vui vẻ giúp đỡ mọi người. Bởi vì “Thiên ngoại hữu thiên, nhân ngoại hữu nhân”, người tài còn có người tài hơn mình.
Con khỉ giỏi trèo cây cũng có ngày bị ngã từ trên cây xuống. Người có thể lấy “so với trên không đủ” để nhắc nhở chính mình, thì vô luận là phương diện công tác, gia đình, học tập, cách cư xử với mọi người hay giải quyết công việc đều sẽ thấy mình còn cần phải cố gắng hơn nữa, không thể chỉ vì được khen ngợi mà mê lạc mất mình. Chỉ có người luôn khiêm tốn nhìn nhận chính mình mới có thể không ngừng đột phá mà nâng cao bản thân. Một người nếu luôn cho mình là ở trên cao hơn người khác, không còn ai cao hơn mình thì dễ dàng quên mất Trời đất, một khi trượt chân rơi xuống, hối hận thì đã muộn.
“Bỉ hạ hữu dư”
Trong cuốn “Minh Tâm Bảo giám” viết rằng: “Sách Cảnh Hạnh chép: Biết đủ thường vui, tham nhiều thì lo. Kẻ biết đủ, nghèo hèn cũng vui, kẻ không biết đủ, giàu sang vẫn lo. Biết đủ thường đủ thì trọn đời không bị nhục. Biết dừng luôn dừng được thì trọn đời không xấu hổ. So lên không đủ, so xuống có dư. Nếu cứ hướng xuống thì tâm sẽ không có cảm giác không đủ”.
Cuốn “Vi lô dạ thoại” viết: “Thường nghĩ đến cảnh giới của một người nào đó không bằng mình, vận mệnh của một người nào đó không bằng mình, thì mình có thể tự biết đủ”.
Đối với ham muốn vật chất, danh lợi tình, một người cần phải có tâm thái biết đủ. Truy cầu vật chất là vô cùng mệt mỏi, dục vọng sâu rộng cũng vĩnh viễn không cách nào lấp vào cho đủ, nếu một người nhất định phải thoả mãn được dục vọng mới có thể vui vẻ khoái lạc thì sẽ phải lao khổ cả cuộc đời. Cho nên, “so với dưới có dư” sẽ khiến người ta cảm thấy bằng lòng và trân quý với những gì mình đang có.
Khi cuộc sống ở vào nghịch cảnh, điều gì cũng không được suôn sẻ, thì thường tinh thần con người sẽ sa sút. Nếu khi ấy, chúng ta có thể dùng cách xử thế “so với dưới có dư”, nhìn xem những người có hoàn cảnh khốn khổ hơn mình, bất hạnh hơn mình, thì sẽ cảm thấy mình quả thực còn may mắn hơn nhiều. Thậm chí khi ấy, chúng ta sẽ cảm thấy bản thân chưa ở vào mức “cùng được mạt lộ”, có thể dũng cảm bước ra, cố gắng vươn lên. Hơn nữa, vận mệnh không phải là điều mà sức người có thể khống chế được, cho nên cổ nhân khuyên “tận nhân sự, quan thiên mệnh”, khi làm việc đều cần phải hết trách nhiệm, hết sức lực, hết bổn phận, hết lương tâm, còn kết quả không nên cưỡng cầu.
Kỳ thực, đời người bên cạnh những niềm vui và thành công thì luôn tràn ngập trắc trở cùng với thất bại. Nếu chúng ta có thể dùng trí tuệ “so với trên không đủ, so với dưới có dư” để xử thế thì chúng ta sẽ học được tâm thái không sợ hãi khi ở vào nghịch cảnh và không tự cao khi ở vào thuận cảnh, tận hưởng được những điều tốt đẹp mà cuộc sống mang lại.
Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa khiêm tốn Đạo đức biết đủ tu dưỡng