Cổ ngữ nói: “Nhân tâm sinh nhất niệm, thiên địa tận giai tri. Thiện ác nhược vô báo, càn khôn tất hữu tư”, khi tâm con người sinh ra một niệm thì cả Trời và đất đều biết hết, thiện ác nếu không có báo ứng thì càn khôn ắt có tư tâm. Phật gia giảng về luật nhân quả, cho rằng đó là quy luật vũ trụ, là quy luật khách quan, là Thiên lý. Do đó thiện ác với báo ứng là như hình với bóng, bất luận là ai cũng đều không thể lừa gạt được. Bởi vậy người xưa luôn chú ý đến niệm của mình, chú ý đến hành vi của mình, không dám suy nghĩ điều ác, không dám làm ra những việc ác nghịch Thiên lý.

Có người bởi thành khẩn lương thiện, liền được Thần âm thầm ban phúc. Có người vì một niệm tà ác, liền bị Trời trách phạt. Kỳ thực, thiện ác chỉ cách biệt ở tâm niệm. Trong văn hóa truyền thống, cả Nho giáo, Thích giáo và Đạo giáo đều lưu truyền lại kinh thư, điển tích về nhân quả báo ứng. Bậc thánh hiền xưa coi tu dưỡng là đức hạnh quan trọng, người quân tử kính sợ Trời đất, thiện tâm kiên định, trong phòng tối không làm chuyện thất đức, cẩn thận giữ gìn sự trong sạch ngay cả khi chỉ có một mình.

Nhan tam dong niem Troi dat deu biet 01
(Tranh minh họa: Public Domain)

Cuốn “Khuyến giới lục” của tác giả Lương Cung Thần triều nhà Thanh có ghi lại một câu chuyện. Ở Ngô Giang, Giang Tô có một người đàn ông tên là Cố Lão Thiệu kiếm sống bằng nghề nấu rượu. Một hôm, ông ta nhìn thấy một con rắn chết trong thùng rượu. Ông ta biết rằng rượu có độc, nếu uống vào sẽ gặp phải chuyện không hay, nhưng nếu đổ đi thì lại không đành, không muốn lãng phí tiền bạc như vậy. Vì thế, Cố Lão Thiệu không chỉ không đổ rượu đi mà còn cùng với người bạn của mình chia nhau cất giữ hơn mười vò rượu đặt ở dưới bức tường. Một thời gian sau, lúc họ đang định lấy rượu ra bán thì bỗng nhiên có sấm sét đánh xuống làm vỡ tan những vò rượu kia. May mắn là những người xung quanh đều không sao cả. 

Cố Lão Thiệu đột nhiên tỉnh ngộ và cảm thấy rất hối hận về ác niệm của mình. Ông ta thường kể lại sự việc này cho người khác nghe để khuyên răn mọi người và cho rằng mình đã may mắn thoát khỏi sự trừng phạt của Trời.  

Trong “Khuyến giới lục” còn ghi chép lại câu chuyện về Từ Sĩ Phân, một quan viên vào thời niên hiệu Gia Khánh triều nhà Thanh. Từ Sĩ Phân là người Bình Hồ, Chiết Giang. Anh ta đỗ đầu trong kỳ thi hương ở Chiết Giang vào năm Gia Khánh thứ 23. Năm Gia Khánh thứ 24, Từ Sĩ Phân thi đỗ tiến sĩ và nhậm chức ở Hàn Lâm viện. Vào năm Đạo Quang, anh ta lần lượt làm phó khảo quan ở Giang Nam, học sĩ nội các kiêm Lễ bộ thị lang, Luy chí công bộ tả thị lang.

Lúc còn chưa hiển đạt, đã có một chuyện xảy ra với Từ Sĩ Phân. Vào năm Gia Khánh thứ 23, Từ Sĩ Phân cùng với người anh họ tên là Từ Sĩ Phương cùng đến Hàng Châu tham dự kỳ thi hương. Họ nghỉ chân ở một nhà trọ trên đường đi. Tại nhà trọ này, Từ Sĩ Phân đã nhặt được một gói đồ, đoán là của vị khách ở đó lúc trước để quên. Từ Sĩ Phân mở ra thì thấy bên trong toàn là trang sức của phụ nữ.

Từ Sĩ Phân nói với anh mình rằng: “Loại tài vật này là không thể lấy, chúng ta ở lại để chờ trả lại cho chủ nhân của nó”. Từ Sĩ Phương thuận miệng đồng ý nhưng lại muốn Từ Sĩ Phân đi trước, nói rằng mình có thể ở lại giữ gói đồ đó một mình được. Vậy nên Từ Sĩ Phân rời đi trước. 

Sau khi em họ rời đi, Từ Sĩ Phương đã bí mật giấu gói đồ đó đi rồi nhanh chóng đến Hàng Châu. Khi cả hai đến nơi, Từ Sĩ Phân hỏi anh họ mình đã tìm được người mất của kia chưa. Từ Sĩ Phương đem những lời dối trá nghĩ ra từ trước để trả lời em họ mình.

Chẳng bao lâu sau đến ngày thi, cả hai anh em cùng nhau tham dự. Sau khi làm bài xong, Từ Sĩ Phân cảm thấy không hài lòng về bài làm của mình. Anh ta cũng không hy vọng là mình có thể lọt vào danh sách người đỗ đạt nữa. Không ngờ đến ngày có kết quả thi, tên của Từ Sĩ Phân đã có trong danh sách những người thi đỗ và bắt đầu con đường làm quan của mình. Còn Từ Sĩ Phương cả đời sau này sống không có chút tiếng tăm nào.

“Đức dục cổ giám” cũng có ghi lại một câu chuyện như sau. Nguyên Tự Thực sống vào cuối những năm triều đại nhà Nguyên, từng có đại ân với một người tên là Mâu Tài, nhưng Mâu Tài lại trở mặt vu cáo Nguyên Tự Thực. Nguyên Tự Thực càng nghĩ càng thấy căm phẫn bất bình, đến canh năm liền bật dậy quyết giết chết Mâu Tài.

Trên đường đi đến nhà Mâu Tài, Nguyên Tự Thực đi qua một am đường, chủ am đường này là Hiên Viên Ông, là một đạo sĩ. Đúng lúc Nguyên Tự Thực đi qua thì Hiên Viên Ông cũng dậy để tụng kinh và nhìn thấy rõ theo sau ông ta là cả chục con quỷ hình thù kỳ dị.

Thế nhưng không lâu sau, khi Nguyên Tự Thực trở về nhà, Hiên Viên Ông lại thấy có cả trăm phúc Thần mình mang ngọc bội, đầu đội mũ vàng đi theo ông. Hiên Viên Ông vô cùng kinh ngạc.

Trời vừa sáng, Hiên Viên Ông đã tới nhà Nguyên Tự Thực dò hỏi tình hình đêm qua. Nguyên Tự Thực nói thật với Hiên Viên Ông: “Mâu Tài vong ân bội nghĩa. Tôi hận Mâu Tài quá bạc tình nên mới định giết chết hắn ta. Nhưng vừa đến cửa chính nhà Mâu Tài, tôi lại nghĩ ông ta tuy vong ân bội nghĩa nhưng còn có vợ và mẹ già. Nếu giết chết Mậu Tài thì vợ và mẹ già sẽ biết nương tựa vào đâu? Vì thế tôi đã nhẫn chịu và quay về”.

Hiên Viên Ông bèn thuật lại dị tượng mà mình đã thấy, nói với Nguyên Tự Thực: “Một niệm ác của ông khiến quỷ dữ đi theo, một niệm thiện của ông khiến phúc Thần bảo hộ. Sự việc của ông, Thần linh đã sớm biết rõ. Ông tất sẽ có phúc về sau.” Vì thế Nguyên Tự Thực càng chú trọng tu sửa tâm tính, không ngừng tích lũy công đức. Về sau, quả nhiên Nguyên Tự Thực đỗ đạt, được làm huyện lệnh Lư Sơn, còn Mâu Tài bị giết hại trong đám loạn quân.

Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Lưu Hiểu
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: