Trí tuệ cổ nhân: “Tửu đức” và “tửu lễ”
- ChanhKien
- •
Văn hóa uống rượu đã xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử nhân loại, đi vào cả những truyền thuyết xa xưa nhất. Ở phương Tây có thể thấy điều này qua Thần thoại Hy Lạp, còn ở phương Đông thì qua hội Bàn Đào của Tây Vương Mẫu.
Chiến quốc sách có chép một chuyện về vua Vũ, sống vào hơn 2000 năm trước Công Nguyên, rằng:
Con gái của Thuấn tên Nghi Địch có sở trường ủ rượu. Nàng cống tặng rượu ngon cho Vũ. Sau khi uống xong Vũ thấy mùi vị tuyệt ngon. Nhưng cũng từ đó mà xa lánh Nghi Địch, bỏ hẳn mỹ tửu, và nói rằng: “Hậu thế ắt có kẻ vì mỹ tửu mà vong quốc!”
Câu chuyện này nói lên được cái hay cái dở của rượu một cách rõ ràng.
Thời Đông Chu, Ngô Vương Phù Sai, ngày ngày bầu bạn cùng Tây Thi, thưởng thức mỹ tửu, cuối cùng bị nước Việt tiêu diệt. Trụ Vương bởi vì sủng ái Đát Kỷ xây dựng “Lộc Đài” hùng vỹ, “rượu rót thành bể, thịt treo thành rừng, để nam nữ lõa thể đuổi nhau trong đó, có thể uống suốt đêm dài”, cuối cùng thân mất nước vong. Sử Việt cũng ghi nhận các hôn quân như Trần Dụ Tông, Lê Uy Mục, Mạc Mậu Hợp, v.v. thì đều ngập trong rượu và sắc.
Ở một phương diện nào đó, có thể nói rượu là một trong những yếu tố để nhìn ra minh quân và hôn quân. Bởi vậy người xưa đối với rượu đã đặc biệt đề phòng. Cách nhìn nhận của người xưa đối với vạn sự vạn vật trong thế gian đều liên quan đến Lễ, mà đối với việc uống rượu thì càng không thể không có Lễ. Vậy nên người xưa không chỉ chú trọng về “tửu đức” mà còn đặt ra “tửu lễ” nhằm đặt ra các phép tắc cho hành vi uống rượu.
Hai chữ tửu đức xuất hiện sớm nhất trong “Thượng Thư” và “Thi Kinh”, ý nói người uống rượu cần có đức hạnh, “tửu đức” được nói đến trong “Thượng Thư – Tửu Cáo” chính là: “Ẩm duy tự” (tức là chỉ khi cúng tế mới được uống rượu); “Vô di tửu” (tức là không được uống rượu thường xuyên, bình thường uống ít thôi, nhằm tiết kiệm lương thực, chỉ khi bệnh mới nên uống rượu); “Chấp quần ẩm” (tức là cấm chỉ dân chúng tụ họp uống rượu); “Cấm trầm miện” (tức là cấm chỉ uống quá đà).
Viên Hoằng Đạo thời nhà Minh, thấy những người uống rượu trong khi uống rượu thì hành vi không đoan chính, do đó đã thu thập một lượng lớn tư liệu từ trong các sách cổ, rồi đặc biệt viết ra cuốn “Thương Chính”. Tuy điều này là được viết cho những người chơi trò hành tửu lệnh (uống rượu theo hiệu lệnh), nhưng nó cũng có ý nghĩa nhất định đối với những người uống rượu bình thường.
Khi xưa có những lễ tiết khi uống rượu như sau:
- Khi chủ nhà và khách cùng uống rượu, cần cúi bái nhau. Khi bậc vãn bối (người ít tuổi hoặc thứ bậc thấp hơn) uống rượu trước mặt bậc trưởng bối, gọi là thị ẩm, thường phải cúi bái hành lễ trước, sau đó ngồi vào mâm sau. Khi bậc trưởng bối lệnh cho uống rượu thì bậc vãn bối mới có thể nâng ly; khi rượu trong ly bậc trưởng bối còn chưa uống hết thì bậc vãn bối cũng không thể uống cạn.
- Lễ nghi uống rượu khi xưa có khoảng bốn bước: bái, tế, thối, thốt tước. Tức là trước tiên phải cúi bái, nhằm thể hiện sự kính trọng, tiếp theo là đổ chút rượu xuống mặt đất, tế tạ đức sinh dưỡng của đất; sau đó nếm thử vị rượu, và khen ngợi để chủ nhà vui lòng; sau cùng là dốc uống cạn ly.
- Trong tiệc rượu, chủ nhà phải chúc rượu khách (gọi là thù), khách phải mời lại chủ nhà (gọi là tạc), lúc chúc rượu còn nói thêm vài câu chúc nữa. Giữa khách khứa với nhau cũng có thể chúc rượu (gọi là: lữ thù). Có lúc còn phải chúc rượu theo lượt (gọi là hành tửu). Khi chúc rượu, người chúc rượu và người được chúc đều phải “tị tịch”, đứng lên khỏi chỗ ngồi. Thường thì chúc rượu không quá ba ly.
Ngoài ra cũng cần chú ý rằng thời cổ, rượu về cơ bản là khác với rượu ngày nay. Theo tài liệu lịch sử thì trước thời Tống Nguyên rượu đều là rượu ủ lên men. Loại rượu này dùng nguyên liệu như lương thực ngũ cốc, hoa quả, các loại sữa sau khi lên men nhờ men cái sẽ được ủ mà thành. Nồng độ rượu rất thấp, 20 độ là cao nhất, hầu như không có mùi vị gì, hoàn toàn có thể dùng làm đồ uống.
Từ thời Bắc Tống, nước Liêu, nước Kim, nhà Nguyên tiến vào Trung Nguyên, rượu chưng cất lần đầu tiên xuất hiện theo chân họ. Nồng độ rượu lúc này mới nặng tương tự như rượu ngày nay.
Thuận theo việc xuất hiện rượu chưng cất, “tửu đức” và “tửu lễ” mới suy vi, cuối cùng ngày nay không còn ai nhắc tới.
Dựa theo “Tài liệu giảng dạy Văn hóa sơ cấp: Thiên Tự Văn“
Đăng trên ChanhKien.org
Ban biên tập Tài liệu giảng dạy Văn hóa Chánh Kiến
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Uống rượu trí tuệ cổ nhân