Đối với cha mẹ một lòng cung phụng hiếu thảo, đối với Vua giữ lòng trung, không sợ Vua trị tội mà 3 lần dâng sớ khuyên can, Trương Đỗ được sử sách đánh giá cao và nhận được nhiều lời khen ngợi, là một trong những hiền tài hàng đầu của nhà Trần.

dan thien
Di tích Đàn Thiện – nơi thờ Tiến sĩ Trương Đỗ. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Hiếu thảo và tài năng

Qua các ghi chép lưu lại từ văn bia, sắc phong thì Trương Đỗ là người làng Phù Đới, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng – nay là thôn Phù Tải, xã Thanh Giang (Thanh Miện, Hải Dương).

Dù gia đình nghèo khó, nhưng từ bé Trương Đỗ học rất giỏi, không chỉ giỏi văn mà còn giỏi cả võ. Năm 15 tuổi Trương Đỗ rời quê nhà đến Thăng Long trọ học một nhà người quen ở phường Nghi Tàm.

Phải đi học xa, Trương Đỗ rất lo lắng cho cha mẹ ở quê nhà, ông thường hái dâu, tỉa cây, bủa lưới kiếm tiền gửi về quê nhà nuôi cha mẹ, có tiếng là rất hiếu thảo. Ông cũng làm gia sư dạy học cho con cháu chủ nhà để có tiền trang trải cho việc học của mình ở Kinh thành.

Sách “Ngự chế Việt sử Tông vịnh” có chép rằng một lần ở Tây Hồ, Trương Đỗ thấy các vị quan bên bộ Binh tập bắn cung, bắn mấy lần đều trượt thì bất giác phì cười. Một vị chỉ huy thấy thế tức giận nói: “Ngươi có bắn trúng được không mà dám cười bọn ta?”. Trương Đỗ liền cầm cung tên bắn ba phát trúng liền cả ba, mọi người trầm trồ thán phục, vị chỉ huy cũng kinh ngạc, biết Trương Đỗ đang đi học thì muốn nhận làm con đỡ đầu nhưng ông từ chối.

Đến thời vua Trần Nhân Tông trị vì, Trương Đỗ đi thi và đỗ Thái học sinh (tương đương tiến sĩ). Ông làm quan tới chức Ngự sử Đại phu đứng đầu trong Ngự sử đài – cơ quan chuyên giám sát Triều đình và quan lại, can gián Vua. Ông lại được tin tưởng giao thêm chức Đình úy Tự khanh – đứng đầu cơ quan tra xét hình án, kiêm thêm Trung đô phủ Tổng quản – tức quản lý mọi mặt Kinh thành Thăng Long. Lúc này Trương Đỗ đưa cha mẹ lên Kinh thành để phụng dưỡng.

Trương Đỗ làm việc cẩn thận, được khen là cẩn thận, liêm khiết, “Đại Việt Sử ký Toàn thư” có ghi chép rằng: “Trương Đỗ là người thẳng thắn, không bè đảng, phóng khoáng, có chí lớn… Ông làm quan trong sạch, nghèo túng, không gây dựng điền sản, con cháu nối đời làm quan cũng có tiếng nghèo mà trong sạch”.

Khi cha mẹ già yếu, Trương Đỗ chăm sóc từng giấc ngủ, cẩn thận thuốc thang. Ông và các con thường dành những món ngon cho cha mẹ. Khi cha mẹ qua đời, Trương Đỗ rất buồn, ông làm những bài văn câu đối về cha mẹ, khiến ai đọc cũng khóc.

Không sợ trách tội, 3 lần dâng sớ khuyên can Vua

Khi nhà Trần ngày càng suy yếu, Vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga nhiều lần đưa quân tiến đánh Đại Việt.

Năm 1376, Chế Bồng Nga lại đưa quân tiến đánh, vua Duệ Tông sai Đỗ Tử Binh đưa quân chặn đánh. Chế Bồng Nga cho người dâng 10 mâm vàng xin giảng hòa, nhưng các quan tướng nhà Trần lúc này chỉ lo tham nhũng vơ vét, Đỗ Tử Bình giấu vàng rồi tâu về Triều là Vua Chiêm ngạo mạn không thần phục. Vua Duệ Tông nổi giận, huy động quân chuẩn bị nam tiến đánh Chiêm Thành.

Ái Phi của Vua là Bích Châu vội vàng can ngăn. Trương Đỗ cũng can ngăn Vua không nên xuất chinh lúc này, ông dâng sớ tâu: “Chiêm Thành chống lệnh tội cũng chưa đáng phải giết. Song nó ở tận cõi tây xa xôi, núi sông hiểm trở. Nay bệ hạ vừa mới lên ngôi, đức chính, giáo hóa chưa thấm nhuần được tới phương xa, nên sửa sang văn đức khiến nó tự đến thần phục. Nếu nó không theo, sẽ sai tướng đi đánh cũng chưa muộn gì” (Đại Việt Sử ký Toàn thư).

Cốt lõi của bài sớ là muốn dùng đức để cảm hóa, chứ không dùng chiến tranh. Nhưng vua Duệ Tông không nghe, vẫn tiến hành huy động chuẩn bị lực lượng tiến đánh Chiêm Thành.

Tháng 9 và tháng 11 năm 1376, Trương Đỗ hai lần dâng sớ phân tích rõ tình thế hai bên. Triều đình vừa trải qua dẹp loạn Dương Nhật Lễ nên chưa mạnh, cần thời gian củng cố. Trong khi Chiêm Thành có vua Chế Bồng Nga nên ngày càng mạnh mẽ hơn, vì thế chưa nên tiến đánh Chiêm Thành lúc này. Nhưng vua Duệ Tông không nghe.

Tháng giêng năm 1377, vua Duệ Tông thống lĩnh 12 vạn quân tiến đánh Chiêm Thành. Quân nhà Trần đánh tan quân Chiêm ở động Ỷ Mang và đóng quân ở đây.

Quân Chiêm nơi đây thua trận đầu hàng rồi nói rằng vua Chiêm là Chế Bồng Nga đã bỏ kinh thành Đồ Bàn mà rút đi rồi. Nghe vua Chiêm đã bỏ Kinh thành mà rút đi, vua Trần Duệ Tông ra lệnh cho tiến quân luôn vào kinh thành Đồ Bàn bất chấp lời khuyên can của đại tướng quân Đỗ Lễ.

Khi quân nhà Trần vừa vào trong thành thì quân Chiêm mai phục sẵn từ bốn mặt đổ ra đánh. Bị đánh bất ngờ, quân nhà Trần thua to, 10 phần thì chết 7, 8 phần. Vua Duệ Tông cùng các tướng cũng đều tử trận.

Nhiều lời đánh giá về ông

Trương Đỗ sau 3 lần dâng sớ lên Vua mà không được chấp nhận, thấy nhà Trần ngày càng suy bại, ông chán nản treo ấn từ quan về lại quê nhà. Sau khi ông mất dân làng Phù Đới thờ tự trong đình Võ và tôn ông làm Thành Hoàng của làng.

Các Triều đại sau này đều thừa nhận công lao và ban sắc phong cho ông. Trong “Kiến văn tiểu lục”, Lê Qúy Đôn khi nhận xét các bậc hiền tài nhà Trần đã viết rằng:

“Nói về nước ta, thì triều nhà Trần có 5 người: Chu Văn An dâng sớ xin chém bọn nịnh thần, làm rung động cả trong triều, ngoài quận, rồi cáo quan, trả mũ áo về nhà không chịu tước lộc bó buộc, vua chúa phải tôn trọng, công khanh phải kính phục. Đấy là bậc thanh cao nhất.

Đặng Tảo được ban ơn, không lấy làm vui mừng mà cam tâm ở nơi vườn ruộng. Trương Đỗ, ba lần dâng sớ can, không được vua dùng mà bỏ quan về ở ẩn. Bùi Mộng Hoa, biết họ Hồ chuyên quyền mà đi ở ẩn không ra làm quan. Trần Đình Thâm, giả làm tai điếc để tránh tai họa mà không chịu thần phục bọn phản nghịch cướp ngôi. Bốn người này là bậc thứ hai”.

den tho
Tiến sĩ Trương Đỗ được phối thờ cùng Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn và Trạng nguyên Phạm Hiên tại di tích Đàn Thiện. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Năm 1947, đình Võ của làng Phù Đới bị phá, dân làng đưa bài vị của Trương Đỗ đến Đàn Thiện, phối thờ cùng Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn và Trạng nguyên Phạm Hiên.

Đánh giá về ông, sử gia Ngô Sĩ Liên viết:

“Trương Đỗ khi làm quan thì không giấu lời nói thẳng, thế là xứng đáng với chức vụ của mình. Khi can, dâng sớ tới ba lần, thế là dám chạm đến cả vua. Mà vua không nghe, thế là tâm trí của vua đã lẫn rồi. Người có trách nhiệm phải nói, không được nghe theo thì bỏ đi, thế là sự tiến lui của Trương Đỗ đều hợp lẽ phải vậy. Tuy lời nói thẳng thường trái tai vua, nhưng lợi cho thân vua. Việc này có thể nêu lên làm gương được”.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: