Ước mơ dân tộc yêu sách
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Tính đến thời điểm viết những dòng này tôi đã rời công việc ở giảng đường đại học được hơn 3 năm để “dấn thân” vào công việc dịch, viết, và khuyến đọc. Thời gian tính từ khi tôi nghỉ việc ở công ty sách để làm việc độc lập, chuyên tâm dành 100% thời gian cho nghĩ – nói – đọc – viết, công việc mà tôi thường gọi là “bán sách rong” cũng đã được gần một năm.
Quyết định nghỉ việc trong khi phía sau tôi là “một gia đình có đến 5 miệng ăn” thật sự là một quyết định mạo hiểm. Không nhiều người hiểu những suy nghĩ phía sau quyết định của tôi. Tuy nhiên, ở độ tuổi gần 40, tôi không nghĩ quyết định đó là một quyết định mang tính bột phát.
Tôi đã nghĩ về điều đó từ lâu. Trong những phút giây tôi ngồi đọc sách và suy tưởng trong thư viện của trường đại học Nhật hay trong những lúc tôi tham gia các buổi giao lưu với độc giả Việt Nam trong đầu tôi thường hiện ra những câu hỏi “Mình nên làm gì?”, “Mình có thể làm gì?”. Và tất nhiên, tôi cũng nghĩ về điều đó, về câu hỏi đó trong những đêm khó ngủ, thức với ngọn đèn, lắng nghe từng âm thanh lạch cạch của bàn phím trong đêm.
Nước Nhật và những gì tôi chứng kiến, trải nghiệm, học hỏi ở đó đã thay đổi thế giới quan, nhân sinh quan của tôi rất sâu sắc. Có một câu hỏi luôn trở đi trở lại trong tôi là “Tại sao người Nhật làm được mà người Việt không làm được hay chính xác hơn là chưa làm được?”.
Những thành tựu trong văn hóa đọc là một ví dụ.
Xét trên nhiều khía cạnh Việt Nam và Nhật Bản có rất nhiều điểm tương đồng.
Chẳng hạn chiều dài lịch sử cũng gần như nhau.
Diện tích cũng gần như là bằng nhau nếu không tính diện tích hòn đảo Hokkaido ở phía bắc nước Nhật.
Dân số cũng không chênh lệch nhau quá lớn (Dân số Việt Nam hiện tại là khoảng 96 triệu người trong khi dân số Nhật Bản là 124 triệu).
Và cả người Nhật và người Việt, nói theo cách của các trí thức Việt Nam đầu thế kỉ 20, đều là “người châu Á, máu đỏ da vàng”, “đồng chủng, đồng văn”.
Thế nhưng ở Nhật Bản hiện tại, cho dù chính người Nhật cũng còn đang than vãn, chưa cảm thấy thỏa mãn và lo lắng, những con số thể hiện văn hóa đọc của họ vẫn là những con số Việt Nam đang mơ ước.
Số liệu từ cuộc điều tra của Cục Văn hóa thuộc Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản năm 2017 cho biết trung bình một người Nhật Bản đọc khoảng 12-13 cuốn sách/năm. Gần 50% số người được hỏi trong cuộc điều tra cho biết họ có thói quen đọc sách. Kết quả cuộc “Điều tra giáo dục xã hội” của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (được tiến hành định kì 3 năm một lần) năm 2008 cũng cho biết 100% các tỉnh, 98% thành phố, quận, 59,3% thị trấn (khu phố), 22.3% làng có thư viện. Số lượng sách được mượn từ thư viện trong năm 2007 là 630 triệu cuốn, trung bình mỗi người có thẻ thư viện (thành viên) mượn 18,6 cuốn/năm. Năm 2010, trẻ em Nhật Bản mượn khoảng 179.560.000 cuốn sách từ các thư viện (Số liệu được công bố trong “Kế hoạch cơ bản xúc tiến hoạt động đọc sách của trẻ em năm 2013”).
Cuộc điều tra về đọc sách trong trường học lần thứ 65 (2019) do Hiệp hội thư viện trường học (SLA) phối hợp với báo Mainichi của Nhật Bản tiến hành cũng cho biết ở thời điểm tháng 5 năm 2019, trung bình trong một tháng học sinh tiểu học đọc 11,3 cuốn sách, học sinh trung học cơ sở đọc 4.7 cuốn, học sinh trung học phổ thông đọc 1,4 cuốn. Tỉ lệ học sinh không đọc một cuốn sách nào trong tháng vừa qua (tháng 5) là 6,8% ở tiểu học, 12,5% ở trung học cơ sở và 55,3% ở bậc trung học phổ thông.
Trong số liệu trên có những chỉ số sụt giảm so với thời kì đỉnh cao của Nhật Bản ở những thập kỉ trước đó vì thế người Nhật đã bày tỏ sự lo lắng. Tuy nhiên, rõ ràng ở vị trí của chúng ta nhìn vào thì những con số trên vẫn là những mục tiêu mà người Việt sẽ còn phải nỗ lực trong thời gian rất lâu nữa mới có thể đạt được.
Ở Việt Nam, cho đến thời điểm này vẫn thiếu những số liệu thống kê chính thức, khoa học, thực chứng về văn hóa đọc. Tuy nhiên một số dữ liệu được công bố trên phương tiện truyền thông đại chúng cũng có thể là thông tin tham khảo giúp chúng ta ước lượng tình hình.
Chẳng hạn các phương tiện truyền thông dẫn lại báo cáo đưa ra trong buổi họp báo kỉ niệm 5 năm ngày sách Việt Nam cho biết năm 2019 người Việt trung bình đọc khoảng 4,2 bản sách/năm (Báo VOV điện tử ngày 15/4/2019). Trong khi đó Báo Tuổi trẻ điện tử (ngày 12/4/2019) lại đưa ra một cách tính khác cho thấy mỗi người Việt chỉ đọc khoảng 0,8 cuốn sách/năm. Cho dù kết quả là 0,8 hay là 4,2 thì cách tính ở đây vẫn mang tính chất rất thô sơ và đại khái khi người ta lấy tổng số bản sách xuất bản – tái bản trong năm chia đều cho tổng dân số của cả nước. Cách tính này sẽ không phản ánh đúng thực tế vì có rất nhiều cuốn sách khi xuất bản ra đã nằm ở đâu đó trong kho sách hay thư viện mà không bao giờ được ai đó đọc.
Quan sát cuộc sống xung quanh, ta cũng sẽ thấy có thể trong thực tế, con số thống kê ở trên còn là một sự lạc quan lớn. Ở góc độ cá nhân, thông qua tiếp cận dữ liệu thống kê cụ thể của một trường trung học phổ thông công lập ở một huyện thuộc một tỉnh miền Bắc, tôi được biết trong năm học 2017-2018 thư viện trường học ở đây có 463 bạn đọc đến thư viện, số lượt sách được mượn là 823 trong khi trường có 1121 học sinh. Như vậy, tính nhanh ta sẽ thấy trung bình trên toàn trường mỗi học sinh chỉ mượn 0,73 cuốn sách/năm. Nếu tính riêng đối với các học sinh đến thư viện thì mỗi người cũng chỉ mượn 1,7 cuốn/năm. Thêm nữa, thủ thư, người đã thống kê thu thập dữ liệu và cung cấp cho tôi, còn cho biết thêm “các em chủ yếu mượn sách bài tập, sách tham khảo mà thôi”.
Những con số đó sẽ khiến cho những ai thiết tha với văn hóa đọc, tương lai của trẻ em và giáo dục nước nhà phải giật mình suy ngẫm.
Trong quá trình phát triển và hội nhập với thế giới, người Việt ngày càng nhận ra lỗ hổng lớn trong nền tảng văn hóa của bản thân – điều mà các trí thức có tầm nhìn và thiết tha với vận mệnh dân tộc, hạnh phúc của người dân như Phan Châu Trinh đã thống thiết nêu lên từ đầu thế kỉ XX. Rút ngắn khoảng cách với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, bù đắp các lỗ hổng và đem lại ngày một nhiều các cơ hội cho trẻ em được tiếp cận sớm với sách là một công việc cấp thiết không thể trì hoãn.
Người Việt chúng ta sẽ bắt đầu từ đâu nếu như không phải là từ chính gia đình của mình?
Quãng thời gian từ khi trẻ chào đời đến khi vào học tiểu học (6 tuổi) là khoảng thời gian vô cùng quan trọng để trẻ làm quen và hình thành thói quen đọc sách. Từng người Việt Nam, từng người cha, người mẹ, từng gia đình phải nhận thức sâu sắc về điều đó để không bỏ phí khoảng “thời gian vàng” ấy.
Bản thân tôi là người may mắn được sống với sách từ nhỏ cho dù sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở một ngôi làng nhỏ xa xôi, tách biệt với cuộc sống đô thị. Câu chuyện về gia đình tôi cho dù tầm thường vẫn có thể là một ví dụ cho thấy việc chăm lo đọc sách trong gia đình, xây dựng tủ sách trong gia đình để tạo ra nền tảng văn hóa đọc từ sớm là công việc không phải quá khó khăn và phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện kinh tế gia đình. Ngay từ những năm 1990, bố tôi, một giáo viên dạy toán về nghỉ mất sức đã xây dựng một thư viện nho nhỏ cho cả gia đình đọc. Tôi đã có những trải nghiệm tuyệt vời thời thơ ấu với những cuốn sách trong thư viện đó và kì diệu làm sao càng lớn lên, trưởng thành và sống như một người độc lập, tôi càng cảm thấy biết ơn thư viện nhỏ của bố tôi và những cuốn sách ở đó. Những gì tôi có được từ đó như tri thức, cảm xúc, trải nghiệm… đã và đang trở thành nền tảng để tôi làm các công việc trước đó cũng như hiện tại trong đam mê và có tính triết lý – mục đích cao. Như là số phận, cuộc gặp gỡ với sách thời ấu thơ ấy đã biến sở thích, đam mê đọc sách của tôi thành công việc. Tôi thật sự cảm thấy hạnh phúc và biết ơn tuổi thơ đọc sách của mình.
Và như một lẽ tất nhiên, trong tư cách là một người quan tâm, nghiên cứu về giáo dục, một người làm khuyến đọc, tôi muốn ngày một nhiều trẻ em Việt Nam cũng có được những trải nghiệm như thế. Tôi mong muốn mỗi gia đình ở Việt Nam dù giàu có hay nghèo khó đều có không gian, môi trường cho con em mình đọc sách trong chính ngôi nhà thân yêu của mình.
Đấy cũng là điều thôi thúc tôi viết cuốn sách nhỏ này. Trong cuốn sách này bạn đọc sẽ tìm thấy vai trò – ý nghĩa của việc đọc sách và tủ sách gia đình, cách thức xây dựng tủ sách, vận hành tủ sách cũng như phương pháp đọc sách cơ bản. Ngoài ra, ở phần Phụ lục tôi giới thiệu 100 đầu sách nên có trong tủ sách gia đình và thêmthông tin về một số thư viện công cộng và thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng, thư viện – tủ sách gia đình trên khắp các địa phương trên cả nước để các bạn có thể tham quan, học tập. Cũng ở trong phần Phụ lục này bạn đọc sẽ có cơ hội gặp gỡ ba nhân vật mà tôi gọi là “những người thắp lửa” đang sở hữu thư viện gia đình hoạt động hiệu quả, giúp cho hàng trăm, hàng nghìn trẻ em, người lớn có sách đọc.
Cho dù cuộc sống mỗi ngày một thêm hối hả, tôi vẫn hy vọng rằng những điều tầm thường tôi viết trong cuốn sách này sẽ giúp cho các bạn có thêm cảm hứng, động lực để xây dựng tủ sách gia đình, biến gia đình mình thành gia đình đọc sách.
Sẽ có một ngày mỗi gia đình Việt Nam cho dù là ở thành thị hay nông thôn, miền xuôi hay miền ngược, đều có một tủ sách hoặc thư viện. Khi đó nhà nhà có sách, người người đều đọc sách. Mỗi gia đình ở Việt Nam sẽ trở thành gia đình đọc sách. Dân tộc Việt Nam sẽ trở thành dân tộc yêu sách và đọc sách. Sức mạnh và giá trị cộng hưởng mà hiện thực ấy đem lại cho chúng ta khi đó sẽ vượt xa cả trí tưởng tượng của bất cứ ai đang sống trong hiện tại ngổn ngang này.
Hãy cùng tôi mơ và biến giấc mơ lãng mạn ấy thành hiện thực.
Hà Nội ngày 30 tháng 7 năm 2020
Nguyễn Quốc Vương
Đây là “Lời nói đầu” của cuốn sách “Xây dựng tủ sách gia đình-Cùng đọc để sống hạnh phúc và kiến tạo xã hội văn minh” của tác giả Nguyễn Quốc Vương, sẽ được ra mắt ngay sau dịp Tết Nhâm Dần. Tựa do tòa soạn đặt.
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
- Giờ học Toán ở Việt Nam trong mắt người Nhật Bản
- Học đủ thứ nhưng không học tự lập
- Tuổi trẻ và sự lựa chọn nghề nghiệp
Mời xem video:
Từ khóa tủ sách gia đình đọc sách Nguyễn Quốc Vương