Vài tìm hiểu về Hán Văn Đế và thời kỳ “Văn Cảnh chi trị”
- Trần Hưng
- •
“Văn Cảnh chi trị” là một trong những thời kỳ lịch sử được lấy làm chuẩn mực của các vương triều thời xưa. Giang Sơn hùng mạnh, thiên hạ thái bình, trăm họ no ấm, lương thực của cải dùng không hết, mà những điều này đều xuất phát từ cách Hán Văn Đế trị vì thiên hạ.
Bối cảnh
Năm 206 TCN, Hán Cao Tổ lên ngôi, lập ra nhà Hán. Nhưng sau khi lên ngôi, Hán Cao Tổ cùng Lã Hậu bắt đầu diệt các công thần như Hàn Tín, Bành Việt, Anh Bố… Trong những người có công lớn nhất, dường như chỉ có Trương Lương là thoát nạn.
Hán Cao Tổ mất, Lã Hậu nắm quyền hành nhưng nhiều người không phục, Triều đình rối ren, Xã Tắc bất ổn, lòng người ly tán. Sau khi Lã Hậu mất, các quan đại thần trong Triều trừ khử vây cánh của Lã Hậu, đón Lưu Hằng lên ngôi, hiệu là Hán Văn Đế.
Hán Văn Đế là vị minh quân nổi tiếng trong lịch sử, giúp trăm họ được hưởng cảnh thái bình sau nhiều năm biến động. Ông nổi tiếng với những chính sách tiếp kiệm, giảm nhẹ hình phạt, giảm tô thuế, phát triển kinh tế vững mạnh.
Hán Văn Đế lên ngôi khi quốc lực nhà Hán rất yếu, người dân khốn khổ, sản xuất hoang phế. Hoàng đế đề ra các chính sách “cho dân nghỉ ngơi”, “nhẹ thuế khóa, lao dịch”, “thanh tĩnh kiệm ước”, khiến dân chúng ổn định cuộc sống khôi phục sản xuất, nhờ đó mà Xã Tắc ổn định Giang Sơn hùng mạnh, mở đầu thời kỳ “Văn Cảnh chi trị” (Hán Văn Đế và Hán Cảnh Đế).
Trọng đức là gốc rễ
Trong giai đoạn đầu trị vì, quốc khố không nhiều, trăm họ khốn khổ, Hán Văn Đế chú trọng tiết kiệm. Từ đó trong suốt 23 năm trị vì, Hán Văn Đế không hề sắm thêm cho bản thân mình thứ gì, cung điện, vườn thú, chó, ngựa, quần áo và đồ dùng, không bổ sung gì thêm. Ông chỉ quan tâm đến dân chúng, nếu thấy có gì đấy bất lợi cho dân thì liền chỉnh sửa.
Hán Văn Đế mỗi lần đi ra ngoài đều mặc áo bằng lụa mà mình ưa thích. Cho xây dựng Bá Lăng cũng toàn bộ bằng ngói, không được dùng vàng bạc, đồng, thiếc để trang trí.
Sách “Tư trị thông giám” chép rằng:
“Đế thường mặc áo thô đen dày; Thận phu nhân mà Đế sủng ái, áo không được dài quét đất; màn trướng không được thêu hoa văn; để tỏ rõ sự chất phác, làm gương cho thiên hạ […] Quần thần là bọn Viên Áng can gián lời lẽ tuy kịch liệt, Đế thường khoan dung thu dụng ý kiến. Bọn Trương Vũ nhận hối lộ tiền vàng, khi phát giác, Đế lại ban thưởng thêm cho để chúng thẹn; chuyên tâm dùng đức để cảm hóa dân. Vì thế hải nội yên tĩnh, trăm họ người người no đủ, hậu thế ít người theo kịp được.”
Việc tiết kiệm, thúc đẩy sản xuất trồng trọt giúp cho quốc khố Triều đình có nhiều tiền. Hán Văn Đế lại dùng số tiền này lo cho dân chúng, chỉ dụ cứu tế những người góa vợ, góa chồng, trẻ mồ côi, người già đơn thân và những người nghèo khổ. Sử gia Tư Mã Thiên ca ngợi Hán Văn Đế rằng: “Luôn luôn lấy đức hóa dân, cho nên nơi nơi thịnh vượng, giàu có, hưng thịnh nhờ lễ nghĩa”.
Hán Văn Đế gặp chuyện thì nhận lỗi về mình, cần kiệm tiết kiệm mong ban phúc ấm cho dân chúng. Mùa xuân năm 166 TCN, lập đàn lễ, các quan đều cầu trời đất ban phúc cho Hoàng thượng. Thế nhưng Hán Văn Đế không đồng ý, cho rằng mình bất đức, nên cầu phúc cho muôn dân trăm họ. Hoàng đế xuống chiếu rằng:
“Trẫm nghe nói quan tế tự trong lúc cầu cúng, đều quy cái phúc về cho thân trẫm mà không vì trăm họ, trẫm rất hổ thẹn. Ôi, trẫm vốn bất đức, mà riêng một mình hưởng cái phúc tốt đẹp như thế, trăm họ không dự hưởng, đấy là càng làm nặng thêm cái bất đức của trẫm vậy. Nay lệnh cho quan cúng tế lúc cầu đảo hãy dốc lòng thành kính, không được cầu phúc cho mình trẫm!”
(Tư trị thông giám)
Trọng nông là quốc sách
Hán Văn Đế thực hiện khuyến nông, giúp dân cày cấy trên những vùng đất bỏ hoang. Hoàng đế khôi phục lại lễ Tịch điền bị gián đoạn từ thời Xuân Thu. Trước mỗi vụ xuân, Hoàng đế lại đích thân ra đồng, tự tay làm ruộng.
Năm 178 TCN, Hán Văn Đế xuống chiếu chỉ khuyến nông, giảm một nửa thuế:
“Nghề nông, là gốc lớn của thiên hạ, là chỗ mà dân chúng cậy dựa để sinh sống vậy; mà trong dân vẫn có người không chuyên tâm với nghề gốc, lại đuổi theo nghề ngọn, đấy hẳn vì sinh kế không được thoải mái. Trẫm với việc đó rất lo lắng, thế nên nay tự thân thống suất quần thần làm việc nhà nông để khuyến khích, trọng thị nghề nông; năm nay chỉ thu thuế của dân thiên hạ một nửa.”
(Tư trị thông giám).
Mùa xuân năm 167 TCN, Hán Văn Đế lại hạ chiếu rằng: “Trẫm tự thân thống suất người thiên hạ cày ruộng để cấp lương cho việc tế tự tông miếu, Hoàng hậu đích thân trồng dâu để cấp trang phục tế tự; hãy chế định lễ nghi cho việc này!”
Tháng 6 năm đó Hoàng đế lại xuống chiếu bỏ thuế ruộng: “Nghề nông, là nghiệp gốc của thiên hạ, không gì trọng yếu bằng. Nay dân dốc sức siêng năng theo việc nhà nông mà vẫn phải chịu tô thuế, đấy là điều khiến cho gốc ngọn không lấy gì để phân biệt vậy, cái đạo lý đối với việc khuyến nông chưa hoàn chỉnh vậy. Nay bỏ việc nộp thuế ruộng!”
Bỏ hình phạt hà khắc
Hán Văn Đế cho rằng pháp luật là để trừng trị hành vi bạo ngược, giúp hướng con người đến với điều thiện. Hoàng đế cho bãi bỏ nhiều loại tội hình hà khắc. Có những năm cả nước chỉ có 400 án ngục, hình pháp ít có chỗ dùng.
Lưu truyền hậu thế
“Tư trị thông giám” viết về thời kỳ “Văn Cảnh chi trị” như sau:
“Kho lẫm tại các đô ấp đều đầy tràn, mà phủ khố dư của cải; tiền ở kinh sư chồng chất hàng vạn vạn, dây xâu tiền mục nát chẳng thể đếm được số mục; thóc ở kho Thái thương lớp lớp chồng đè lên nhau, tràn cả ra ngoài, đến nỗi mục nát chẳng thể ăn được. Khắp các đường lớn ngõ nhỏ mà dân chúng cư trú đều có ngựa, còn ngoài đồng ruộng, ngựa kết thành bầy, người cưỡi ngựa cái bị đuổi không được cùng tụ hội. Kẻ coi giữ cổng làng ngõ xóm bữa ăn đều có gạo trắng thịt ngon; Kẻ làm Lại làm đến lúc con và cháu lớn lên; lấy chức quan đang giữ làm họ. Vì thế người người tự yêu quý bản thân mình, sợ vi phạm pháp luật; xem việc nghĩa làm đầu, tránh bị thẹn nhục…”
Năm 157 TCN, Hán Văn Đế không được khỏe, biết mình sắp mất ông căn dặn chôn mình ở Bá Lăng, tùy táng chỉ có đồ gốm, không được trang trí xa hoa. Khi lâm chung Văn Đế vẫn nhắc lại di chiếu là chôn cất đơn giản, giảm bớt việc tang tế.
Khi Hán Văn Đế mất, nhà Hán vô cùng thịnh vượng, Giang Sơn giàu mạnh, thiên hạ thái bình, trăm họ đều hạnh phúc no ấm, quan trường thanh liêm, trong ngoài bờ cõi ổn định, đây là sự thịnh vượng nổi tiếng trong lịch sử.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Đạo trị quốc của người xưa: Lấy đức làm gốc, pháp luật là bổ trợ
- Đạo trị quốc của cổ nhân: Hoàng Đạo, Đế Đạo, Vương Đạo và Bá Đạo
Mời xem video “Thử nghiệm xã hội chủ nghĩa thất bại ở Hoa Kỳ thế kỷ 19”:
Từ khóa Hán Văn Đế đạo trị quốc