Vài tìm hiểu về hội Lim
- Trần Hưng
- •
Bắc Ninh xưa kia là xứ Kinh Bắc, thuộc đồng bằng sông Hồng, chiếc nôi của nền văn minh người Việt cổ gắn liền với những truyền thuyết như như Thánh Gióng đánh giặc Ân rồi bay về trời ở núi Vệ Linh, hay An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Bắc Ninh ngày nay trở thành vùng đất của đình chùa, lễ hội lớn nhất cả nước, hình thành nên nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật với nhiều lễ hội. Thống kê ở Bắc Ninh có gần 600 lễ hội truyền thống trong năm, trong đó hội Lim là một trong 18 lễ hội lớn nhất cả nước.
Theo dân gian thì hội Lim có nguồn gốc từ hội chùa, hội hát dân ca Quan họ, liên quan đến tiếng hát của chàng Trương Chi trong truyền thuyết Trương Chi – Mỵ Nương. Truyền thuyết Trương Chi – Mỵ Nương gắn với dòng sông Tiêu Tương cổ nổi tiếng. Sông Tiêu Tương là con sông cổ ở làng Cổ Bi, nay đã không còn nhưng sống mãi trong lòng người dân Kinh Bắc qua những câu chuyện và làn điệu dân ca. Dòng sông này cũng được dân gian xem là cội nguồn của dân ca quan họ.
Còn theo các nguồn tài liệu thư tịch thì hội Lim có nguồn gốc là lễ hội truyền thống của các làng, sau thành lễ hội chung của Tổng Nội Duệ. Tổng Nội Duệ xưa kia gồm các xã Nội Duệ, Hoài Bão, Lũng Giang, Bái Yên.
Nội Duệ là vùng đất cổ, có núi có sông hình thành địa linh, nằm trọn trong dòng sông Tiêu Tương xưa. Ban đầu các lễ hội tế Thần cầu phúc cùng làn điệu quan họ chỉ tổ chức ở các thôn làng.
Việc hình thành nên hội Lim phải kể đến Quận công Đỗ Nguyễn Thụy thời Lê Trung Hưng. Theo gia phả họ Đỗ ở làng Đình Cả, ông làm quan 20 năm trong Phủ chúa, làm việc chu đáo lại không màng công danh địa vị nên rất có uy tín trong Triều. Khi nghỉ hưu ông cống hiền nhiều đất đai và tiền của cho Tổng Nội Duệ tu sửa đình chùa, duy trì lễ hội tế Thần cầu phúc ở các thôn làng vào tháng giêng hàng năm. Ông bỏ tiền xây dựng đền sinh từ, lăng Hồng Vân ở núi Lim. Lăng này là điểm trung tâm của lễ hội Lim sau này.
Dần dần Đỗ Nguyễn Thụy tổ chức thêm lễ hội cho cả Tổng Nội Duệ, ban đầu tổ chức vào ngày 14 và 15 tháng 8 hàng năm. Sau đó các làng cùng quyết định tổ chức từ ngày 11 đến ngày 14 tháng giêng với sự chuẩn bị rất chu đáo trong Tổng Nội Duệ. Đây được xem là lễ hội chung, ngoài tễ lễ và rước kiệu còn có hát giao lưu quan họ giữa các làng, ngoài ra còn tổ chức nhiều cuộc thi dân gian như đánh cờ, dệt vải… Trung tâm lễ hội ở làng Đình Cả, là quê nhà của Quận Công Đỗ Nguyễn Thụy.
Bấy giờ lễ hội của cả Tổng Nội Duệ rất lớn nhưng chưa được gọi là hội Lim.
Sau này có người phụ nữ họ Nguyễn, tên gọi là Bồ Đề Ni, người làng Nội Duệ Nam làm trụ giới chùa Lim, cho tu bổ chùa và mua một nửa núi Lim. Lúc bà sắp mất thì giao phần núi Lim của chùa cho các làng rồi dặn cứ 3 năm thì tổ chức hội chùa, hội Chạ ở núi Lim. Từ đó lễ hội tổ chức ở đây được gọi là hội Lim.
Vì có nguồn gốc là lễ tế Thần nên vào ngày hội Lim bao giờ cũng có lễ ngênh Thần về Đình làng Đình Cả, sau đó là liên tục ca hát cho đến ngày cuối là tiễn Thần. Khi tổ chức lễ hội ở núi Lim và gọi là hội Lim, những quy định về lễ hội và các tục lệ do Quận công Đỗ Nguyễn Thụy tham khảo từ hội tế Thần trước đó đề ra, vẫn được theo đó mà thực hiện.
Vào những ngày hội Lim, tiếng hát quan họ ngân vang từ trong đình ra đến sân chùa, từ trên bến xuống dưới thuyền, từ trên đồi xuống đến cánh đồng, đâu đâu cũng vang vọng làn điệu dân ca. Những liền anh khăn xếp áo the, liền chị mặc áo the, guốc mộc, nón quai thao đón tiếp nhau thân tình tinh tế theo tập quan của người quan họ, rồi giao lưu bằng những làn điệu dân ca.
Hội Lim diễn ra từ ngày 11 đến ngày 14 tháng giêng. Chính hội là vào ngày 13, đây là ngày tế lễ Thành Hoàng cùng các danh nhân của các làng. Hội Lim có dâng hương cúng Phật, có nghi lễ tập tục, có hát dân ca quan họ và các trò chơi cổ truyền giữa các làng với nhau. Trong đó nghi lễ tế Thần rất quan trọng, được tổ chức ở lăng Hồng Vân trên núi Lim. Tất cả quan viên, hương lão, nam đinh của các làng xã thuộc Tổng Nội Duệ phải tề tựu đầy đủ tại lăng Hồng Vân để làm lễ tế Thần. Khi vào lễ tế có nghi lễ hát quan họ, những liền anh liền chị đứng thành hàng trước lăng hát vọng vào.
Sông Tiêu Tương gắn liền với làn điệu quan họ tiếc rằng đã không còn. Nguyên nhân là do Hồ Quý Ly cho đào lòng sông Đuống để uốn thẳng dòng chảy, sông Tiêu Tương bị mất ngồn nước và cứ bị bồi đắp dần cho đến khi không còn.
Trong lịch sử sông Tiêu Tương dẫn mạch nguồn văn hóa đến các làng quê, mang bản sắc văn hóa của người dân vùng Kinh Bắc. Dù dòng sông không còn nhưng vẫn được nhắc đến qua những truyền thuyết, làn điệu dân ca và câu chuyện của người dân Kinh Bắc.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Hội Lim dân ca quan họ Bắc Ninh Kinh Bắc