Văn sử mạn đàm: Cổ nhân quý tiếc thời gian
- Trí Chân
- •
Cổ ngữ nói: “Thánh nhân không quý ngọc bích một thước, mà quý trọng một thốn thời gian”, câu nói này nhấn mạnh sự quý báu của thời gian trong mắt người xưa. Hành trình của đời người là do vô số thời khắc tổ hợp thành, dòng sông dài của lịch sử cũng là do vô số thời khắc tổ hợp thành. Thời khắc là ngắn ngủi, nhưng nó tạo nên sự vĩnh hằng. Bậc thánh hiền xưa rất quý tiếc thời gian.
Khổng Tử nói: “Sớm nghe Đạo, chiều chết cùng yên lòng”. Một cá nhân nếu như cả đời vô tri vô giác, mơ mơ hồ hồ, không có duyên với chân lý, thì thật uổng cả một đời. Nếu kiên trì không ngừng truy cầu chân lý, mai kia đắc Đạo, chết cũng không tiếc. Đây là hình dung sự bức thiết đối với truy cầu tín ngưỡng và chân lý. Một cá nhân nếu ngừng học tập khám phá, ngừng thắc mắc truy cầu chân lý, thì đã mất đi ý nghĩa tồn tại rồi. Giá trị của nhân sinh nằm tại nghe Đạo cầu Chân, học cho tới khi hiểu Đạo.
Khổng Tử còn nói: “Không hiểu mệnh, thì không phải bậc quân tử; không hiểu lễ, thì không thể có chỗ đứng; không hiểu ngôn, thì không thể biết được người”. Chính nhân quân tử cần phải học điều này thật nhiều, thì mới hiểu được Thiên Đạo, nhân đạo, thế đạo, mới biết an thân lập mệnh, thông thạo lễ nghi, hiểu rõ thế sự, nắm bắt được quy luật tự nhiên và đại thế trong thiên hạ. Có như vậy mới trở thành người nhân cách hoàn mỹ, ôm ấp chí lớn, hiểu mệnh vô tư, dẫu nghèo cũng không đánh mất mình, trở thành bậc quân tử trong thiên hạ. Cần phải siêng năng tu dưỡng bản thân, đảm đương trọng trách, thì khi ấy mới biết quý tiếc thời gian học tập.
Khổng Tử dẫn các học trò chu du các nước để hoằng dương đạo nghĩa, thường xuyên đi lại giữa những núi sông, trông thấy Hoàng Hà, ông cảm thán rằng: “Sông đẹp làm sao, mênh mông làm sao”. Đứng bên bờ sông Nghi Thủy, ông vô cùng cảm khái, nói với học trò rằng: “Thời gian trôi qua như thế này đây, ngày đêm không ngừng nghỉ”. Ở đây vừa có cảm thán của Khổng Tử đối với thời gian trôi qua như nước chảy không ngừng nghỉ, lại có suy nghĩ về sự vĩnh hằng và ý nghĩa nhân sinh. Ông khuyến khích mọi người trân quý thời gian, truy cầu chính Đạo của nhân sinh, ẩn ý rằng hoằng dương Đạo là việc nghĩa không nên đắn đo.
Một lần, Khổng Tử đang tập trung tinh thần quan sát thưởng thức dòng sông đang cuồn cuộn chảy về đông, học trò của ông là Tử Lộ có hỏi: “Người quân tử thấy sông lớn thì nhất định phải quan sát tán thưởng, vì sao vậy?”
Khổng Tử nói:
“Bởi vì sông lớn có thể chảy về phía trước không ngừng nghỉ, tưới mát làm lợi cho bốn phương, nuôi dưỡng vạn vật, mà lại không tự nhận có công, nơi nào nó chảy đến đều đem lại sức sống bừng bừng cho miền đất đó, đây chính là đức. Khi nó chảy thì từ nơi cao chảy xuống thấp, chậm rãi hay gấp gáp đều tuân theo lý, đây chính là nghĩa. Nó mênh mông rộng lớn, ngàn nhánh vạn dòng đổ vào đại dương, mãi mãi vô cùng vô tận, đây chính là Đạo. Nó lao vào vực cực sâu mà không hề sợ hãi, xuyên qua vách núi, đục vách đá, dũng cảm tiến lên, đây chính là dũng. Nó luôn có xu hướng bình lặng, để yên ắt sẽ bình lặng, công bình công chính, đó chính là pháp. Bỏ vào đồ cân, nhất định sẽ giữ bằng phẳng, đó chính là chính. Nó chu đáo không nơi nào không đến, nơi cần đến thì nó đều chảy đến, cho dù trải qua ngàn vạn trắc trở khúc khuỷu nhưng nhất định phải chảy ra hướng đông, đó chính là chí hướng. Nó có thể ra có thể vào, bất kể là đến nơi nào, đều có thể tẩy sạch vạn vật ở đó, đó chính là giỏi giáo hóa. Đó chính là nguyên nhân người quân tử thấy sông lớn thì nhất định phải quan sát tán thưởng”.
Người quân tử giáo hóa, khiến người ta trở nên tốt đẹp mà không tranh với người, kiên trì không suy chuyển truy cầu đại Đạo, khiến phẩm đức bản thân càng ngày càng mới, trí huệ từ đó mà trở nên cao xa khôn thấu.
“Thời gian trôi qua như thế này đây, ngày đêm không ngừng nghỉ”, câu nói này của Khổng Tử đã trở thành một danh ngôn thiên cổ, bởi vì trong tâm ai cũng đều có cảm xúc như vậy. Khổng Tử lấy mình làm gương, quý thời gian như vàng, khao khát học hỏi, đến quên ăn quên ngủ, làm mà không biết mệt. Ông nói: “Học mà không theo kịp, chỉ sợ đánh mất nó”. “Làm người là như vậy, gắng sức đến quên ăn, mừng rỡ quên cả ưu sầu, khi tuổi già đến cũng không hay biết”.
Tuân Tử nói: “Bậc quân tử giảng, học không thể dừng lại”. “Tôi thử cả ngày suy nghĩ, cũng không bằng một chốc ngồi học tập; tôi thử kiễng chân nhìn ra xa, cũng không bằng leo cao mà trông rộng”. “Chân không nhấc một bước, thì đi không được nghìn dặm; không tích suối nhỏ, làm sao thành sông thành biển”.
Tuân Tử còn cho rằng, tu dưỡng tinh thần cũng không thể sánh với bị cảm hóa bởi người đạo đức cao. Đối diện với quyền lợi mà không có tư dục tà niệm, đối diện với thế lực đông đảo mà không khuất phục, vạn vật trong thiên hạ đều không thể lay động tín niệm, thì ấy gọi là có đức hạnh, có phẩm đức.
Chỗ quý của người quân tử nằm ở hoàn mỹ không tỳ vết của đức hạnh, bởi vậy bậc quân tử học Đạo của thánh hiền thì không được dừng lại. Tự mình khám phá trời đất, cũng chẳng bằng một chút thu hoạch từ học tập. Kiễng chân nhìn ra xa, cũng chẳng bằng đi lên nơi cao mà nhìn cảnh bát ngát. Học tập là cần phải góp nhỏ thành lớn, duy trì thường hằng.
“Thế thuyết tân ngữ: Chính sự” chép: “Đại Vũ thánh nhân, do tích thốn âm; chí vu phàm tục, đương tích phân âm”, bậc thánh nhân như Đại Vũ đều trân quý mỗi thời khắc, vậy người phàm tục càng nên phải quý tiếc thời gian, trân quý mỗi giây mỗi phút.
Trang Tử cũng từng nói: “Đời ta là có bờ, nhưng hiểu biết là không có bến bờ”. Tri thức là vĩnh viễn cần phải học, thời gian vĩnh viễn là cần quý tiếc.
Đăng lại có chỉnh sửa từ bài viết cùng tên
Đăng trên Minghui.org
Tác giả: Trí Chân
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa trí tuệ cổ nhân trân quý thời gian