Vị công thần giúp nhà Nguyễn bảo vệ vùng đất Tây Nam bộ (P2)
- Trần Hưng
- •
Khi quân Đại Nam rút về thì Xiêm La đưa Nặc Ông Đôn về Nam Vang lên ngôi vua, đồng thời tiến quân sang Đại Nam.
- Tiếp theo phần 1
Cuộc chiến bảo vệ vùng đất Tây Nam bộ
Tại Đại Nam, dù quân Xiêm và Campuchia trước đó bị đánh bại. Nhưng Xiêm La lại đưa thêm hàng vạn quân tiếp ứng. Vua “sai Nguyễn Tri Phương và Nguyễn Công Nhân giữ mặt Vĩnh Tế, Phạm Văn Điển và Nguyễn Văn Nhân giữ mặt Hậu Giang. Ba mặt cùng tiến binh lên đánh” (Việt Nam sử lược). Liên quân Xiêm La – Campuchia thua to, phải rút chạy về Nam Vang cố thủ.
Đến tháng 2/1842 liên quân Xiêm La – Campuchia lập 18 đồn trại bao vây Hà Tiên của Đại Nam. Nhưng quan quân ở Hà Tiên không chỉ tổ chức phòng thủ thành công mà còn tấn công vào hệ thống đồn trại khiến liên quân Xiêm La – Campuchia bị vỡ trận, các chiến thuyền bị vỡ từng mảng trên vùng biển Kim Dữ, binh tướng tháo chạy trở về qua đường biển.
Quân Việt đuổi theo, sau đó chia quân phòng giữ ven bờ vịnh Thái Lan ở Hà Châu, Hà Tiên.
Các tỉnh khác như An Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Hà Dương (ngày nay thộc về Hà Tiên) cũng lên tục bị quân Xiêm vây đánh. Binh tướng của nhà Nguyễn liên tục phải đối phó rất mệt mỏi.
Trước tình hình biên giới tây nam vô cùng căng thẳng, Doãn Uẩn được điều nào nam làm Tuần phủ An Giang, đây là nơi trọng yếu đánh phá của quân Xiêm La.
Tại An Giang, Doãn Uẩn giúp An Giang ổn định trở lại, giặc giã cũng không còn. Các cánh quân của Campuchia dần bị đánh tan và phải rút chạy trở về.
Sau đó Doãn Uẩn cùng Tổng đốc Nguyễn Văn Chương dâng sớ xin Vua cho 6 tỉnh Nam bộ được miễn các loại thuế 1 năm, bỏ đi các thủ tục thanh tra bất hợp lý.
Thua trận, Campuchia lại cầu viện Xiêm La để cùng một lần nữa đánh Đại Nam. Vua Xiêm cho 3 vạn quân tiếp ứng đến Campuchia.
Người Khmer cầu cứu, Đại Nam tiến đánh Campuchia
Lúc này người dân Khmer không chịu nổi ách đô hộ của Xiêm La liền nổi dậy, các thủ lĩnh của họ nhờ nhà Nguyễn đưa quân sang gúp.
Vua Thiệu Trị ưng thuận, Doãn Uẩn cùng các tướng khác dẫn quân tiến đánh Campuchia.
Tháng 5/1845, Doãn Uẩn cùng với Nguyễn Sáng dẫn quân vượt biên giới tiến đến Ang Duong, chiếm được hai đồn Thị Đam, Vịnh Bích. Doãn Uẩn được vua Thiệu Trị thưởng gia quân công hạng nhất.
Quân Việt tiến đánh Gò Bắc, quân Xiêm ở thượng nguồn sông đánh xuống khiến quân Việt gặp tổn thất. Doãn Uẩn và Nguyễn Sáng cho quân tấn công thẳng vào đồn, quân Xiêm thua trận phải bỏ đồn mà chạy.
Doãn Uẩn tiến quân đến đồn Sách Sô (nay là Phumi Khsach Sa thuộc khoảng các xã Roung Damrei, Reaks Chey huyện Ba Phnum), nhưng đồn này được phòng thủ rất cẩn mật. Doãn Uẩn phải huy động thêm quân Tiền Giang, rồi phối hợp với các cánh quân khác cùng tấn công.
Quân Đại Nam tả hữu cùng tiến đánh, Sách Sô thất thủ. Nhận thấy sĩ khí đang lên sau một loạt trận thắng, Doãn Uẩn cùng Nguyễn Tri Phương chia quân tiến đánh Thiết Thằng.
Sau khi mất một loạt các đồn, quân Xiêm cố chống giữ Thiết Thằng. Doãn Uẩn cùng Nguyễn Tri Phương có 5.000 quân chia quân làm 2 cánh cùng tấn công. Quân Xiêm liều chết chống giữ khiến quân Đại Nam không hạ được. Phải đến khi có cánh quân của Nguyễn Công Nhàn đến cùng thì mới công hạ được Thiết Thằng.
Quân Đại Nam tiến đến vây Oudong, quân Xiêm thất bại phải xin giảng hòa để rút về nước.
Quân Đại Nam thừa thắng tiến thẳng đến kinh đô Nam Vang, vua Ang Duong phải dâng thư xin tạ tội và thần phục nhà Nguyễn. Trấn Tây Thành lại được thu phục. Xét công lao Doãn Uẩn được thăng quyền thượng thư bộ Binh, các tướng bên dưới đều được thăng cấp và khen thưởng.
Chiến tranh kết thúc, liên quân Xiêm La – Campuchia thất trận không còn quấy nhiễu, vùng biên giới tây nam được ổn định. Đó là nhờ công lao của các binh tướng nhà Nguyễn.
Phong thưởng công lao
Doãn Uẩn được nhà Vua tặng tấm bài vàng có chữ “An tây mưu lược tướng”, được bổ nhiệm làm Tổng đốc An – Hà (An Giang và Hà Tiên).
Tháng 6/1847, khi ghi công các tướng giành chiến thắng ở Trấn Tây Thành, vua Thiệu Trị ra dụ rằng: “An tây Mưu lược tướng Doãn Uẩn: mình ở đội trước, lập được công đầu, phá đồn Thông Bình, hạ đồn Sách Sô, tiến đến đất Vĩnh Long, vây sát đất Ô Đông, đều ra mưu lạ, nắm phần thắng, vỗ về biên cảnh, bình định nơi xa, ra sức rất nhiều. Đáng phong cho tước Tuy Tĩnh tử.” (theo Đại Nam thực lục)
Cũng trong năm 1847, vua Thiệu Trị cho đúc 12 cỗ thần công, trong đó 9 cỗ súng bằng đồng là “Thần Uy Phục Viễn Đại Tướng Quân” và ba cỗ súng hiệu “Bảo đại định công an dân hoà chúng thượng tướng quân”.
Cỗ súng “Thần Uy Phục Viễn Đại Tướng Quân” thứ nhất được sắc cho Doãn Uẩn, trong lời sắc có viết: “Ba lần thắng trận, được công đầu, mưu lược của văn thần, tấn công to sớm, đem uy trời để vỗ yên, phục phương xa, khắc công vào bảo vật, truyền ức muôn năm rất trọng.” (theo Đại Nam thực lục).
Tháng 11 âm lịch năm kỷ dậu 1849, Doãn Uẩn mất tại An Giang lúc đang đương chức, thọ 56 tuổi.
Là người chính trực, nên khi mất đáng tang của Doãn Uẩn được người nhà làm rất đơn sơ giản dị vì không có tài sản để làm rình rang. Cao Hữu Bằng có bản tấu dâng lên Vua rằng: Doãn Uẩn là người công bằng, trung thực, thanh liêm, cẩn thận, sau khi chết không có một chút tài sản gì.
Vua Tự Đức liền đặc cách ra ơn cho thêm 500 quan tiền, 100 phương gạo để gia đình lo chuyện hậu sự cho ông được tươm tất mà cũng khuyến khích người làm quan thanh liêm (theo Đại Nam thực lục).
Vua cũng truy tặng hàm Hiệp biện Đại học sĩ và bài vị của ông được vua cho đặt ở đền Hiền Lương cùng với 39 danh thần nhà Nguyễn khác.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Thời vua Minh Mạng, lãnh thổ Việt Nam rộng gấp 1,7 lần hiện nay
- Các vua chúa trước đây vẫn chú trọng bảo vệ biển đảo
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Việt Nam Danh nhân lịch sử nhà Nguyễn Doãn Uẩn