VIỆC THI CỬ

1. Trước kỳ thi

Đơn vị chính trong các kỳ thi trên toàn miền Nam trước 1975 là cấp Tỉnh. Trường trung học công lập chính thức của tỉnh là nơi trực tiếp thực hiện những thủ tục cần thiết dưới sự sắp xếp của Nha Khảo thí và các cơ quan liên hệ của Bộ Giáo dục như Nha Trung học, Nha Tiểu học, đoàn Thanh tra.

Mấy tháng trước ngày thi, các trường tư thục trong tỉnh phải nộp học bạ của tất cả thí sinh thuộc trường mình cho trường Trung học công lập tỉnh kiểm nhận, và chỉ khi nào học bạ được kiểm nhận hợp lệ, học sinh liên hệ mới được cấp số báo danh để dự kỳ thi sắp tới.

Việc thi cử ở miền Nam thời Đệ nhất Cộng hòa
Một trang học bạ của học sinh lớp Đệ Tứ (lớp 9) trường tư được trường công lập của tỉnh kiểm nhận mấy tháng trước kỳ thi. Đó là điều kiện bắt buộc của học sinh trường tư để được cấp số báo danh cho kỳ thi sắp mở.

Cũng mấy tháng trước kỳ thi, các giáo sư công lập đang dạy chính môn nào thì được Nha khảo thí yêu cầu đề xuất một số đề thi thuộc môn đó (thường từ 3 đến 5 đề thi). Những đề thi này chỉ có tính tham khảo, nếu có được chọn đi nữa thì xác suất được chọn cũng rất nhỏ, so với số đề thi đề xuất trên cả nước.

2. Trước ngày thi

Việc chọn đề thi do một tiểu ban của Bộ Giáo dục gồm phần lớn là các Thanh tra trung học đảm trách. Khoảng một tuần lễ trước ngày thi, bộ phận này bị cấm trại 24/24 tại trụ sở cho đến ngày thi xong. Không một ai, kể cả Bộ trưởng Giáo dục được phép tiếp xúc với những người này. Họ có những nhiệm vụ quan trọng sau:

– Thảo luận kỹ, chọn ra những đề thi cho từng môn thi, căn cứ vào đề xuất của các giáo sư từng bộ môn đã tập trung về Bộ cách đó mấy tháng.

– Quyết định xong toàn bộ các đề thi, họ đánh máy trên giấy stencil (giấy sáp) và tự tay quay roneo các đề thi đã chọn xong. Vì trong ngày thi, đề thi được phát tận tay mỗi thí sinh, nên số đề được quay roneo vô cùng to lớn, nhiều hơn tổng số thí sinh cho kỳ thi đó. Sau khi công việc khó nhọc này hoàn tất, họ dựa vào số thí sinh do các tỉnh báo cáo, cho toàn bộ đề thi vào những thùng kín có hai ống khóa, được niêm phong cẩn thận, chờ đại diện hội đồng thi các tỉnh lên nhận về.

– Trước khi kỳ thi diễn ra, mỗi tỉnh có một Hội đồng thi tập trung tại trường trung học công lập của tỉnh, gồm phần lớn các giáo chức trong tỉnh. Một ngày trước ngày thi, Hội đồng cử người về Bộ để đưa đề thi về tỉnh, tùy mỗi địa phương mà đi bằng đường bộ hay đường hàng không. Nếu đi đường bộ, họ được xe cảnh sát hộ tống chặt chẽ. Trong suốt những năm trước 1975, chưa hề nghe có một scandal vào về việc tiết lộ đề thi, đủ biết sự bảo mật được thực hiện chặt chẽ như thế nào.

Khi về đến tỉnh, thùng đựng đề thi được đưa ngay đến trụ sở Tòa hành chánh tỉnh. Viên chức giữ chức vụ Phó Tỉnh trưởng sẽ thay mặt ông Tỉnh trưởng sở tại, chủ trì một tiểu ban tiếp nhận và bảo quản đề thi. Họ niêm phong và ký tên trên tất cả giấy niêm phong, cho hết vào một tủ sắt trong phòng Phó Tỉnh trưởng, niêm phong tủ sắt với chữ ký của các thành viên trong tiểu ban (đại diện trường trung học công lập tỉnh, đại diện Ty cảnh sát, tòa án, Hội đồng tỉnh…).

Sáng ngày thi, chỉ một khoảng thời gian ngắn đủ để mang đề thi đến mỗi trường thi, người của hội đồng thi và đại diện mỗi trường thi đến Tòa hành chánh tỉnh, phá niêm phong, nhận đề thi về các trường thi. Khi họ về đến nơi thì chỉ còn một thời gian tối thiểu để các giám thị phát đề thi đến tận tay thí sinh.

– Thường là một ngày trước ngày thi, các trường thi có thông lệ viết bằng phấn số báo danh của thí sinh trên từng bàn học trong phòng thi. Điều này không quan trọng đối với thí sinh Tú Tài, song rất cần thiết đối với thí sinh Trung học Đệ nhất cấp (cấp 2), nhất là thí sinh Tiểu học, giúp họ đến trường thi trước ngày thi, xem và biết trước sẽ ngồi ở phòng nào trong ngày thi. Trước khi có cách làm này, nhiều em gần đến giờ thi, chạy cuống quýt, không biết tìm phòng thi ở đâu, nếu tìm được phòng trễ quá, theo nội qui trường thi, sẽ không được vào phòng thi nữa. Tác giả bài viết này từng là một cậu học sinh như thế trong kỳ thi Tiểu học năm 1954.

3. Trong ngày thi

Trong phòng thi, thường ban tổ chức bố trí một bàn hai thí sinh ngồi ở hai đầu bàn, mỗi phòng có hai giám thị là giáo viên (tiểu học) hay giáo sư (trung học), thường là một nam, một nữ.

Đến giờ thi, thí sinh được phát riêng cho mỗi người:

– Đề thi in trên giấy in roneo dày, màu vàng, chữ rất rõ ràng.

– Giấy làm bài thi khổ to, có rọc phách giữa phần khai báo của thí sinh và bài làm.

– Giấy làm nháp thường có ba màu: xanh lục, vàng nhạt, hường. Thí sinh ngồi chung một bàn được phát giấy nháp khác màu nhau.

Khoảng 5 đến 10 phút trước khi hết giờ làm bài, các giám thị thông báo cho thí sinh biết để xem lại bài. An ninh phòng thi rất chặt chẽ, những người không có nhiệm vụ trong trường thi không được phép đến gần trường thi.

4. Sau ngày thi

* Việc học và thi tại miền Nam những năm 1954-1963 (và sau đó) dựa trên những ý niệm căn bản sau:

– Chỉ có ưu tiên trong học tập, hoàn toàn không có ưu tiên trong thi cử. Thành phần học sinh được ưu tiên trong học tập là con của quân nhân, công chức “hi sinh vì nhiệm vụ” (tử trận, tử nạn trong lúc thi hành nhiệm vụ, chết vì bệnh do công vụ gây nên…) hoặc của những thường dân hi sinh mạng sống để cứu người… Họ được thu nhận vào trường Quốc gia Nghĩa tử, được tạo những điều kiện học tập tốt nhất, bù đắp với sự bất lợi do thiếu cha hay thiếu mẹ so với các học sinh bình thường khác. Họ được miễn học phí, được cấp học bổng và nhiều phương tiện khác trong học tập. Với những điều kiện ưu đãi đó, họ phải cố gắng học tập như mọi người và trong kỳ thi, không được hưởng bất cứ sự ưu đãi nào.

– Tuy nhiên, có một trường hợp duy nhất được cộng điểm. Để khuyến khích học sinh rèn luyện thể lực, khoảng 2-3 tháng trước kỳ thi, Ty thể dục thể thao tỉnh tổ chức kỳ thi thể dục cho toàn thể học sinh trong tỉnh. Kỳ thi gồm nhiều môn phối hợp: chạy xa, nhảy xa, nhảy cao, ném tạ…, ai được từ 11/20 điểm trở lên thì được cộng số điểm sau khi trừ 10 vào tổng số điểm thi đã nhân với hệ số. Ví dụ một học sinh đạt điểm thi thể dục 13/20, cậu ta được cộng thêm 3 điểm vào tổng số điểm thi. Việc cộng thêm điểm này không đáng kể lắm nếu ta biết rằng tổng số điểm trung bình cần để đậu trong kỳ thi thường vượt quá con số 100, sau khi đã nhân với hệ số từ 2 đến 4, tùy theo môn thi.

– Những năm 1954-1963, tại miền Nam, bài thi được cho điểm trên cơ sở tối đa 20 điểm. Tùy theo tính cách quan trọng nhiều hay ít của các môn học và thi, mỗi môn được nhân với một hệ số khác nhau, ví dụ ở kỳ thi Tú Tài II (Tú Tài toàn phần) ban C, môn Triết học hệ số 3; Pháp văn sinh ngữ 1 hệ số 3; Anh văn sinh ngữ 2 hệ số 2; Sử Địa hệ số 2. Như vậy tổng số điểm tối đa các môn thi là 200, số điểm trung bình tối thiểu để đậu kỳ thi viết là 100/200.

– Mỗi kỳ thi Trung học Đệ I cấp, Tú Tài I và Tú Tài II đều có một kỳ thi viết và một kỳ vấn đáp. Thí sinh nào đạt điểm trung bình từ 10/20 trở lên được chấm đậu trong kỳ thi viết. Việc công bố kết quả thi viết diễn ra tại một trường học có sân rộng, loa được bắc nhiều nơi, một người trong ban tổ chức kỳ thi đọc trên loa tên và số báo danh của những người đậu kỳ thi viết, theo thứ tự từ nhỏ đến lớn, cũng là thứ tự mẫu tự của tên. Những thí sinh đậu trong kỳ thi viết mới được tham dự kỳ thi vấn đáp mở ra sau đó vài ngày.

Những người không đủ 10/20 điểm để đậu trong kỳ thi viết được chia làm hai hạng:

. Ai có từ 8 đến dưới 10/20 điểm trung bình được thi kỳ 2 mở cách kỳ 1 khoảng 2 tháng. Công việc nấu sử sôi kinh diễn ra ngay sau đó, trong kỳ nghỉ hè.

. Ai dưới 8/20 điểm trung bình không được dự thi kỳ 2, đợi sang năm sau thi tiếp

– Tùy theo số điểm trung bình trong kỳ thi, tính cả thi viết lẫn thi vấn đáp, người ta chia số người đậu theo các hạng sau:

. Hạng Thứ (passable): Từ 10 đến dưới 12/20 điểm

. Hạng Bình Thứ (Assez bien): Từ 12 đến dưới 14/20 điểm

. Hạng Bình (Bien): Từ 14 đến dưới 16/20 điểm

. Hạng Ưu (Très bien): Từ 16 đến dưới 18/20 điểm

. Hạng Tối ưu (Excellent): Từ 18 đến 20/20 điểm.

Trong kỳ thi Tú Tài, thường chỉ có hai ban A (chủ yếu các môn Lý Hóa-Vạn vật) và B (chủ yếu các mônToán-Lý Hóa) là có thí sinh đậu hạng Bình hay Ưu, vì các bài Toán, Lý Hóa, Vạn vật chấm điểm theo đúng, sai, ai làm bài đúng hoàn toàn dễ kiềm được 16-18 điểm. Riêng ban C với các môn chính: Triết học, Pháp (dissertation morale: luận đề luân lý), Anh (dịch), Sử Địa, kiếm được từ 10 đến 12/20 điểm trung bình đã rất vất vả nên hầu như chưa thấy ai học ban C mà đậu hạng Bình trở lên.

Việc thi cử ở miền Nam thời Đệ nhất Cộng hòa
Một chứng chỉ thi đậu Tú Tài II cấp năm 1962

– Hàng năm, những kỳ thi tuyển vào các trường đào tạo công chức và có học bổng như Đại học Sư phạm, Quốc gia Hành chánh, Kỹ thuật Phú Thọ đều được mở ra giữa hai kỳ 1 và 2 của kỳ thi Tú Tài II, ai thi rớt kỳ 1, chờ thi kỳ 2, sẽ không có cơ hội tham gia các kỳ thi tuyển vào Đại học năm đó.

– Tỉ lệ thi đậu hàng năm của 3 kỳ thi trung học dao động từ 25% đến 45%, thấp nhất thường là ở kỳ thi Tú Tài I, chỉ khoảng 30%-35%, cao nhất là kỳ thi Tú Tài II, từ 35% đến 45%. Điều này dễ hiểu: trình độ học sinh lớp Đệ Nhị (để thi Tú Tài I) không đồng đều bằng học sinh lớp Đệ Nhất (để thi Tú Tài II) vừa đậu xong Tú Tài I năm trước.

Mặt khác, số thí sinh trường tư thường đậu thấp hơn thí sinh trường công, chiếm khoảng 70% -90% số thí sinh thi đậu của trường công. Lý do: Trình độ học sinh trường tư rất không đồng đều, phải chờ nhau, nên không tiến nhanh được. Cần nhớ là trong kỳ thi Tú Tài I, 100% thí sinh trường công đều có bằng Trung học Đệ nhất cấp, trong khi thí sinh trường tư thi Tú Tài I không cần có bằng Trung học Đệ nhất cấp. Chỉ riêng sự khác biệt này đủ làm nên sự chênh lệch về tỉ lệ thi đậu ở mỗi loại trường.

Việc thi cử ở miền Nam thời Đệ nhất Cộng hòa
Một chứng chỉ thi đậu Trung học Đệ nhất cấp cấp năm 1959.
Việc thi cử ở miền Nam thời Đệ nhất Cộng hòa
Một chứng chỉ thi đậu Tú Tài I cấp năm 1961. Người ký là Phó Tổng Giám Đốc Trung Tiểu học và Bình dân Giáo dục Phan Thế Roanh, con trai danh sĩ Phan Mạnh Danh, tác giả tập Bút Hoa.

– Trong kỳ thi Tú Tài (và cả Trung học Đệ nhất cấp), có một thành phần “thí sinh tự do” là những người không có điều kiện học thường xuyên tại trường học. Họ là những quân nhân, công chức hoặc người thi rớt nhiều năm liền. Quân nhân, công chức thường ghi danh học các lớp ban đêm và ban mà họ chọn nhiều nhất là ban C. Họ được miễn điều kiện học bạ, nhưng vẫn phải thi như bất cứ thành phần nào khác, không có chuyện “chuyên tu” hay “tại chức” như sau 1975.

– Sau khi có kết quả thi cả viết lẫn vấn đáp, những thí sinh đã đậu chính thức được cấp sớm một chứng chỉ bằng một tờ giấy A4, có khi chỉ bằng nửa tờ A4. Họ sao y tờ chứng chỉ này dùng cho mọi việc cần thiết: thi tuyển, ghi danh vào đại học, xin việc làm… Phải mấy năm sau họ mới được cấp văn bằng chính thức, khổ to, viết chữ đẹp, giấy cứng, thường chỉ có tác dụng lộng kính treo trong nhà, mọi việc đều nhờ vào tờ chứng chỉ.

– Hàng năm, nhiều nước cấp học bổng cho học sinh, sinh viên Việt Nam, thường là học bổng toàn phần, gồm học phí, chi phí ăn, ở trong suốt mấy năm học. Bộ Giáo dục đăng thông báo trên các báo vài tháng trước khi có kỳ thi tuyển chọn, ai muốn đi du học nộp đơn và hồ sơ dự tuyển. Đến lúc này, thứ hạng trong kỳ thi Tú Tài mới phát huy tác dụng, thường những người đậu từ hạng Bình trở lên được du học miễn thi, có năm phải từ hạng Ưu. Những người đậu hạng Bình Thứ hay Thứ phải dự kỳ thi tuyển, thường là về môn ngoại ngữ (Anh hay Pháp) liên quan đến nước cấp học bổng. Nhiều nhân tài miền Nam nên danh từ những học bổng toàn phần này.

– Sau Đệ nhất Cộng hòa (1963), các kỳ thi vấn đáp được bỏ dần, đến giữa thập niên 1960, bắt đầu thử nghiệm việc thi trắc nghiệm, được gọi vui là “A,B,C khoanh”. Đến đầu thập niên 1970, việc thi được đẩy mạnh về mặt khoa học kỹ thuật, tiến dần đến cách chấm thi bằng kỹ thuật xuyên phiếu với sự hướng dẫn và giúp đỡ của các chuyên viên thuộc hãng IBM. Lúc đó, một ngạch công chức mới ra đời, đó là ngạch xuyên phiếu viên.

Lê Nguyễn
29.11.2018

Đăng tải theo sự cho phép của tác giả.

Xem lại:

Xem thêm:

Mời xem video: