Vô thường và lẽ sống
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Khi ta chứng kiến ai đó đột ngột mất đi, ngoài nỗi đau (ít hay nhiều, nông hay sâu tùy trải nghiệm và sự đồng cảm mà ta chia sẻ với người đó), ta sẽ cảm nhận sâu sắc hơn nữa sự vô thường của thế giới, sự mong manh của sinh mệnh, của kiếp người.
Cảm xúc, nhận thức ấy không làm cho người ta tuyệt vọng mà nó khiến người ta sống tốt, nhận chân giá trị tốt hơn vì biết cuộc đời ngắn ngủi.
Những bài hát của ca sĩ – nhạc sĩ người Nhật Sada Masashi sinh năm 1952 là những ca khúc thấm đẫm nhận thức về vô thường. Bởi thế khi công bố nó làm cho hàng triệu người Nhật rơi nước mắt, run rẩy xúc động. Rất nhiều người kinh ngạc khi biết khi viết những bài hát này, tác giả kiêm ca sĩ chỉ là một chàng trai 28 tuổi.
“Có lẽ nào ở độ tuổi đó người nhạc sĩ lại có thể cảm nhận đến tận cùng nỗi đau trần thế, nhận thức sâu sắc được chân lý vô thường?”
Người Nhật đã hỏi nhau như thế.
Xin giới thiệu với các bạn phần lời bài hát “Bài ca (thơ) của người giữ biển”.
Bài hát này ra đời năm 1980. Nó là một ca khúc được viết cho một bộ phim có tên “Cao điểm 203” (1).
Xin được giới thiệu bản dịch và nguyên tác bài thơ – bài hát này.
BÀI THƠ CỦA NGƯỜI GIỮ BIỂN (2)
Sáng tác: Sada Masashi
1. Hãy trả lời tôi đi!
Nếu tất cả sinh mệnh
Của hết thảy sinh linh
Sống trên thế gian này
Không ra ngoài hữu hạn
Biển rồi có chết không?
Núi rồi có chết không?
Gió rồi sẽ ra sao?
Và trời sẽ thế nào?
Làm ơn cho tôi biết
2. Đôi khi tôi ngẫm nghĩ
Về nỗi khổ trên đời
Mọi người ai cũng thế
Bình đẳng gánh trên vai
Khổ vì sinh vì tử
Khổ vì bệnh vì già
Và nghĩ về tôi nữa
Ở hiện tại chưa qua.
3. Hãy trả lời tôi đi
Nếu hết thảy sinh mệnh
Của mọi thứ trên đời
Chung cuộc là số phận
Mùa xuân có chết không?
Mùa thu còn bất tử?
Giống hè qua đông tới
Tất cả rồi đi xa?
4. Liệu tôi có thể tin
Ánh sáng của sinh linh
Nhỏ nhoi đang lấp lánh?
Liệu tôi có thể tin
Thứ gọi là hi vọng
Vốn chẳng thấy bằng lời?
Người đến rồi người đi
Trăng hết tròn lại khuyết
Trong thế giới vô thường.
5. Hãy trả lời tôi đi
Nếu tất cả sinh mệnh
Của hết thảy sinh linh
Sống trên thế gian này
Không ra ngoài hữu hạn
Biển rồi có chết không?
Núi rồi có chết không?
Mùa xuân có chết không?
Mùa thu còn bất tử?
Tình yêu có qua đời?
Trái tim không đập nữa?
Và cố hương yêu thương
Tất cả cũng qua đời?
6. Biển rồi có chết không?
Núi rồi có chết không?
Mùa xuân có chết không?
Mùa thu còn bất tử?
Tình yêu có qua đời?
Trái tim không đập nữa?
Và cố hương yêu thương
Tất cả cũng qua đời?
Nguyễn Quốc Vương dịch
(Hà Nội, 10.12.2018)
Nguyên tác
防人の詩
おしえてください
この世に生きとし生けるものの
すべての生命(いのち)に 限りがあるのならば
海は死にますか 山は死にますか
風はどうですか 空もそうですか
おしえてください
私は時折
苦しみについて考えます
誰もが等しく 抱いた悲しみについて
生きる苦しみと 老いてゆく悲しみと
病いの苦しみと 死にゆく悲しみと
現在(いま)の自分と
答えてください
この世のありとあらゆるものの
すべての生命(いのち)に 約束があるのなら
春は死にますか 秋は死にますか
夏が去る様に 冬が来る様に
みんな逝(ゆ)くのですか
わずかな生命(いのち)の
きらめきを信じていいですか
言葉で見えない 望みといったものを
去る人があれば 来る人もあって
欠けてゆく月も やがて満ちて来る
なりわいの中で
おしえてください
この世に生きとし生けるものの
すべての生命(いのち)に 限りがあるのならば
海は死にますか 山は死にますか
春は死にますか 秋は死にますか
愛は死にますか 心は死にますか
私の大切な 故郷(ふるさと)もみんな
逝ってしまいますか
海は死にますか 山は死にますか
春は死にますか 秋は死にますか
愛は死にますか 心は死にますか
私の大切な 故郷(ふるさと)もみんな
逝ってしまいますか
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây
Chú thích của tòa soạn:
(1) “Cao điểm 203″ là một cứ điểm quan trọng trong cuộc chiến Nga – Nhật. Người Nhật đã hy sinh nhiều quân để chiếm được cao điểm này, và cũng nhờ đó mà khiến người Nga mất toàn hạm đội hải quân. Việc hải quân Nga đầu hàng đã gây chấn động thế giới. Nhưng nhìn từ góc độ nhân mạng thì cao điểm 203 là nơi đau thương, là nơi chứng kiến sự thương vong lớn của binh sĩ hai bên.
(2) Theo bài viết “Núi sông rồi có chết không” trên Blog Người Bán Sách Rong của dịch giả Nguyễn Quốc Vương, tên bài thơ trong nguyên tác là “防人の詩” (sakimori no uta), “uta” là thơ, là bài hát, “sakimori” là từ chỉ chế độ quân sự được tiến hành ở Nhật Bản từ thời Asuka (538-710) đến thời Heian (794-1185), đồng thời cũng chỉ những người bị chính quyền bắt đi làm lính thú canh giữ biên ải trong thời kì này.
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
Mời xem video:
Từ khóa Nguyễn Quốc Vương vô thường