Vũ Huy Trác làm quan được dân chúng ca ngợi, ông bảo vệ dân chúng mà không sợ cường quyền, trị tội cả em trai của Tuyên phi Đặng Thị Huệ khi mà các quan khác không có ai dám xử.

Nguyễn Công Trứ: Từ Đại tướng quân trở thành lính hầu vẫn tận tụy công việc của mình
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Chưa thi đỗ đã được tiến cử làm quan

Theo gia phả họ Vũ thì Vũ Huy Trác sinh năm 1730 thời Lê Trung Hưng trong gia đình khoa bảng ở Lộng Điền, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng, đạo Sơn Nam (nay là thôn Lộng Điền, Nghĩa Đồng, Nghĩa Hưng, Nam Định). Cha ông là Vũ Hưng Nhai giữ chức Huấn đạo phủ Trường Khánh.

Thuở nhỏ Huy Trác hiếu học và thông minh có tiếng khắp Sơn Nam, năm 17 tuổi đã đỗ kỳ thì sát hạch tại địa phương, năm 20 tuổi theo học với Thám hoa Phan Kính, rồi theo học với thầy Trần Văn Trứ. Thầy dạy của ông đều là những bậc danh sĩ có tiếng thời đó.

Năm 1753 khi 23 tuổi thì Huy Trác đỗ kỳ thi Hương. Theo yêu cầu của mẹ, ông kết hôn rồi tiếp tục học hành với nhiều bậc danh sĩ có tiếng lúc bấy giờ.

Vì giao du với các bậc danh sĩ có tiếng nên tiếng tăm về tài năng và đức hạnh của ông bay xa. Vậy nên dù chưa dự kỳ thi Hội nhưng nhiều người đã tiến cử ông lên Triều đình. Ông được bổ nhiệm làm quan và trải qua các chức vụ khác nhau.

Năm 1768, Vũ Huy Trác được cử làm Tri huyện Nam Chân, rất được lòng dân chúng nơi đây. Ông làm quan chỉ lo cho dân mà chẳng nghĩ gì đến mình. Dân chúng thấy vậy tự rủ nhau góp tiền của mua miếng đất rồi xây ngôi nhà 3 gian cho ông đọc sách. Nhưng ngôi nhà vừa làm xong, ông chưa ở được ngày nào thì lại bị điều động đi nơi khác.

Không sợ cường quyền, bắt giam em trai của Tuyên phi

Năm 1772 đời vua Lê Hiển Tông, Triều đình mở khoa thi, Vũ Huy Trác dự thi và đỗ tiến sĩ.

Đến cuối năm 1774, ông được cử làm Hiến sát sứ Kinh Bắc, chức quan này xem xét các việc của quan lại ở Kinh Bắc xem họ có làm điềugì sai không, cũng như xem xét các vụ oan khuất của dân chúng.

Làm Hiến sát sứ Kinh Bắc, Vũ Huy Trác xử nhiều vụ án nghiêm minh, bênh vực người dân vô tội nên được dân chúng ca ngợi. Có nhiều câu chuyện lưu truyền về ông trong thời gian này mà nổi tiếng nhất là vụ án Đặng Mậu Lân.

Bấy giờ ở trong cung, Đặng Thị Huệ được chúa Trịnh Sâm sủng ái phong cho làm Tuyên phi. Em của Đặng Thị Huệ là Đặng Mậu Lân ỷ thế của chị gái mà ngông cuồng làm càn, chuyên cưỡng gian phụ nữ con gái, nhất là mỗi khi về quê nhà ở Kinh Bắc. Các quan ở Kinh Bắc sợ uy thế của Đặng Thị Huệ nên nhắm mắt làm ngơ.

Vũ Huy Trác đến Kinh Bắc làm Hiến sát sứ nghe nói về vụ việc này, liền điều tra tìm hiểu. Ông cho gọi Đặng Mậu Lân đến công đường nhưng y không đến. Ông liền sai lính bắt giải đến công đường, xử tội rồi sai đánh 30 trượng, tống vào ngục chờ xử tiếp.

Đặng Thị Huệ hay tin thì tìm cách cứu em mình. Chúa hay chuyện nhưng cũng làm thinh vì biết rõ Vũ Huy Trác là người cương trực làm đúng bổn phận.

Ở vị trí nào Vũ Huy Trác cũng làm tốt và rất được dân yêu mến, nhiều nơi ông nhậm chức dân chúng xin vẽ hình ông rồi sau đó thờ phụng.

Cự tuyệt nhà Tây Sơn: Tôi trung không thờ hai chủ

Khi đã cao tuổi, Vũ Huy Trác về quê ở ấp Lộng Điền làm vườn, làm thuốc chữa bệnh cho dân chúng, mở lớp dạy học. Nhiều học trò của ông sau này đỗ đạt làm quan như Đặng Xưởng – Tri huyện Chân Ninh; Nguyễn Văn Tường – Tri phủ Nghĩa Hưng, v.v…

Nguyễn Huệ sau khi kéo quân ra bắc, muốn thu phục lòng người, thấy dân chúng tin yêu Vũ Huy Trác liền cho người đến mời ông ra làm quan.

Tuy nhiên giống như các danh sĩ đương thời bấy giờ, Vũ Huy Trác tôi trung không thờ hai chủ, nên từ chối. Sứ giả Tây Sơn quyết đưa ông đi bằng được, ông phải lấy cớ mắt kém không thấy đường. Sứ giả liền lấy cây kim dứ trước mắt ông nhưng ông không chớp mắt.

Thấy thế sứ giả bèn ra vế đối “Con ngươi lồng lộng trong như ngọc“, Vũ Huy Trác ứng khẩu: “Thằng bé ngăm ngăm cứng tựa đanh”.

Sau lần ấy Nguyễn Huệ biết không thể thu phục được Vũ Huy Trác nên đành chịu.

Những câu chuyện dân gian

Vũ Huy Trác làm quan được dân chúng yêu quý nên có rất nhiều giai thoại về ông, đặc biệt ở vùng Nam Định. Sách “Đại An huyện chí” có ghi chép câu chuyện như sau:

Năm 1730 khắp vùng Đại An bị ngập lụt khiến dân chúng khổ cực, Lý trưởng xã Lộng Điền là Nguyễn Xuân Điệp lội nước ra chùa gặp cụ Tiên chỉ Trần Đức Huy kể lại giấc mộng kỳ lạ đêm qua của mình là ngày mai con trai quan Huấn đạo Vũ Hưng Nhai ra đời thì nước sẽ rút, bởi đứa con trai này là thủy thần sông Đáy.

Chánh tổng nhanh chóng biết chuyện này, liền cùng Lý trưởng và ông Tiên chỉ bày tiệc mừng quan Huấn đạo sinh quý tử. Khi Vũ Huy Trác vừa ra đời thì nước cũng bắt đầu rút.

vu huy trac
Nhà thờ Tiến sĩ Vũ Huy Trác tại Nam Định. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Vũ Huy Trác cũng giỏi y thuật, trong tập thơ “Giang nam lão phố thi tập” của ông có tới 18 bài thơ về các bài thuốc Nam.

Trong dân gian vẫn còn thuật lại tài y thuật của ông. Lần nọ ở làng bên có người bệnh thập tử nhất sinh, dù chữa chạy cũng không khỏi, chỉ còn chờ chết, nghe nói ông Trác chữa bệnh nên người nhà khiêng bệnh nhân đến nhờ ông trị giúp. Kết quả ông đã chữa khỏi.

Ông tuyển chọn các bài thuốc nam đơn gian dễ tìm lại công hiệu viết thành thơ “Tác dược phương thi” để dân chúng dễ nhớ.

Năm 1793, tiến sĩ Vũ Huy Trác mất, ông được dân chúng phối thờ cùng Thành Hoàng làng Lộng Điền. Tiến sĩ Ngô Tiêm khi đến viếng ông đã làm câu đối như sau:

Vị giang nhất phiến cô trung, Gia Cát vị vong do thị Hán
Lão bạ lục niên nhiêu hạng, Bá Di trung tử bất thần Chu

Xem thêm:

Mời xem video: