Thần Khúc của Dante là một trong những bản trường ca vĩ đại nhất của thế giới, đứng ngang hàng với Iliad của Homer, Thiên đường đã mất của Milton, hay Đấng cứu thế của Klopstock. Nó đưa người đọc đến với một vũ trụ quan đầy sức tưởng tượng và tính ẩn dụ, để tìm cách trả lời cho câu hỏi mà nhân loại vẫn luôn tìm kiếm: “Chết rồi thì sẽ đi về đâu?”

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Kỳ IX: Hỏa ngục - Cấu trúc của ba tầng Địa ngục cuối cùng
Dante nói chuyện với một linh hồn tại tầng Địa ngục thứ bảy trong cơn mưa lửa. (Tranh minh họa qua Danteeilcinema.com)

Tiếp nối kỳ VIII, sau câu chuyện ở tầng “Dị giáo”, Dante và Virgil tiếp tục cuộc hành trình đến những tầng tiếp theo của Địa ngục. Họ tới một bờ vách dựng đứng toát lên mùi hôi thối nồng nặc, đằng sau một ngôi mộ:

Từ mép một bờ vách dựng đứng,
Do những tảng đá lớn xếp vòng tròn,
Chúng tôi nhìn thấy bao nhiêu điều đáng sợ.
Trước cảnh tượng khủng khiếp,
Và mùi thối xộc lên từ vực thẳm,
Chúng tôi đến núp sau một ngôi mộ.
Ngôi mộ có ghi dòng chữ:
Nơi giam Giáo hoàng Anáttaxiô,
Mà Phôtanh đã lái chệch đường chính thống.

Rõ ràng, dù có là một vị Giáo hoàng thì vẫn có thể trở thành kẻ dị giáo và bị đày xuống Địa ngục. Chi tiết về Giáo hoàng Anastasius (Anáttaxiô) của Dante gây ra tranh cãi rất lớn trong giới học giả, vì người ta không xác định được Dante đang ám chỉ Giáo hoàng Anastasius đời thứ mấy. Chỉ biết rằng, vị Giáo hoàng này đã bị lạc hướng giống như Photinus. Photinus là một giám mục tại Sirmium, một thành phố La Mã cổ. Ông ta đã trở thành kẻ dị giáo sau khi từ bỏ đức tin, phủ nhận sự phục sinh của Chúa Jesus và cho rằng Chúa Jesus chỉ là một người thường. Trong Thần khúc, Giáo hoàng Anastasius không phải là vị Giáo hoàng duy nhất mà Dante gặp ở dưới Địa ngục.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Kỳ IX: Hỏa ngục - Cấu trúc của ba tầng Địa ngục cuối cùng
Dante và Virgil đứng sau ngôi mộ đề tên một vị Giáo hoàng. (Họa sĩ: Gustav Dore, Wikipedia)

Những khối đá mà Dante và Virgil đang nhìn thấy trước mặt chính là những tảng đá rơi xuống Địa ngục trong trận động đất sau “cái chết” của Chúa Jesus trên cây thập tự, trước ngày Chúa Jesus phục sinh trở về. Trong kinh Thánh, khi chúa Jesus chết trên cây thập tự, màn cửa nhà thờ bị xé rách, bóng tối bao phủ toàn bộ vùng đất từ buổi trưa đến giữa buổi chiều, và một trận động đất đã xảy ra khiến những ngôi mộ phải bật nắp.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Kỳ IX: Hỏa ngục - Cấu trúc của ba tầng Địa ngục cuối cùng
Ngày chúa Jesus chết trên cây thập tự, màn cửa Nhà thờ bị xé rách, bóng tối bao phủ toàn bộ vùng đất từ buổi trưa đến giữa buổi chiều, và một trận động đất đã xảy ra khiến những ngôi mộ phải bật nắp. (Thạch bản Currier & Ives 1849)

Virgil yêu cầu Dante dừng lại một lát, rồi chỉ cho Dante cấu trúc của các tầng Địa ngục tiếp theo. Ông bắt đầu bằng việc chỉ ra ba tầng dưới cùng trong 9 tầng Địa ngục lớn là nơi giam giữ những kẻ gây tội bạo lực hay gian lận, kẻ có tội nặng hơn thì bị đày xuống sâu hơn:

Để con hiểu được những điều sẽ thấy,
Ta sẽ nói tại sao, thế nào, chúng bị buộc ở đây.
Trong các tội mà trời xanh căm ghét,
Tội bất công là tội cuối cùng,
Xúc phạm kẻ khác bằng bạo lực hay gian lận.
Gian lận là tội riêng của con người,
Nên Thượng đế càng thêm căm ghét,
Ném chúng xuống tận đáy sâu và gia tăng hình phạt.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Kỳ IX: Hỏa ngục - Cấu trúc của ba tầng Địa ngục cuối cùng
Nhìn qua lỗ hổng trên tường thành Dis có thể thấy rõ kết cấu của ba tầng Địa ngục tiếp theo. Ở phía dưới cùng, sinh vật có cánh chính là quỷ Satan. (Họa sĩ Stradanus, 1587, Wikipedia)

Virgil mô tả, tầng Địa ngục gần nhất là tầng thứ bảy được hình thành từ ba tầng ngục nhỏ, nơi giam giữ những kẻ bạo lực:

Vòng thứ nhất dành cho các tội đồ bạo lực,
Được xây dựng chia thành ba vòng ngục,
Vì bạo lực có thể xúc phạm đến ba ngôi:
Thượng đế, bản thân và đồng loại,
Xúc phạm đến hình hài hay của cải,
Con có thể hiểu nhờ một suy luận giản đơn.

Tầng thứ nhất trong ba tầng ngục nhỏ ấy là nơi giam giữ những kẻ “bạo lực với người khác”:

Người ta có thể gây trọng thương hay chết chóc.
Xúc phạm đến ngươi khác, hoặc tài sản,
Phá hoại, đốt nhà hay cướp bóc.
Vì vậy, những hung đồ sát nhân gây thương tích cho người khác.
Cùng bọn côn đồ, trộm cướp, đều bị cực hình,
Theo từng nhóm, ở vòng ngục thứ nhất.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Kỳ IX: Hỏa ngục - Cấu trúc của ba tầng Địa ngục cuối cùng
Một cảnh trong tầng Địa ngục thứ bảy. (Tranh minh họa)

Tầng thứ hai trong ba tầng ngục nhỏ là nơi trừng phạt những kẻ “bạo lực với chính bản thân mình”:

Con ngươi cùng có thể xúc phạm bản thân mình,
Xúc phạm đến tài sản của mình,
Trong vòng ngục thứ hai, họ hối hận trong niềm vô vọng.
Những ai tự xóa số thân mình,
Chơi trò đỏ đen và vung tiền phung phí,
Rồi khóc than khi lẽ ra sẽ được hài lòng.

Và tại tầng cuối cùng trong ba tầng ngục nhỏ, người ta sẽ chứng kiến các linh hồn khinh miệt thiên nhiên (“bạo lực với tự nhiên”), bởi vì khinh miệt thiên nhiên chính là khinh miệt Chúa trời:

Người ta cũng có thể xúc phạm đến Chúa,
Bằng sự phủ nhận hay lời nguyền rủa,
Khinh miệt thiên nhiên và thành quả của Trời.
Chính vì vậy, vòng ngục chật hẹp nhất,
In dấu ấn lên bọn Xốtđôma và Caoócxa,
Cả những ai, từ trong tim, khinh miệt Chúa Trời.

Sodom (Xốtđôma) là một thành phố được nhắc tới trong kinh Thánh, kinh Cựu ước, kinh Tân ước, và thậm chí là cả kinh Quran. Sodom cùng với Gomorrah, Admah, Zeboim và Bela là các đồng minh của nhau. Thời đó, tại Sodom, đạo đức của cư dân đã trở nên vô cùng bại hoại với sự xuất hiện của các hành vi giải phóng tình dục cùng các thói hư tật xấu khác. Giải phóng tình dục, rối loạn luân thường và đồng tính chính là những hành vi khinh miệt tự nhiên. Vậy nên Chúa trời đã giáng tội hủy diệt Sodom.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Kỳ IX: Hỏa ngục - Cấu trúc của ba tầng Địa ngục cuối cùng
Sự hủy diệt của Sodom. (Họa sĩ John Martin, 1852, Wikipedia)

Truyền thuyết về Sodom không khỏi khiến người ta suy nghĩ tới số phận của thành phố Pompeii, một thành phố cổ có thật tại Ý. Trong quá trình khai quật nơi đây, người ta đã tìm thấy nhiều bức họa về nạn giải phóng tình dục tràn lan và công khai của cư dân thành phố trước khi Pompeii bị vùi trong tro núi lửa. Liệu Pompeii có phải là một ví dụ thực tế về sự sa đọa của con người và hậu quả của đạo đức bại hoại?

Vậy còn Cahors (Caoócxa)? Thời Trung Cổ, Cahors là một trung tâm tài chính lớn, và là điểm nóng của việc cho vay nặng lãi. Cũng trong cuộc nói chuyện, Dante đã hỏi Virgil rằng tại sao cho vay nặng lãi lại quá sai đến như vậy, và Virgil trả lời:

Triết học với những ai nghiên cứu.
Đã giảng rõ không phải chỉ một lần,
Rằng Tự nhiên có trước Tri thức thần thánh và Nghệ thuật,
Và nếu ngươi xem kỹ sách Vật lý,
Ngươi sẽ thấy ngay trong mấy trang đầu.
Rằng Nghệ thuật của con người trong chừng mực có thể.
Vẫn đi theo Tự nhiên, như đồ đệ đi theo sư phụ,
Như thể Nghệ thuật là con cháu của Thượng đế.
Cả hai, Nghệ thuật và Tự nhiên, nếu con còn nhớ.
Ngay những câu mở đầu chương Sáng thế,
Rằng loài người kiếm sống và tiến lên.
Còn kẻ cho vay nặng lãi theo đường khác.
Khinh miệt Tự nhiên và Nghệ thuật,
Vì niềm hy vọng chúng đặt ở nơi khác.

Trong một số tín ngưỡng Cơ đốc nghiêm khắc, việc cho vay nặng lãi bị cho là hành động phản tự nhiên, bởi vì đồng tiền chỉ nên phục vụ cho mục đích tự nhiên nguyên thủy của nó: trao đổi. Khi người ta lợi dụng tiền để cho vay nặng lãi, họ đã không có được tài sản nhờ việc lao động kiếm sống, mà họ đang hưởng lợi từ thành quả của kẻ khác. Đó không phải là lao động chân chính. Kẻ cho vay nặng lãi đã phạm tội khinh miệt thiên nhiên, và vì thế, gián tiếp khinh miệt Chúa Trời. Tất nhiên, việc cho vay có lãi thì không có gì sai trái cả, vì nó cũng là để bù đắp cho việc giúp đỡ người khác và việc thiếu mất một khoản tiền, chỉ có cho vay nặng lãi mới là có tội.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Kỳ IX: Hỏa ngục - Cấu trúc của ba tầng Địa ngục cuối cùng
Những kẻ cho vay nặng lãi bất chấp lương tâm. (Họa sĩ Jacob Jordaens, 1645)

Tổng kết lại, bản thân tầng ngục nhỏ thứ ba lại bao hàm ba tội lỗi khác nhau: bại hoại nhân luân, khinh miệt thiên nhiên, và trực tiếp khinh miệt Chúa trời.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Kỳ IX: Hỏa ngục - Cấu trúc của ba tầng Địa ngục cuối cùng
Cảnh tượng của ba tầng Địa ngục cuối cùng. (Họa sĩ Alessandro Vellutello, 1525, qua Danteworlds.laits.utexas.edu)

Virgil tiếp tục đề cập đến tầng Địa ngục thứ tám, nơi trừng phạt những kẻ gian lận:

Tội gian lận làm thương tổn mọi lương tâm,
Có thể gây ra cho chính kẻ tin mình,
Hay với kẻ đối với mình không tin cậy.
Thói tật sau này chỉ cắt đứt,
Mọi liên hệ tình thương mà Tạo hoá đã sinh ra,
Vì vậy chỗ của chúng là ở vòng hai tù ngục.
Bọn đạo đức giả, bọn phù thủy cùng quân xu nịnh,
Bọn dối trá, trộm cắp, bọn buôn thần bán thánh,
Bọn ma cô, cờ gian bạc lận và mọi rác rưởi cùng loài.

Gian lận được coi là một tội ác nghiêm trọng, bởi vì nó phá hoại niềm tin của con người, gần như trực tiếp đi ngược lại với khái niệm “tình yêu” cao cả trong Cơ đốc giáo. Tại tầng Địa ngục thứ tám, chúng ta thấy có rất nhiều tội ác liên quan đến gian lận. Tuy nhiên có một tội ác liên quan đến gian lận được đặt riêng ra, và những linh hồn phạm phải sẽ bị trừng phạt ở tầng Địa ngục thứ chín, đó là tội phản bội:

Thói tật kia đã làm lãng quên,
Tình yêu từ tự nhiên đem lại và tình yêu tiếp nối,
Từ đó tạo ra lòng tin đặc biệt.
Vì lẽ đó, vòng ngục hẹp nhất,
Là điểm trung tâm của vũ trụ, nơi ngự trị của Đitê,
Bọn phản bội bị chôn vùi vĩnh viễn.

Phản bội cũng là gian lận, nhưng nó phá hủy những niềm tin đặc biệt hơn, ví như sự trung thành với người thân, với quê hương, hoặc giả với Chúa trời. Chính vì thế, phản bội là tội gian lận nghiêm trọng nhất.

Embed from Getty Images

Bằng một nụ hôn để chỉ điểm, Judas đã từng phản bội chúa Jesus.
Vì thế, phản bội là tội lỗi nghiêm trọng nhất.

Dante hỏi Virgil rằng tại sao những kẻ ở bên ngoài thành cổ Dis (Đitê) như những linh hồn chìm trong “đầm lầy hôi thối”, hay những linh hồn bị “gió mưa hành hạ” không phải chịu cảnh thảm khốc như ở bên trong thành. Và Virgil giải thích rằng:

Sao con không nhớ những lời này,
Từng được diễn giải trong sách Đạo đức,
Về ba điều mà Thượng đế không ưa.
Thói buông tuồng, hiểm độc và thú tính điên cuồng.
Và hình như thói buông tuồng,
Xúc phạm Thượng đế ít hơn nên hình phạt có phần nào giảm nhẹ.

Như vậy có thể nói rằng, những kẻ ở trong những tầng Địa ngục từ một tới năm có chung một đặc điểm là “buông tuồng”: kẻ ngoại đạo, kẻ chạy theo dục vọng, kẻ tham ăn, kẻ tham lam và ki kiệt, kẻ cuồng nộ và buồn chán. Những tội lỗi đó dù sao cũng là sự yếu kém không vượt qua được cám dỗ của nội tâm, nằm giữa sự chủ động và bị động. Tuy nhiên những kẻ dị giáo, những kẻ bạo lực, những kẻ gian lận và những kẻ phản bội thì không còn chỉ đơn thuần là phạm tội trước cám dỗ nữa, mà có sự “hiểm độc và thú tính điên cuồng” bên trong hành động của họ. Vì thế, họ mới bị trừng phạt bên trong thành Dis.

Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante - Kỳ IX: Hỏa ngục - Cấu trúc của ba tầng Địa ngục cuối cùng
Bên ngoài thành cổ Dis là những linh hồn chìm trong đầm lầy hôi thối. (Họa sĩ Alessandro Vellutello, 1525, qua Danteworlds.laits.utexas.edu)

Kết thúc những lời dạy, Virgil và Dante tiếp tục lên đường. Với yếu tố thiên văn mà Dante mô tả, thì họ đang ở vào khoảng 4 giờ sáng, ngày Canh thức Phục sinh, ngay trước Lễ Phục sinh:

Chòm Ngư tinh đã lấp lánh ở chân trời,
Và chòm Đại hùng tinh trải theo luồng gió Tây – Bắc,
Và xa xa vách đá hạ thấp dần.

Quang Minh

Chú thích: Bài viết sử dụng bản dịch Thần Khúc tiếng Việt của dịch giả Nguyễn Văn Hoàn.

Xem thêm: