Vương triều Angkor và vùng đất Nam Bộ (Việt Nam) khoảng trước sau thế kỷ X
- Nguyễn Thị Hậu
- •
Vương triều Angkor và
vùng đất Nam Bộ (Việt Nam)
khoảng trước sau thế kỷ X
Nguyễn Thị Hậu
Mở đầu
Trong những thế kỷ đầu công nguyên, ở Đông Nam Á vương quốc Phù Nam là một quốc gia hùng mạnh và có quan hệ thương mại với nhiều nơi trên thế giới. Do những điều kiện tự nhiên và xã hội, từ thế kỷ VI khi Phù Nam bắt đầu suy yếu thì Chân Lạp – một thuộc quốc của Phù Nam – đã tiến hành thôn tính vương quốc này. Từ thế kỷ IX đến cuối thế kỷ XII quốc gia Chân Lạp trở nên cường thịnh, tạo dựng nên nền văn minh Angkor rực rỡ, đồng thời mở rộng lãnh thổ đến tận Nam Lào và phủ lên cả lưu vực sông Chao Phayai, vì vậy được gọi là đế quốc Khmer hay vương triều Angkor. Thời kỳ này nhờ vào của cải sung túc và nhân lực dồi dào, các vị vua đã cho xây dựng kinh đô gồm những kiến trúc đồ sộ để tôn vinh Thần – Vua là chính mình và vương quốc, trong đó những công trình hoành tráng nhất, nổi tiếng nhất được xây ở quanh vùng Siem Reap, gần Biển Hồ ở vùng phía bắc. Ba ngôi đền rực rỡ nhất ở Angkor là Bayon, Ta Prohm và Angkor Wat.
Nằm ở đồng bằng hạ lưu sông Mekong tiếp giáp biển, địa hình thấp trũng, vùng đất Nam Bộ – Việt Nam sau thời kỳ Phù Nam được gọi là Thủy Chân Lạp để phân biệt với Lục Chân Lạp ở vùng địa hình cao, nằm sâu trong lục địa. Trong phạm vi bài viết này tác giả trình bày tình hình Lục Chân Lạp và Thủy Chân Lạp, mối quan hệ giữa vương triều Angkor và vùng đất Nam Bộ trong bối cảnh thế kỷ X – thời kỳ nhiều quốc gia cổ ở Đông Nam Á ra đời và phát triển, ở phía bắc Việt Nam là thời kỳ Ngô Vương trung hưng đất nước.
I. Giai đoạn hình thành và phát triển vương triều Angkor (thế kỷ VII – thế kỷ X)
I.1. Chân Lạp và Phù Nam
Sau thế kỷ VI, vương quốc Phù Nam – là một quốc gia ven biển, một đế chế có lãnh thổ rộng lớn, bao gồm cả miền nam bán đảo Đông Dương, cùng với một phần Đông Nam Á hải đảo và xa hơn, có truyền thống hàng hải và thương nghiệp khá phát triển – bước vào giai đoạn suy yếu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, trong đó, bên cạnh nguyên nhân tự nhiên do đợt biển tiến Flandrian, còn có tác động của Srivijaya là một trung tâm quyền lực đang nổi lên ở Đông Nam Á hải đảo. Dựa vào thế mạnh của kinh tế hải thương, tranh thủ những lợi thế của eo biển Malacca và Sunda, sự phát triển của Srivijaya đã làm cho Phù Nam, một cường quốc hải thương ở khu vực, lui xuống vị trí thứ yếu rồi đi vào con đường suy tànii. Trong tình trạng đó, Chân Lạp – một thuộc quốc của Phù Nam ở vùng trung lưu sông Mê Kông gần khu vực Biển Hồ – đã bắt đầu quá trình thôn tính Phù Nam từ khoảng năm 550. Cho tới giữa thế kỷ VII (thời Trinh Quán 627-649 đời Đường) Chân Lạp chiếm được phần lãnh thổ vương quốc Phù Nam ở hạ lưu sông Mê Kông là vùng đất Nam Bộ Việt Nam ngày nayiii.
Danh từ Chân Lạp (Chenla) được biết đến lần đầu tiên trong thư tịch cổ Trung Quốc: “Nước Chân Lạp ở phía tây nam Lâm Ấp. Vốn là một thuộc quốc của Phù Nam. Cách quận Nhật Nam 60 ngày đi thuyền. Phía nam giáp nước Xa Cừ, phía tây giáp nước Châu Giang”iv. Địa bàn khởi đầu của Chân Lạp nằm ở bình nguyên Khorat quanh lưu vực Sê Mun và trung lưu sông Mê Kông mà trung tâm có thể ở quanh Vat Phu. Đây là một vùng có điều kiện đảm bảo cho cuộc sống lấy nông nghiệp là kinh tế chính, tránh được lũ lụt, quần cư thuận lợi. Trong nửa đầu thế kỷ VI, họ đã chinh phục các bộ lạc Môn cổ sống gần đó, lớn mạnh hơn và nhân khi nước tôn chủ là Phù Nam suy yếu họ tiến quân chinh phục Phù Nam, thay thế vị thế lịch sử – chính trị của vương quốc này. Từ thế kỷ VII họ được thư tịch Trung Quốc viết đến với tên Chenlav.
Văn bia Baksay Chamkrong (thế kỷ X) có đề cập đến truyền thuyết về nguồn gốc của người Khmer và vương quốc Chân Lạp. Họ tự coi mình là con cháu của đại ẩn sĩ tên là Kambu Svayambhuva và tiên nữ Mera. Hậu duệ của Kambu – Kambuja đã trở thành tên nước Kampuchia và đôi thần tiên thủy tổ Kambu – Mera được ghép và chuyển âm thành tên tộc Khmer. Tuy nhiên những văn bia có niên đại trước đó không hề viết về việc này, vì vậy có khả năng việc đặt tên và kể lại truyền thuyết “được bắt chước và nghĩ ra khá muộn” khoảng thế kỷ X, để đối xứng với truyền thống Soma – Kaundianya của Phù Namvi.
Từ sau năm 649 sử nhà Đường không ghi chép về Phù Nam nữa, vương quốc Phù Nam được xem như kết thúc trong lịch sử. Người đã hoàn tất việc chinh phục Phù Nam là vị vua thứ 3 của Chân lạp là Isanavarman. Sau khi tiêu diệt dòng Vua Phù Nam, Isanavarman không ở lại mà chỉ cho xây dựng một ngôi đền tại Angkor Borei (tỉnh Takeo) ở miền nam, dựng bia rồi rút về phần đất gốc của mình ở phía bắc vùng trung lưu sông Mê kông, ngày nay là tỉnh Kompong Thom, tại địa điểm Sampor Prei Kuk lập kinh đô và xây đền thờ.
Nhà nước Chân Lạp ổn định và phát triển cho đến đầu thế kỷ VIII thì rơi vào tình trạng mâu thuẫn xung đột nội bộ gay gắt. Sau khi vua Jayavarman I qua đời vào năm 680, Chân Lạp bị chia làm hai vùng với các thế lực cát cứ. Sách sử Trung quốc từ đầu thế kỷ VIII ghi chépvii: Thái bình hoàn vũ ký: “Từ năm Thần Long (705-706) trở về sau, Chân Lạp chia thành hai nửa. Nửa phía nam giáp biển có nhiều đầm hồ, gọi là Thủy Chân Lạp. Nửa phía bắc, có nhiều đồi núi, gọi là Lục Chân Lạp, cũng gọi là Văn Đan… diện tích đất đai của hai nước đều rộng khoảng 800 dặm”. Trong sách Văn hiến thông khảo: “Nửa phía bắc vùng đồi núi và thung lũng gọi là Lục Chân Lạp. Nửa phía nam có biển bao quanh và đầm lầy gọi là Thủy Chân Lạp”. Như vậy có thể nhận biết phạm vi Lục Chân Lạp gồm có vùng núi Hạ Lào và vùng tiếp giáp Lào – Thái. Các vị vua của Lục Chân Lạp tự coi mình là đại diện chính thức cho cả Thủy Chân Lạp, đã cử các đoàn sứ bộ sang giao hảo với Trung Hoa như những ghi chép của thư tịch Trung Quốc trong thế kỷ VIII.
Cũng dựa vào thư tịch cổ có thể nhận biết địa bàn Thủy Chân Lạp về cơ bản là vùng đất thấp hạ lưu Mê Kông của Phù Nam (thuộc Nam Bộ – Việt Nam ngày nay). Tuy vậy Thủy Chân Lạp, cũng như Phù Nam giai đoạn trước, gồm nhiều “tiểu quốc”, sau khi Phù Nam suy tàn có thể vẫn duy trì quyền lực và tiếp tục tồn tại trong thời gian tương đối lâu dàiviii. Điều cần lưu ý là ở Chân Lạp và trong vòng ảnh hưởng của vương quốc Chân Lạp, thời bấy giờ đã cùng tồn tại nhiều tiểu quốc và thế lực địa phương khác… Nhưng “Lục Chân Lạp” và “Thủy Chân Lạp” là hai vương quốc lớn, giữ vị thế chính trị trung tâm ở hai vùng đất nướcix.
Như vậy Chân Lạp là một quốc gia xuất hiện ở vùng trung lưu sông Mê Kông, khu vực gần Biển Hồ. Trong thời kỳ Phù Nam cường thịnh đã có nhiều nước nhỏ thần phục với tư cách là những thuộc quốc hoặc chư hầu, trong đó có Chân Lạp. Vào đầu thế kỷ VII, nhân lúc Phù Nam suy yếu Chân Lạp đã tấn công và chiếm lấy. Dù vương quốc / đế chế Phù Nam đã tan rã nhưng trong gần 7 thế kỷ tồn tại và phát triển (thế kỷ I – VII), Phù Nam đã tạo ra những cơ sở vật chất – tinh thần quan trọng cho sự hình thành và phát triển của Chân Lạp cũng như nhiều quốc gia trong khu vựcx.
I.2. Vương triều Angkor giai đoạn thế kỷ IX – X
Vào nửa sau thế kỉ thứ VIII quân đội Srivijaya của người Java đã liên tục tiến công vào các quốc gia trên bán đảo Đông Dương, Thuỷ Chân Lạp bị quân Java chiếm. Jayavarman II, hoàng tử Chân Lạp, dòng dõi Phù Nam từ Java trở về giải phóng Chân Lạp khỏi ách lệ thuộc của Srivijaya, thống nhất Thủy Chân Lạp và Lục Chân Lạp năm 802, lập ra vương triều Angkor (802 – 1434).
Đầu thế kỷ IX khi Jayavarman II bắt đầu thiết lập vương triều, “đất nước lâm vào tình trạng vô chính phủ hoàn toàn, trên thực tế là không có vua, chia cắt thành nhiều công quốc tranh chấp nhau. Trước khi có thể tỏ rõ những quyền chính đáng của mình và quyết ý lên ngôi vua nước Cao Miên, trước hết ông hoàng trẻ tuổi đã phải tiến hành chinh phục được ít nhất một phần ba vương quốc”xi. Lúc đầu nhà vua đóng tại thành Indrapura (phía đông Kongpong Cham), sau một thời gian nhà vua chuyển đến phía bắc của Biển Hồ, đóng đô trong thành Haritharalaya (khoảng 15 km về phía đông nam của tỉnh Siemreap). Tại đây vẫn còn di tích Lolei bao gồm nhiều kiến trúc thuộc nghệ thuật tiền Angkor. Cũng trong thời trị vì của vua Jayavarman II đã hình thành một tục lệ mới: thờ cúng Thần – Vua (đồng nhất vua với vị thần tối cao) và đặt kinh đô tại Phnom Kulenxii.
Những cuộc “dời đô” của Jayavarman II đã đi kèm với những trận chiến nhằm thu phục một phần vương quốc, củng cố quyền lực, phòng thủ chống người Chăm… Trong những thế kỷ về sau việc đóng đô của Jayavarman II trên núi Phnom Kulen đã được coi là sự kiện lịch sử đánh dấu sự khởi đầu một thời đại mới. Tuy nhiên, sau đó nhà vua lại trở về Haritharalaya và mất ở đó vào năm 854, sau 52 năm trị vì. Đây là triều đại mở đầu cho công cuộc bình định và thống nhất Chân Lạpxiii.
Sau triều vua Jayavarman II là Jayavarman III (854 – 877) vẫn đóng đô ở Haritharalaya nhưng ông đã cho xây dựng một số công trình trong vùng Angkor. Từ năm 877 – 889 là triều vua Indravarman khá ngắn ngủi và yên tĩnh. Một vùng khá rộng lớn được đặt dưới quyền của ông “từ miền Châu Đốc, nơi ông hiến tặng một đền tháp vimana cho thần Sivatrong ngôi điện cũ Phnom Bayang cho tới miền Tây bắc Ubon nơi có một bi ký Phật Giáo năm 866 ghi nhận ông như một nhà vua đang tại ngôi”xiv.
Tiếp theo là triều vua Yacovarman I – cháu của vua Jayavarman II. Dù sửa sang và xây dựng thêm nhiều công trình ở kinh đô Haritharalaya nhưng ông không ở lâu tại kinh đô này. “Nhà vua cho lập kinh thành Yacodharapura”xv tại nơi mà Jayavarman II “đã tìm ta địa điểm của kinh đô tương lai, trong vùng phụ cận của cái hồ cá vô tận Tonle Sap, gần Phnom Kulen và gần những con đèo đi đến cao nguyên Khorat và lưu vực Menam”. Đó chính là khu vực Angkor, nơi đã trở thành kinh đô của đế quốc Khmer trong hơn 600 nămxvi. Kinh đô mới tại khu vực Angkor được xác định bằng việc Yacovarman I cho xây dựng ngôi đền trên núi Phnom Bakheng. Đồng thời ông cho xây dựng hồ chứa nước Baray khổng lồ dài 7 km và rộng tới 2 km, vừa tăng cường khả năng phòng thủ cho kinh đô, vừa là công trình thủy lợi cho nông dân canh tác trong mùa khô. Những bi ký có niên đại thuộc triều vua Yacovarman I phân bố khá rộng, từ Hạ Lào lên phía Bắc, ở vùng biển vịnh Xiêm La, Hà Tiên, Champa thậm chí giới hạn biên giới còn đến tận Trung Quốc (nước Nam Chiếu). Ông mất vào khoảng đầu thế kỷ Xxvii.
Vào thế kỷ X vương triều Angkor liên tục có sự thay thế các vị vua. Hai người con của Yacovarman I kế tiếp nhau trị vì từ năm 912 đến khoảng 928, sau đó là một người cậu của hai vị vua trên lên ngôi vào năm 928. Trên thực tế hình như đã có sự tiếm ngôi từ năm 921 bởi người cậu này – Jayavarman IV. Sau khi nắm quyền Jayavarman IV đã xây dựng cung điện mới của mình tại Koh Ker là những công trình kiến trúc có kích thước khổng lồ. Đáng chú ý ngôi đền Phnom Bakheng trên một ngọn đồi ở độ cao khoảng 1300 m so với mực nước biển, nằm giữa Angkor Vat và Angkor Thom. Đền Bakheng được xây dựng theo quan niệm Hindu giáo, tượng trưng cho đỉnh núi thiêng Meru ở trung tâm vũ trụ, theo ghi chép trong sử sách là một ngôi đền vĩ đại 7 tầng tháp tượng trưng 7 tầng vũ trụ. Trên đỉnh đặt pho linga vương quyền Tribhuvanecvara. Tuy nhiên hai mươi năm sau kinh đô này cũng bị phế bỏ để trở về kinh đô cũxviii.
Con của Jayavarman IV là Harshavarman II nối ngôi chỉ khoảng 1, 2 năm, ông mất lúc còn khá trẻ. Một người anh em họ về đằng mẹ của ông là Rajendravarman lên cầm quyền. “Ngay lập tức ông thực hiện việc nối lại những truyền thống Angkor bằng cách trở về đóng đô ở Yacodharapure và đem rước tượng Thần – Vua về đó”. Từ đó ông cho xây dựng lại “kinh đô thần thánh” trước đó bị bỏ hoang trở thành một “đô thành lộng lẫy và duyên dáng” có nhiều đền tháp thờ Thần – Vua, nhưng cũng có công trình thờ Phật “chứng tỏ sự phát triển liên tục của Phật giáo đại thừa trong một số giới xã hội”. Thời kỳ trị vì của Rajendravarman còn có cuộc chiến đánh Champa vào năm 945 – 946 “quân đội Khmer đã đem về được bức tượng bằng vàng của đền thờ Po Nagar ở Nha Trang”. Vua Rajendravarman không còn trị vì vào năm 968. Jayavarman V (con của Rajendravarman) nối ngôi, trị vì khoảng 30 năm (đến 1001) cũng tiếp tục xây dựng những cung điện mới. Tuy triều đình và nhà vua vẫn theo Siva giáo nhưng Phật giáo tiếp tục phát triển, nổi bật là thờ cúng Bồ tát Lokecvara (Avalokitesvara – Quan Âm Bồ Tát). Đầu thế kỷ XI người cháu của Jayavarman V nối ngôi nhưng chỉ được vài thángxix.
Một vài đặc điểm của vương triều Angkor giai đoạn này
Trong vài thế kỷ (VI-X), lịch sử Chân Lạp đã diễn ra một quá trình chuyển biến hết sức phức tạp. Từ các tiểu quốc đã dần có sự vận động, kết tụ để rồi hình thành nên vương quốc trung tâm – vương triều Angkor có thế lực nhấtxx để bước vào thời kỳ ổn định và bắt đầu xây dựng vương quyền và nền văn minh Angkor huy hoàng, có vai trò và ảnh hưởng quan trọng đến khu vực Đông Dương, đến các vương quốc của người Thái ở lưu vực sông Mê Kông và Mê Nam.
Nguồn tài liệu trực tiếp về giai đoạn này chủ yếu là bi ký của các triều vua, nội dung phản ánh về triều đình và giới tăng lữ cao cấp, việc xây dựng những công trình của kinh đô và kiến trúc tôn giáo. Có thể nói những hoạt động liên quan đến tôn giáo – Siva giáo và sau đó là Phật giáo – là nội dung cơ bản mà bi kí của các triều đại trong thế kỷ IX – X để lại. Sự gắn kết “Vương quyền và Thần quyền” thể hiện rõ ràng trong quy hoạch và kiến trúc kinh đô như “của một vị thần dưới đất hơn là một nhà cai trị”.
Chính quyền nằm trong tay một nhóm quý tộc, chức vụ cao cấp thuộc về hoàng gia, quan trọng là chức vụ tư tế của nhà vua – chủ lễ tế Thần-Vua. Sự nối tiếp ngôi vua thường do người họ hàng bên mẹ – người con trai của các chị em gái. Tình trạng hôn nhân giữa hoàng gia và tăng lữ Balamon phổ biến tạo thành đẳng cấp cao, riêng biệt, mang nhiều tri thức văn hóa Ấn Độ. Thời kì này Siva giáo vượt trội nhưng Phật giáo bắt đầu phát triển và ngày càng lan rộng trong nhiều tầng lớp xã hội.
Trong thế kỷ IX – X việc xây dựng những ngôi đền như Kulen, Bakheng, những kiến trúc lớn như Koh Ker, Banteay Srei, Takeo… đã để lại dấu ấn nghệ thuật kiến trúc và trang trí mà chỉ có Angkor Vat sau này mới vượt quaxxi. Phần lớn những công trình kiến trúc đồ sộ mang tính chất thờ cúng của vương triều và tầng lớp quý tộc, không bắt nguồn từ lòng sùng tín của nhân dân. Nội dung các bi ký gần như không phản ánh về đời sống xã hội nói chung. Tuy nhiên, những công trình vĩ đại này chính là thành quả lao động sáng tạo và tài năng của người dân Khmer.
II. Vùng đất Nam Bộ giai đoạn từ thế kỷ VIII đến thế kỷ X
Đây là thời kỳ “vương quốc Phù Nam” không còn hiện diện trong lịch sử bang giao và thương mại với các quốc gia khác. Tuy nhiên trên một vùng đất quan trọng của nó, đời sống của các cộng đồng dân cư vẫn tiếp diễn trên cơ sở kinh tế – xã hội phát triển rực rỡ của vương quốc Phù Nam. Đó là vùng đất Nam Bộ – Việt Nam ngày nay. Bằng chứng sự hiện diện của vương quốc Phù Nam để lại bằng một nền văn hóa khảo cổ độc đáo, đó là nền văn hóa Óc Eo – một phần quan trọng của văn minh Phù Nam “nền văn minh mà quốc gia này đã tạo dựng nên trong thung lũng sông Mê Kông, sẽ chuẩn bị cho sự bừng nở của nền văn minh Khmer, một trong những bông hoa tươi đẹp nhất mà nền văn minh Ấn Độ đã đem chiết ghép được ở miền Ấn Độ bên kia sông Hằng”xxii.
II.1. Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam
Khái niệm Văn hóa Óc Eo hình thành từ sau cuộc khai quật khảo cổ học quy mô lớn đầu tiên của L. Malleret vào năm 1944 tại khu vực Óc Eo – Ba Thê (nay thuộc huyện Thoại Sơn tỉnh An Giang). Nền văn hóa này có phạm vi phân bố ở vùng hạ lưu sông Mê Kông, tập trung trên vùng đất Nam bộ (VN). Đây là một trung tâm quan trọng của vương quốc Phù Nam. Các di tích có quy mô khá lớn, trong đó “đô thị Óc Eo” có diện tích rộng tới 450 ha mang đặc điểm một cảng thị với tiền cảng Tà Keo (Cạnh Đền) cách đấy 15 km. Tính chất cảng thị thể hiện qua vị trí địa lý của thành thị Óc Eo và các di vật có nguồn gốc từ Ấn Độ, Điạ Trung Hải, Trung Đông, Trung Hoa… làm cho văn hóa Óc Eo mang đậm yếu tố “ngoại sinh” bên cạnh yếu tố nội sinh được phát hiện ngày càng nhiều từ văn hóa tiền sử Đồng Naixxiii.
Xã hội Óc Eo là một xã hội phát triển nhiều ngành nghề thủ công như nghề gốm, nghề luyện đồng, luyện sắt, luyện thiếc, nghề kim hoàn. Đặc biệt nông nghiệp và thương nghiệp lúc này đã khá phát triển với một loạt chứng cứ như những công trình thuỷ lợi cổ, kênh rạch vừa tưới tiêu vừa là đường giao thông. Sản phẩm thủ công thể hiện sự chuyên hoá, những đồng tiền bằng vàng, bạc, thiếc còn nguyên hay cắt làm tư làm tám, các loại trang sức, con dấu bằng đá quý, thuỷ tinh, nhiều sản phẩm có nguồn gốc ngoại nhập. Nền văn hoá này còn để lại nhiều kiến trúc khác nhau như vết tích nhà sàn, những kiến trúc tôn giáo Ấn Độ đồ sộ bằng gạch đá thể hiện trình độ cao trong kỹ thuật xây dựng. Nghệ thuật tạc tượng điêu luyện gồm hai nhóm tượng Ấn Độ giáo và Phật giáo. Ngoài ra còn tìm thấy chữ Phạn trên các con dấu, mặt nhẫn, bia đá…
Điạ bàn sinh tụ của cư dân văn hóa Óc Eo rất rộng lớn nhưng họ đã thích ứng được với mọi hoàn cảnh, tạo lập cuộc sống ổn định và phát triển một nền văn hoá đặc sắc. Di tích kiến trúc gồm di tích cư trú, kiến trúc đền tháp, vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ, gạch, đá, dấu tích các cọc nhà sàn và một số cấu kiện trang trí hoa văn, phế tích hay nền móng đền tháp. Gỗ và đá là nguyên vật liệu cư dân bản điạ quen dùng từ thời tiền sử còn gạch là vật liệu mới do tiếp thu kỹ thuật cuả Ấn Độ từ đầu Công nguyên. Hầu hết phế tích cho biết đây là đền tháp tôn giáo Ấn Độ có bình đồ hình vuông, nền móng dày đến hơn 1m xây bằng gạch, đất sét và đá sỏi để có thể chịu lực của công trình đồ sộ bên trên. Giữa lòng tháp có “hố thiêng” hình chữ nhật hay hình phễu, bên trên ốp gạch hay lát đá tạo thành bề mặt khá bằng phẳng. Trong hố thiêng có cát trắng và nhiều hiện vật quý giá như các mảnh vàng chạm khắc những biểu tượng cuả Bàlamôn hay Phật giáo, đồ trang sức.
Tượng thờ Bàlamôn và Phật giáo bằng đá và bằng gỗ, một số ít bằng đồng, được tìm thấy trong nhiều di tích và rải rác trên khắp vùng Nam bộ cả miền Tây và miền Đông. Giai đoạn phát triển rực rỡ nhất cuả nghệ thuật điêu khắc Hindu giáo và Phật giáo ở đây là từ thế kỷ V đến cuối thế kỷ VI. Sự đa dạng về loại hình và hình thức thể hiện đã phản ánh sự phức tạp và đan xen của các nguồn gốc ảnh hưởng trong đó chủ yếu là nghệ thuật Ấn Độ, đồng thời vẫn thể hiện rõ xu hướng hiện thực – bản địa hóa các hình tượng tôn giáo Ấn Độ. Truyền thống nghệ thuật tượng cổ ở đây còn được duy trì và phát triển trong giai đoạn sau, từ thế kỷ VIII trở đi (giai đoạn hậu Óc Eo)xxiv.
Văn hóa Óc Eo thường được gắn với sự hình thành và suy tàn của vương quốc Phù Nam, từ thế kỷ I – VII. Tuy nhiên, căn cứ vào hệ thống di tích di vật trên địa bàn phân bố chủ yếu là miền Tây Nam Bộ, có thể nhận thấy tính chất và truyền thống của văn hóa Óc Eo phát triển và duy trì liên tục trong 10 thế kỷ. Như vậy niên đại của văn hóa này có “biên độ” rộng hơn niên đại của vương quốc Phù Nam. Một nền văn hóa của một quốc gia luôn có sự phát triển từ nguồn gốc và truyền thống còn được duy trì một thời gian dài sau khi quốc gia đó không còn tồn tại. Một nghiên cứu mới gần đây đưa ra khung niên đại khá hợp lý cho ba giai đoạn của văn hóa Óc Eo từ thế kỷ I đến thế kỷ X: Óc Eo sớm thế kỷ I – III, Óc Eo phát triển thế kỷ IV – VII và Óc Eo muộn thế kỷ VIII – Xxxv (cách gọi truyền thống là giai đoạn “Hậu Óc Eo”).
II.2. Vùng đất Nam Bộ giai đoạn Óc Eo muộn (thế kỷ VIII – X)
Trong giai đoạn này vùng đất Nam bộ có những thay đổi về môi trường. Một trong những nguyên nhân tác động lớn đến cảnh quan tự nhiên là do đợt biển tiến Flandrian. Từ năm 50 trước Công nguyên đến năm 550 sau Công nguyên, mực nước biển ở Nam Bộ thấp hơn mực nước biển ngày nay khoảng 0,5m và đây cũng là thời kỳ hình thành văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam. Từ năm 550 đến năm 1150, nước biển dâng cao hơn mực nước biển ngày nay 1m. Hiện tượng tự nhiên đó góp phần làm cho văn hóa Óc Eo bị tàn lụi, khiến vùng đất Nam Bộ dần bị hoang hoáxxvi.
Một số ghi chép trong thư tích cổ miêu tả Thủy Chân Lạp là “một nước có bờ biển bao quanh và nhiều hồ lớn” hay “một vùng đầm lầy rộng lớn”… cho biết cảnh quan là vùng châu thổ ven biển, rộng lớn, bằng phẳng, nhiều sông ngòixxvii. Cho đến những thế kỷ về sau cảnh quan hoang sơ như vậy vẫn tồn tại như ghi chép của Chu Đạt Quan trong Chân Lạp phong thổ ký vào cuối thế kỷ XIII: vùng đất từ biển vào theo con sông rộng lớn và chằng chịt nhiều sông nhỏ, đi vài ngày chưa hết rừng rậm mênh mông, nhiều nuông thú, đất bỏ hoang gần như không có dân cư…xxviii
Dù có những thay đổi về chính quyền từ thế kỷ VII nhưng thời gian sau đó, thế kỷ VIII – X cuộc sống của cư dân cổ đồng bằng sông Cửu Long vẫn tiếp diễn trong sự thích ứng cao nhất với điều kiện tự nhiên và bằng sự duy trì truyền thống (vật chất, tinh thần) của văn hóa Óc Eo. Sau khi bị Chân Lạp tấn công vào giữa thế kỷ VI, nước Phù Nam phải dời kinh đô của mình từ Ba Phnom (Vyadhapura) tới một địa điểm ở quá về phía Nam có tên là Na-fou-na (Na Phật Na)… nơi Phù Nam vẫn có thể tồn tại qua một thời gian trong một tỉnh xưa kia của mìnhxxix. Na Phật Na chính là kinh đô đầu tiên và cuối cùng của vương quốc Phù Nam, trung tâm là vùng đất Óc Eo (An Giang) ngày nayxxx.
Đây là giai đoạn vùng đất Nam Bộ trên danh nghĩa bị đặt dưới quyền kiểm soát của Chân Lạp, nhưng thực tế việc cai quản vùng lãnh thổ mới này được ghi nhận là do những người thuộc dòng dõi Vua Phù Nam. Phù Nam sụp đổ cùng với truyền thống kinh tế thương mại đường biển của một bộ phận dân cư khu vực đô thị – cửa biển – cảng thị Óc Eo – Ba Thê – Nền Chùa, nhưng những cộng đồng cư dân ở các tiểu vùng khác vẫn tiếp tục lối sống truyền thống: kinh tế nông nghiệp và khai thác sản vật tự nhiên. Bên cạnh đó “một bộ phận cư dân Chân Lạp đã di cư đến vùng châu thổ sông Cửu Long. Nhưng họ không đủ đông và chưa đủ mạnh để khai thác mọi vùng đầm lầy hoang dã của miền tây Nam bộ. Họ chỉ quần cư thành từng phum sóc trên các giồng đất cao thềm sông cổ, ven biển hoặc xung quanh vùng Bảy Núi”xxxi. Trên các tiểu vùng khác dấu tích cư dân bản địa để lại cũng khá phong phú, đó chính là lớp cư dân Óc Eo giai đoạn muộn.
Tại khu vực đồng bằng thấp – tứ giác Long Xuyên. Đây là khu vực phát triển quan trọng nhất của văn hóa Óc Eo thời vương quốc Phù Nam, tập trung số lượng lớn di tích, mật độ dày đặc và có những di tích nổi tiếng nhất. Từ sau thế kỷ VII số lượng di tích giảm đi rõ ràng, không còn sự hiện diện của những di tích quan trọng. Tuy nhiên khu vực này lại tìm thấy một số điêu khắc bằng đá mang phong cách tiền Angkor và Khmer, kích thước nhỏ. Riêng pho tượng Visnu (chùa Linh Sơn) có kích thước lớn và mang đặc trưng riêng.
Tại vùng trũng Đồng Tháp Mười. Trong thời kỳ Phù Nam đây là một trung tâm lớn, phát hiện nhiều điêu khắc gỗ Phật giáo nổi tiếng và điêu khắc đá Hindu. Nhưng đến giai đoạn này chỉ còn phát hiện những mảnh gốm niên đại đến thế kỷ XI – XIII mà không còn dấu tích kiến trúc lớn như di tích Gò Tháp của giai đoạn trước.
Vùng thềm cổ các sông ở miền Đông Nam bộ. Dấu tích dân cư sinh sống từ thế kỷ VII, VIII về sau phát hiện được khá nhiều. Tuy nhiên về quy mô, mức độ tập trung không bằng các vùng đất thấp miền Tây trong giai đoạn trước. Các dấu vết ghi nhận cuộc sống của con người thời kỳ này là các kiến trúc, nơi cư trú, ngoài ra còn tìm được bến cảng sông.
Giai đoạn này địa hình nơi cư trú cũng đa dạng hơn nhưng cư dân cư trú chủ yếu trên các gò đất sét pha cát diện tích không lớn lắm, thời gian cư trú ngắn (tầng văn hóa mỏng) và hiện vật khá ít: chủ yếu là những mảnh gốm thô, mịn mang đặc điểm của truyền thống văn hóa Óc Eo, ít tìm thấy những hiện vật bằng kim loại, đá quý… Nhiều đền Hindu cũ còn được sử dụng và tu bổ lại trên nền móng cũ như: đền thần Shiva Linh Sơn Nam (An Giang), đền thần Mặt Trời Gò Bà Chúa Xứ (Đồng Tháp), đền thần Shiva Gò Đồn (Long An), khu đền Hindu Gò Thành (Tiền Giang)…
Cùng với nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc thời kỳ này để lại những tác phẩm bằng đá và đồng chủ yếu là tượng Phật giáo và Hindu giáo, kích thước nhỏ, thường được tìm thấy tập trung trong một vài địa điểm. Bên cạnh truyền thống điêu khắc tượng của văn hóa Óc Eo, nghệ thuật điêu khắc trang trí xuất hiện yếu tố của nghệ thuật “tiền Angkor”. Thông qua các tượng thờ có thể thấy Phật giáo hầu như không còn có mặt từ sau thế kỷ VIII. Vishnu giáo vẫn phổ biến. Từ thế kỷ IX – XI Siva giáo và việc thờ Siva phát triển. Đồ gia dụng chủ yếu là đồ gốm phát triển cao hơn về độ nung và kỹ thuật trang trí, tạo ra một phong cách mới thường gọi là “gốm Khmer”. Các nghề thủ công rực rỡ trước đây như thủy tinh, kim hoàn, đá quý… suy thoái, biểu hiện sự “biến mất” của kinh tế thương mại đường biển.
Nhìn chung giai đoạn này không còn nhìn thấy ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa Ấn Độ như trong thời kỳ văn hóa Óc Eo phát triển. Truyền thống Óc Eo còn kéo dài và ngày càng mang tính “địa phương hóa”. Có một số yếu tố ảnh hưởng từ khu vực hải đảo (Java, Dvaravati), yếu tố văn hóa Khmer tập trung ở khu vực giồng cát, gò thấp miền Tây Nam Bộxxxii.
III. Quan hệ giữa vương triều Angkor và vùng đất Nam Bộ trước sau thế kỷ X
III.1. Về kinh tế – chính trị
Quá trình biến đổi điều kiện tự nhiên là nguyên nhân quan trọng làm cho vương quốc Phù Nam suy yếu và kết cục bị Chân Lạp thôn tính. Tuy nhiên sự thay đổi về chính trị sau đó không gây ra những thay đổi lớn ở “Thủy Chân Lạp” mà chính là sự thay đổi trong phương thức kinh tế cơ bản (thương mại đường biển cùng thủ công nghiệp mất vai trò chủ đạo, kinh tế nông nghiệp vùng hạ lưu sông Mekong gặp khó khăn do nước biển dâng) đã làm cho vùng đất này mất đi sự sầm uất, khu vực trung tâm và đô thị trở nên hoang vắng, các cộng đồng dân cư tản mát sinh sống trên các địa hình cao như gò, giồng hoặc lui về vùng phù sa cổ lưu vực Đồng Nai – Vàm Cỏ. Mặt khác, nền kinh tế chính của Lục Chân Lạp là nông nghiệp trồng trọt trên vùng địa hình cao và khô, họ phải đào hồ trữ nước vào mùa mưa để tưới ruộng vào mùa khô. Còn cư dân Thủy Chân Lạp tiếp tục nền nông nghiệp trên vùng đất thấp trũng và thường xuyên ngập lụt nên phát triển kỹ thuật “dẫn thủy nhập điền”. Hai tập quán làm nông nghiệp khác nhau nên tập quán, lối sống và quan niệm về tự nhiên, xã hội cũng có sự khác biệt. Sự khó khăn khi phải cai quản vùng đất thấp với một phức hệ nước bao gồm biển, sông, kênh rạch, đầm hồ và cả những vùng ruộng trũng mênh mông, một phương thức kinh tế khác lạ… nên trong thời gian khá dài ảnh hưởng của Lục Chân Lạp đến “vùng đất mới” cũng bị hạn chế. Do vậy, việc quản lý Thủy Chân Lạp vẫn phải giao cho những người thuộc dòng dõi quý tộc, quan lại thuộc vương quốc Phù Nam trước đâyxxxiii.
Có thể giải thích được điều này vì nhà vua Chân Lạp Bhavavarman (thế kỷ VI) là dòng dõi vua Phù Nam “Bhavavarman thuộc hàng tộc của Phù Nam và trở thành vua Chân Lạp do cuộc hôn nhân của ông với công chúa xứ này… Cuối cùng người ta cũng hiểu tại sao các nhà vua Chân Lạp, kế vị các nhà vua Phù Nam đã chấp nhận truyền thuyết vương triều về Kaunnydinya và Nagi. Trên thực tế họ chỉ làm công việc gìn giữ những tài sản của riêng họ. Bởi vì Bhavavarman bản thân cũng là một ông hoàng Phù Nam”xxxiv. Tuy nhiên, Lục Chân Lạp đang trong giai đoạn thống nhất và xây dựng vương triều (như phần trên đã nói), vì vậy sự ưu tiên của các vị vua luôn hướng đến vùng đất có thể đảm bảo an toàn về quân sự, mở rộng ảnh hưởng về chính trị và mang lại nguồn lợi kinh tế nhất định, trong bối cảnh xã hội không có nhu cầu bức thiết về địa bàn cư trú cũng như nguồn lương thực thực phẩm – một nhu cầu mà vùng Thủy Chân Lạp có thể đáp ứng nhưng lại là địa bàn bất lợi cho các cuộc chiến. Có thể nhận thấy địa bàn hoạt động của Chân Lạp chủ yếu trong vùng nội địa phía Nam Đông Dương, từ vĩ độ 11,50° bắc trở lênxxxv.
Việc Chân Lạp chinh phục Phù Nam nằm trong một hiện tượng khá phổ biến ở Đông Nam Á: Ở Cao Miên cũng như ở Xiêm và Miến Điện, các nhà vua đã thường xuyên cố gắng để đem lại sự thống nhất giữa hai miền đối lập về địa lý (vùng cao – vùng thấp, miền núi/cao nguyên – đồng bằng/ven biển), kinh tế và đôi khi là sắc tộc, nhưng sự phân biệt giữa hai miền đó vẫn có khuynh hướng tái phát mỗi khi mà chính quyền trung ương tỏ ra có dấu hiệu suy yếuxxxvi. Đó là vì những miền đất thấp luôn có sức hút tạo ra những đợt di cư thường xuyên trong lịch sử dân cư Đông Nam Á. Chân Lạp là một quốc gia Khmer đơn thuần, khép kín trong vùng rừng núi cao nguyên trung du sông Mê Kông, không quen thuộc biển cả. Còn Phù Nam (vùng Thủy Chân Lạp) là một quốc gia chủ yếu mang bản sắc văn hóa biển và phát triển nhờ biển, nhưng đến lúc này các cảng thị mất vai trò và thương nghiệp đường biển không còn là nguồn lợi quan trọng như thời kỳ Phù Nam. Trong hoàn cảnh đó các triều vua Chân Lạp trong thế kỷ VII – X đã thực hiện những hoạt động củng cố lãnh thổ và quyền lực chính trị, quân sự bằng việc dời/lập/xây dựng kinh đô mới, xây dựng nhiều công trình tôn giáo hoành tráng và nghi lễ nhằm tôn vinh các vị Thần và chính mình – Vua, tiến hành chiến tranh với quốc gia láng giềng (tình trạng chiến tranh diễn ra thường xuyên giữa Chân Lạp và Champa)… Qua đó thể hiện một chính quyền trung ương mạnh mẽ, hạn chế sự “phân biệt” thậm chí dẫn đến ly khai cát cứ của các vùng miền.
Nhiều nhà nghiên cứu đã nói về quá trình “Ấn Độ hóa” ở Đông Nam Á được biểu trưng bằng tình trạng các quốc gia mandala. Thuật ngữ mandala trong ngôn ngữ Ấn Độ cổ xưa để chỉ các vương quốc gồm nhiều tiểu vùng / tiểu vương đã được sử dụng để chỉ một loại hình thể chế chính trị rộng lớn hơn ở các quốc gia Đông Nam Á cổ đại. Theo sử gia O.W.Wolters thì “mỗi một Mandala gồm một số tiểu thủ lĩnh phụ thuộc mà một số có thể từ bỏ quy tắc phụ thuộc khi có thời cơ và cố gắng lập một hệ thống phụ thuộc của mình, tự gia tăng các mạng lưới chư hầu của mình. Chỉ có Mandala tôn chủ mới có quyền nhận cống nạp và cử đại diện của mình đến để thể hiện vị trí tôn chủ”xxxvii. Phù Nam, Champa hay vương triều Angkor là những quốc gia có cấu trúc kiểu mandala. Thời kỳ cực thịnh đế chế Angkor bao phủ chính thể mandala của mình trên khắp khu vực rộng lớn ngày nay là Campuchia, châu thổ Mekong và một phần của Lào và Thái Lan. Có thể cho rằng, cấu trúc chính trị mandala và những hoàn cảnh, điều kiện trên đây đã làm cho mối quan hệ chính trị – kinh tế giữa vương triều Angkor và vùng đất Nam Bộ khá lỏng lẻo, chính quyền hầu như không có tác động gì đến vùng đất này.
III.2. Về văn hóa – xã hội
Nếu về chính trị – kinh tế sự tác động của vương triều Angkor đến vùng đất Nam Bộ gần như không có gì, thì về văn hóa – xã hội giữa hai vùng đất này vẫn có những ảnh hưởng qua lại nhất định.
Văn bia Baksay Chamkrong (thế kỷ X) có nói về truyền thuyết nguồn gốc của người Khmer và vương quốc Chân Lạp. Họ tự coi mình là con cháu của đại ẩn sĩ tên là Kambu Svayambhuva và tiên nữ Mera. Hậu duệ của Kambu – Kambuja đã trở thành tên nước Kampuchia và đôi thần tiên thủy tổ Kambu – Mera được ghép và chuyển âm thành tên tộc Khmerxxxviii. Tuy nhiên sự tích này không có trong những văn bia trước đó, vì vậy có khả năng việc đặt tên và kể lại truyền thuyết “được bắt chước và nghĩ ra khá muộn”xxxix khoảng thế kỷ X, để đối xứng với truyền thống Soma – Kaundianya của Phù Nam. Mặt khác, thế kỷ VII cả hai vùng Lục Chân Lạp và Thủy Chân Lạp đều thuộc về Phù Nam – một quốc gia Ấn Độ hóa, “sự Ấn Độ hóa cần được hiểu về bản chất như sự truyền bá một nền văn hóa có tổ chức được xây dựng trên quan niệm của Ấn Độ về vương quyền, có đặc trưng là những lễ thức thờ cúng Hindu hoặc Phật Giáo, thần thoại trong Puranas, sự tuân thủ giáo luật Dharmacastras và có phương tiện biểu đạt là ngôn ngữ Phạn”xl. Do đó sự đồng dạng về văn hóa, nhất là nghệ thuật tôn giáo được duy trì lâu dài.
Căn cứ trên những sự kiện lịch sử, các phong cách nghệ thuật của mỗi thời kỳ, các nhà nghiên cứu phương Tây đã lấy văn minh Angkor làm tiêu chuẩn, phân chia thành các thời kỳ khảo cổ ở vùng hạ lưu châu thổ sông Cửu Long như sau:
- Thời kỳ Tiền Angkor: thế kỷ VI-VII – cuối thế kỷ VIII.
- Thời kỳ chuyển tiếp: đầu thế kỷ IX- cuối thế kỷ IX.
- Thời kỳ Angkor: cuối thế kỷ IX – giữa thế kỷ XV.
- Thời kỳ hậu Angkor: giữa thế kỷ XV trở về sauxli.
Trong đó thời kỳ Tiền Angkor và Thời kỳ chuyển tiếp tương ứng với thời kỳ Chân Lạp trong lịch sử. Trên địa bàn Nam Bộ sự tương ứng này không chỉ về niên đại mà còn thể hiện qua những di tích di vật tuy không phong phú nhưng cho thấy, bên cạnh sự duy trì truyền thống Óc Eo đã có một số ảnh hưởng về kỹ thuật và phong cách nghệ thuật Khmer và Angkorxlii. Đặc biệt có thể nhận rõ sự phát triển liên tục tại ba trung tâm – ba tiểu quốc của vương quốc Phù Nam là tiểu quốc Na Phât Na, tiểu quốc Chinh phục từ đầm lầy và tiểu quốc Cát Tiênxliii (Tây và Đông Nam Bộ ngày nay).
Tôn giáo cũng là một nguyên nhân quan trọng để vùng đất này duy trì truyền thống văn hóa – xã hội trong “chính thể” mới, đồng thời chính quyền Chân Lạp / vương triều Angkor chấp nhận điều đó. Từ thế kỷ V-IX, dưới ảnh hưởng của Hindu giáo những vị vua Đông Nam Á (cả lục địa và hải đảo) đã đồng nhất mình với thần Siva: “vương quyền kết hợp với thần quyền” biểu tượng là việc thờ thần Siva dưới dạng nhân thần hay phổ biến hơn là thờ linh vật Linga / Linga-yoni. Bên cạnh đó việc thờ Vishnu và Phật giáo cũng phổ biến, sau này Phật giáo phát triển hơn ở Chân Lạp.
Những yếu tố gần gũi nhau về kiến trúc, điêu khắc tôn giáo giữa vùng đất Nam Bộ và Chân Lạp / vương triều Khmer cho thấy việc duy trì truyền thống văn hóa trở thành cơ sở quan trọng để Chân Lạp xây dựng và ổn định quốc gia mới. Chân Lạp cũng đã thừa kế và sử dụng không ít những yếu tố văn hóa của Phù Nam nói chung và Thủy Chân Lạp nói riêng trong quá trình xây dựng vương triều Angkor rực rỡ. Mặt khác, quan trọng hơn, điều đó cho thấy vùng đất Nam Bộ vẫn giữ “chủ quyền văn hóa” đã được xác lập từ trước đó, thời vương quốc Phù Nam.
Thay lời kết luận
Vào thế kỷ X khi vương triều Angkor bước vào giai đoạn phát triển thì trên vùng đất Nam Bộ, dân cư của “vương triều đã mất” về cơ bản vẫn duy trì lối sống truyền thống, trong nghệ thuật tôn giáo có sự tiếp thu một số yếu tố mới từ Angkor, từ Champa. Tuy vậy đời sống xã hội mất đi sự sôi động, như “một vùng đất bị bỏ quên” trong cảnh quan thiên nhiên hoang vu. Tình hình này kéo dài đến vài thế kỷ về sau.
Trên bình diện rộng hơn, thế kỷ X bắt đầu “kỷ nguyên độc lập dân tộc, mở đầu cho thời đại phục hưng trên toàn Đông Nam Á với đặc điểm nổi bật là sự trở lại chính mình, là sự khẳng định ý thức dân tộc, một nền văn hóa dân tộc đã định hình”xliv đồng thời với một đặc trưng cơ bản và xuyên suốt lịch sử các quốc gia Đông Nam Á, đó là sự “thống nhất trong đa dạng” trên mọi lĩnh vực tự nhiên, chính trị, kinh tế, văn hóa. Trong bối cảnh đó, lịch sử – xã hội vùng đất Nam Bộ và mối quan hệ với vương triều Angkor trong khoảng một thế kỷ ngắn ngủi đã phản ánh sự đa dạng của các vùng miền đất nước ta trong lịch sử. Những khác biệt về tự nhiên, hoàn cảnh xã hội, điều kiện nội tại và những quan hệ, tác động từ bên ngoài (từ thế kỷ I – X là sự tiếp xúc và giao lưu với chính thể/văn hóa Hán và chính thể/văn hóa Ấn Độ ở hai miền Bắc – Nam) với những phương thức, mức độ và thời gian khác nhau làm nên sự đa dạng nàyxlv.
Với tâm thế “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, khi nghiên cứu lịch sử những vùng đất thuộc các vương quốc cổ xưa mà nay đã trở thành một phần lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc, càng cần sự khách quan nhận biết giá trị quan trọng của lịch sử – văn hóa những vùng đất này, tránh tâm thức “đồng nhất” những yếu tố “đa dạng” vốn có đã góp phần tạo dựng quốc gia Việt Nam “thống nhất” ngày nay.
Nguyễn Thị Hậu
Đăng lại từ Forum Diễn Đàn (DienDan.org)
Creative Commons BY-NC-ND 3.0 France
Tài liệu dẫn
- Phan Xuân Biên (2004), Nâng cao nhận thức về cội nguồn lịch sử vùng đất Nam bộ Việt Nam, Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học nhân 60 năm phát hiện văn hóa Óc Eo (1944-2004), TPHCM.
- G.E. Coedes (2011) tái bản, Nguyễn Thừa Hỷ dịch, Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông, NXB Thế giới.
- Lê Xuân Diệm (2004), Quá trình hình thành châu thổ sông Cửu Long (tiếp cận từ địa sử học và thư tịch học), Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, Kỷ yếu Hội thảo nhân 60 năm phát hiện Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, TPHCM.
- Vũ Minh Giang (2006), Chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng đất Nam bộ, Một chặng đường nghiên cứu lịch sử (2001 – 2006), Nxb Thế Giới, Hà Nội. Dẫn theo https://khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn/ch-quyn-lanh-th-ca-vit-nam-tren-vung-t-nam-b/ ngày 06/05/2010. Truy cập lúc 15g ngày 8/8/2020.
- Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng (1998) (chủ biên), Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, NXB Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh.
- Nguyễn Thị Hậu, Lê Thanh Hải (2010), Khảo cổ học bình dân Nam bộ VN từ thực nghiệm đến lý thuyết, NXB tổng hợp TPHCM.
- Võ Sĩ Khải (2009), Giai đoạn chuyển tiếp từ Phù Nam đến Chân Lạp, Một số vấn đề về lịch sử vùng đất Nam bộ đến cuối thế kỷ XIX, NXB Thế giới.
- Nguyễn Văn Kim (2017) (chủ biên), Vùng đất Nam bộ quá trình hình thành và phát triển, Tập III, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
- Phan Huy Lê (2016) (chủ biên), Vùng đất Nam bộ quá trình hình thành và phát triển, Tập I, NXB Chính trị Quốc gia Sự Thật.
- Lê Thị Liên, Tống Trung Tín (2009), Nam bộ sau khi vương quốc Phù Nam sụp đổ qua tư liệu khảo cổ học, Một số vấn đề lịch sử vùng đất Nam bộ đến cuối thế kỷ XIX, NXB Thế giới.
- Phan Ngọc Liên (1997) (chủ biên), Lược sử Đông Nam Á, NXB Giáo dục.
- Nguyễn Quốc Mạnh (2017), Một số vấn đề về văn hóa Óc Eo ở An Giang, Kỷ yếu HTKH. NXB Đại học quốc gia TPHCM.
- Nguyễn Đức Nhuệ (2008), Vùng đất Nam Bộ từ sau diệt vong của vuơng quốc Phù Nam đến cuối thế kỷ XVII, Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học 60 năm phát hiện văn hóa Óc Eo (1944-2004), NXB Thế Giới.
- Lương Ninh (2006), Nước Phù Nam, NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
- Châu Đạt Quan (2011), Hà Văn Tấn dịch, Chân Lạp phong thổ ký. NXB Thế giới.
- Huỳnh Tâm Sáng (2014), Quá trình “Ấn Độ hóa” trong lịch sử ĐNA tiếp cận từ cơ sở bản địa hóa, http://www.sugia.vn/portfolio/detail/1207/qua-trinh-an-do-hoa-trong-lich-su-dong-nam-a-tiep-can-tu-co-so-ban-dia-hoa.html. Truy cập ngày 13.8.2020
- Liêu Kim Sanh (1984), Hải xâm hải thoái xưa ảnh hưởng đến vùng đồng bằng Nam Bộ, Văn hóa Óc Eo và các văn hóa cổ ở đồng bằng sông Cửu Long, Sở Văn hóa Thông tin An Giang, Long Xuyên.
- Nguyễn Hữu Tâm (2008), Khái quát về Phù Nam – Chân Lạp qua ghi chép của các thư tịch cổ Trung Quốc, Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, Kỷ yếu hội thảo khoa học 60 năm phát hiện văn hoá Óc Eo (1944 – 2004), NXB Thế Giới, Hà Nội, tr.298.
- Đặng Văn Thắng (chủ biên), (2017), Các tiểu quốc thuộc vương quốc Phù Nam ở Nam bộ, NXB Đại học quốc gia TPHCM.
- Đặng Văn Thắng, Nguyễn Hữu Giềng, Hà Thị Sương (2020), Na Phật Na kinh đô đầu tiên và cuối cùng của vương quốc Phù Nam, NXB Đại học quốc gia TPHCM.
Chú thích:
i. Vũ Minh Giang (2006), Chủ quyền lãnh thổ của Việt nam trên vùng đất Nam bộ, Một chặng đường nghiên cứu lịch sử (2001 – 2006), Nxb Thế Giới, Hà Nội.
Dẫn theo https://khoalichsu.ussh.vnu.edu.vn/ch-quyn-lanh-th-ca-vit-nam-tren-vung-t-nam-b/ ngày 06/05/2010. Truy cập lúc 15g ngày 8/8/2020.
ii. Phan Huy Lê (2016) (chủ biên), Vùng đất Nam bộ quá trình hình thành và phát triển, Tập I, NXB Chính trị Quốc gia Sự Thật, tr.362.
iii. Nguyễn Đức Nhuệ (2008), Vùng đất Nam Bộ từ sau diệt vong của vuơng quốc Phù Nam đến cuối thế kỷ XVII, Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học nhân 60 năm phát hiện văn hóa Óc Eo (1944-2004), NXB Thế Giới, tr.356.
iv. Nguyễn Hữu Tâm (2008), Khái quát về Phù Nam – Chân Lạp qua ghi chép của các thư tịch cổ Trung Quốc, Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, Kỷ yếu hội thảo khoa học 60 năm phát hiện văn hoá Óc Eo (1944 – 2004), NXB Thế Giới, Hà Nội, tr.298.
v. Lương Ninh (2006), Nước Phù Nam, NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, tr.151.
vi. Lương Ninh (2006), Sđd, tr.153.
vii. Nguyễn Hữu Tâm (2008), sđd, tr.302, 308.
viii. Đặng Văn Thắng (chủ biên), (2017), Các tiểu quốc thuộc vương quốc Phù Nam ở Nam bộ, NXB Đại học quốc gia TPHCM.
ix. Phan Huy Lê (chủ biên) (2016), Sđd, tr.366.
x. Phan Huy Lê (chủ biên) (2016), Sđd, tr.369.
xi. G.E. Coedes (2011) tái bản, Nguyễn Thừa Hỷ dịch, Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hóa ở Viễn Đông, NXB Thế giới, tr.181
xii. G.E. Coedes (2011), sđd, tr.181 – 184
xiii. G.E. Coedes (2011), sđd, tr.187-188
xiv. G.E. Coedes (2011), sđd, tr.201
xv. G.E. Coedes (2011), sđd, tr.203
xvi. G.E. Coedes (2011), sđd, tr.189
xvii. G.E. Coedes (2011), sđd, tr.206
xviii. G.E. Coedes (2011), sđd, tr.208
xix. G.E. Coedes (2011), sđd, tr.212 – 213
xx. Nguyễn Văn Kim (chủ biên (2017), Vùng đất Nam Bộ quá trình hình thành và phát triển, Tập III, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.191.
xxi. G.E. Coedes (2011), sđd, tr.219
xxii. G.E Coedes (2011), sđd, tr.126
xxiii. Nguyễn Thị Hậu, Lê Thanh Hải (2010), Hệ thống di tích khảo cổ giai đoạn tiền Óc Eo, Khảo cổ học bình dân Nam bộ VN từ thực nghiệm đến lý thuyết, NXB tổng hợp TPHCM, tr.190-196
xxiv. Nguyễn Thị Hậu, Lê Thanh Hải (2010), Văn hóa Óc Eo một nền văn hóa cổ ở Nam bộ, sđd, tr.183-185
xxv. Nguyễn Quốc Mạnh (2017), Một số vấn đề về văn hóa Óc Eo ở An Giang, Kỷ yếu HTKH. NXB Đại học quốc gia TPHCM, tr.140 – 164.
xxvi. Liêu Kim Sanh (1984), Hải xâm hải thoái xưa ảnh hưởng đến vùng đồng bằng Nam Bộ, Văn hóa Óc Eo và các văn hóa cổ ở đồng bằng sông Cửu Long, Sở Văn hóa Thông tin An Giang, Long Xuyên, tr.74-85.
xxvii. Lê Xuân Diệm (2004), Quá trình hình thành châu thổ sông Cửu Long (tiếp cận từ địa sử học và thư tịch học), Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học nhân 60 năm phát hiện văn hóa Óc Eo (1944-2004), NXB Thế Giới, tr.6
xxviii. Châu Đạt Quan (2011), Hà Văn Tấn dịch, Chân Lạp phong thổ ký. NXB Thế giới, tr.20, 37
xxix. G.E. Coedes (2011), sđd, tr131
xxx. Đặng Văn Thắng, Nguyễn Hữu Giềng, Hà Thị Sương (2020), Na Phật Na kinh đô đầu tiên và cuối cùng của vương quốc Phù Nam, NXB Đại học quốc gia TPHCM.
xxxi. Phan Xuân Biên (2004), Nâng cao nhận thức về cội nguồn lịch sử vùng đất Nam bộ Việt Nam, Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học nhân 60 năm phát hiện văn hóa Óc Eo (1944-2004), TPHCM, tr.3
xxxii. Lê Thị Liên, Tống Trung Tín (2009), Nam bộ sau khi vương quốc Phù Nam sụp đổ qua tư liệu khảo cổ học, Một số vấn đề lịch sử vùng đất Nam bộ đến cuối thế kỷ XIX, NXB Thế giới, tr.83-85
xxxiii. Phan Huy Lê (chủ biên) (2016), sđd, tr.337-338.
xxxiv. G.E. Coedes (2011), sđd, tr.130.
xxxv. Võ Sĩ Khải (2009), Giai đoạn chuyển tiếp từ Phù Nam đến Chân Lạp, Một số vấn đề về lịch sử vùng đất Nam bộ đến cuối thế kỷ XIX, NXB Thế giới, tr 75
xxxvi. G.E Coedes (2011), sđd, tr.132
xxxvii. Huỳnh Tâm Sáng (2014), Quá trình “Ấn Độ hóa” trong lịch sử ĐNA tiếp cận từ cơ sở bản địa hóa, http://www.sugia.vn/portfolio/detail/1207/qua-trinh-an-do-hoa-trong-lich-su-dong-nam-a-tiep-can-tu-co-so-ban-dia-hoa.html. Truy cập 19g ngày 13.8.2020
xxxviii. Lương Ninh (2006), Sđd, tr.153.
xxxix. Lương Ninh (2006), Sđd, tr.153.
xl. G.E Coedes (2011), sđd, tr.52
xli. Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng (chủ biên) (1998), Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, NXB Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh, tr.133-134.
xlii. Lê Thị Liên, Tống Trung Tín (2009), sđd, tr.86-88
xliii. Đặng Văn Thắng (2017) (chủ biên), sđd, tr.409-414
xliv. Phan Ngọc Liên (1997) (chủ biên), Lược sử Đông Nam Á, NXB Giáo dục, tr.31
Từ khóa Nguyễn Thị Hậu