Tiếp theo kỳ trước, sau khi góp phần vào việc chống lại bệch dịch hạch, Yersin tiếp tục quay về Nha Trang, Việt Nam.

Một vị lương y hiếm có

Năm 1898, với sự hỗ trợ của Toàn quyền Doumer, Yersin mua khu đất rộng 500 héc ta ở Suối Giao (nay là Suối Dầu) để làm nông nghiệp và chăn nuôi, tuyển chọn động thực vật khắp thế giới để nuôi trồng tại đây.

Yersin lập trại nuôi ngựa ở đây để lấy huyết thanh làm vắc xin, là trại nuôi ngựa làm thuốc lớn nhất châu Á bấy giờ. Ông cũng trồng cây ký ninh để làm thuốc trị sốt rét.

Năm 1909, Yersin trồng hơn 100 ha cao su, việc này giúp ông có tiền và trở thành triệu phú, giúp ông nuôi sống viện nghiên cứu của mình. Ông từng nói: “Tôi phải kiếm tiền kiểu khác chứ không nỡ nào cầm tiền của các bệnh nhân”. Số tiền lãi ông đều đặn chuyển đến một quỹ từ thiện và quỹ nghiên cứu khoa học.

Về cuối đời, Alexandre Yersin sống bình dị ở Nha Trang, ông là người có tấm lòng lương thiện hiếm có. Ông rất yêu trẻ em nên thường chiếu phim ở nhà cho trẻ em xóm Cồn xem. Trẻ nhỏ vào nhà ông xem phim hay nghịch phá những chậu hoa, gia nhân mắng nhưng ông nói: “Đừng la trẻ nhỏ, nghe lớn tiếng chúng sẽ sợ”.

Một lần ông lái xe hơi trên đường, người dân đi bộ bất cẩn lao vào xe ông và bị tai nạn, ông xuống xe băng bó và xin được tha thứ. Sau đấy ông cương quyết trả lại xe hơi cho chính phủ, chọn đi xe đạp, nói: “Dân chúng xứ này chưa quen luật lệ nên đi lại vô tư, mình đi xe đạp có va chạm thì cũng không gây thương vong cho họ”.

Có lần ông lên Tây Nguyên tìm thuốc, người dân tộc bắt ông và định hành quyết, nhưng khi nhìn vào mắt ông, họ thấy một sự chân thành và thiện lương kỳ lạ, liền thả ra. Ông chữa bệnh cho cả buôn làng và sau đó gửi thuốc men đến đều đặn.

Alexandre Yersin không có vợ con, ông dành tình thương của mình cho dân chúng. Ngôi nhà ông ở cứ mở rộng dần dần trở thành một trại tế bần khổng lồ che chở cho những người sa cỡ lỡ vận, ốm yếu bệnh tật, nghèo khổ. Dân chúng biết ơn ông, vô cùng kính trọng ông.

Yersin: Vị tiến sĩ bỏ lại ánh hào quang Paris, cả đời gắn bó với Nha Trang (P2)
Ngôi nhà của ông cứ mở rộng dần dần trở thành một trại tế bần khổng lồ che chở cho những người sa cỡ lỡ vận, ốm yếu bệnh tật. Nhà của Yersin tại Nha Trang khoảng năm 1900, nay là nhà nghỉ của Bộ Công an. (Ảnh: Grabrielle M. Vassal, Wikipedia, Public Domain)

Dù tốt nghiệp tiến sĩ y khoa ở trường Y Paris danh tiếng, được nhận làm việc trong Viện nghiên cứu Pasteur danh giá, nhưng Yersin lại chọn đến một nơi xa lạ chưa phát triển như Nha Trang sinh sống, lập viên nghiên cứu và chữa bệnh miễn phí cho dân chúng đến hết đời. Ông nói: “Tôi mãi mãi là một công dân Pháp, nhưng tôi yêu Việt Nam và tôi sẽ phụng sự cả tính mạng và cuộc đời tôi cho họ”.

Qua đời

Ngày 1 tháng 3 năm 1943, Yersin mất tại ngôi nhà của mình ở Nha Trang trong sự thương tiếc của dân chúng. Trước khi mất ông gọi người quản gia dìu ông đến cửa sổ nhìn ra biển nơi ghi dấu một thời dọc ngang tuổi trẻ của ông.

Ông để lại di chúc:

“Tôi muốn được chôn ở Suối Dầu. Hãy chôn tôi nằm úp xuống. Yêu cầu ông Bùi Quang Phương giữ tôi lại tại Nha Trang, đừng cho ai đem tôi đi nơi khác. Mọi tài sản còn lại xin tặng hết cho Viện Pasteur Nha Trang và những người cộng sự lâu năm. Đám táng làm giản dị, không huy hoàng không điếu văn.”

Người dân Suối Dầu đến tiễn ông đến nơi an nghỉ cuối cùng không sót ai, người nơi khác hay tin cũng tìm đến, đoàn người tiễn đưa ông kéo dài đến hơn 3 cây số. Đám tang ông có số người tham dự đông nhất ở Việt Nam lúc đó.

Nghe tin ông mất, người dân Nha Trang đều thương tiếc lo hậu sự, tàu bè ngoài khơi cũng vội vã cập bến vào bờ, các xóm chài vốn tập nập là thế cũng vắng hoe.

Ngày tiễn đưa ông các nơi đều vắng lặng, chợ búa cũng vắng tanh, người người đều đến tiễn đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng, nhiều người khóc hết cả nước mắt.

mo yersin
Bia mộ của Alexander Yersin Suối Tân, Cam Lâm, Khánh Hòa. (Ảnh: Thaisk, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Tưởng nhớ

Sống xa nhà, Yersin có khoảng 1.000 lá thư gửi cho gia đình, trong đó có bức thư viết:

“Mẹ hỏi con có thích ngành y không. Có và không. Con rất vui được chữa trị cho những người đến nhờ con khám, nhưng con không muốn biến y học thành một cái nghề, nghĩa là con sẽ không bao giờ có thể đòi một người bệnh trả tiền vì đã chữa bệnh cho người đó. Con coi y học là thiên chức, là mục vụ. Đòi tiền để chữa trị cho bệnh nhân thì chẳng khác nào nói với người đó rằng: tiền hay mạng sống.”

“Con còn nhiều điều nữa muốn thưa với mẹ, nhưng có hai xác chết đang chờ con. Họ muốn ra nghĩa địa cho sớm. Tạm biệt mẹ thân yêu. Mẹ rửa tay sau khi đọc thư này kẻo bị lây dịch hạch, mẹ nhé.”

Tên Yersin được đặt cho các tuyến đường ở Nha Trang, Hà Nội, Sài Gòn. Quần thể mộ Yersin ở Suối Dầu cùng thư viện Yersin ở Viện Pasteur Nha Trang được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Ông được xem là người phương Tây duy nhất mà di tích mộ được cấp bằng chứng nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. 

Yersin: Vị tiến sĩ bỏ lại ánh hào quang Paris, cả đời gắn bó với Nha Trang (P2)
Trường Lycée Yersin được xây dựng năm 1927 ở Đà Lạt để vinh danh Yersin, nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. (Ảnh: Diane Selwyn, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Làng Tân Xương ở Suối Dầu thờ cúng ông như một Thành Hoàng, Alexandre Yersin đến nơi đây với tấm lòng chân thành, điều ông để lại là thiện niệm, tấm lòng lương thiện của ông còn lưu lại mãi trong lòng người dân nơi đây.

(Hết)

Trần Hưng

Nguồn tham khảo:

Xem thêm:

Mời xem video: