Tự kỷ có thể chữa khỏi?
- FB CVTL Lê Khanh
- •
Trong một cuộc hội thảo quốc tế về tâm lý học đường, có một báo cáo về lĩnh vực sức khỏe tâm thần với nội dung là khảo sát sự quan tâm của người dân về các loại bệnh trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần.
Kết quả là 3 loại bệnh được sự quan tâm nhất là: Trầm cảm – Tự kỷ và Tâm thần phân liệt. Điều này cho thấy, quan điểm cho rằng Tự kỷ là một loại “bệnh tâm thần” vẫn là điều khá phổ biến dù cho đã biết bao nhiêu thông tin từ các chuyên viên đề nghị không xem tự kỷ là một căn bệnh mà là một hội chứng rối loạn phát triển lan tỏa (sách DSM IV –TR năm 2000) Còn sách DSM – V (2013) thì lại xem tự kỷ là những rối loạn – suy kém trong giao tiếp xã hội. Nghiên cứu cho thấy có từ 75-88% trẻ Tự kỷ đã bộc lộ những rối loạn trong 2 năm đầu đời và có 31-55% biểu hiện triệu chứng trong năm đầu tiên (Young & Brewer 2002). Như vậy có đến gần một nửa trẻ tự kỷ được chẩn đoán phát hiện trong năm đầu tiên của cuộc sống. Trong khi các chứng bệnh về tâm thần như trầm cảm và Tâm thần phân liệt là những bệnh do các yếu tố bên ngoài tác động vào trẻ khi trẻ đã có nhận thức, khiến cho một trẻ bình thường trở nên rối loạn tâm thần và có thể điều trị bằng thuốc cùng các trị liệu tâm lý cho đến khi khỏi bệnh.
Gần đây, một trong những quảng cáo liên quan đến chứng Tự kỷ ( ASD) và chứng tăng động giảm chú ý (ADHD), có một đơn vị “tổ chức sự kiện” đã cố thuyết phục người xem là chứng này có thể điều trị được, để mời họ đến với một loạt các cuộc hội thảo giới thiệu những biện pháp “trị liệu” không dùng thuốc của một giáo sư người Mỹ. Họ xem Tự kỷ hay hiếu động là những “căn bệnh” có thể điều trị từ 4 – 6 tháng là có thể đạt kết quả. Trong khi đứng trên phương diện khoa học thì ai cũng hiểu là Tự kỷ và tăng động giảm chú ý là hai hội chứng hoàn toàn khác nhau, mặc dù có một số biểu hiện giống nhau. Chỉ cần có một chút “suy nghĩ” thì với một liệu pháp thần kỳ như thế, tại sao giáo sư này không đứng ra “điều trị” ngay cho các trẻ em Mỹ, nơi tỷ lệ trẻ tự kỷ cao vào hàng đầu thế giới để được vinh danh, mà phải lặn lội qua đến Việt Nam để cố thuyết phục và hướng dẫn phụ huynh trẻ Tự kỷ với mức chi phí không thể rẻ hơn?
Ngoài ra còn hàng loạt các cơ sở “ khám chữa bệnh” khác, cũng cố gắng gán ghép việc điều trị bằng phương pháp của mình cho các trẻ “ mắc bệnh” Tự kỷ, giúp các bé có thể “khỏi bệnh” trở về với cuộc sống bình thường” để “ hội nhập với xã hội”.
Một trong các quốc gia có tỷ lệ trẻ tự kỷ vào hàng cao nhất thế giới là Mỹ, với tỷ lệ 1/68 trẻ! Thì tại sao cả một hệ thống các phòng thí nghiệm, các cơ sở dược phẩm và các nhà Y khoa hàng đầu trong hàng chục năm vừa qua, lại không lao đầu vào việc nghiên cứu để bào chế ra một loại thuốc hay một phương pháp trị liệu hiệu quả? Bởi vì họ hiểu điều đó là vô ích. Do đó họ chỉ tập trung công sức vào việc hình thành các phương pháp can thiệp qua giáo dục để giúp trẻ tự kỷ phát triển khả năng giao tiếp, học tập và lớn lên với chứng tự kỷ của mình! Thậm chí là sau hàng loạt các phương pháp ra đời, có những phương pháp thống trị hàng chục năm đã giúp cho cả trăm ngàn trẻ tiến bộ, thì cho đến nay người ta vẫn thấy cần phải có một biện pháp phối hợp giữa các phương pháp mới có thể đem lại những hiệu quả tốt hơn. Đến nay, người ta đã đưa ra được 27 liệu pháp được xem là có cơ sở khoa học! Vậy thì sẽ chọn cái gì để dạy hay là tìm cách dạy trẻ hết các phương pháp trên cho chắc ăn?
Đồng thời với một hệ thống đào tạo bài bản, cung cấp cho xã hội hàng loạt các chuyên viên trong các chuyên ngành, từ Vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, hành vi tri liệu, âm ngữ trị liệu… cho đến các giáo viên giáo dục đặc biệt được đào tạo bài bản, thì người ta vẫn không thể phủ nhận một vai trò quan trọng trong khuôn khổ một chương trình trị liệu, đó chính là năng lực và sự tác động của phụ huynh trên hành vi của trẻ, hay nói cách khác thì phụ huynh mới chính là chuyên viên và giáo viên tốt nhất cho con mình. Vậy thì đưa con đến giáo viên và nhà trường chuyên biệt hay phụ huynh sẽ đứng ra tự xử ?
Nếu thế thì một phụ huynh có thể tham gia một số khóa học huấn luyện về một phương pháp hay một kỹ thuật nào đó, có thể qua tận Mỹ để học trực tiếp. Sau đó quay về và mở lớp huấn luyện lại các kỹ thuật mà mình đã học? Điều này có vẻ hợp lý, vì sau khi học thì họ sẽ về để áp dụng lên chính con mình, đem lại một số kết quả nhất định. Với kết quả đó, họ hoàn toàn có thể dạy lại các phụ huynh khác, chỉ với một điều kiện quan trọng là tình trạng của con họ giống như tình trạng của các trẻ khác ! Nhưng đáng tiếc là trên thực tế thì chưa hề có một trẻ tự kỷ nào có một tình trạng rối loạn giống với một trẻ khác, mặc dù là các biểu hiện đều có vẻ giống nhau. Nó cũng như các dấu vân tay, trông thì có vẻ giống nhau, và chỉ có 4 kiểu vân tay chính, thế nhưng với dân số là trên 7 tỷ người trên trái đất, ở mọi châu lục, hầu như chưa có hai người có các vân tay giống hệt nhau! Như vậy, áp dụng cùng 1 phương pháp với những kỹ thuật giống nhau để trị liệu cho những tình trạng, mức độ khác nhau, thì hiệu quả chỉ là hên xui, và cái giá để có sự hên xui thì lại không hề rẻ!
Như vậy nếu chúng ta quyết giữ nhận thức, gọi Tự kỷ là một chứng bệnh, để suy ra là có thể “điều trị” bằng một hay vài phương pháp nào đó, và khi thấy một phụ huynh đã “ chữa được” cho con mình (không biết chắc có phải tự kỷ hay không?) để đem con “trở lại thiên đường” như các trẻ bình thường, thì cho rằng họ có thể dạy lại cho các phụ huynh khác để các phụ huynh này mang những kỹ thuật đó về áp đặt lên con mình, rồi mong mỏi con mình cũng có thể hết bệnh, trở lại với cuộc sống bình thường , có thể đi học hòa nhập với áo trắng quần xanh và chiếc cặp trên tay, liệu có phải là biện pháp tốt nhất? Hay chỉ khiến cho trẻ phải ngồi trong một lớp học và cô đơn giữa một đám trẻ cùng trang lứa?
Một ước mơ đơn giản đẹp đẽ và hợp tình hợp lý! Vì thế mặc cho một số nhà chuyên môn , và cả một số phụ huynh, giáo viên có ý thức vẫn khản cổ kêu gọi đừng gọi tự kỷ là một chứng bệnh, hay khi chẩn đoán dù có thể cẩn thận ghi là “một chứng bệnh không chữa được”! Nhưng vẫn hình thành trong tâm thức của các bậc cha mẹ… Ừ thì bây giờ không chữa được, nhưng đã gọi đó là bệnh thì tất yếu là sẽ phải tìm ra phương thuốc chữa chứ ! Ngay cả như cái căn bệnh thế kỷ là HIV mà còn ngăn chặn được kia mà ? Đúng là bệnh thì trước sau gì cũng có thể chữa được ! Nhưng chữa được bệnh này thì lại lòi ra bệnh khác. Còn hội chứng tự kỷ thì ngày càng có nhiều trẻ “bước vào” mà người “bước ra” thì hầu như là một thiểu số, lắm khi nếu xem lại , đánh giá và chẩn đoán một cách cẩn thận thì đó lại không phải tự kỷ, mà trẻ chỉ có một số triệu chứng giống như tự kỷ ! Vì thế có thể “chữa được”! Còn trẻ Tự kỷ thực sự thì “chưa thấy ra”!.
Nói tới nói lui, rốt cuộc là bó tay sao? Không – vấn đề là cách nhìn nhận và các liệu pháp tác động! Có thể nói, điều chính yếu là phải có sự chẩn đoán xác định, sau đó là cần các yếu tố sau:
– Một sự tìm hiểu quan sát cẩn thận một cách toàn diện trẻ để tìm ra những đặc điểm thuận lợi và khó khăn của trẻ, từ đó rút ra các biện pháp tác động phù hợp với chính trẻ ấy.
– Một sự chấp nhận vô điều kiện các khó khăn của con mình, không tìm cách cắt đứt các hành vi rối loạn của trẻ mà hãy tìm hiểu tại sao trẻ lại làm như vậy, để tìm cách nâng đỡ, chuyển hóa cái nguyên nhân gây ra các điều đó, giúp trẻ có sự thoải mái, vui vẻ để không còn phải có những rối loạn vì lo lắng đó nữa. Điều này cần thời gian, sự kiên nhẫn và cảm thông.
– Một môi trường sống mà trong đó trẻ được làm các điều mình thích, phát triển các kỹ năng cá nhân để hình thành lòng tự tin, nhu cầu tương tác. Chính các hoạt động thường ngày tại gia đình mà ta có thể gọi đó là phương pháp “việc nhà trị liệu” sẽ là nền tảng cho một nhu cầu giao tiếp sẽ từng bước hình thành trong tâm lý trẻ.
Chúng ta thấy rằng, chưa có thời kỳ nào mà các em học sinh bình thường lại bị “ hành” cả thể xác và tâm trí như trong nền giáo dục hiện nay, và kết quả là cũng không thiếu các trẻ bị trầm cảm, rối loạn hành vi và có những triệu chứng như tự kỷ. Vậy thì tại sao chúng ta lại cố ép trẻ tự kỷ vào một môi trường mà lắm trẻ bình thường đang phải “ vùng vẫy” để thoát ra? Phải chăng trẻ tự kỷ khi đã được “ trị liệu” sẽ giỏi chịu đựng hơn cả trẻ bình thường ?
Như vậy một đứa trẻ “ở cõi trên” có thể từng bước “đi vào” không phải là ngôi trường học để học những luật lệ giáo điều, mà là bước vào một không gian sống của các em. Một môi trường mà các em được :
– Thấu hiểu mọi khó khăn, nâng đỡ mọi năng lực, khuyến khích mọi sở thích.
– Chấp nhận mọi hành vi, tôn trọng mọi thái độ, hướng dẫn mọi kỹ năng.
Bao giờ các em được xem là một “con người tự kỷ” và chúng ta sẽ giúp cho các em không phải nỗ lực leo lên từng bậc thang để vói lên trên bước đường học tập, mà là sự “bước xuống” để nắm lấy tay của các em để cùng “đồng hành” với sự tôn trọng các em. Thì chừng đó, chứng tự kỷ sẽ không còn là một nỗi ám ảnh khủng khiếp, không còn là một căn bệnh mà bố mẹ phải bán cả nhà đi để điều trị cho con. Bởi vì đó chỉ là một đứa trẻ “đặc biệt” khác ta!
Cha mẹ thay vì tốn cả trăm triệu hay cả tỷ đồng để cố gắng “biến đổi” “sửa chữa” “điều trị” bằng đủ loại phương pháp “trời ơi đất hỡi” một điều không thể, thì hãy đầu tư một môi trường thoải mái, một không gian sống tích cực cho các em, tại chính ngôi nhà của mình và hãy đưa các em đến sân chơi của các em chứ không phải là của người lớn với những khuôn mẫu và luật lệ bắt đầu với chữ “không được” và “phải làm”. Đó sẽ là nơi các em “cho phép” người lớn có thể chơi với mình qua những thứ mà mình thích ! từ đó sẽ tạo nên một mối tương giao lành mạnh.
Chính trò chơi một cách tự do sẽ thúc đẩy mọi nhu cầu phát triển của trẻ để từng bước các em sẽ biết “cách chơi”, và sẽ dạy phụ huynh “cách chơi” để mọi người đều hiểu “luật chơi” rôi cùng chơi với nhau. Bởi vì xét cho cùng thì cuộc đời cũng chỉ là một Trò Chơi với những kẻ chơi một cách sòng phẳng hay chơi một cách gian lận! Chúng ta sẽ chơi như thế nào ?
Từ khóa Làm cha mẹ Giáo dục con tự kỷ trẻ em