Blog: Công bố công nghệ cắt cáp ngầm dưới biển, ĐCSTQ muốn đe dọa Mỹ
- Lưu Bảo Hoa
- •
Tờ South China Morning Post (SCMP) của Hồng Kông đưa tin, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Đóng tàu Trung Quốc cùng với Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về thiết bị người lái dưới biển sâu đã phát triển một thiết bị cắt cáp ngầm dưới biển sâu. Thiết bị này được thiết kế đặc biệt để cắt “cáp bọc giáp”—một loại cáp được gia cố bằng thép, cao su và polyme, vốn chiếm 95% lưu lượng truyền tải dữ liệu toàn cầu. Nghiên cứu này đã được công bố vào cuối tháng Hai trên tạp chí “Kỹ thuật Cơ khí Trung Quốc”. Theo bài báo, thiết bị có vỏ hợp kim titan và sử dụng công nghệ bịt kín bù áp suất dầu thủy lực, cho phép hoạt động ở độ sâu 4.000 mét dưới áp suất nước cực lớn. Thiết bị này sử dụng đĩa mài phủ kim cương 150mm, quay với tốc độ 1.600 vòng/phút, đủ để cắt nát thép, đồng thời hạn chế tối đa tác động đến trầm tích đáy biển.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiết lộ công nghệ “bí mật” này nhằm mục đích răn đe Mỹ và thế giới. Vì vậy, tờ SCMP đã nhấn mạnh rằng: “Thiết bị này có thể cắt đứt các tuyến cáp gần những điểm chiến lược như Guam—một mắt xích quan trọng trong chuỗi đảo thứ hai của quân đội Mỹ, đóng vai trò then chốt trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc. Trong trường hợp khủng hoảng địa chính trị, thiết bị này có thể gây bất ổn cho hệ thống liên lạc toàn cầu.”
Trước đó, tuần báo Newsweek của Mỹ đưa tin rằng thiết bị cắt cáp ngầm dưới biển có thể dựa trên bằng sáng chế “Thiết bị cắt dưới nước kiểu kéo theo (lai dắt)”, do Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc (nay là Bộ Tài nguyên Thiên nhiên) đăng ký vào năm 2009. Đến năm 2020, Đại học Lệ Thủy (Lishui University) ở Chiết Giang đã tiếp tục nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho công nghệ này. Mặc dù tên nhóm nghiên cứu và cá nhân liên quan khác nhau, nhưng rất có thể nhiều cơ quan đang đồng thời phát triển công nghệ này.
Từ xa xưa, Trung Quốc vốn là một quốc gia lục địa. Đối với họ, Tam Á (của Đảo Hải Nam) đã là “chân trời góc bể”, còn Lưu Cầu (Quần đảo Nansei) và Đài Loan bị xem là “vùng đất ngoài vùng khai hóa”. Minh Thành Tổ thậm chí còn thi hành chính sách cấm biển, không cho dân chúng ra khơi. Tuy nhiên bước sang thế kỷ 21, nhu cầu bành trướng của ĐCSTQ đã thúc đẩy họ cạnh tranh quyền bá chủ trên biển với Mỹ. Hiện nay, Trung Quốc chiếm gần 50% thị phần đóng tàu toàn cầu, trong khi Mỹ chỉ chiếm vỏn vẹn 0,13%. Chính vì vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nghĩ ra chiêu bài áp đặt mức phí cao đối với tàu do Trung Quốc đóng khi cập cảng Mỹ, nhằm kiềm chế sự bành trướng của ngành đóng tàu Trung Quốc. Nếu không có biện pháp này, ngay cả các công ty vận tải, bao gồm cả Đài Loan, cũng sẽ đặt hàng tàu từ Trung Quốc, càng khiến Bắc Kinh ngày càng bành trướng hơn.
Hiện nay, so sánh lực lượng hải quân Mỹ – Trung cho thấy Mỹ vẫn có ưu thế về nhóm tác chiến tàu sân bay, nhưng tổng số tàu chiến của Trung Quốc đã vượt Mỹ. Do đó, ông Trump cần đảo ngược tình thế này, nếu không Mỹ sẽ mất quyền bá chủ trên biển vào tay Trung Quốc. Tuy nhiên, ĐCSTQ đi theo con đường chuyên nghiên cứu khoa học lệch lạc (tà môn, có ý đồ xấu), không chỉ muốn kiểm soát mặt biển mà còn nhắm tới “bá quyền dưới đáy biển”. Việc cắt cáp ngầm chỉ là bước thử nghiệm ban đầu của họ. Tại biển Baltic, cáp ngầm đã bị cắt hai lần, và Trung Quốc bị nghi ngờ là thủ phạm vì tàu nghiên cứu “Yi Peng 3” của họ có mặt tại hiện trường khi sự cố xảy ra. Nhưng do các hoạt động dưới đáy biển là vô hình, nên khi tiến hành kiểm tra con tàu, thiết bị đã được thu dọn và giấu xong. Tại eo biển Đài Loan, cáp ngầm nối Đài Loan và Mã Tổ đã nhiều lần bị cắt, nhưng rất khó truy tìm thủ phạm. Đồng thời, nhiều tàu Trung Quốc cả thật lẫn trá hình vẫn lảng vảng quanh Đài Loan.
- Tàu Trung Quốc bị đưa về Đài Loan điều tra vì nghi kéo đứt cáp ngầm
- Bằng sáng chế “cắt cáp ngầm” của TQ làm tăng thêm nghi ngờ về sự cố ở biển Baltic
Việc Trung Quốc công khai công nghệ cắt cáp ngầm lần này rõ ràng là một lời thách thức đối với Mỹ và toàn thế giới: “Ta là kẻ lưu manh rồi thì ta còn sợ ai?”
Tháng Hai năm nay, ĐCSTQ đã lôi kéo thành công quần đảo Cook ở Nam Thái Bình Dương (hai bên đã đồng ý tăng cường hợp tác song phương trong một số lĩnh vực), đây là một quốc đảo do New Zealand phụ trách về ngoại giao và quốc phòng, công dân nước này vẫn sử dụng hộ chiếu New Zealand. Tuy nhiên, bất chấp tất cả, quần đảo Cook đã ký thỏa thuận với ĐCSTQ, văn kiện cho thấy thỏa thuận đối tác chiến lược này bao gồm khai thác tài nguyên dưới đáy biển, điều này vô tình giúp Bắc Kinh nắm rõ vị trí các tuyến cáp ngầm, để có thể cắt đứt các liên lạc với Mỹ trong thời chiến.
Chưa dừng lại ở đó, hai tàu chiến của ĐCSTQ đột ngột tổ chức diễn tập quân sự tại khu vực, gây chấn động cả Úc và New Zealand. Rõ ràng, Bắc Kinh đang nhắm thẳng vào chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương và liên minh “Ngũ Nhãn” (Five Eyes), khiến tình hình khu vực càng gia tăng sự bất ổn.
Từ khóa mối quan hệ Mỹ - Trung đứt cáp ngầm Cáp ngầm cắt cáp ngầm
