Blog: Tại sao 3 học sinh giết bạn ở Trung Quốc lại tàn bạo như vậy?
- Viên Bình
- •
Vụ việc 3 học sinh trung học ở Hàm Đan giết hại bạn cùng lớp đã gây chấn động toàn Trung Quốc. Vụ án mạng đau lòng này đã làm dấy lên bàn tán trong công luận xứ Trung.
Ngày 19/3, giáo sư xã hội học nổi tiếng Tôn Lập Bình (giảng viên Đại học Thanh Hoa) đã có những chia sẻ về vụ việc gây chú ý này. Ông viết:
“Tôi chỉ muốn đặt một câu hỏi: Tại sao những bạn nhỏ đó lại tàn bạo như vậy? Tại sao sau khi giết người bằng cách tàn bạo như vậy, [sau đó] chúng vẫn có thể đi học như bình thường?”
Giáo sư Tôn Lập Bình cho biết điều thúc đẩy ông đặt câu hỏi trên là ông nhớ lại hai câu chuyện đã trích dẫn trong các bài viết trước đây của mình.
Câu chuyện đầu tiên là chuyện xảy ra trong Thế chiến thứ Nhất. Một sĩ quan ghi lại trong nhật ký của anh rằng: Mặc dù tôi đã quen với việc bắn địch thủ qua hàng rào chiến hào, nhưng hôm nay trong khoảng thời gian ngừng bắn, tôi tình cờ nhìn thấy kẻ địch đang đi tiểu tiện, chuyện sinh lý chung của mọi người đó dường như đã đánh thức tôi, khiến tôi nhận ra rằng kẻ địch cũng giống như tôi, và tôi không thể bắn họ trong hoàn cảnh đó.
Câu chuyện thứ hai: Ở Afghanistan, một đội nhỏ của Hải quân và Lục quân Mỹ bị mắc kẹt trong một khe suối và bị bắn dữ dội từ một ngôi nhà đất. Sau khi được sự cho phép của đội trưởng, hạ sĩ Joseph Siano đưa súng phóng tên lửa lên vai nhắm vào ngôi nhà bằng đất và bắn, phá hủy quá nửa ngôi nhà. Khi tan bụi, họ mới nhận ra rằng Taliban đã đẩy phụ nữ và trẻ em vào ngôi nhà đó làm bia đỡ đạn. Theo lời kể của đồng đội Joseph, lúc đó Joseph đứng lặng dựa vào tường và khóc. Sau khi xuất ngũ, Joseph không thể trở lại cuộc sống bình thường, ban đêm thường xuyên bị ác mộng ám ảnh. Vài tuần sau khi xuất ngũ, anh ta lái xe đâm vào cột điện, chết khi chỉ mới 23 tuổi.
Giáo sư Tôn Lập Bình kể: “Tôi không biết mọi người cảm thấy như thế nào sau khi đọc hai câu chuyện này. Hãy chú ý rằng cả hai câu chuyện đều xảy ra trên chiến trường. Chúng ta đều biết chiến trường có ý gì, nghĩa là đó là hoàn cảnh nếu bạn không giết kẻ địch thì bạn sẽ bị kẻ địch giết chết. Nhưng ngay cả trong hoàn cảnh đó chúng ta vẫn có thể thấy rất nhiều trường hợp có bóng dáng nhân tính tồn tại”.
Tôi hiểu ẩn ý của giáo sư Tôn Lập Bình, ông đối chiếu hoàn cảnh ngay cả trên chiến trường, để truy vấn tại sao trường hợp 3 thiếu niên giết người tàn bạo kia hoàn toàn mất tính người.
Tiếp theo giáo sư Tôn Lập Bình chia sẻ một góc nhìn khác: “Được rồi, tôi không muốn thảo luận về mặt nhân tính nữa, chúng ta hãy nói về mặt thú tính đi”.
Ông đã đưa ra hai ví dụ.
Ví dụ 1: Vào một ngày năm 2012 tại vịnh Long Châu, quận Ba Nam, thành phố Trùng Khánh, một con chó hoang màu nâu đen bị xe đâm nằm bất động. Một con chó nhỏ màu trắng khác thấy được đã đi tới nhẹ nhàng vuốt ve con chó đen bằng móng vuốt và thỉnh thoảng liếm vết thương chảy máu của con chó đen. Vì đường vẫn còn nhiều xe chạy qua lại, có người đi bộ lo lắng rằng con chó trắng cũng có thể bị xe đâm nên tính ôm nó ra khỏi con đường. Con chó trắng hướng về phía người đi bộ tru vài tiếng, không muốn rời đi. Cảnh sát giao thông đến và đưa con chó màu đen đã chết ra lề đường, con chó trắng chạy bám theo. Sau đó, họ tìm một vùng đất trống bên đường và chôn cất con chó màu đen. Chỉ khi đó, con chó trắng mới lặng lẽ bỏ đi.
Ví dụ 2: Nhà động vật học Huxley bị thương trong một dịp ông tới làm việc tại Rwanda, ông nằm bất động trên mặt đất, vừa rên vừa nhìn vào một con khỉ gần đó. Cảnh mà Huxley không bao giờ quên là con khỉ đó đi đến ngồi cạnh ông, đặt khuôn mặt gần như sát vào khuôn mặt của Huxley nhìn chằm chằm vào mắt ông. Đột nhiên nó nhẹ nhàng dùng tay vuốt qua tóc của Huxley. Con khỉ đen lặp lại 3 lần hành động thân thiện này, mỗi lần vuốt nhẹ hơn một chút. Huxley đã cảm động trước hành vi của con khỉ, vì ông biết tính cách của loài khỉ này thường rất hung dữ.
Tôi hiểu ý của giáo sư Tôn Lập Bình đưa ra hai ví dụ trên, ông muốn cho thấy động vật vẫn có tình yêu với đồng loại và con người, trong khi tình đồng loại của 3 thiếu niên giết người kia còn không bằng cả con vật.
Cuối bài viết ông lại hỏi: “Tôi chỉ muốn đặt một câu hỏi: Tại sao 3 thiếu niên đó lại tàn bạo như vậy? Trong đầu chúng có khái niệm về đồng loại không, và nó như thế nào? Chúng có cảm giác gì khi tiêu diệt một sinh mạng khác? Những thứ trong đầu chúng đến từ đâu? Bộ não chúng đã được nhồi nhét những gì hay hoàn toàn trống rỗng?
Trong bài viết, giáo sư Tôn Lập Bình không trả lời câu hỏi mà ông đặt ra.
Nếu tôi phải trả lời, tôi cho rằng nguyên nhân 3 thiếu niên giết người ở Hàm Đan kể trên trở nên tàn bạo đến mức hoàn toàn mất đi tính người, thậm chí không bằng cả động vật, thì lý do đầu tiên là vì chúng không có niềm tin vào Đấng tối cao [Chúa/Phật… ], không tin vào Trời, không tin vào nhân quả, không có kính sợ bất cứ điều gì; lý do thứ hai là vì chúng coi việc hành hạ người khác như một niềm vui. Việc nhân tính của chúng biến thái như thế có nguyên nhân từ bộ máy giáo dục tẩy não áp đặt dưới cai trị của chế độ toàn trị Cộng sản Trung Quốc.
Từ khóa Học sinh Trung Quốc Xã hội Trung Quốc Người Trung Quốc