Với sự phát triển hiện nay của xã hội Trung Quốc, bạo lực và thù địch dường như đã trở thành một hiện tượng xã hội ngày càng khó bỏ qua. Nó không chỉ giới hạn ở các sự kiện cực đoan hay tội phạm bạo lực, mà đã thâm nhập sâu vào mọi ngóc ngách của xã hội, và trở thành chuẩn mực trong cuộc sống của nhiều người.

Chu Hai 4
Tài xế 62 tuổi họ Phàn (Fan) điều khiển chiếc xe địa hình lao vào Trung tâm thể thao Chu Hải, khiến ít nhất 35 người thiệt mạng và 43 người bị thương. (Ảnh : MXH)

Dù đó là những xung đột bằng lời nói hàng ngày, hay bạo lực xã hội ngày càng gia tăng, tất cả dường như đều phản ánh một vấn đề sâu sắc hơn: Sự thiếu an toàn dẫn đến khủng hoảng tâm lý tập thể. Thảm kịch lớn gần đây về một chiếc ô tô tông người ở Chu Hải là minh chứng mới nhất cho cuộc khủng hoảng tâm lý tập thể này.

Trên thực tế, cảnh tượng bi thảm này đã được tiên đoán trước trong bộ phim “Thiên Chú Định” (Định mệnh) thành công của Giả Chương Kha công chiếu năm 2013. Thông qua câu chuyện bạo lực của 4 cá nhân, ông đã phác họa nên bức tranh về bộ mặt bạo lực của xã hội Trung Quốc.

a touch of sin thien chu dinh
Poster phim A touch of Sin – Thiên Chú Định của đạo diễn người Trung Quốc – Giả Chương Kha – mặc dù không thể được phát hành tại thị trường Trung Quốc, nhưng sau vụ thảm sát đẫm máu tại Côn Minh, bộ phim được người dân bình luận rằng đã phản ánh chân thực xã hội Trung Quốc ngày nay.

Từ Sơn Tây đến Tứ Xuyên, bộ phim kết nối 4 vùng khác nhau của Trung Quốc lại với nhau, trình bày một bức tranh bạo lực trải dài khắp đất nước. Loại bạo lực này không chỉ là về thể chất, mà còn xâm nhập một cách vô hình vào đời sống, tình cảm và các mối quan hệ xã hội của con người.

Đằng sau mỗi vụ bạo lực trong phim đều chứa đầy sự tức giận, bất mãn, sợ hãi và tuyệt vọng của cá nhân, cuối cùng chuyển thành hành vi bạo lực cực kỳ tàn khốc.

Sự lan rộng của bạo lực xã hội và sự gia tăng thù địch có liên quan trực tiếp đến tình trạng thiếu an toàn. Thiếu an toàn không chỉ ám chỉ sự bất ổn về mặt vật chất, mà quan trọng hơn là tâm lý bất an, lo lắng.

Khi con người không cảm thấy an toàn về an ninh của xã hội và gia đình, chất lượng cuộc sống và ý thức về giá trị bản thân của cá nhân sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Sự đe dọa này sẽ sản sinh ra hàng loạt cảm xúc tiêu cực như lo lắng, sợ hãi, bất lực, giận dữ… từ đó hình thành nên một cuộc khủng hoảng tâm lý tập thể.

Khi tăng trưởng kinh tế không thể đảo ngược, rơi vào con đường suy thoái kinh tế, tâm trạng tập thể xã hội tuyệt vọng như vậy sẽ âm thầm phát triển và dần dần lan rộng, thẩm thấu vào xã hội. Sự lan rộng của cảm xúc tập thể này chắc chắn sẽ dẫn tới việc liên tiếp xảy ra những vụ bạo lực xã hội tương tự.

Đồng thời, ở Trung Quốc ngày nay, sự tương tác giữa bạo lực nhà nước và bạo lực xã hội tạo thành áp lực kép về bạo lực trong xã hội Trung Quốc. Việc tăng cường bạo lực nhà nước thường là chất xúc tác cho sự lan rộng của bạo lực xã hội.

Khi nhà nước đàn áp bằng các biện pháp hành chính, luật pháp và công cụ bạo lực, tâm lý phản kháng của cá nhân thường tích tụ dần dưới sự áp bức này, và sẽ bùng phát vào một thời điểm nhất định.

Đồng thời, khi đất nước đã quen với việc sử dụng các biện pháp bạo lực để giải quyết các vấn đề xã hội, hiệu ứng này đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của những người dân ở phía dưới khi giải quyết vấn đề của chính họ. Vòng luẩn quẩn này không chỉ làm gia tăng bầu không khí bạo lực trong xã hội mà còn có thể đe dọa sự ổn định của đất nước.

Sự bùng phát các vụ việc bạo lực xã hội gần đây, với bản chất là gây tổn hại lẫn nhau ở giai tầng dưới, giống như một lời cảnh tỉnh xã hội, cảnh báo về tình trạng cách mạng bạo lực mà xã hội Trung Quốc có thể sẽ hướng đến trong tương lai.

Sự lan rộng của bạo lực không chỉ thể hiện ở hành vi bạo lực của cá nhân, thậm chí nó có thể phát triển thành sự phản kháng xã hội quy mô lớn hơn. Một khi bạo lực lan rộng từ cá nhân đến tập thể, các vụ bạo lực lẻ tẻ có thể phát triển thành bạo lực tập thể, ảnh hưởng đến ổn định xã hội.

Ở Trung Quốc, sự tích tụ của những bất mãn xã hội được biểu hiện ở nhiều khía cạnh như khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng, xu hướng cố định hóa giai cấp, sự phân bổ không đồng đều về giáo dục và y tế… Những điều này đã làm gia tăng xung đột trong xã hội.

Nhiều người không muốn nhìn thấy Trung Quốc chuyển mình và đi theo con đường cách mạng bạo lực, nhưng lý tưởng và hiện thực lại khác xa nhau. Nếu xu hướng hiện nay tiếp tục, bạo lực và hỗn loạn sẽ không phải là vấn đề lựa chọn mà là phải đối mặt.

Đối mặt với tình trạng bạo lực và thù địch xã hội ngày càng nghiêm trọng, xã hội Trung Quốc cần khẩn trương xây dựng lại niềm tin và an ninh từ căn bản. Chỉ bằng cách khôi phục niềm tin chung của xã hội, mới có thể giảm thiểu bạo lực, và ngăn chặn sự tích tụ bất mãn trong xã hội.

Tuy nhiên, dưới hệ thống toàn trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, những vấn đề mang tính cơ cấu như bất công xã hội, không có cách nào để khiếu nại, thiếu nơi để người dân bày tỏ ý kiến, cảm xúc, sẽ gặp trở ngại rất lớn nếu muốn được giải quyết.

Nói cách khác, việc thường xuyên xảy ra các vụ bạo lực trong xã hội ngày nay có liên quan mật thiết đến hệ thống xã hội và phương thức quản lý đất nước…

Bối cảnh bài viết:

Vào đêm trước ngày khai mạc Triển lãm Hàng không Chu Hải ở Trung Quốc đã xảy ra vụ án tông xe gây chấn động: Tài xế 62 tuổi họ Phàn (Fan) điều khiển chiếc xe địa hình lao vào Trung tâm thể thao Chu Hải, khiến ít nhất 35 người thiệt mạng và 43 người bị thương. Phản ứng đầu tiên của chính quyền Trung Quốc là chặn tin tức, phóng viên nước ngoài bị quấy rối khi đưa tin.

Công an thành phố Chu Hải đưa ra vào ngày 12/11 cho biết, vào khoảng 19:00 ngày 11/11, Phàn (nam, 62 tuổi) đã điều khiển một chiếc xe địa hình nhỏ lao vào Trung tâm Thể thao Thành phố, và đâm bừa bãi vào những người đang tập luyện trên đường bên trong trung tâm thể thao.

Thông báo đề cập rằng Phàn đã dùng dao tự hại cơ thể khi ở trong ô tô, gây thương tích nghiêm trọng ở cổ, sau đó rơi vào tình trạng hôn mê. Hiện ông ta đang được điều trị tại bệnh viện và tạm thời cơ quan công an không thể thẩm vấn. Cảnh sát cho biết nguyên nhân là do “Phàn không hài lòng với kết quả phân chia tài sản sau khi ly hôn.”

Cộng đồng mạng phát hiện trong bản thông báo đầu tiên trước đó, cảnh sát có đề cập: “Điều tra cho thấy, do tranh chấp phân chia tài sản sau ly hôn, những năm gần đây Phàn và vợ cũ đã đệ đơn kiện dân sự lên tòa án cơ sở và tòa án trung cấp thành phố. Phàn ‘không phục’ với bản án và nộp đơn xin xét xử lại.”

Họ cho rằng theo thông báo ban đầu này, việc Phàn “trả thù xã hội” là do “phán quyết bất công” của tòa án địa phương cả hai cấp. Nhưng trong thông báo sau, cảnh sát đã xóa thông tin quan trọng này, và chỉ mô tả vụ việc là “do Phàn ‘không hài lòng’ với kết quả phân chia tài sản sau khi ly hôn.”

Vương Đan
(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, được đăng trên Vision Times.)