Chiến tranh tiền tệ Hoa Kỳ – Trung Quốc?
- Nguyễn Huy Vũ
- •
Liệu chính quyền Trump sẽ tiến hành một cuộc chiến tranh tiền tệ để đánh thẳng vào Trung Quốc theo sau cuộc chiến thương mại?
Trong những năm rồi Trung Quốc cố gắng khuếch trương việc sử dụng đồng nhân dân tệ làm phương tiện thanh toán khắp thế giới bằng nhiều cách khác nhau như phát triển mạng lưới các ngân hàng dùng đồng nhân dân tệ, dùng các chế độ ưu đãi cho các thanh toán đồng nhân dân tệ với các ngân hàng, hoán đổi nhân dân tệ với các ngoại tệ đối với các ngân hàng nước ngoài, thậm chí lập ra cả một giao dịch tương lai về dầu (oil futures) định giá bằng đồng nhân dân tệ; và mục tiêu của việc khuếch trương này là nhằm hất cẳng đồng đô-la Mỹ khỏi vị trí thống trị thế giới để thay thế bằng đồng nhân dân tệ.
Benjamin J. Cohen cho rằng chính quyền Obama hầu như không làm gì cả để bảo vệ đồng đô-la Mỹ tránh khỏi tình trạng bị Trung Quốc tấn công và thay thế vị trí đồng tiền của mình. Ngược lại, chính quyền Mỹ dưới thời tổng thống Obama còn hỗ trợ đưa đồng nhân dân tệ vào rổ tiền tệ quốc tế của IMF, bỏ qua những quan ngại về chất lượng tiêu chuẩn của đồng nhân dân tệ vì Hoa Kỳ muốn khuyến khích Trung Quốc trở thành một đối tác có trách nhiệm đối với hệ thống tiền tệ. Và như vậy, chính sách này giúp đồng nhân dân tệ càng tăng thêm vị thế trên trường quốc tế.
Giờ đây có lẽ chính giới Hoa Kỳ bắt đầu thức tỉnh. Hoa Kỳ giờ chỉ còn có hai lựa chọn: hoặc là họ sẽ làm điều gì đó để chặn Trung Quốc lại khỏi vị trí thống lĩnh thế giới của Hoa Kỳ; hoặc là họ nên tiếp tục các chính sách cũ và đứng nhìn Trung Quốc từ từ vượt qua mình.
Theo những dự báo, nếu không có gì thay đổi, thì vào năm 2050, Hoa Kỳ chỉ còn đứng vị trí thứ 3 của thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ về tổng thu nhập quốc dân. Cùng với nó, sức mạnh quân sự có lẽ cũng thay đổi và cán cân cũng sẽ từ từ nghiêng về Trung Quốc.
Trong khi một số giới ở Hoa Kỳ lên tiếng cảnh báo điều này và tìm cách duy trì vị trí số 1 của Hoa Kỳ thì cũng có nhiều người khác, gồm nhiều trí thức, mang tâm lý chủ bại rằng Hoa Kỳ chẳng thể làm được điều gì cả để xoay chuyển thế cục.
Sau việc áp thuế đối với các mặt hàng, kiện về tội ăn cắp bản quyền công nghệ, ngăn các vụ thâu tóm công nghệ như vụ Broadcom, một hãng đặt trụ sở ở Singapore nhưng có quan hệ thân thiết với Bắc Kinh, cố giành mua Qualcomm — một công ty công nghệ hàng đầu về bộ vi xử lý, thì bước tiếp theo có thể Hoa Kỳ đưa ra các đòn trừng phạt đối với đồng nhân dân tệ.
Các bước mà Hoa Kỳ có thể thực hiện bao gồm: cấm các công ty Hoa Kỳ dùng đồng nhân dân tệ làm phương tiện thanh toán trong các giao dịch với các đối tác Trung Quốc của mình; lập ra các rào cản để hạn chế việc đầu tư vào các tài sản định giá bằng đồng nhân dân tệ; Hoa Kỳ cũng có thể thương thảo với các ngân hàng trung ương ở các quốc gia và cung cấp các điều khoản ưu đãi trong hoán đổi tiền tệ nếu họ huỷ bỏ các thoả thuận với Trung Quốc; hoặc thậm chí là dùng các rào cản để hạn chế các định chế thanh toán trung gian dùng đồng nhân dân tệ…
Cuối cùng, một câu hỏi đối với giới nghiên cứu kinh tế ở Việt Nam, nhất là các bạn làm chính sách, là với các thay đổi trong chính sách ngoại thương của Hoa Kỳ và Trung Quốc, Việt Nam và các cố vấn kinh tế đã dự đoán và chuẩn bị những gì để giúp Việt Nam đưa ra những chính sách có lợi nhất cho quốc gia?
4/4/2018
Xem thêm:
Từ khóa nhân dân tệ Chiến tranh tiền tệ chính sách ngoại thương