Cô gái không biết ‘canh cua rau đay’ không phải nạn nhân đầu tiên và chắc chắn không phải nạn nhân cuối cùng của cộng đồng mạng luôn thèm khát các mục tiêu tấn công chế giễu. Cô chỉ là “nhân vật trong tuần” hoặc “nhân vật trong ngày” trước khi có mục tiêu mới xuất hiện mà thôi.

ai-la-trieu-phu
(Ảnh chụp/Youtube)

Thiếu hụt kiến thức của cô cũng giống như thiếu hụt của bất kỳ người nào, người giỏi A có thể ngớ ngẩn B; người rành C có thể cóc thèm quan tâm đến D. Nhân vật thám tử Sherlock Holmes cũng không (thèm) biết (điều gì ấy nhỉ, tớ đọc lâu quá quên mất). Ông giải thích với đồng sự John Watson “bộ não giống như một căn phòng, đồ gì cũng để vào thì chẳng còn chỗ cho những thứ khác”.

Người ta chỉ có thể tập trung trí lực cho việc họ thực sự quan tâm và đam mê. Nếu Ngọc Trinh cặm cụi nghiên cứu Toán cao cấp thì cô có thể bỏ lỡ các xu hướng thời trang, nếu GS Ngô Bảo Châu chạy theo các kiểu nhuộm tóc mới nhất thì anh có thể nhỡ các hội thảo khoa học. Cô gái không ăn rau đay thì cô không cần biết. Tớ không đi ô tô nên tớ cho rằng phân biệt được ô tô với xe máy là giỏi rồi.

Tất nhiên bỗng dưng chúng ta có động lực tìm hiểu/học hỏi thì tốt quá, nhưng sẽ là thảm họa khi ai đó mặc định ta phải biết điều gì đó kiểu cứ là con trai phải biết sửa xe, lắp bóng điện; con gái phải giỏi may vá, nấu ăn.

Tôi thì thấy những trường hợp công kích cá nhân thể hiện sự thiếu hụt xã hội:

– Người ta công kích tật nói ngọng của ông Bộ trưởng giáo dục không hẳn vì họ lo trẻ con cả nước này nói ngọng; mà vì người dân chán ngán, thiếu niềm tin và sự tôn trọng dành cho quan chức. Bản thân ông Bộ trưởng đã châm mồi lửa giận dữ bằng phát ngôn về vụ tiếp rượu, lỗi nói ngọng chỉ làm bùng lên ngọn lửa, trên nền tảng thiếu niềm tin/sự tôn trọng vốn có.

– Người ta công kích cô gái vì người ta thiếu sự cởi mở trong nhìn nhận; vẫn mang những tư duy cũ ra phán xét: đàn bà con gái phải nấu ăn ngon, người VN (nhất định) phải biết ăn canh cua mắm tôm… Bất chấp thực tế cô ấy có thể không biết nấu canh cua, nhưng cô có thể nấu các món Tây Tàu hoặc giỏi các kiến thức khác…vv.

– Người ta chê trách thổi phồng những vấn đề thuộc về cá nhân như ăn mặc, tính cách… của người khác vì người ta thiếu tự tin. Những người hay chê thường đứng núp trong đám đông và ném đá sự cá biệt, dù sự cá biệt ấy chả làm ảnh hưởng gì đến họ.

– Người ta bắt con học giỏi đủ các thứ trên đời, từ văn toán lý hóa đến cầm kỳ thi họa; và cố bắt bản thân phải (ra vẻ) hiểu mọi thứ trên đời; chỉ vì người ta thiếu định hướng, không biết cái gì là thực sự phù hợp và cần thiết cho bản thân mình hoặc con cái mình.