Đạo đức nghề báo: Đại chúng có nên biết “sự thật” hay không?
- Tiêu Đồng Văn
- •
Bài viết trích dẫn từ cuốn “Nhà báo không phải như bạn nghĩ: Tin tức tại hiện trường của Tiêu Đồng Văn” (Tiêu Đồng Văn, hay Nicole Hsiao, là một nhà báo, người dẫn chương trình thời sự nổi tiếng Đài Loan).
Tôi thường thích dùng hành tây để hình dung một sự kiện thời sự, bạn phải bóc từng lớp, từng lớp vỏ thì mới có thể nhìn thấy được sự thật. Nhưng khi toàn bộ củ hành được bóc hết, bạn không thể nào bưng một đĩa mà chỉ có từng miếng từng miếng hành tây sống lên bàn ăn được, mà phải cần phối hợp với những vị rau khác. Các nhà báo chia nhau đi “mua rau”, nhưng rau được mua về rồi thì “làm thế nào để xào” mới là điều quan trọng. Cái gì mà đại chúng cần phải biết? Cái gì có thể rút gọn không nhắc đến? Điều này hoàn toàn nằm trong tay nhà báo và người chủ quản tờ báo đó.
Nếu hôm nay có một sự kiện liên quan tới sức khỏe hoặc an nguy của đại chúng, ví dụ như thực phẩm bẩn, và nó lại vô cùng nghiêm trọng. Một người làm báo biết được thông tin này, qua phỏng vấn và điều tra đã xác nhận sự thực đúng như vậy, hiển nhiên cần phải đem tin tức này công bố ra. Bởi vì nó liên quan đến lợi ích của công chúng, và công chúng có quyền lợi được biết sự thật.
Tuy nhiên rất nhiều sự kiện thời sự không có liên quan tới lợi ích của công chúng, không quan trọng đến mức công chúng cần phải biết. Tin tức này có thể là lá cải nhưng lại thu hút độc giả, nó có thể thỏa mãn ham muốn dò xét, tò mò của con người, tuy nhiên nó lại tạo thành tổn hại rất nghiêm trọng cho người trong cuộc, lúc này cần lựa chọn thế nào? Có nên hay không vì một một tin tức độc nhất có thể có cũng được, không có cũng chẳng sao này mà hủy hoại một người hoặc một doanh nghiệp?
Có một số nhà báo trong quá trình phỏng vấn đưa tin lại không làm được cái gọi là “trung lập” và “kiểm chứng”. Một bản tin như thế, có thể hại chết cả một đời người phấn đấu nỗ lực, những ví dụ về tin tức loại này là điều không có gì lạ trong giới báo chí. Một sai sót trong thời đại internet ngày nay, chỉ cần khẽ động ngón tay là có thể khiến cho tin tức lan truyền nhanh chóng. Tệ hại hơn là rất nhiều kênh truyền thông về cơ bản là “giết người bằng cách giật tít”! Họ trực tiếp đặt một tiêu đề gây chấn động để thu hút độc giả. Trong khi có rất nhiều người chỉ xem tiêu đề, mà không xem nội dung. Trước đây là một bản tin có thể hủy hoại một người, còn ngày nay, chỉ cần một tiêu đề là đã đủ rồi.
Có một số nhà báo tự an ủi (hoặc lừa dối) bản thân: “Tôi “trung lập” mà! Tôi có đi phỏng vấn người này mà! Người này cũng giải thích rằng “tôi không có” mà”. Nhưng cũng cần hỏi bản thân mình một cách thành thật: Bạn làm bản tin này, rốt cuộc là muốn đưa đến cho khán giả cảm nhận gì? Nếu như bạn nhận được một tin nặc danh phơi bày điều gì đó, trong bản tin dài chín mươi mấy giây, bạn lại miêu tả chi tiết nội dung của người tố cáo, nhưng lại chỉ cho người bị cáo buộc có 10 giây để họ nói “tôi bị bôi nhọ”, vậy tỷ lệ này có thích hợp hay không? Bạn có hay không ý đồ đem một góc tin tức đi theo hướng mà bạn muốn công chúng tin vào đó? Kỳ thực, dù có cho rằng bản thân nhà báo không có nhận định chủ quan nào, chỉ cần công việc kiểm chứng được làm không đầy đủ trước khi đưa tin, chỉ quan tâm đến tin tức mà mình làm ra, có thể đưa ra được chữ “độc” (tức độc nhất), vậy tin tức mà nhà báo này làm ra rất có khả năng thiên vị, dẫn dắt sai độc giả. Nhẹ thì ảnh hưởng đến dư luận xã hội, nặng thì có thể hại chết người!
Khi nhà báo đang tìm hiểu sự thật, nhất định cần phải đánh giá từ nhiều phương diện: Nếu bản tin này thành công trong việc tiết lộ những chỗ tương quan với lợi ích của đại chúng, vậy thì những chi tiết nhỏ bé không liên quan gì với bản thân sự kiện này, ví dụ như đời tư của cá nhân đương sự, có cần phải đuổi cùng diệt tận, lôi 18 đời tổ tông của họ ra hay không? Có lẽ đây mới là luân lý và đạo đức cơ bản của người làm báo, mới là cái gốc của việc chọn lọc tin tức. Nếu ngày nay trong tâm của một người làm báo không có những điều này, vậy thì bút trong tay họ, micro trong tay họ sẽ trở thành hung khí làm người khác bị thương. Ban đầu vốn cho rằng những gì chúng ta truyền đạt là sự thật, công đạo và chính nghĩa, cuối cùng lại có thể biến thành công cụ bị những kẻ có dã tâm lợi dụng để dùng vào việc thanh trừng những kẻ đối nghịch và đạt được lợi ích riêng của chúng.
Tiêu Đồng Văn
(Bài viết thể hiện lập trường và quan điểm của cá nhân tác giả)
Xem thêm:
Từ khóa Đạo đức nhà báo Phóng viên Nghề làm báo Lá cải