‘Đấu trí’ Trump – Tập: Cuộc mặc cả lớn còn ở phía trước
- Tân Bình
- •
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có một điểm chung rất đáng chú ý: cả hai nhà lãnh đạo đều muốn xây dựng đất nước của mình vĩ đại trở lại. Nhưng, như được tóm tắt trong một thành ngữ cổ xưa của Trung Quốc “không thể có 2 mặt trời trên bầu trời”. Việc này không báo hiệu điềm hay cho một thỏa thuận lớn về địa chính trị quốc tế. Trên thực tế thì các cuộc “đấu trí” cân não giữa Trump – Tập đã bắt đầu và bề nổi đang là điểm nóng hạt nhân Triều Tiên.
Ông Trump trước khi trở thành Tổng thống Mỹ chỉ là một tay mơ về làm chính trị, nhưng điểm mạnh của ông là kinh nghiệm đàm phán và sự lọc lõi của một tỷ phú hàng đầu thế giới. Trong khi, Ông Tập được đánh giá là nhà lãnh đạo mạnh mẽ nhất của Trung Quốc kể từ Mao Trạch Đông, tính toán cẩn trọng nhưng hành động quyết đoán.
Cả hai đã có cuộc gặp thân mật, mang tính chất “làm quen” tại Florida, Hoa Kỳ vào ngày 5 và 6/4 vừa qua. Giới quan sát quốc tế nhận định Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của hai nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới này không mang lại những kết quả thực chất, minh chứng bằng việc hai bên không ra được tuyên bố chung hay thông cáo báo chí chung, tất cả chỉ gói gọn ở những lời phát biểu xã giao thuần túy.
Tuy nhiên, những gì biểu hiện trên mặt báo chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, nơi diễn ra các màn mặc cả, các cuộc “đấu trí” căng thẳng giữa cá nhân hai nhà lãnh đạo và chính quyền hai nước Mỹ – Trung.
Vậy diễn tiến của những cuộc đàm phán Trump – Tập này là gì và nó biểu hiện ra sao trên bề mặt tình hình thời sự quốc tế thời gian qua?
Trump và Tập có lợi thế đàm phán gì?
Hãng tin Bloomberg cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ có thể vượt Mỹ sau 10 năm nữa. Nhưng ở thời điểm hiện tại, nước Mỹ của tổng thống Trump vẫn thịnh vượng hơn hẳn Trung Quốc. Theo số liệu năm 2015, GDP của Mỹ gấp 1,6 lần GDP Trung Quốc. Nền kinh tế số một thế giới có quy mô 18.000 tỉ USD trong khi kinh tế quốc gia Đông Á ở mức là 11.400 tỉ USD.
Kinh tế mạnh sẽ dẫn tới quốc phòng mạnh vì chi tiêu cho quốc phòng của các quốc gia hàng năm đều lấy tỉ lệ % từ tăng trưởng GDP.
Lợi thế về kinh tế và quốc phòng của Mỹ là điều rõ ràng và dễ nhận thấy. Trong tay ông Trump còn có các “con át chủ bài” khác có thể khiến ông Tập và Trung Quốc đau đầu đó là: vấn đề Đài Loan; tự do nhân quyền; hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc, Nhật Bản; tranh chấp Biển Đông và biển Hoa Đông; và vấn đề thương mại.
Đối trọng với điều đó, Trung Quốc cũng nắm trong tay những lợi thế có thể đem ra mặc cả với Mỹ mà trọng tâm là vấn đề hạt nhân Triều Tiên; các điểm nóng tại Iran, Syria và quan hệ thương mại.
Cả hai nhà lãnh đạo cũng gặp phải những thách thức chung trong xử lý các vấn đề nội bộ. Tân Tổng thống Trump đang gặp khó khăn trong việc thực thi cam kết với cử tri trong vấn đề xóa bỏ đạo luật chăm sóc y tế Obamacare, hay các cuộc biểu tình yêu cầu ông công khai hồ sơ thuế. Chủ tịch Tập cũng đang rất căng thẳng trong màn “đấu đá chính trị” trước kỳ đại hội ĐCS Trung Quốc lần thứ 19 sẽ diễn ra vào đầu năm 2018.
Những phép thử của Tổng thống Trump
Là tác giả của “Nghệ thuật đàm phán” từ 30 năm trước, ông Trump hiểu rằng để giành được lợi thế trên bàn ngoại giao cần phải hiểu rõ đối phương đang muốn gì. Cách đơn giản nhất để hiểu đối phương là đưa ra các phép thử để xem phía bên kia sẽ phản ứng ra sao.
Phép thử đầu tiên: từ trước và sau khi đắc cử, ông Trump liên tục cáo buộc Trung Quốc là kẻ thao túng tiền tệ – chuyên sử dụng các mánh khóe và thủ đoạn nhằm thực hiện gian lận thương mại và lũng đoạn thị trường tiền tệ toàn cầu. Khi đó, Ông Trump cũng thẳng thừng tuyên bố sẽ áp thuế tự vệ đối với hàng hóa Trung Quốc nếu Bắc Kinh không có những biểu hiện tích cực hơn về vấn đề này.
Phản ứng của Bắc Kinh là khá chừng mực vì họ biết mình đang nắm giữ những gì có thể “phản đòn” nếu Mỹ khơi mào chiến tranh thương mại. Chính quyền Bắc Kinh có thể gây khó khăn cho các công ty của Mỹ hoạt động trên lãnh thổ Trung Quốc như đã từng làm trong quá khứ dưới hình thức chống độc quyền hoặc các cuộc điều tra bất lợi khác.
Qua đây, ông Trump có thể đã nhận thấy không thể dùng thương mại gây sức ép trực diện lên Trung Quốc, lá bài này có thể sử dụng theo một cách khác.
Phép thử thứ hai: Ngay khi vừa đắc cử, ông Trump tuyên bố có thể sắp xếp cuộc gặp với Đạt Lai Lạt Ma, một bước đi dường như gây bối rối cho Bắc Kinh. Sống lưu vong tại Ấn Độ kể từ năm 1959 sau thất bại của cuộc nổi dậy chống lại sự cai trị của Trung Quốc tại Tây Tạng, Đạt Lai Lạt Ma đã bị chính quyền Trung Quốc lên án như là một phần tử ly khai, bất chấp các tuyên bố chính thức được nhắc lại của Đạt Lai Lạt Ma rằng tất cả những gì ông tìm kiếm là quyền tự trị nội bộ bên trong Trung Quốc.
Cuộc gặp này sẽ diễn ra trong bối cảnh nào vẫn là một vấn đề còn để ngỏ và đó là cái mà ông Trump có thể đưa lên bàn đàm phán với chính quyền Trung Quốc.
Phép thử thứ ba: Ông Trump đã nhận cuộc gọi, được cho là được đội ngũ của ông dàn xếp trước, từ Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, trong đó 2 bên đã thảo luận về các vấn đề quốc phòng và kinh tế. Cũng vào ngày đó, Hạ viện đã thông qua ngân sách quốc phòng năm 2017, mà bao gồm một mục kêu gọi gia tăng hợp tác quốc phòng với Đài Loan và trao đổi quân sự cấp cao giữa 2 bên. Do ngôn từ như vậy đã xuất hiện trong quá khứ trước khi bị xóa đi sau khi nhánh hành pháp cảnh báo rằng nó có thể gây tổn hại tới quan hệ Mỹ-Trung, sự hiện diện trở lại của nó sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc.
Ngay lập tức, Trung Quốc đã thể hiện sự phản đối mạnh mẽ với động thái này của chính quyền Trump. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 3/12/2016 đã gửi công hàm phản đối việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump điện đàm với lãnh đạo Đài Loan, bà Thái Anh Văn. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói ông hy vọng quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington sẽ không bị “can thiệp hay phá hoại” sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nói chuyện trực tiếp với lãnh đạo Đài Loan, phá vỡ truyền thống đối ngoại nhiều thập kỷ của Mỹ.
Sau khi truyền thông nói về rủi ro chọc tức Trung Quốc, ông Trump đã đăng tweet: “Khá hay là Hoa Kỳ bán hàng tỷ đô la thiết bị quân sự cho Đài Loan mà chẳng nhẽ tôi lại không nhận một cuộc gọi chúc mừng.“
Lãnh đạo Hoa Kỳ trước phản ứng này của Bắc Kinh dường như đã biết rõ chính quyền ông Tập đang lo sợ điều gì và Mỹ cần làm gì để gây sức ép lên Trung Quốc nhằm thực hiện các mục tiêu của mình.
Ông Tập Cận Bình không dễ bị qua mặt
Tập Cận Bình có vẻ đã hiểu được những gì ông Trump đang làm là muốn “nắn gân” Trung Quốc. Lãnh đạo Bắc Kinh cũng dùng chính cách đó để thử lại phản ứng của ông Trump.
Dường như có tín hiệu cho phép từ Bắc Kinh, Bình Nhưỡng đã cho thử tên lửa đúng vào thời điểm “nhạy cảm” ngay trước cuộc gặp Trump – Tập tại Florida, Hoa Kỳ.
Vụ bắn diễn ra vào lúc 6h40 (giờ địa phương) ngày 5/4 ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Trump – Tập. Quân đội Hàn Quốc cho biết tên lửa bay khoảng 60 km và lần này tên lửa được bắn từ mặt đất, không phải từ mặt nước và nhằm vào hướng biển Nhật Bản.
Chính quyền Trump và đồng minh phản ứng gay gắt trước vụ thử tên lửa của Bắc Hàn. Ông Trump đã ngay lập tức điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Tổng thống Mỹ khi đó nói: “Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh nhằm ngăn chặn (các mối đe dọa) và bảo vệ Mỹ cùng các đồng minh, thông qua đầy đủ mọi năng lực quân sự của Mỹ”.
Trước cuộc gặp, Tổng thống Trump cũng cảnh báo Chủ tịch Tập nếu Trung Quốc không hợp tác gây sức ép lên Bắc Triều Tiên để giải quyết vấn đề này, Mỹ sẽ đơn phương giải quyết.
Như vậy, với chỉ một động thái từ Bắc Hàn, ông Tập đã biết rõ chính quyền Mỹ đang muốn gì. Bắc Hàn chính là “lá bài chiến lược” sẽ giúp Trung Quốc kiềm chế được Hoa Kỳ.
Ông Trump tăng sức ép bằng cuộc tấn công Syria
Ngoài việc đưa ra các tuyên bố cứng rắn trong giải quyết vấn đề Triều Tiên, bao gồm cả các biện pháp quân sự. Ông Trump đã bất ngờ cho không kích Syria với 59 quả tên lửa bắn vào một căn cứ không quân mà chính quyền Mỹ cho rằng quân đội Assad đã dùng để khởi phát cuộc tấn công hóa học vào dân thường vài ngày trước.
Tổng thống Mỹ thông báo với Chủ tịch Tập về cuộc không kích Syria ngay trong bữa tiệc chiêu đãi người đồng cấp Trung Quốc hôm 6/4.
Cuộc tấn công Syria như một lời khẳng định của ông Trump rằng chính quyền Mỹ sẽ sẵn sàng giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên bằng vũ lực nếu Trung Quốc không thiện chí cùng hỗ trợ giải quyết.
Tiếp sau đó Mỹ liên tục gây sức ép bằng việc điều động hạm đội hải quân USS Carl Vinson áp sát bán đảo Triều Tiên. Ném “bom mẹ” có sức công phá bằng 11000 tấn TNT xuống khu vực do IS chiếm đóng tại Afghanistan.
Tổng thống Mỹ đổi chiến thuật trong vấn đề thương mại
Bên cạnh gây sức ép mạnh mẽ về quân sự trên thực địa, ông Trump và cộng sự của mình liên tục có những phát ngôn “đá bóng” vấn đề Bắc Hàn sang Trung Quốc. Washington thể hiện rõ quan điểm ưu tiên phương án Bắc Kinh dùng ảnh hưởng của mình để ép Bình Nhưỡng giải trừ vũ khí hạt nhân và tên lửa.
Ông Trump sẽ không bao giờ theo đuổi một chiến lược địa chính trị nhất quán vì ông không nghĩ theo cách đó. Là Tổng thống, ông đang tiếp cận thế giới như cách ông vẫn làm mọi thứ khác trước đây.
Ông đã thực hiện theo quy tắc “Tối đa hóa sự lựa chọn” trong sách “Nghệ thuật đàm phán” của mình. Trong đó, Trump đã viết “Tôi không bao giờ quá gắn bó với một thỏa thuận hay một chiến lược… Tôi luôn có nhiều chiến lược, vì hầu hết các thỏa thuận sẽ thất bại, bất kể lúc đầu trông chúng có sức hứa hẹn ra sao”.Ông Trump đăng tweet sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cập Bình hôm 6/4 rằng: “Tôi rất tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ giải quyết hợp lý với Bắc Triều Tiên. Nếu họ không thể làm như vậy, Mỹ, với các đồng minh sẽ làm!”
Sau đó, Tổng thổng Mỹ đã không còn gọi Trung Quốc là “kẻ thao túng tiền tệ” nữa. Ông không gặp vấn đề gì trong việc chuyển từ đe dọa Trung Quốc về thương mạng sang cách dùng thương mại làm đòn bẩy để yêu cầu Trung Quốc giúp Mỹ ngăn chặn hoặc chấm dứt tham vọng hạt nhân của Bắc Hàn.
“Tại sao tôi lại gọi Trung Quốc là một kẻ thao túng tiền tệ khi họ đang làm việc với chúng tôi về vấn đề Bắc Triều Tiên? Chúng tôi sẽ xem điều gì sẽ xảy ra!”. Ông Trump đăng tweet như vậy trong ngày Chủ Nhật (16/4), giải thích về việc tại sao Bộ Tài Chính Mỹ vừa qua đã không lựa chọn gắn nhãn thao túng tiền tệ lên Trung Quốc.
Trung Quốc tạm hòa hoãn nhưng không nhượng bộ các vấn đề cốt lõi
Trung Quốc thực tế chưa muốn vấn đề Triều Tiên vượt quá tầm kiểm soát vì hiện tại Chủ tịch Tập còn vướng vấn đề nội bộ. Tất cả các chính sách đối ngoại có nguy cơ gây bất ổn đều phải tạm gác chờ sau Đại hội ĐCS Trung Quốc lần thứ 19 sẽ diễn ra vào đầu năm 2018.
Do đó, trước lời ngỏ phát ra từ ông Trump và chính quyền Mỹ, Trung Quốc ngay lập tức thể hiện thiện chí. Bắc Kinh, trong nhiều tháng gần đây, đã cố gắng giữ giá đồng tiền của mình, không tiếp tục làm giảm giá trị nhân dân tệ để tạo lợi thế thương mại.
Bắc Kinh cũng ban hành lệnh cấm nhập khẩu than từ Bình Nhưỡng từ 28/2 để thực thi nghị quyết trừng phạt Bắc Hàn của Liên Hợp Quốc (LHQ).
Trong vấn đề Syria, Trung Quốc cũng đã không đứng về phía Nga, mà bỏ phiếu trắng cho nghị quyết của Hội đồng Bảo An LHQ do Mỹ và các nước đồng mình đề xuất lên án vụ tấn công hóa học của chính quyền Syria.
Tuy nhiên, những nhượng bộ của Bắc Kinh là chưa đáng kể và không đủ mạnh để có thể gây sức ép lên Bắc Hàn.
Trung Quốc đã không ngăn chặn (hoặc không thể ngăn cản) chính quyền Kim thử tên lửa vào thứ Bảy (15/4).
Thực tế, thương mại của Trung Quốc với Bắc Hàn đã tăng gấp 10 lần trong 15 năm qua, ngay cả khi Trung Quốc tuyên bố ủng hộ các nghị quyết của LHQ để trừng phạt Bình Nhưỡng.
Tuyên bố chính thức của Trung Quốc đối với Bắc Hàn cũng không thay đổi. Ngoại Trưởng Vương Nghị nói với các phóng viên hôm thứ Sáu (14/4) rằng “chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế không khiêu khích và đe dọa lẫn nhau, dù bằng lời nói hay hành động, và không để cho tình hình trở nên không thể đảo ngược và không thể kiểm soát”.
Đó là công thức thông thường của Trung Quốc đổ lỗi cho Mỹ và Bắc Hàn như nhau trong việc gây căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc vẫn không có dấu hiệu xem xét thay đổi chế độ ở Bắc Hàn, thậm chí là phương án dựng lên một nhà độc tài thân thiện mới không theo đuổi chương trình tên lửa hạt nhân liên lục địa. Bắc Kinh cũng đã không cho thấy rằng nước này sẵn sàng để thực thi các biện pháp trừng phạt đến một mức độ mà có thể bóp nghẹt kinh tế Bình Nhưỡng.
Có lẽ điều đó sẽ thay đổi, như những ẩn ý đầy hy vọng [về sự giúp đỡ của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên] trong các tweet gần đây của ông Trump. Nhưng nên nhớ rằng Trung Quốc là chuyên gia đưa ra các nhượng bộ bề mặt trong khi khăng khăng giữ chặt những gì mà họ coi là lợi ích lâu dài của quốc gia (Mỹ đã phải nhượng bộ vấn đề Đài Loan và ít nhiều là vấn đề Biển Đông và Hoa Đông).
Mục tiêu chính của Trung Quốc bây giờ có thể là thúc giục ông Trump vào cùng một cuộc đối thoại đa quốc gia kiểm soát vũ khí với Bắc Triều Tiên. Những cuộc đàm phán đã làm thất bại ba vị Tổng thống Mỹ trước.
Trong nghệ thuật đàm phán của ông Trump có quy tắc giữ không cho đối phương đoán trúng mình, nhưng cuối cùng Trung Quốc vẫn có thể lựa chọn thử mức độ ông Trump sẽ sẵn sàng đi xa tới đâu trong việc ngăn chặn chương trình tên lửa hạt nhân của Bắc Hàn.
Lúc này, Ông Trump nếu muốn nhanh chóng kết thúc vấn đề Bắc Hàn cần phải làm sao cho Trung Quốc thấy rõ ông sẽ hành động gì nếu Trung Quốc từ chối giúp giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên. Tức là quy về 2 lựa chọn: trông cậy vào Trung Quốc bằng mặc cả và nhượng bộ hoặc tấn công quân sự để đơn phương giải quyết vấn đề Bình Nhưỡng.
Tân Bình
Xem thêm:
Từ khóa Tập Cận Bình Donald Trump Quan hệ Mỹ - Trung