Mới đây, có tin tiết lộ rằng Đội SEAL 6 của Hải quân Mỹ đã được huấn luyện trong hơn một năm để ứng phó với khả năng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể tấn công Đài Loan. Đây là dạng tin mà tất cả các bên xem là bí mật, không khác gì tin khả năng quân đội Mỹ tấn công Bắc Kinh. Việc quân đội Mỹ huấn luyện lực lượng SEAL để sẵn sàng tham chiến ở eo biển Đài Loan có lẽ đã bắt đầu từ lâu. Nếu ĐCSTQ sẵn sàng chấp nhận rủi ro, lực lượng SEAL của Hải quân Mỹ có thể làm những gì?

Hai quan My 7
Ngày 12/12/2023, các thành viên hoạt động đặc biệt của Hải quân Mỹ huấn luyện đột kích vào ban đêm tại Fort Irwin bang California. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Tấn công phủ đầu

Có lẽ liên tưởng đầu khi nhắc đến lực lượng đặc nhiệm [Bộ Tư lệnh Tác chiến Đặc nhiệm Mỹ (SOCOM)] là đơn vị chuyên ám sát những nhân vật quan trọng, giải cứu con tin, chặn tin tình báo chủ chốt… Ví dụ, Đội SEAL 6 đã tiêu diệt thành công thủ lĩnh khủng bố Bin Laden. Điều mà hầu hết mọi người ít biết là, trong tất cả các hoạt động quân sự quy mô lớn của quân đội Mỹ, về cơ bản đều có vai trò tiên phong của lực lượng đặc nhiệm, có thể xem là đội tiên phong trong các hoạt động bí mật.

Các mục tiêu hoạt động của Bộ Tư lệnh Tác chiến Đặc nhiệm Mỹ được công khai bao gồm:

  1. Định hình môi trường để giảm thiểu rủi ro, ngăn ngừa khủng hoảng, và tạo điều kiện thành công trong cạnh tranh và xung đột;
  2. Ứng phó nhanh chóng các cuộc khủng hoảng toàn cầu và hoàn thành các nhiệm vụ có tính rủi ro cao, nhạy cảm về mặt chính trị;
  3. Xác định các mối đe dọa bất thường, nâng cao khả năng ứng biến, và tạo ra tình thế khó khăn cho đối thủ.

Từ những mô tả có thể thấy, lực lượng đặc nhiệm Mỹ cần vào cuộc ngay khi khủng hoảng xảy ra, hoặc chủ động trước khi khủng hoảng xảy ra. Trong trường hợp phát hiện ĐCSTQ đang chuẩn bị mạo hiểm ở eo biển Đài Loan, lực lượng đặc nhiệm của Mỹ có thể thực hiện các hành động phủ đầu để phá vỡ kế hoạch đó, và tốt nhất là buộc ĐCSTQ phải từ bỏ; nếu không thể ngăn chặn nổ ra chiến tranh, họ phải tìm cách làm suy yếu một cách tối ưu khả năng thực hiện kế hoạch của ĐCSTQ.

Hai quan My 8
Lực lượng đặc nhiệm của Hải quân Mỹ huấn luyện nhảy dù vào ngày 20/4/2023. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Các hoạt động cốt lõi được Bộ Tư lệnh Tác chiến Đặc nhiệm Mỹ tiết lộ bao gồm:

  1. Hành động trực tiếp: Tiến hành các cuộc tấn công ngắn hạn và các hoạt động tấn công quy mô nhỏ khác để chiếm giữ, tiêu diệt, bắt giữ, khai thác, hoặc gây thiệt hại cho các mục tiêu được chỉ định.
  2. Trinh sát đặc biệt: Các hành động được thực hiện trong môi trường nhạy cảm để thu thập hoặc xác minh thông tin có ý nghĩa hỗ trợ cho việc hoạch định chiến lược và tối ưu hóa hoạt động vận hành.
  3. Chiến tranh đặc biệt (phi quy ước): Các hành động tạo điều kiện cho phong trào phản kháng hoặc nổi dậy nhằm gây sức ép, gây rối hoặc lật đổ chính phủ hoặc quyền lực chiếm đóng.
  4. Phòng thủ nội bộ của nước ngoài: Các hoạt động hỗ trợ các chiến lược phát triển và kế hoạch phòng thủ của nội bộ nước sở tại, nhằm ngăn chặn lật đổ, nổi dậy, khủng bố và các mối đe dọa khác đối với an ninh, ổn định và tính hợp pháp nội bộ của nước sở tại.

Có thể thấy rằng lực lượng đặc nhiệm của Mỹ luôn sẵn sàng thực hiện các cuộc tấn công trực tiếp phủ đầu và các hoạt động trinh sát nhằm vào các mục tiêu có giá trị cao của ĐCSTQ, đồng thời cũng có thể gây ra xung đột trong ĐCSTQ; họ cũng sẽ giúp Đài Loan truy quét các điệp viên của ĐCSTQ đang ẩn nấp và xâm nhập.

Hai quan My 6
Lực lượng đặc nhiệm của Mỹ và Hàn Quốc vào tháng 2/2024 huấn luyện chung tại Trường bắn Rodriguez ở Hàn Quốc. (Ảnh: Quân đội Mỹ)

Hoạt động chặt đầu

Giết chết các chỉ huy cấp cao cho đến cấp cao nhất của quân đội ĐCSTQ là cách hiệu quả nhất để ngăn chặn chiến tranh, và đó cũng là điều mà các lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ lo sợ nhất.

Lực lượng đặc nhiệm Hàn Quốc luôn sẵn sàng cho kế hoạch ám sát lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Quân đội Mỹ và lực lượng đặc nhiệm của Hàn Quốc đã luôn sát cánh chiến đấu kể từ khi bắt đầu Chiến tranh Triều Tiên. Trước khi Mỹ đổ bộ vào sân bay Incheon, lực lượng đặc nhiệm đã đi đầu trinh sát, đánh dấu các điểm thấp trong đường bay, dọn chướng ngại vật và tìm kiếm mìn có thể xảy ra. Trong giai đoạn sau của cuộc chiến, lực lượng đặc nhiệm của cả hai bên tiếp tục xâm nhập từ biển và phá hủy một số lượng lớn cầu, đường hầm, các mục tiêu trên biển và ven biển ở Triều Tiên.

Triều Tiên hiện đã sở hữu vũ khí hạt nhân. Chặt đầu Kim Jong-un là cách hiệu quả nhất để ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Kế hoạch chặt đầu ông Kim Jong-un của lực lượng đặc nhiệm Hàn Quốc đã được ám chỉ (bán công khai). Kim Jong-un vô cùng sợ hãi vì điều này nên phải thường xuyên thay đổi nơi ở.

Các lực lượng đặc nhiệm của quân đội Mỹ cũng có kế hoạch chặt đầu như vậy nhắm vào phe ĐCSTQ. Các mục tiêu bao gồm Chủ tịch Quân ủy Trung ương, phó chủ tịch, tham mưu trưởng, các tư lệnh và phó tư lệnh các quân chủng, tư lệnh và phó tư lệnh của từng chiến trường, và cũng có thể bao gồm một số chỉ huy lữ đoàn của Lực lượng Tên lửa, một số chỉ huy quân đội hoặc chỉ huy lữ đoàn nhất định khác… Một khi tất cả hoặc một số nhân vật quan trọng đó chết và chuỗi chỉ huy mất thăng bằng chức năng, khi đó ĐCSTQ sẽ khó thực hiện kế hoạch tấn công Đài Loan, đồng thời hệ thống vũ khí hạt nhân của ĐCSTQ cũng khó được kích hoạt.

Các nhiệm vụ tương tự rất có thể sẽ được thực hiện bởi lực lượng SEAL của Hải quân Mỹ và Lực lượng Delta của Quân đội Mỹ.

Hai quan My 5
Lực lượng Tác chiến Đặc biệt của Hải quân Mỹ và Lực lượng Tác chiến Đặc biệt của NATO ngày 27/2/2023 tập trận chung ở Biển Địa Trung Hải, thu hồi một tàu tấn công cao su lên tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường lớp Ohio USS Florida (SSGN 728). (Ảnh: Hải quân Mỹ)

SEAL

Lực lượng đặc nhiệm của Hải quân Mỹ còn được gọi là SEAL. Nhóm đầu tiên bao gồm các Đội SEAL 1, 3, 5 và 7; nhóm thứ hai bao gồm các Đội SEAL 2, 4, 8 và 10. Mỗi đội tấn công SEAL có 8 trung đội, mỗi trung đội gồm 16 người. Nếu mỗi trung đội tấn công độc lập thì về mặt lý thuyết họ có thể thực hiện hàng chục nhiệm vụ cùng một lúc.

Mỗi trung đội 16 người tùy theo yêu cầu tác chiến có thể được chia thành 2 tiểu đội 8 người, 4 tổ hỏa lực 4 người, hoặc 8 tổ bắn tỉa/trinh sát 2 người. Mỗi đội SEAL còn bao gồm nhân viên hỗ trợ với quy mô khoảng 300 nhân sự, nâng tổng số 8 đội SEAL lên 2400 người. Ngoài ra, lực lượng đặc nhiệm hải quân Mỹ có 3 đội thuyền đặc nhiệm, 2 đội hỗ trợ chiến đấu, 2 đội vận tải, 2 đội trinh sát đặc biệt, 1 đội hỗ trợ hậu cần và 1 phân đội huấn luyện.

SEAL có thể thực hiện các nhiệm vụ trong môi trường hàng hải, rừng rậm, đô thị, Bắc cực, núi và sa mạc. Nhiệm vụ bao gồm bắt hoặc tiêu diệt các mục tiêu cấp cao, thu thập thông tin tình báo và tiến hành các hoạt động phá hoại đằng sau chiến tuyến của kẻ thù.

Hai quan My 4
Ngày 7/1/2024 tại một trại huấn luyện ở bãi biển Virginia, binh chủng tác chiến đặc biệt của Hải quân Mỹ đã huấn luyện lặn bằng sử dụng thiết bị đẩy dưới nước. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Đội SEAL 6

Đội SEAL 6 độc lập với các đội SEAL nêu trên và trực thuộc chỉ huy của Bộ Tư lệnh Tác chiến Đặc nhiệm Hải quân hoặc Bộ Tư lệnh Tác chiến Đặc nhiệm Liên hợp Mỹ. Đội SEAL 6 là đội giỏi nhất.

Tổ chức và nhiệm vụ của Đội SEAL 6 là tuyệt mật, họ thường thực hiện các hoạt động phủ đầu quan trọng nhất. Các ứng viên đăng ký gia nhập Đội SEAL 6 phải thực hiện vượt qua ít nhất 2 nhiệm vụ, sau đó trải qua thời gian tuyển chọn và huấn luyện kéo dài 8 tháng, được biết tỷ lệ không thích ứng được [sau tuyển chọn] là khoảng 50%.

Quá trình huấn luyện của lực lượng đặc nhiệm quân đội Mỹ diễn ra với mật độ dày đặc và có rủi ro cao, thương tích nghiêm trọng và tử vong có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong quá trình huấn luyện. Hoạt động huấn luyện đa dạng bao gồm leo núi tự do, chiến đấu trên bộ, chiến đấu tay đôi, lái xe, lặn, liên lạc, cũng như huấn luyện sinh tồn, trốn tránh, kháng cự và trốn thoát.

Đội SEAL 6 được chia thành các phi đội tấn công theo màu sắc gồm màu đỏ, xanh, vàng và bạc; ngoài ra còn có phi đội màu đen chịu trách nhiệm tình báo, trinh sát và giám sát; phi đội màu xám chịu trách nhiệm về cơ động, vận chuyển, hỗ trợ hậu cần…; phi đội xanh chịu trách nhiệm tuyển chọn và huấn luyện.

Mỗi phi đội tấn công có ba trung đội, mỗi trung đội khoảng 16 người và cũng có thể được chia thành các đội tấn công nhỏ hơn. Đội SEAL 6 có thể có hơn 1300 vị trí quân sự và hơn 400 vị trí dân sự.

Hai quan My 3
Vào ngày 8/5/2023, đội mũ nồi xanh của Mỹ và nhân viên Cục Điều tra Bosnia cùng huấn luyện kịch bản chiến đấu thực tế trong một đường hầm ngầm. (Ảnh: Quân đội Mỹ)

Đội quân mũ xanh

Lực lượng đặc nhiệm của quân đội Mỹ còn có đội quân mũ xanh, có tổng cộng 7 nhóm chiến đấu đặc nhiệm, bao gồm nhóm chiến đấu 1, 3, 5, 7, 10, 19 và 20, được chia thành các chiến trường khác nhau; ví dụ, nhóm số 1 được giao phụ trách chiến trường Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng cũng có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Mỗi nhóm chiến đấu bao gồm 3 tiểu đoàn hoạt động đặc biệt.

Cách tấn công của đội quân mũ xanh chủ yếu tiến hành trên không. Lực lượng SEAL của Hải quân cũng có thể tiến hành các hoạt động trên không, nhưng vai trò chính của lực lượng này là xâm nhập từ biển. Trong một cuộc chiến có thể xảy ra ở eo biển Đài Loan hoặc Biển Đông, lực lượng SEAL của Hải quân Mỹ được dự đoán sẽ là lực lượng tấn công đầu tiên, tiếp theo là lực lượng mũ xanh. Quân đội mũ xanh đã công khai giúp huấn luyện quân đội Đài Loan.

Yêu cầu để được chọn vào đội quân mũ xanh cũng khá cao, tuy nhiên không cao bằng Đội SEAL 6. Những người giỏi nhất trong đội quân mũ xanh sẽ có cơ hội được chọn vào Lực lượng Delta.

Hai quan My 2
Từ ngày 5 – 12/4/2024 tại căn cứ Liberty – Bắc Carolina, Quân đội Mỹ và các lực lượng tác chiến đặc biệt của liên minh đã huấn luyện đột kích theo các kịch bản chiến đấu thực tế. (Ảnh: Quân đội Mỹ)

Lực lượng Delta

Lực lượng Delta cũng là một phần của Bộ Tư lệnh Tác chiến Đặc nhiệm của Quân đội Mỹ, nhưng dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh Tác chiến Đặc nhiệm Liên hợp. Được biết, Lực lượng Delta có khoảng 1000 nhân sự, bao gồm các phi đội tấn công A, B, C, D, E; ngoài ra còn có Phi đội G là phi đội tiền phương, cũng như phi đội tín hiệu, hỗ trợ, mạng máy tính, và phi đội huấn luyện.

Mỗi đội xung kích có 3 chi đội, mỗi chi đội có 4 tiểu đội, mỗi tiểu đội có từ 5 – 6 người. Lực lượng Delta đã nhiều lần thực hiện thành công các cuộc giải cứu, chặt đầu và bắt giữ con tin.

Trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc, đội bắn tỉa Delta của Quân đội Mỹ đã phát hiện 26 tên lửa Scud ở miền Tây Iraq. Các tay súng bắn tỉa đã xuyên thủng thùng nhiên liệu tên lửa ở khoảng cách 3.000 thước, ngăn chặn tên lửa bắn về phía Israel.

Trong Chiến dịch Tự do Bền vững ở Afghanistan, mục tiêu chính của Lực lượng Delta là bắt giữ hoặc tiêu diệt các nhân viên cấp cao của Al Qaeda và Taliban, đồng thời họ được tăng cường bởi Lực lượng Hải quân SEAL; sau đó lực lượng này cũng tham gia vào các nhiệm vụ trinh sát và tấn công quan trọng, tổng cộng họ đã tiêu diệt hoặc bắt giữ hơn 2000 người bên kẻ địch.

Trong Chiến tranh Iraq năm 2003, các trinh sát của Lực lượng Delta phụ trách xác định các mục tiêu cho các cuộc không kích của liên minh, dẫn đến việc phá hủy nhanh chóng một số lượng lớn xe bọc thép và hệ thống phòng không của Iraq. Lực lượng Delta đã đột kích vào một vị trí chiến lược trên một con đập và giữ nó trong 5 ngày. Lực lượng Delta cũng bắt giữ các mục tiêu có giá trị cao bao gồm Saddam Hussein và thư ký riêng của ông ta.

Trong các hoạt động chống khủng bố tiếp theo, Lực lượng Delta đã nhiều lần bắt giữ và tiêu diệt thành công các thủ lĩnh cấp cao của các tổ chức khủng bố, bao gồm như vào năm 2022 đã bao vây thủ lĩnh Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi của Nhà nước Hồi giáo, buộc hắn phải tự sát.

Hai quan My 1
Nhân viên hoạt động đặc biệt của Hải quân Mỹ ngày 10/11/2021 tham gia khóa huấn luyện bắn tỉa tại một trung tâm huấn luyện ở Indiana. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Hoạt động đặc biệt bí mật

Các quan chức cấp cao ở Trung Nam Hải, các quan chức lớn của ĐCSTQ ở các tỉnh ven biển, và các tướng lĩnh quân đội cấp cao sẽ là mục tiêu của lực lượng đặc nhiệm Mỹ. Những vụ chặt đầu phủ đầu đương nhiên không được công khai, nhưng đó là cách có thể nhanh chóng ngăn chặn chiến tranh xảy ra.

Bất kể nhiệm vụ chặt đầu có thể hoàn thành toàn bộ hay một phần, lực lượng đặc nhiệm của Mỹ cũng sẽ thực hiện các nhiệm vụ trinh sát và tiêu diệt ở các khu vực ven biển. Các điểm tập trung chính của quân đội ĐCSTQ, kho đạn dược, kho dầu, hệ thống phòng không, trung tâm chỉ huy và liên lạc, các vị trí định sẵn của các tiểu đoàn tên lửa thuộc Lực lượng Tên lửa, sân bay… đề được họ đánh dấu chính xác, để giúp quân đội Mỹ thực hiện các cuộc không kích chính xác.

Lực lượng đặc nhiệm của Mỹ cũng có thể thực hiện các hoạt động phá hoại nhằm vào một số mục tiêu quan trọng, gây khó khăn cho quân đội ĐCSTQ khi tiến hành tấn công theo kế hoạch hoặc làm giảm đáng kể khả năng tấn công của họ.

Chuyên gia quân sự ĐCSTQ là He Lei – cựu Phó Viện trưởng Viện Khoa học Quân sự của ĐCSTQ – phát biểu tại Diễn đàn Hương Sơn ở Bắc Kinh rằng đối với lực lượng SEAL của Hải quân Mỹ, việc chiếm giữ các đảo quân sự và bãi đá ngầm ở Biển Đông do Trung Quốc kiểm soát là tương đối dễ dàng, quân đội của ĐCSTQ biết cũng không thể chống nổi.

Lực lượng đặc nhiệm của Mỹ có thể cố tình tiết lộ thông tin qua các phương tiện truyền thông, đây cũng là một trong những phương tiện để răn đe ĐCSTQ. Bắc Kinh luôn lo sợ với các cuộc không kích của Mỹ cũng như với lực lượng đặc nhiệm của Mỹ, liệu các quan chức và sĩ quan cấp cao của Trung Nam Hải có thực sự dám mạo hiểm mạng sống của mình không?

Thẩm Đan
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, được đăng trên Epoch Times.)