Hạt giống nào được gieo trồng trong thế hệ đã tạo ra nước Mỹ?
- Jenny L. Cote
- •
Hôm nay là sinh nhật lần thứ 241 của nước Mỹ, là một người Mỹ bạn sẽ tặng gì cho tổ quốc của mình? Liệu chúng ta có thể tặng cho nước Mỹ bằng việc tạo dựng một quốc gia biết ơn, thể hiện cho đất nước tình yêu và sự tôn trọng mà tổ quốc này xứng đáng được nhận bằng cách hành xử như những người trưởng thành? Chúng ta mừng kỷ niệm ngày độc lập với tiệc tùng và pháo hoa, nhưng liệu có bao nhiêu người trong chúng ta lắng lại mà hồi tưởng về ý nghĩa thật sự của ngày khai sinh nước Mỹ 4/7. Nước Mỹ sinh ra không phải là trò chơi của một vài đứa trẻ – đó là một quyết định chết người của những bậc khai quốc dũng cảm.
Trong ngày sinh nhật của mình, với tình hình nước Mỹ hiện nay, những “Người cha lập quốc” chắc chắn sẽ phải tự hỏi liệu có còn ai cư xử cho ra dáng người lớn trên mảnh đất mà họ hy sinh máu xương gây dựng? Tổ quốc hay những bậc khai quốc sẽ nghĩ gì khi nhìn thấy người Mỹ bây giờ đang chia rẽ, bất đồng, xỉa xói nhau đến mức đáng hổ thẹn, thù hận thì in sâu, bạo lực đầy rẫy trên đường phố và thậm chí công khai đe dọa đến cả tính mạng của cả các nhà lãnh đạo đất nước. Chúng ta không còn muốn tham gia vào các cuộc thảo luận dân sự, tôn trọng bất đồng và tôn trọng tranh luận như những người đủ chín chắn trưởng thành. Chúng ta đã trở thành một thế hệ non trẻ hư hỏng, những vị thành niên ích kỷ vì sĩ diện cá nhân bất chấp đất nước phải trả cái giá nào. Điều này đã xảy ra với cả những người Cộng hòa, Dân chủ, những người theo đảng phái khác và những người tự do phi đảng phái.
Những biểu hiện trên cảnh báo rằng chúng ta đang trên bờ vực của một cuộc Cách mạng khác. Nhưng cuộc cách mạng này giống với giai đoạn hỗn loạn của của thời kỳ Khủng bố trong cuộc Cách mạng Pháp, hơn là cuộc tìm kiếm tự do vĩ đại và đáng tôn kính của cuộc Cách mạng Mỹ.
Như thánh John đã mắng hội thánh Ephesus trong sách Khải Huyền: “Các ngươi đã quên mất tình yêu đầu tiên của mình”. Điều này thật đúng với người Mỹ ngày nay: Chúng ta đã quên tình yêu đầu tiên. Chúng ta đã quên chúng ta là ai và hình ảnh của một người Mỹ trưởng thành là như thế nào.
Tuy nhiên, mọi thứ vẫn chưa đến mức tuyệt vọng, vẫn còn hy vọng cho nước Mỹ nếu chúng ta biết ngừng lại để hồi tưởng về quá khứ. Có những đứa trẻ mà chúng ta cần nhìn vào, xem cái cách chúng đã lớn lên và làm chủ cuộc Cách mạng Mỹ ra sao. Trước khi họ là những Người cha Lập quốc, họ là những Đứa trẻ Lập quốc. Vậy các hạt giống của Cách mạng Mỹ được trồng trong trái tim và tâm trí của những đứa trẻ đó ra sao, và câu trả lời có thể giúp chúng ta ngày hôm nay như thế nào?
Khi còn trẻ, những nhân vật trẻ tuổi như Patrick Henry, George Washington, Thomas Jefferson, Benjamin Franklin và Marquis de Lafayette đã làm một điều mà con cái chúng ta hôm nay không làm. Đó là họ đã biết học hỏi lịch sử.
Học tập quá khứ không có nghĩa là lấy chương trình lịch sử phổ thông nước Mỹ và nghiên cứu về ngày tháng và diễn biến của các cuộc chiến, các sự kiện. Những Đứa trẻ Lập quốc ấy đã học cách các nền văn minh cổ đại vận hành ra sao, những triết gia xuất sắc nhất thế giới nghĩ gì và động cơ của hành vi con người trong quá trình lịch sử.
Nếu có thể xem bàn làm việc của những đứa trẻ ấy, chúng ta sẽ thấy ở đó các tác phẩm của Plutarch (để tìm hiểu về những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của các nhà lãnh đạo Hy Lạp và La Mã cổ đại), Montesquieu (gợi mở những ý tưởng tự do như “chính phủ nên được thiết lập ra sao cho không ai cần phải sợ người khác”), và Locke (để có những hiểu biết sâu sắc về tự do với những ngôn từ như “một quá trình lạm dụng lâu dài” – cụm từ mà Thomas Jefferson đã trích dẫn nguyên văn trong Tuyên ngôn độc lập).
Chúng ta cũng sẽ tìm thấy trên bàn của họ cuốn Kinh Thánh – giúp cho họ biết sẽ phải sống ra sao theo mong muốn của Thiên Chúa.
Hạt giống kiến thức và sự hiểu biết đã được gieo trồng trong những đứa trẻ này để họ biết làm thế nào có một chính phủ lành mạnh, hoạt động phục vụ nhân dân, và làm sao để người dân có thể tự vận hành được chính phủ của họ. Những đứa trẻ ấy đã nghiên cứu những sai lầm của các đế quốc hùng mạnh như La Mã và những triết gia Hy Lạp và họ học được những bài học từ những sai lầm của tiền nhân. Họ hiểu rõ những quyền tự nhiên do Thượng đế ban tặng và những quyền lợi và nghĩa vụ khi là những người Anh đáng tự hào.
Và đó là lý do tại sao họ đánh giá cao tự do (freedom) và giải phóng (liberty). Họ đã học được từ lịch sử sự tự do quý giá thực sự là gì và người ta phải cẩn thận duy trì nó như thế nào.
Khi mới 10 tuổi, Patrick Henry từ trên mái nhà của mình đã được chứng kiến cuộc đấu tranh giành tự do tôn giáo giữa Giáo hội Anh và những người biệt giáo, từ đó những hạt giống về Cách mạng cho tự do tôn giáo đã được gieo trồng trong trái tim và tâm trí của cậu bé yêu nước đó. Nhiều hạt giống nữa đã được nảy mầm khi Patrick và những người trẻ trong thế hệ của mình nhìn nhận về thực trạng đang diễn ra và họ biết sẽ phải làm một điều gì đó để thay đổi.
Vì họ có hiểu biết về lịch sử, nên những người trẻ ấy có thể cảm nhận được một vị bạo chúa cách đó 3000 dặm sẽ tước đi quyền tự do của họ. Nhưng họ cũng biết cách để giải quyết mối đe dọa đối với tự do bằng cách theo đuổi một quá trình có trật tự và phải phép.
Lúc 20 tuổi, George Washington đã chép lại quyển sách Các Quy tắc về Công bằng và Hành vi đúng đắn với người khác và Đối thoại, vào cuốn sổ tay của mình để học cách đối xử với những người khác. Hạt giống của sự tiến bộ đã được trồng trong tổng tư lệnh đầu tiên của nước Mỹ, chẳng hạn như: Không sử dụng ngôn từ khiển trách với bất kỳ ai; Không nguyền rủa, cũng không tẩy chay, và Không vội tin các tin nói xấu người khác được đưa đến từ bất kỳ đâu. George Washington đã lớn lên trong sự hiểu biết rằng “một nhân cách đạo đức tốt là điều thiết yếu trước tiên. Một điều cực kỳ quan trọng là không chỉ học tập mà còn phải là người có đạo đức”. Chúng ta có thể hình dung sẽ thế nào nếu những hạt giống như vậy được gieo trồng trong trẻ em Mỹ ngày nay?
Trong hơn một thập niên, những Người cha Lập quốc của nước Mỹ đã tận dụng hết mọi khả năng để giải quyết bất hòa với nước Anh trước khi họ soạn thảo Tuyên ngôn độc lập. Ký ban hành văn bản đó cũng giống như ký kết bản án tử hình cho tội phản bội.
Nếu có thể, không bao giờ muốn đi đến chiến tranh. Trên thực tế, chỉ 1/3 dân số 13 bang thuộc địa muốn độc lập với nước Anh. Một phần ba muốn duy trì trung thành, và 1/3 là không có quyết định rõ ràng. Không có gì mới mẻ dưới ánh mặt trời, phải không nào?
Hạt giống Cách mạng được trồng trong trái tim và tâm trí của một thế hệ trẻ, nhưng chúng không phải là hạt giống của sự vô chính phủ, tham vọng tự phụ, hận thù và bạo lực. Chúng là những hạt giống của kiến thức, hiểu biết, sự khôn ngoan, biết sợ hãi trước Thượng đế, sự tôn trọng và lịch thiệp. Những hạt giống lớn lên trong những đứa trẻ ấy là nguyên nhân đáng quý và duy nhất giúp gìn giữ sự tự do và tạo dựng lên một quốc gia độc lập: Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.
Tất nhiên, họ cũng mắc nhiều nỗi trong việc dưỡng dục con trẻ ở nước Mỹ non trẻ này. Không có bậc cha mẹ nào hoàn hảo. Nhưng nước Mỹ đã được ban cho cuộc sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc cho mỗi thế hệ kế tiếp được tận hưởng, cùng với trách nhiệm phải bảo vệ những điều đáng trân quý đó.
Gần đây, tôi đã có đặc ân được gieo hạt giống lịch sử trong hai mươi đứa trẻ đến từ 7 tiểu bang tại Cowpens National Battlefield trong chương trình Trại Yêu nước (Epic Patriot Camp). Tôi đã hỏi bọn trẻ liệu các em có khi nào dừng lại để nhìn nhận cái giá rất đắt mà các nhà lập quốc đã phải trả giúp cho chúng ta có một lý do để chào mừng ngày 4/7 hay không. Bọn trẻ thành thực trả lời rằng chúng không biết, nhưng từ bây giờ chúng muốn được biết điều đó.
Khi Emily Boer (một bé gái khuyết tật nổi tiếng ở Mỹ) rời khỏi chương trình, cô bé đã lấy một bản sao Tuyên ngôn độc lập tại quầy trưng bầy. Khi đọc xong, Emily hét lên rằng: “Mọi người đều cần đọc tài liệu này! Đó là tài liệu hay nhất từng được viết ra!”
Bạn đã bao giờ đọc toàn bộ Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố khai sinh của nước Mỹ chưa? Đây là điều mà Emily đã được trải nghiệm và hạt giống của lòng yêu nước đã được gieo trồng trong trái tim và tâm trí của cô bé. Hãy thử tưởng tượng nếu tất cả chúng ta đều đọc nó.
Vào ngày 4/7 năm nay, chúng ta hãy gieo trồng một số hạt giống mới của lòng yêu nước, lịch sử, tôn trọng, lịch sự và trí tuệ trong chính chúng ta và trong con cái của chúng ta. Sau đó có thể là vào ngày sinh nhật nước Mỹ lần thứ 242, trái tim của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ sẽ nở rộng với niềm tự hào và niềm vui về những đứa trẻ đã lớn lên cùng những giá trị tốt đẹp.
Tác giả: Jenny L. Cote tác giả và diễn giả người Mỹ từng đoạt giải thưởng. Cuốn sách mới nhất của Cote “Tiếng nói, Cách mạng và Chìa khoá” (The Voice, the Revolution, and the Key) sẽ được xuất bản vào ngày 15 tháng 8 năm 2017.
Tân Bình dịch
Xem thêm:
Từ khóa Hoa Kỳ ngày độc lập