Mỹ không thể kiềm chế Bắc Hàn nếu Trung Quốc bất hợp tác?
- Annie Kowalewski
- •
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump gần đây đã đăng tweet rằng Trung Quốc không thể hiện sự hữu ích như người Mỹ mong đợi trong vấn đề Bắc Triều Tiên, nhưng “ít nhất họ cũng đã cố gắng”. Trái với sự lạc quan của ông Trump, Trung Quốc hiện đang không hợp tác với các nỗ lực toàn cầu nhằm kiềm chế các chương trình hạt nhân và tên lửa của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (DPRK).
Thay vào đó, Bắc Kinh tiếp tục hỗ trợ chế độ nhà Kim, cung cấp trợ giúp quân sự tới các chương trình hạt nhân và tên lửa của DPRK, và vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Bắc Hàn. Tức là, Trung Quốc muốn cộng đồng quốc tế biết rằng họ vẫn đang giúp đỡ các nỗ lực toàn cầu để ổn định khu vực, nhưng thực sự không mấy hứng thú làm việc này. Hoa Kỳ nên thừa nhận rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm hạn chế Bắc Triều Tiên sẽ vô ích nếu không có sự hợp tác đầy đủ của Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hội nghị G20, Đức
Động cơ của Trung Quốc
Trước tiên, điều quan trọng là phải hiểu tại sao Trung Quốc tiếp tục ủng hộ chương trình vũ khí và chế độ đang lãnh đạo Bắc Hàn. Sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Trung Quốc đã cung cấp các nguồn lực và sự trợ giúp để hậu thuẫn các nỗ lực tái thiết Bắc Triều Tiên. Chính điều đó đã củng cố vai trò của Trung Quốc với tư cách là một người bạn và đối tác thân thiết của “Vương quốc ẩn dật”. Các Hiệp ước Hữu nghị Hợp tác và Trợ giúp lẫn nhau Trung – Triều được ký và gia hạn vào các năm 1961, 1981 và 2001 đã cung cấp cơ sở pháp lý cho cam kết của Trung Quốc trong việc hỗ trợ Bắc Triều Tiên ít nhất cho đến năm 2021. Theo đó, các cam kết của Bắc Kinh với Bình Nhưỡng đã được hợp pháp hóa bằng văn bản và dựa trên các căn cứ lịch sử, điều này làm cho Trung Quốc rất khó để thay đổi chiến lược đối với Triều Tiên.
Ngoài các mối quan hệ Trung-Triều từ trước, Trung Quốc có ít động lực để chuyển đổi cách tiếp cận của mình đối với Bắc Triều Tiên vì thực tế Bắc Kinh vẫn đang tiếp tục được hưởng lợi từ một số khía cạnh của chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. DPRK không chỉ đóng vai trò là quốc gia đệm giữa lực lượng Trung Quốc và Mỹ đang đồn trú ở Hàn Quốc, mà nước này còn đem tới mức độ không ổn định vừa đủ cuốn chân các hành động quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực, mà chưa cần Bắc Kinh phải trực tiếp thách thức Washington. Từ trước tới nay, Trung Quốc vẫn xem các liên minh của Hoa Kỳ với (hoặc ít nhất là hỗ trợ cho) Nhật Bản, Hàn Quốc, Phi-lip-pin, Úc và Đài Loan là một phần trong chiến lược ngăn chặn lớn của Washington nhằm làm giảm sự phát triển sức mạnh quân sự và kinh tế của Bắc Kinh. Vì vậy, trong cách nhìn của Bắc Kinh, một Triều Tiên thống nhất và đi theo thể chế dân chủ sẽ đem đến cho Hoa Kỳ sức mạnh quân sự dọc theo biên giới phía Đông Bắc và tăng thêm quyền lực cho Washington và các đồng minh, khiến khối liên kết này sẽ trở nên hung hăng hơn trước các hành vi của Trung Quốc ở Đông Á.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng không có lợi ích khi các chương trình hạt nhân và tên lửa của DPRK trở nên đủ mãnh mẽ để Bình Nhưỡng trực tiếp khiêu khích Hoa Kỳ tăng cường sự hiện diện của mình trong khu vực, như thực trạng đã xảy ra trong vài năm gần đây. Trong hai năm qua, Bắc Triều Tiên đã tăng số lượng các vụ thử hạt nhân mỗi năm và tại cuộc diễn binh quân sự ở thủ đô Bình Nhưỡng năm 2017, họ phô trương các bệ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lớn (ICBM) có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân, có khả năng bắn đến lãnh thổ Hoa Kỳ. Để đối phó với những khiêu khích này, Hoa Kỳ đã tăng cường vị thế ngăn chặn bằng cách triển khai Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc và khẳng định lại cam kết quân sự với các đồng minh trong khu vực, dẫn tới tăng cường sự không chắc chắn của Trung Quốc và sự hồ nghi của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, sự ổn định khu vực vẫn là một lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và các nhà lãnh đạo Bắc Kinh đã nhiều lần bày tỏ mong muốn có một bán đảo Triều Tiên ổn định và hòa bình. Do đó, cũng có một vài các cuộc thảo luận đưa ra nhận định rằng sự dung túng của Bắc Kinh cho Bình Nhưỡng có lẽ đang bắt đầu suy yếu vì Trung Quốc cần áp dụng cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với các cuộc thử nghiệm hạt nhân và phát triển ICBM của Bắc Triều Tiên.
Các hành động của Trung Quốc
Gần đây, Trung Quốc đã thực hiện một vài bước cho thấy nước này có thể sẵn sàng để tiến tới một lập trường mạnh mẽ hơn chống lại DPRK. Đáng chú ý là Trung Quốc đã lên án các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC), cấm nhập khẩu than từ Bình Nhưỡng và đe dọa ngừng xuất khẩu xăng dầu. Tuy vậy, những bước này không hiệu quả trong việc hạn chế hành vi của chế độ nhà Kim như điều đáng lý Trung Quốc có thể làm được.
Thứ nhất, mặc dù Trung Quốc có thể đã ủng hộ (hoặc ít nhất không bỏ phiếu phủ quyết) một nghị quyết của UNSC kêu gọi mở rộng các lệnh trừng phạt lên Bắc Hàn vào tháng 6/2017, nhưng những lệnh trừng phạt này chỉ là các biện pháp tối thiểu mà UNSC có thể làm được. Hơn nữa, trong khi Trung Quốc cũng ủng hộ một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào tháng 4/2017 lên án các cuộc thử tên lửa của Bắc Triều Tiên, nhưng nghị quyết này đã bị Liên Bang Nga bác bỏ mà dường như không có lý do nào, gợi ý rằng có lẽ Trung Quốc đã biết trước rằng nghị quyết sẽ không thể được thông qua. Những hành động này cho thấy mặc dù Trung Quốc sẵn sàng hành động như thể họ đang hợp tác với các nỗ lực phương Tây nhằm hạn chế DPRK, nhưng Bắc Kinh vẫn không sẵng lòng thực thi các nghị quyết gây áp lực lên Bình Nhưỡng để hạn chế chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.
Thứ hai, mặc dù Bắc Kinh thông báo đã chính thức chấm dứt nhập khẩu than của Bắc Triều Tiên từ 19/2/2017, nhưng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc từ DPRK vẫn tăng 18,4% trong quý I/2017. Sự gia tăng nhập khẩu này cho thấy việc Trung Quốc đã cắt giảm nhập khẩu than của DPRK không hẳn là một phần của chiến lược nhằm gây tổn hại cho kinh tế của chế độ Bình Nhưỡng để trừng phạt cho cuộc thử tên lửa vào tháng 4/2017. Thay vào đó, việc hạn chế nhập khẩu than nêu trên thực chất là gắn liền với những nỗ lực của Trung Quốc để giảm sự phụ thuộc của nền sản xuất nước này vào nhiên liệu than và cũng do tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại. Ví dụ, năm nay Trung Quốc đã ngừng xây dựng 15 nhà máy điện than và ngừng phê duyệt các dự án mới cho đến năm 2018. Mức độ sử dụng năng lượng từ điện than của chế độ Bắc Kinh đã đạt tỉ lệ thấp nhất kể từ năm 1978. Tức là, Trung Quốc có thể đã dừng nhập khẩu than của Bắc Hàn không phải vì muốn “dạy cho Bắc Triều Tiên một bài học”, mà đơn giản chỉ là do nước này không còn nhu cầu sử dụng nhiều than nữa. Do đó, các mối đe dọa của Trung Quốc đối với xuất khẩu xăng dầu cũng có thể lý giải tương tự.
Cuối cùng, Trung Quốc vẫn tiếp tục hỗ trợ Bắc Triều Tiên thông qua các kênh khác. Một mặt, Bắc Kinh cung cấp hỗ trợ trực tiếp cho các chương trình hạt nhân và tên lửa của DPRK. Ví dụ, buổi diễn binh quân sự vào tháng 4/2017 tại Bình Nhưỡng đã cho thấy các xe tải chở ICBM do chính các công ty nhà nước Trung Quốc là Công ty Sinotruck và Tổng công ty Vận tải Đặc biệt Sanjian sản xuất. Những chiếc xe tải này cung cấp cho các ICBM của DPRK khả năng di chuyển cần thiết để tiến hành các cuộc tấn công bất ngờ từ các địa điểm không được tiết lộ hoặc để điều động xung quanh các cuộc phản công tiềm tàng của Hoa Kỳ, một yếu tố quan trọng để các tên của của Bắc Triều Tiên có thể sống sót trước các nỗ lực tìm diệt của quân Mỹ và đồng minh. Hơn nữa, một báo cáo của Viện Khoa học và An ninh Quốc tế công bố vào tháng 4/2017 cho thấy các công ty nhà nước Trung Quốc bị cáo buộc từ lâu đã vi phạm các luật trừng phạt quốc tế để cung cấp cho Bắc Triều Tiên các máy công cụ, kim loại và hóa chất được sử dụng vào chế tạo ICBM và sản xuất vũ khí hạt nhân.
Mặt khác, Trung Quốc cung cấp cho Bắc Triều Tiên các phương tiện để giữ cho nền kinh tế nước này sống được và vận hành luồn lách giữa các hàng rào chế tài. Một báo cáo từ tháng 2/2017 của LHQ chưa được công bố lưu ý rằng Trung Quốc hỗ trợ nền kinh tế của Bắc Triều Tiên bằng cách mua quặng vàng và sắt từ Bình Nhưỡng và tiếp tục cho phép các ngân hàng và công ty của DPRK tiếp cận thị trường tài chính quốc tế thông qua các công ty ‘bình phong’ có trụ sở tại Trung Quốc. Bắc Kinh cũng tiếp tục bảo vệ Bắc Triều Tiên trong các tuyên bố trên truyền thông bằng cách từ chối hoặc xoa dịu các kêu gọi của Mỹ và đồng minh về các hành động khắc nghiệt hơn áp đặt lên chế độ nhà Kim. Ví dụ, sau khi Tổng thống Trump kêu gọi Trung Quốc áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế chặt chẽ hơn chống lại Bắc Triều Tiên vào tháng 4/2017, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo rằng Hoa Kỳ không nên mong đợi Trung Quốc “ép” Bắc Triều Tiên tới “điểm bất ổn”. Hơn nữa, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã bỏ qua những lời chỉ trích trực tiếp của Bình Nhưỡng vào Bắc Kinh sau khi nước này ngừng nhập khẩu than và lại tiếp tục lên tiếng về “mối nguy hiểm” của lập trường mạnh mẽ của Hoa Kỳ chống lại Bắc Triều Tiên.
Các lựa chọn của Hoa Kỳ
Bất kỳ hành động nào của Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế chống lại Bắc Triều Tiên đều sẽ không có hiệu quả nếu không có sự hợp tác toàn diện của Trung Quốc. Bước đầu tiên để đưa Trung Quốc vào các nỗ lực quốc tế là Washington phải tìm ra chính xác những hành động mà Bắc Kinh cần làm để hạn chế một cách đầy đủ các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Liệu Trung Quốc có cần thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh hơn sao cho DPRK không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ngừng tham vọng hạt nhân và tên lửa? Trung Quốc có nên ngừng cung cấp nguyên liệu hỗ trợ các tham vọng hạt nhân của DPRK để làm chậm lại chương trình của họ cho đến khi Hoa Kỳ có thể mở lại các cuộc đàm phán giải trừ vũ khí? Trung Quốc có nên tăng cường sự ngăn chặn của mình để làm cho DPRK thấy rằng sự không ổn định do chương trình tên lửa gây ra lớn hơn chi phí tạo dựng niềm tự hào quân sự? Hoặc liệu Trung Quốc có nên sử dụng các biện pháp ngoại giao mang tính cưỡng chế hơn để đưa DPRK tới bàn đàm phán?
Một khi Hoa Kỳ hiểu chính xác cách Trung Quốc có thể làm đạt hiệu quả nhất trong việc kiềm chế các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên, Washington cần tìm kiếm các giải pháp nhằm thuyết phục Bắc Kinh thực hiện các chính sách đó. Một số phương pháp có thể là yêu cầu Trung Quốc đóng băng tài khoản ngân hàng của các quan chức DPRK ở Trung Quốc để đưa chế độ Bình Nhưỡng tới bàn đàm phán; áp dụng hình phạt tài chính đối với các công ty Trung Quốc vi phạm các thỏa thuận kiểm soát thương mại để ngừng cung cấp cho DPRK các nguồn lực quan trọng tới các chương trình tên lửa và hạt nhân; hoặc thực hiện những biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các công ty Trung Quốc cung cấp ‘bình phong’ cho các doanh nghiệp của Bắc Triều Tiên. Bất kể chiến lược mà chính quyền Trump lựa chọn là gì, rõ ràng Hoa Kỳ cần sự trợ giúp của Trung Quốc đối với vấn đề Bắc Triều Tiên và cũng cần phải công nhận rằng, hiện tại, Trung Quốc đang không hợp tác.
Tác giả: Annie Kowalewski
Đăng lần đầu trên trang National Interest
Tân Bình (dịch)
Xem thêm:
Từ khóa căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên Quan hệ Mỹ - Trung Bắc Hàn