Ký ức người thầy
- FB ĐỖ XUÂN THẢO
- •
Đêm hàng đêm, trong những giấc chiêm bao, mình vẫn thường mơ gặp lại những học trò cũ. Mỗi chiêm bao là một lát cắt về lớp lớp những thế hệ học trò. Và trong chiêm bao hao khuyết, những gương mặt học trò cũ như mỗi cánh cửa mở ra rất chậm, sau tiếng kèn kẹt tối là vùng ánh sáng chói lòa…
Mình vốn thuộc tupe người hướng nội, không thích những chốn đông đúc xô bồ, rất ngại nói trước đám đông. Mỗi lần có nhà báo, phóng viên đề nghị phỏng vấn hoặc ghi hình là mình chỉ “núp sau” tư vấn rồi ý nhị “nhường” cho Áo vàng. Sở thích của mình là được “gói” mình lại ngồi đọc sách, viết lách, nghe nhạc hoặc xem phim… Vậy nên kì thực, rất nhiều lần mình tự đặt câu hỏi: Sao mình lại có thể làm được nghề thầy giáo nhỉ? Mà ba mươi năm có lẻ đứng trên bục giảng tự thấy mình dạy dỗ cũng không đến nỗi nào…
Hồi học hết phổ thông mình nào biết hướng nghiệp là gì. Bố mẹ nông dân, nhà con đàn, chỉ cần được đi học đã là hạnh phúc vô bờ. Có ai đâu để mà giúp mình hướng nghiệp.
Học xong phổ thông, vì được giải học sinh giỏi toàn quốc nên mình được vào thẳng Đại học sư phạm Hà Nội. Ngày ấy, có câu “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Nhưng chỉ nghĩ đơn giản, thôi vào học sư phạm thì sẽ được bao cấp ăn uống, vậy là mừng rồi.
Thế nhưng, gắn bó với nghề rồi thì lâu dần cũng thấy yêu, thấy quý, thấy cũng có khối nỗi vấn vương vương vấn…
Mấy chục năm dạy học khắp trong nước và cả ngoài nước, mình có bao nhiêu là học trò. Có những em sau này trở thành bạn thân, thậm chí rất thân…
Ngày mới ra trường, mình còn trẻ măng lại toàn dạy học viên chuyên tu mà phần lớn các anh chị đều hơn tuổi mình. Cám cảnh thầy nghèo xơ nghèo xác sống độc thân lại nặng gánh gia đình nên học viên thương thầy lắm. Nhiều anh chị ở nội trú, thi thoảng đi chợ qua nhà lại gửi biếu thầy khi thì bó rau, lúc thì cái bánh mì hay củ khoai củ sắn… Nhà khóa cửa, các anh chị treo ở ngoài kèm theo dòng chữ: Thầy ơi, thầy nhớ ăn uống cẩn thận nhé! Về nhà mở cửa cầm bó rau đã héo, vẫn thấy lòng rộn rã những yêu thương. Có em thương thầy quá, tình nguyện xuống nấu cơm giúp thầy. Cô ấy bảo: Nhà thầy có hai thứ quý giá nhất là sách và… cái khoá cửa. Sách thì trộm nó chả thèm lấy thì thầy khoá cửa làm gì, khéo mà trộm nó bẻ mất cái khoá. Cứ để đấy chúng em xuống nấu nướng, dọn dẹp rồi khép cửa lại là xong… Mình cảm động mềm oặt cả tim…
Có những anh chị học viên đã âm thầm giúp mình qua nhiều đận khốn khó cùng cực để trụ lại với nghề. Biết mình cơ cực, các anh tìm cách liên hệ cho mình làm ngoài giờ dạy để có thêm thu nhập. Anh lớp trưởng kéo mình đi buôn rượu. Thời ấy cấm vận chuyển rượu nên hai thầy trò thường dậy từ nửa đêm lên Bắc Ninh mua rượu về Hà Nội pha loãng ra bán lại cho các quán ăn. Có lần bị quản lí thị trường tịch thu mất mấy chục lít rượu, vốn liếng không cánh mà bay. Mình xót của quá hoảng loạn đạp xe loạng choạng thế nào mà bị xe máy tông vào. Cũng anh lớp trưởng ấy hối hả đưa mình vào bệnh viện Việt Nam – Cu Ba. Hồi ấy có câu “vào Cu Ba ra Vạn Kiếp” (những bệnh nhân bị tai nạn nặng thường được chuyển vào cấp cứu ở viện này và ngõ Vạn Kiếp là cửa ra của… nhà xác). May mà rồi Trời Phật cũng rủ lòng thương nên mình chỉ bị khâu mấy mũi ở đầu. Rồi cũng chính cái lớp có anh lớp trưởng nhân từ ấy lại cử người ra viện chăm bẵm mình hàng tháng trời. Giờ, anh học viên thương yêu đã thành người thiên cổ nên mỗi lần nghĩ lại tim mình đau thắt.
Có em nữ học viên dạy học ở Việt Trì. Bà mẹ nuôi trên đó có sạp hàng bán đồ sắt ở chợ trung tâm thành phố. Em dắt mình ra chợ Đồng Xuân “hợp đồng” với “mối” hàng rồi thuyết phục mẹ cấp vốn cho mình cất hàng từ chợ Đồng Xuân lên Việt Trì cho mẹ bán để mình được hưởng tiền chênh lệch. Mẹ em thấy mình hiền lành chăm chỉ nên gật đầu cái rụp. Thế là cứ mỗi cuối tuần mình lại tay xách nách mang bao kia tải nọ lủng củng những đinh, búa, ốc vít bản lề… ngược xuôi tàu chợ tảo tần như “con buôn” chính hiệu. Lâu dần mẹ em coi mình như con. Ngoài tiền công hậu hĩnh, cụ còn may sắm cho mình từ manh quần tấm áo đến đôi dép cây bút… Đợt mình sang Campuchia dạy học vừa lúc bộ đội Việt Nam rút về nước nên nguy hiểm lắm, biết mình cực chẳng đã mới phải đi nên cụ thương mình lắm. Cụ ôm mình khóc, rồi lận lưng tặng mình một chỉ vàng, kèm theo mấy hộp cưa sắt để mình sang bên đó đặng bán đi kiếm thêm chút vốn mà làm ăn. Mãi mãi mình không bao giờ quên được nụ cười hiền thật hiền của cụ, không bao giờ quên được vòng ôm ấm áp và lời thổ lộ chân tình:.. Cô muốn lắm có được người con rể như con nhưng trái tim có lí lẽ riêng của nó phải không con! Vả lại cô biết con là người tự trọng… Vậy nên cô luôn cầu mong cho con hạnh phúc. Người như con xứng đáng được hưởng hạnh phúc Thảo à. Đi mạnh giỏi và nhớ ghi thư về cho cô… Mình ôm cụ khóc như một đứa trẻ có lỗi với mẹ mình…
Vì thế, mình luôn thầm biết ơn và trân quý biết bao nhiêu tấm lòng cô học viên ấy. Em đã lặng lẽ thương mình hết lòng, đã âm thầm chịu điều tiếng chỉ vì một chữ THƯƠNG cao đẹp thiêng liêng hơn cả chữ YÊU bội phần. Những tình cảm ấy đủ vực mình dậy sau bao tháng năm nhọc nhằn thương khó.
Mình cũng có những cô cậu học trò như anh em một nhà. Hễ nhà mình có việc là chúng đến, xốc vác, chẳng nề hà bất cứ việc gì. Đợt mình làm lễ thượng thọ tuổi 70 cho bố. Ngày ấy khốn khó trăm bề, thiếu trước hụt sau. Vậy mà chúng xúm lại mỗi đứa mỗi việc lo cho bố mình một cái lễ thượng thọ tươm tất đến đáng ngạc nhiên. Đến tận bây giờ người làng vẫn còn nhắc về buổi lễ thượng thọ ấy như một dấu mốc đẹp về sự hiếu thuận của con cái dành tặng cha mẹ…
Mình cũng có những cô học trò nhỏ dễ thương đáng yêu vô chừng. Mấy đứa còn thầm thương trộm nhớ thầy nhưng chẳng dám bày tỏ. Chúng chỉ ý nhị để lại đôi dòng thơ trong những cuốn sách, cuốn sổ tặng thầy hay trong cái khăn mua cho thầy lúc trời chuyển rét. Ví như: “Tình yêu anh như một dòng sông /Bên thì lở bên cứ bồi thêm mãi /Bên bờ lở khiến lòng em tê tái /Còn bên bồi hạnh phúc đón chờ ai…”. Mình nâng niu những tình cảm ấy. Nó đẹp lóng lánh và trong sáng vô ngần. Nên mình cứ muốn gìn giữ chúng. Như giữ pha lê. Như giữ giọt sương thu sớm mai tinh khôi lung linh trên đầu nhành cỏ…
Mình cũng có những em sinh viên nước ngoài hồn nhiên và gần gụi. Hồi mới sang Nhật công tác, đường sá mình còn chưa thông thuộc, đi siêu thị hay rút tiền trong tài khoản còn lóng nga lóng ngóng. Nhiều em đã tận tình xăng xái hướng dẫn, giúp đỡ mình. Mình không quên được những sáng mùa đông tuyết trắng, cả trường chìm trong mênh mông tuyết lạnh cóng, các em đứng đợi sẵn thầy ở lối vào lớp học, đưa cho mình miếng dán giữ nhiệt. Biết thầy nhớ món ăn Việt Nam, các em thường rủ nhau đến nhà mình ríu rít tập làm chả nem, tập nấu phở… Có lần, một nữ sinh viên xinh đẹp còn mời mình đến dự lễ seijjinshiki (lễ thành nhân) ở nhà em cách xa trường cả ngàn cây số. Nhìn em rạng rỡ trong bộ kimono truyền thống, chắp tay cầu mong những điều tốt đẹp khi bước sang một giai đoạn mới của cuộc đời, thoắt nhiên, mình cũng đưa tay lên trước ngực. Mình ước ao giá như mọi em gái Việt Nam cũng được hưởng hạnh phúc như thế, thứ hạnh phúc giản dị, ấm áp mà tròn đầy ý nghĩa. Mình cũng ước ao cái cô gái đang thánh thiện nguyện cầu trước mặt mình kia thoắt sẽ trở thành một cô gái Việt Nam…
Mình có nhiều lắm những học trò như thế…
Mỗi năm lứa học trò lại đông thêm, đông thêm… gần gũi, thân thương.
Và điều đó khiến mình cảm ơn cuộc đời, cảm ơn nghề nghiệp mà mình đã chọn.
… Đêm hàng đêm, trong những giấc chiêm bao, mình vẫn thường mơ gặp lại những học trò cũ. Mỗi chiêm bao là một lát cắt về lớp lớp những thế hệ học trò. Và trong chiêm bao hao khuyết, những gương mặt học trò cũ như mỗi cánh cửa mở ra rất chậm, sau tiếng kèn kẹt tối là vùng ánh sáng chói lòa…
Rồi bất chợt khi ấy, khi kí ức vẫn tiếp tục mở ra những cánh cửa, mở ra những rung động bất ngờ thi vị, mình bỗng thấy có một cánh tay nhẹ nhàng đập khẽ vào vai…
Có chút cảm giác ngộp thở.
Vì mình biết “cú” đập vai ấy là của một “học trò” khác, ở ngay cạnh mình.
Một học trò đặc biệt, có khả năng cãi thầy mạnh dạn và tự tin hơn bất cứ học trò khác nào mà mình từng có.
Và luôn miệng nhắc: Anh, ngày 20/11 năm nay anh không mua gì cho em á. Em mách con trai cho mà xem…
Aizaaa…. Ước gì là chiêm bao…
(Thương mến kính tặng các Thầy Cô và Bè bạn yêu quý nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam)